Thách thức và cơ hội cho ngành an toàn thông tin Việt Nam
Sáng 27/01, tại khách sạn Hilton, Cục An toàn thông tin đã phối hợp với Công ty Cổ phần An ninh mạng Việt Nam tổ chức hội thảo Cyber Security: Những thách thức và con đường phía trước nhằm tổng kết 2020 và đưa ra những nhận định, cơ hội cho năm 2021.
- Tăng cường phối hợp công tác bảo đảm An toàn thông tin mạng
- Cục An toàn thông tin sẽ thành lập Mạng lưới ứng cứu, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng
- VPBank được cấp chứng chỉ ISO/IEC 27001: 2013 về An toàn thông tin
- Bộ Tư pháp hướng dẫn tải tài liệu an toàn thông tin
- VSEC ra mắt dịch vụ giám sát an toàn thông tin Make in Vietnam
Tới dự chương trình và phát biểu khai mạc hội thảo có sự góp mặt của ông Nguyễn Thành Phúc - Cục trưởng Cục An toàn thông tin (ATTT) - Bộ Thông tin & Truyền thông, ông Trần Nguyên Chung - Trưởng phòng An toàn hệ thống thông tin - Cục ATTT, ông Trương Đức Lượng - TGĐ Công ty Cổ phần An ninh mạng Việt Nam (VSEC), và đại diện đến từ các đơn vị đồng hành tổ chức của công ty bảo mật CheckPoint Việt Nam, tổ chức xã hội CyberKid, đơn vị bảo trợ truyền thông BeatVN.
Phát biểu khai mạc, Ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục ATTT đưa ra nhiều con số về hệ sinh thái IOT. Hiện nay, cứ mỗi giây, có 127 thiết bị IoT đang được kết nối với internet. Dự báo, đến năm 2025, trung bình một người sẽ có khoảng 9 thiết bị iOT được kết nối với internet. Sự gia tăng nhanh chóng của các thiết bị IoT cùng với nguồn dữ liệu khổng lồ được sản sinh sẽ đặt ra những yêu cầu mới trong tiếp cận và triển khai các biện pháp ATTT cho các tổ chức.
Cũng tại Hội thảo, các đơn vị lần lượt trình bày về các vấn đề ATTT nổi bật trong năm 2020. Đơn vị tổ chức Công ty cổ phần An ninh mạng Việt Nam đã có bài trình bày tổng quan ngành đánh quá ATTT qua những sự kiện ATTT nổi bật năm 2020 và các lỗ hổng bảo mật phổ biến tồn tại trọng hệ thống CNTT tại Việt Nam. Checkpoint cũng chia sẻ về vấn đề ATTT trong chuyển đổi số, về những cơ hội và thách thức của Việt nam trong thời kỳ này.
Khối chuyên gia bảo mật VSEC cho biết, trên thế giới, mỗi phút có 720 người là nạn nhân của tội phạm mạng, tương đương 1.000.000 nạn nhân tội phạm mạng 1 ngày. Dự báo thiệt hại do mất an toàn thông tin mạng tăng trung bình 15%/năm bao gồm: phá hủy dữ liệu, đánh cắp tiền, gian lận, gián đoạn kinh doanh, tổn phí điều tra...Tại Việt Nam trong 2 năm gần đây, mỗi năm có trên 5000 cuộc tấn công mạng xảy ra và trên 7.000.000 địa chỉ IP bị nhiễm mã độc. Các chỉ số này có thể tăng gấp đôi nếu chúng ta không có các biện pháp bảo đảm an toàn thông tin phù hợp.
Theo các chuyên gia, nguy cơ mất ATTT càng nhức nhối, đáng lo ngại hơn đối với nhóm yếu thế, đặc biệt là trẻ em. Trong chia sẻ tại hội thảo, CyberKid - Tổ chức xã hội bảo vệ an toàn của trẻ em Việt Nam trước các mối đe dọa an ninh mạng khi tương tác trên Internet cho biết có đến 10,000 trẻ em là nạn nhân của tội phạm mạng được báo cáo từ 53 nước thành viên, 720,000 bức ảnh trẻ em bị lạm dụng tình dục bị đăng tải lên internet mỗi ngày, 706,435 trường hợp trẻ em bị xâm hại tình dục trên mạng được báo cáo…
Cũng trong khuôn khổ chương trình, phần tọa đàm về Xu hướng ATTT 2021 tại Việt Nam đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của các đơn vị, doanh nghiệp và sự chia sẻ của các chuyên gia ngành bảo mật cùng các đại diện của Cục ATTT. Đại diện cục ATTT cho biết: "An toàn thông tin là điều kiện cơ bản, sống còn để chuyển đổi số quốc gia, chuyển đổi số quốc gia tạo điều kiện cho ngành ATTT phát triển bứt phá. Năm 2021, Việt Nam định hướng tự chủ công nghệ, giải pháp, dịch vụ ATTT mạng sẽ là giải pháp căn cơ để đảm bảo ATTT, đẩy mạnh phát triển sản xuất sản phẩm an toàn thông tin mạng đáp ứng nhu cầu trong nước, có khả năng cạnh tranh quốc tế. Năm 2020 VN đã làm chủ được 90% các dòng sản phẩm, năm 2021 phấn đấu 100% dòng sản phẩm ATTT trong hệ sinh thái sản phẩm ATTT sẽ do Việt Nam sản xuất".
Chia sẻ tại tọa đàm, Ông Trương Đức Lượng cho biết: "những dữ liệu có giá trị về mặt thông tin và tài chính luôn là con mồi béo bở của tin tặc. Tiêu biểu về giá trị tài chính là khối tài chính - ngân hàng và các công ty thuộc khối Fintech. Khối tài chính - ngân hàng thì vấn đề ATTT tuy đã nhận được sự quan tâm đúng mức nhưng tần suất tấn công vẫn liên tục gia tăng do giá trị nó mang lại. Hơn thế nữa, khối Fintech lại đang đối mặt với nhiều rủi ro, vì Fintech có thiên hướng nhiều về phát triển nhanh nên việc để ý cho phần hạ tầng, vận hành ATTT dễ bị bỏ ngỏ. Lý do thứ hai là Fintech có số lượng thông tin khách hàng lớn. Thông thường lên đến hàng triệu, do đó nếu có sự cố thì giá trị mất đi thật sự khổng lồ."
Về các giá trị thông tin thì khối nhà nước sẽ là mục tiêu chủ yếu của tin tặc. Khối nhà nước hiện chuyển dần sang chính phủ điện tử, chính quyền số. Khi thông tin được số hóa thì đó sẽ là mục tiêu kẻ tấn công tập trung vào khai thác.
Bên cạnh đó, các chuyên gia ATTT dự đoán năm 2021 các cuộc tấn công lừa đảo trực tuyến vẫn rất phức tạp, gia tăng về số lượng và phương thức. Đặc biệt, khi xu hướng làm việc trực tuyến phát triển cũng làm tăng khả năng người dùng có thể bị tiếp cận những mối đe dọa trên không gian mạng, với những cách thức tấn công phổ biến như Ransomeware, Phishing, Ddos...
Theo Trường Thịnh/dantri.com.vn