Thanh Hóa: Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất
Viện Nông nghiệp Thanh Hóa đã tích cực đẩy mạnh việc nghiên cứu, ứng dụng các đề tài, dự án khoa học công nghệ (KHCN) vào sản xuất nông nghiệp, góp phần tăng năng suất, sản lượng và thu nhập cho người nông dân.
- Thanh Hóa lên kế hoạch tiêm vaccine COVID-19 cho học sinh
- Thanh Hoá ra mắt Cổng thông tin phòng, chống Covid-19
- Thanh Hóa: Bắt giam đối tượng dùng mạng xã hội xâm phạm An ninh quốc gia
- Thanh Hóa: Hoàn thành lắp thiết bị giám sát hành trình cho hơn 1000 tàu cá
- Thanh Hoá: Phong tỏa tạm thời Bệnh viện Đa khoa Hợp Lực
- T&T Group 50.000 bộ kít xét nghiệm nhanh Covid-19 trị giá 7,5 tỷ đồng cho Thanh Hóa và Kiên Giang
- Thanh Hoá: Hơn 2.100 điểm thi học kỳ có dấu hiệu sửa, xoá
- Sở GD&ĐT Thanh Hóa thông tin vụ thiết bị dạy học bị phản ánh kém chất lượng
Sau nhiều năm nghiên cứu, ứng dụng và thực nghiệm dự án “Ứng dụng tiến bộ KH&CN sản xuất và chế biến nấm linh chi”, đến nay, Viện Nông nghiệp Thanh Hóa đã làm chủ và chủ động xây dựng quy trình trồng nấm linh chi sử dụng công nghệ tưới phun sương tự động, trồng 2 vụ/năm.
Bà Phạm Thị Lý, Trưởng Phòng Phân tích và Thí nghiệm, Viện Nông nghiệp Thanh Hóa, chia sẻcho biết: "Công nghệ này dùng nguyên liệu mùn cưa và các chất phụ gia ủ trong thời gian 3 - 7 ngày. Sau đó, phối trộn mùn cưa với các chất phụ gia, đóng hỗn hợp đó vào túi nilon chịu nhiệt rồi cấy giống tại phòng cấy, chuyển bịch nấm sang phòng ươm bịch, nuôi sợi. Nhờ việc sử dụng công nghệ này, mỗi năm chúng tôi sản xuất ra 30.000 vạn bịch nấm linh chi các loại, tạo ra 4 sản phẩm từ nấm linh chi gồm trà túi lọc linh chi, rượu linh chi, linh chi lát, linh chi quả thể. Các sản phẩm đều đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, với quy mô hàng hóa lớn để cung ứng ra thị trường. Cùng với đó, chúng tôi cũng chú trọng đến việc chuyển giao thành tựu KHCN về sản xuất nấm linh chi cho người dân, doanh nghiệp. Từ đó, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, giá trị kinh tế cho người trồng nấm".
Trong thời gian tới, Viện Nông nghiệp Thanh Hóa sẽ tiếp tục nghiên cứu, phát triển các sản phẩm từ nấm linh chi theo hướng thương mại hóa; đồng thời, đưa vào đăng ký sản phẩm thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) để mở rộng thị trường tiêu thụ vào các kênh phân phối lớn như siêu thị, các cửa hàng thực phẩm sạch...
Nói về đẩy mạnh việc nghiên cứu, ứng dụng các đề tài, dự án KHCN vào sản xuất nông nghiệp, ông Lê Khắc Chiến, Phó viện trưởng Viện Nông nghiệp Thanh Hóa, cho biết: "Thông qua việc nghiên cứu, nhiều loại giống mới, quy trình công nghệ, tiến bộ kỹ thuật đã được đưa vào ứng dụng... Từ đó, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, giảm chi phí sản xuất, làm tăng lợi nhuận và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân".
Mô hình trồng rau thủy canh trong nhà lưới ứng dụng khoa học công nghệ tại Viện Nông nghiệp Thanh Hóa.
Trong 9 tháng năm 2021, viện đã thực hiện được 12 nhiệm vụ, gồm 2 nhiệm vụ KHCN cấp quốc gia, 2 nhiệm vụ KHCN cấp bộ thuộc chương trình nông thôn, miền núi, 8 nhiệm vụ KHCN cấp tỉnh. Nhiều đề tài, dự án có chất lượng và có tính ứng dụng cao như Dự án “Ứng dụng KHCN xây dựng mô hình sinh sản và nuôi thương phẩm bò lai hướng thịt an toàn sinh học, theo chuỗi giá trị tại các huyện trung du, miền núi tỉnh Thanh Hóa”; Dự án “Xây dựng mô hình sản xuất lúa gạo an toàn theo chuỗi giá trị tại các huyện nông thôn miền núi tỉnh Thanh Hóa”; Dự án “Ứng dụng tiến bộ KHCN nhân rộng mô hình sản xuất và chế biến nấm đông trùng hạ thải tại tỉnh Thanh Hóa”...
Ngoài ra, một số đề tài, dự án đã có ảnh hưởng đến cơ cấu và chất lượng cây trồng, vật nuôi của tỉnh như Đề tài “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ sản xuất tinh trâu cọng rạ phục vụ công tác cải tạo, nâng tầm vóc đàn trâu tại Thanh Hóa”; dự án “Nghiên cứu, trồng sản xuất thử một số giống cây nuôi cấy mô phục vụ tái cơ cấu ngành lâm nghiệp Thanh Hóa”.
Cùng với đó, viện đã thực hiện được 15 nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, liên doanh, liên kết; trong đó có 4 nhiệm vụ về nông nghiệp, lâm nghiệp; 2 nhiệm vụ về chăn nuôi, thủy sản; 8 nhiệm vụ về tư vấn và nhiệm vụ kinh doanh các sản phẩm mang thương hiệu Viện Nông nghiệp.
Phát huy kết quả đạt được, thời gian tới viện tiếp tục tập trung vào các chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chương trình về sản phẩm đặc thù của tỉnh để tạo ra sản phẩm KHCN có chất lượng cao.
Đồng thời, tiếp tục triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ KHCN đã được phê duyệt; chủ động tham mưu chỉ đạo, xây dựng các ý tưởng đề tài, dự án KHCN... Qua đó, khẳng định vai trò của KHCN là then chốt, là động lực trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Minh Triết (T/h)