Tận dụng tối đa lợi thế của Cách mạng công nghiệp 4.0 trong phát triển ngành Công nghiệp môi trường
Phát triển ngành Công nghiệp môi trường là một nội dung quan trọng trong tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Việt Nam đang tích cực hòa nhập và tận dụng các lợi thế của Cách mạng công nghiệp 4.0 trong phát triển ngành Công nghiệp môi trường.
Phát triển ngành Công nghiệp môi trường được hưởng lợi lớn từ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0
Nếu cuộc cách mạng công nghiệp đầu tiên sử dụng năng lượng nước và hơi nước để cơ giới hóa sản xuất. Cuộc cách mạng công nghiệp lần 2 diễn ra nhờ ứng dụng điện năng để sản xuất hàng loạt. Cuộc cách mạng công nghiệp lần 3 sử dụng điện tử và công nghệ thông tin để tự động hóa sản xuất. Thì cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là sự tổng hòa, kế thừa và sáng tạo một cách hoàn hảo khi kết hợp các công nghệ lại với nhau, làm mờ ranh giới giữa vật lý, kỹ thuật số và công nghệ sinh học.
Cách mạng công nghiệp 4.0 đã mở ra một kỷ nguyên mới với nhiều cơ hội nhưng cũng không ít khó khăn và thách thức. Sau 3 cuộc cách mạng tiên phong, cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã mở màn một cách ngoạn mục khi cho ra đời hàng loạt công nghệ thông minh áp dụng công nghệ 4.0.
Sự xuất hiện của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã giúp xóa nhòa mọi ranh giới giữa vạn vật, làm biến đổi mọi nền công nghiệp ở tất cả quốc gia trên thế giới. Những thay đổi này tạo nên sự biến đổi của toàn bộ các hệ thống sản xuất, quản lý và quản trị trên thế giới.
Cách mạng công nghiệp 4.0 đem tới nhận thức đầy đủ hơn về ngành Công nghiệp môi trường trong sự phát triển chung của các ngành kinh tế trong cả nước
Trước đây, việc tiếp cận các nguồn thông tin về công nghiệp môi trường còn hạn chế do các thủ tục quản lý hồ sơ đa phần được lưu trữ bằng bản giấy; thông tin về lĩnh vực công nghiệp môi trường trong nước và quốc tế hầu như không được cập nhật, hướng dẫn trực tiếp đến các địa phương. Để có thể tiếp cận nguồn thông tin này, các địa phương cũng phải trực tiếp đến đăng ký với các cơ quan chức năng để được cung cấp nên gây ra không ít khó khăn, phiền phức.
Cách mạng công nghiệp 4.0 mang đến nguồn tri thức và khả năng kết nối không giới hạn trên toàn thế giới |
Hiện nay, khoa học công nghệ phát triển nhanh cùng với đó là sự quan tâm của Chính phủ trong việc đẩy mạnh phát triển ngành Công nghiệp môi trường thành một ngành kinh tế quan trọng, ngành Công nghiệp môi trường đã cơ bản tạo dựng được chỗ đứng trong sự phát triển chung của đất nước. Các thông tin về công nghiệp môi trường được đăng tải thường xuyên hơn trên các cơ quan báo chí, truyền thông đã đem đến cho các địa phương nhiều bài học quý báu trong việc ứng dụng các “mô hình hay, cách làm hiệu quả” trong việc phát triển ngành Công nghiệp môi trường tại địa phương mình.
Dưới tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, hệ thống thông tin về ngành Công nghiệp môi trường đã có những bước chuyển mình đầy mạnh mẽ. Việc kết nối thông tin qua internet tạo ra quá trình trao đổi, tiếp cận tri thức và tăng cường hiệu quả phổ cập tri thức mới về ngành Công nghiệp môi trường đến khắp các địa phương, đảm bảo mức độ truyền đạt đầy đủ thông tin từ Chính phủ đến địa phương, từ cơ quan quản lý nhà nước đến doanh nghiệp đang tham gia vào phát triển ngành Công nghiệp môi trường. Bên cạnh đó, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 với các phát minh vĩ đại về thiết bị thông minh, smart phone, máy tính đã giúp con người tiếp cận nhanh hơn với tri thức mới từ thế giới, rút ngắn khoảng cách và tận dụng tối đa nguồn tri thức của nhân loại trong lĩnh vực công nghiệp môi trường.
Bên cạnh đó, những tiến bộ vượt bậc trong cuộc cách mạng công nghệ cùng sự vươn lên và phổ biến của IoT (Internet vạn vật) cũng như công nghệ AI góp giúp doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức chủ động tiếp cận nguồn tri thức từ khắp mọi lĩnh vực thông qua các thiết bị thông minh có kết nối Wifi. Đây là cơ sở để những tổ chức, doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp môi trường có thể tiếp cận đầy đủ hơn, nâng cao hiệu quả tổng hợp thông tin, phân tích, giải quyết các vấn đề có liên quan đến công nghiệp môi trường.
Ngoài những lợi thế trong tăng cường, bổ sung đầy đủ hơn về thông tin ngành Công nghiệp môi trường trong sự phát triển chung của các ngành kinh tế trong cả nước, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 còn làm thay đổi toàn diện các công nghệ, thiết bị, tư duy quản lý trong sản xuất các sản phẩm công nghiệp phục vụ bảo vệ môi trường.
Phát triển sản xuất, chế tạo, cung cấp các thiết bị, phương tiện, dụng cụ, sản phẩm bảo vệ môi trường có nhiều thay đổi bước ngoặt
Cách mạng công nghiệp 4.0 tác động tích cực đến lĩnh vực môi trường nói chung và lĩnh vực công nghiệp môi trường nói riêng. Các công nghệ mới, hiện đại đã ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình sản xuất, chế tạo, cung cấp các thiết bị, phương tiện, dụng cụ, sản phẩm bảo vệ môi trường.
Cách mạng công nghiệp 4.0 với nền tảng công nghệ thông tin, kỹ thuật số tác động tích cực, mang lại hiệu quả cao hơn cho công tác quản lý, điều hành và triển khai sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp môi trường.
Tính đến thời điểm hiện tại, việc ứng dụng các sản phẩm công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 vào sản xuất các thiết bị, sản phẩm phục vụ bảo vệ môi trường trên địa bàn cả nước đã có nhiều chuyển biến tích cực. Nhiều địa phương đã tăng cường tiềm lực đầu tư cho các sản phẩm khoa học công nghệ cao, dự án sản xuất các máy, thiết bị xử lý nước thải, khí thải, dây chuyền lò đốt rác công suất vừa và nhỏ đáp ứng yêu cầu của địa phương và tung ra đáp ứng thị trường trong nước. Nhiều thiết bị, sản phẩm thiết bị lọc nước sinh hoạt, chế phẩm xử lý môi trường nước, rác thải đã được đầu tư nghiên cứu, chế tạo và lưu hành trên toàn quốc. Nhiều địa phương đã triển khai phát triển công nghệ, thay thế các quy trình công nghệ đã cũ bằng những công nghệ mới, hiệu quả như công nghệ ủ phân vi sinh để xử lý chất thải hữu cơ; công nghệ đốt không sử dụng nhiên liệu; nghiên cứu, ứng dụng các loại chế phẩm sinh học như EM, L2100CHV, Sagi Bio-1, Hatimic, EMIC... để xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình.
Nhiều sản phẩm công nghệ phục vụ bảo vệ môi trường đã được triển khai ứng dụng và mang lại hiệu quả trực tiếp như: quan trắc tự động môi trường ở các điểm xả thải, đo tự động mức độ ô nhiễm đối với các yếu tố môi trường như nước thải, không khí, áp dụng trong dự báo cảnh báo ô nhiễm môi trường… Bên cạnh đó, các công nghệ số hóa các dữ liệu, số liệu quản lý; ứng dụng AI, Big data, Block chain, IoT trong kiểm soát, dự báo ô nhiễm môi trường cũng là các ví dụ sinh động để chúng ta có thể nhận thấy sức ảnh hưởng to lớn của Cách mạng công nghiệp 4.0 đến ngành Công nghiệp môi trường.
Cuộc Cách mạng công nghiêp 4.0 cũng đem lại cho các địa phương nhiều cơ hội tiếp cận những thành tựu khoa học hiện đại trong xử lý nước thải như công nghệ xử lý bằng sinh học như Aeroten, màng lọc sinh học AAO, công nghệ bể phản ứng màng MBR...
Nhiều công nghệ hiện đại xử lý chất thải y tế cũng đã được triển khai như công nghệ lò đốt 2 buồng (lò CHUWASTAR - công nghệ Nhật Bản; lò ATI - công nghệ Pháp; lò INCINER 8 - công nghệ Anh) hay công nghệ xử lý chất thải y tế bằng thiết bị hấp nhiệt ướt…
Đối với công nghệ xử lý chất thải chăn nuôi, trong thời gian qua, một số công nghệ mới đã được nghiên cứu thử nghiệm và áp dụng tại một số trang trại và bước đầu cho thấy hiệu quả tích cực trong việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường do chất thải chăn nuôi như: công nghệ sinh học giá thể cố định MBBR kết hợp hóa lý để xử lý nước thải chăn nuôi sau biogas; công nghệ kết hợp chế phẩm sinh học; hệ thống tự động xử lý nước thải sau biogas…
Phát triển công nghệ bảo vệ môi trường, sử dụng bền vững tài nguyên và phục hồi môi trường thay đổi theo hướng hiện đại hơn
Công tác nghiên cứu ứng dụng công nghệ bảo vệ môi trường, ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ vào bảo vệ môi trường, sử dụng bền vững tài nguyên và phục hồi môi trường tại các địa phương trên cả nước cơ bản đã được quan tâm, đầu tư và khuyến khích đúng mực trong thời gian qua.
Nhiều địa phương thông qua nắm bắt công nghệ tiên tiến trên thế giới đã tích cực triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, kiểm soát môi trường đem lại hiệu quả trong công tác quan trắc môi trường, phân tích các thành phần môi trường một cách có hệ thống, liên tục có thể truy xuất theo thời gian. Đây cũng là tiền đề bên cạnh các công cụ xử lý số liệu hiện đại đã mang lại hiệu quả cho công tác dự báo, phòng chống, khắc phục ô nhiễm môi trường, sự cố môi trường.
Nhiều mô hình có hiệu quả như: Trung tâm điều hành trạm quan trắc tự động đã được chuyển giao, vận hành, thực hiện kết nối truyền nhận dữ liệu 24/24h với các trạm quan trắc nước thải, khí thải tự động của các đơn vị có nguồn phát thải; Phần mềm giám sát xe vận chuyển chất thải thông qua việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (ứng dụng công nghệ định vị toàn cầu GPS) cũng được nghiên cứu và ứng dụng để giám sát hoạt động của các phương tiện vận chuyển chất thải đã được triển khai có hiệu quả qua đó đóng góp vào thành công chung của ngành Công nghiệp môi trường. Nhiều tỉnh đã triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu GIS các nguồn nước thải điểm phục vụ công tác quản lý và kiểm soát ô nhiễm môi trường thông qua việc tổng hợp, phân tích, đánh giá các thông tin, dữ liệu từ các nguồn thải điểm; thiết lập các hệ số phát thải đối với các tác nhân ô nhiễm chính; thiết lập cơ sở dữ liệu GIS trên bản đồ số hoá 1:100.000 về các nguồn thải điểm đã đem lại những mảng màu tươi sáng, hiệu quả kinh tế cho phát triển công nghiệp môi trường của địa phương.
Bên cạnh đó, nhiều địa phương đã đổi mới công nghệ, thay đổi mô hình công nghệ tái chế chất thải rắn để sản xuất thành sản phẩm khác góp phần sử dụng bền vững nguồn tài nguyên và giảm chi phí sản xuất và bảo vệ môi trường. Lĩnh vực tái chế nhựa, sản xuất vật liệu từ rác thải với công nghệ hiện đại, mức độ tự động cao từ nguyên liệu đầu vào đến sản phẩm cuối cùng cũng đã thay đổi theo hướng hiện đại hơn.
Về phát triển các sản phẩm tiết kiệm năng lượng, thiết bị điện sử dụng năng lượng tái tạo
Đa phần các địa phương trên cả nước đã triển khai thực hiện nâng cao chất lượng thẩm định đánh giá tác động môi trường, thẩm định công nghệ đối với các Dự án đầu tư trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển. Rà soát và loại bỏ các dự án có công nghệ lạc hậu, tiêu tốn nguyên nhiên liệu. Ứng dụng sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng tái tạo trong sản xuất, sinh hoạt, đời sống quá đó tăng hiệu quả sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh của các doanh nghiệp.
Đầu tư, tuyển chọn thực hiện nhiều nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước liên quan đến lĩnh vực sử dụng hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Các nhiệm vụ khoa học và công nghệ đã tập trung đánh giá thực trạng, triển khai và đề xuất các mô hình, giải pháp quản lý, sử dụng hợp lý tài nguyên và Bảo vệ môi trường. Trong đó có nhiều đề tài liên quan đến xử lý nước, xử lý rác thải, xác định trữ lượng các - bon, sản xuất vật liệu, chế phẩm xử lý ô nhiễm môi trường, năng lượng mới, bảo tồn và phục hồi môi trường sinh thái…
Thẩm định và cấp giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao công nghệ cho các hợp đồng chuyển giao công nghệ xử lý nước thải; chuyển giao công nghệ sản xuất nhựa sinh học; chuyển giao công nghệ đối với nhiều dự án liên quan đến hoạt động xử lý chất thải, bảo vệ môi trường và sử dụng hiệu quả tài nguyên.
Tận dụng lợi thế của Cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển ngành Công nghiệp môi trường như thế nào để đạt được hiệu quả?
Lợi thế của Cách mạng công nghiệp 4.0 đem lại trong phát triển ngành Công nghiệp môi trường chính là khoa học công nghệ mới, tri thức mới, con người mới, và các sản phẩm mới.
Tận dụng tốt đội ngũ cán bộ có chuyên môn cao được đào tạo bài bản tại các nước công nghiệp phát triển bên cạnh việc làm chủ được khoa học - công nghệ và tăng cường bồi dưỡng kỹ năng lao động, tác phong công nghiệp, ý thức kỷ luật là điều kiện tiên quyết để có thể phát triển ngành Công nghiệp môi trường hiệu quả, có chiều sâu.
Bên cạnh đó kịp thời bổ sung, sửa đổi, xây dựng chính sách đào tạo; điều chỉnh, bổ sung quy hoạch mạng lưới các cơ sở đào tạo, giáo dục có chuyên ngành công nghiệp môi trường; khuyến khích các doanh nghiệp ngành Công nghiệp môi trường dành kinh phí và thời gian cho đào tạo nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ nhân lực trong lĩnh vực công nghiệp môi trường và sẵn sàng tâm thế đón đầu, tận dụng được những cơ hội từ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại khi đó Việt Nam mới có thể đưa ngành Công nghiệp môi trường bước lên một tầm cao mới.
Trong xã hội ngày càng phát triển đặc biệt là công nghệ cao ngày càng phổ biến và dễ dàng sử dụng hơn, do đó việc áp dụng lợi thế của Cách mạng công nghiệp 4.0 trong phát triển ngành Công nghiệp môi trường sẽ không còn là bài toán khó. Trên thế giới đã có rất nhiều nước áp dụng thành công được công nghệ cao trong lĩnh vực Công nghiệp môi trường như Hàn Quốc, Nhật Bản hay một số nước có một nền công nghiệp hàng đầu như Mỹ, Đức, Phần Lan… Thay đổi tư duy, tiếp cận tri thức và triển khai khoa học công nghệ tiên tiến trên nền tảng chuyển đổi số là giải pháp nhanh nhất giúp ngành Công nghiệp môi trường Việt Nam tiến bước, đảm bảo tốt việc thực hiện Đề án phát triển ngành Công nghiệp môi trường Việt Nam đến năm 2025.
Theo congnghiepmoitruong.vn