Quảng Ninh lấy khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo làm động lực phát triển toàn diện

19:26, 14/04/2025

Sau khi Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển khoa học công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số được ban hành, Quảng Ninh đang có những bước đi mạnh mẽ, bài bản để hiện thực hóa định hướng chiến lược này.

Nền tảng vững chắc từ tư duy đổi mới và kết quả thực tiễn

Nhận thức rõ vai trò then chốt của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, Quảng Ninh đã có nhiều nỗ lực xuyên suốt trong việc lồng ghép, triển khai các chương trình hành động cụ thể ở tất cả các ngành, lĩnh vực. Kết quả rõ rệt nhất là việc tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao của tỉnh đạt tới 45,24% tổng giá trị sản xuất công nghiệp năm 2020, vượt xa chỉ tiêu mà Nghị quyết 20-NQ/TW ngày 16 tháng 6 năm 2022 của Ban chấp hành Trung ương đề ra.

Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực chính để phát triển. Ảnh: Báo Quảng Ninh

Giai đoạn 2021-2024, chỉ số năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp vào GRDP của Quảng Ninh duy trì ở mức cao, từ 43,48% năm 2021 lên 50,01% năm 2023 và tiếp tục giữ vững trên 50% trong năm 2024. Quảng Ninh cũng liên tiếp nằm trong tốp 10 tỉnh, thành phố có chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII) cao nhất cả nước, riêng năm 2024 đứng thứ 6 với 47,82 điểm – tăng ba bậc so với năm 2023.

Trong 5 năm qua, Quảng Ninh đã triển khai 108 nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp tỉnh. Các nhiệm vụ này được lựa chọn sát với yêu cầu thực tiễn, ưu tiên phục vụ các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu và gìn giữ giá trị văn hóa, con người địa phương. Tỷ lệ kết quả nghiên cứu được bàn giao, ứng dụng đạt gần 90%, tiết kiệm cho ngân sách nhà nước hơn 28 tỷ đồng, tương đương 9% tổng mức đầu tư.

Chỉ riêng năm 2024, Quảng Ninh đã chi hơn 126 tỷ đồng cho hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, chiếm 1,78% tổng chi thường xuyên ngân sách tỉnh. Ngoài ra, tỉnh cũng tích cực huy động nguồn lực xã hội đầu tư vào lĩnh vực này, ghi nhận nhiều kết quả tích cực ở doanh nghiệp và cộng đồng dân cư.

Thúc đẩy ứng dụng, lan tỏa hiệu quả vào mọi lĩnh vực

Từ góc nhìn thực tế, bà Phạm Thị Nga - Phó Giám đốc Công ty TNHH Ngọc Khánh VT (TP. Móng Cái), chia sẻ: "Để phát triển bền vững, việc ứng dụng khoa học công nghệ là tất yếu. Chúng tôi thấy rõ hiệu quả từ việc áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào nuôi trồng và chế biến thủy sản”. Sự đồng hành của các cơ quan chức năng, đặc biệt là Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh, đã tạo dựng được niềm tin của doanh nghiệp.

Đến nay, Quảng Ninh đã thành lập được 25 doanh nghiệp khoa học công nghệ, đứng trong nhóm các địa phương có số lượng cao nhất toàn quốc. Trên địa bàn có 33 tổ chức khoa học công nghệ, 2 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, 39 phòng thí nghiệm đạt chuẩn LAS, VILAS và hơn 3.000 nhân lực hoạt động trong lĩnh vực khoa học công nghệ, trong đó trên 50% có trình độ đại học trở lên.

Trong nông nghiệp, việc áp dụng khoa học công nghệ đã thay đổi mạnh mẽ tập quán sản xuất. Người dân từng bước chuyển từ mô hình nhỏ lẻ sang sản xuất tập trung, truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu sản phẩm. Tính đến nay, đã có 249/394 sản phẩm OCOP của tỉnh được đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Các sản phẩm đặc sản của địa phương cũng được bảo hộ nhãn hiệu tập thể, góp phần tăng giá trị từ 15-20% và mở rộng kênh tiêu thụ qua siêu thị, sàn thương mại điện tử.

Các doanh nghiệp công nghiệp, nhất là ngành than – trụ cột kinh tế của tỉnh, cũng đẩy mạnh tự động hóa, cơ giới hóa, nâng cao năng suất, giảm lệ thuộc vào công nghệ nhập khẩu. Nhiều đơn vị đã tự thiết kế, chế tạo thiết bị, tiết kiệm đến 30% chi phí, giá thành chỉ bằng 2/3 so với sản phẩm nhập khẩu.

Trong lĩnh vực y tế, hệ thống khám chữa bệnh được đầu tư đồng bộ cả về trang thiết bị hiện đại và giải pháp công nghệ. Giáo dục thông minh đã có mặt tại hầu hết trường học, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học. Các ngành kinh tế biển, du lịch cũng đang ứng dụng công nghệ mạnh mẽ để tăng sức cạnh tranh và đón đầu xu thế chuyển đổi số toàn cầu.

Đặc biệt, chuyển đổi số đang làm thay đổi toàn diện cách điều hành, quản lý của chính quyền các cấp và phương thức sản xuất, sinh hoạt của người dân. KHCN giúp thúc đẩy cải cách hành chính, nâng cao chất lượng công vụ, tiết kiệm chi phí, thời gian cho cả cơ quan quản lý và người dân. Nhờ đó, nhiều năm liên tiếp Quảng Ninh duy trì tăng trưởng kinh tế hai con số, đứng đầu các bảng xếp hạng PCI, PAR Index, DTI...

Từ nền tảng đã có và quyết tâm chính trị rõ ràng, Quảng Ninh đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu trở thành địa phương dẫn dắt đổi mới sáng tạo, phát triển khoa học công nghệ gắn với chuyển đổi số toàn diện – đúng theo tinh thần Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị.