Thị trường chứng khoán Hàn Quốc vượt qua cuộc khủng hoảng chính trị

13:43, 06/01/2025

Hàn Quốc đã tránh được cú sốc tài chính ngay cả khi đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng chính trị, nhấn mạnh mức độ trưởng thành của thị trường được củng cố bởi những nỗ lực nhanh chóng của các nhà chức trách nhằm trấn an nhà đầu tư.

Các quỹ đầu tư nước ngoài đã mua ròng trái phiếu chính phủ vào tháng 12 và phần bù rủi ro chống lại tình trạng vỡ nợ của Hàn Quốc đã đạt mức cao nhất trong bốn tháng. Điều này cho thấy các nhà đầu tư vẫn duy trì niềm tin vào nước này bất chấp cuộc khủng hoảng chính trị liên quan tới việc ban bố thiết quân luật của Tổng thống Yoon Suk Yeol vào ngày 3/12/2024 - động thái dẫn đến việc ông bị các nhà lập pháp luận tội.

Leonard Kwan, Giám đốc danh mục đầu tư của chiến lược trái phiếu thị trường mới nổi của T. Rowe Price Group cho biết: "Chúng tôi xem Hàn Quốc là một thị trường phát triển trong số các thị trường mới nổi”. Những sự cố vừa qua thực sự đã nâng cao vị thế của Hàn Quốc vì các tổ chức đã hoạt động theo đúng khuôn khổ và các rào chắn đã được dựng lên.

Cuộc khủng hoảng thiết quân luật của Hàn Quốc diễn ra vào ban đêm và rạng sáng, các cơ quan tài chính đã phản ứng với tình hình bằng cách cam kết hỗ trợ thanh khoản để xoa dịu sự lo lắng của các nhà đầu tư. Các nhà chức trách đã tổ chức các cuộc họp gần như hàng ngày trong những tuần gần đây để đảm bảo sự ổn định của thị trường. Họ đã thực hiện hành động tương tự vào ngày 30/12/2024 sau thảm họa hàng không dân dụng tồi tệ nhất của đất nước.

Mặc dù đồng won Hàn Quốc là tiền tệ giảm mạnh nhất trong số các tiền tệ châu Á trong quý IV/2024, các nhà đầu tư cho biết một phần nguyên nhân của sự sụt giảm đó là do xu hướng đồng đô la mạnh và rủi ro thương mại toàn cầu liên quan đến Tổng thống đắc cử Donald Trump, chứ không phải do tình hình chính trị trong nước.

Maximillian Lin, chiến lược gia FX châu Á tại CIBC cho biết: "Bộ Tài chính và Ngân hàng trung ương Hàn Quốc đã xử lý cú sốc này rất tốt". Mặc dù đồng won và cổ phiếu đã bị bán tháo ngay sau lệnh thiết quân luật, nhưng "biến động giá không cho thấy sự hoảng loạn lan rộng trên thị trường".

Lệnh cấm bán khống của chính phủ có thể cũng đã giúp ngăn chặn sự sụp đổ của thị trường chứng khoán. Các hạn chế được áp dụng trong hơn một năm qua được coi là trở ngại đối với nỗ lực của quốc gia này nhằm giành được vị thế thị trường phát triển từ MSCI.

Bên cạnh đó, lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của nước này đã tăng bất chấp triển vọng cắt giảm lãi suất của ngân hàng trung ương, cho thấy trái phiếu này không được xem là nơi trú ẩn an toàn. Hơn nữa, trong khi các nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 1.860 tỷ won (1,3 tỷ USD) trái phiếu chính phủ vào tháng 12, thì con số này vẫn ít hơn so với mức gần 3.000 tỷ won vào cùng kỳ năm trước.

Sự thận trọng phản ánh những bất ổn rộng hơn, vì vẫn còn quá sớm để đưa ra tín hiệu cho thấy tâm lý chấp nhận rủi ro đã được xóa bỏ. Vào ngày 27/12, Quốc hội Hàn Quốc đã bỏ phiếu luận tội Quyền Tổng thống Han Duck-soo, làm gia tăng mối lo ngại về tình trạng thiếu hụt lãnh đạo.

Và nền kinh tế đang cho thấy những dấu hiệu căng thẳng. Bộ Tài chính Hàn Quốc đã hạ dự báo tăng trưởng cho năm 2025 và niềm tin kinh doanh đã giảm mạnh nhất kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Cổ phiếu Hàn Quốc là cổ phiếu có hiệu suất kém nhất ở châu Á vào năm ngoái khi những trở ngại ngày càng gia tăng đối với quốc gia này.

Anushka Shah, Giám đốc tín dụng cấp cao tại Moody's Ratings cho biết: "Một giai đoạn xung đột chính trị kéo dài ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế và dẫn đến tình trạng đình công, đặc biệt là làm trầm trọng thêm những thách thức hiện tại do tình trạng thiếu hụt nhân viên y tế nghiêm trọng và cản trở niềm tin kinh tế, sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới việc xếp hạng tín nhiệm”.

Tuy nhiên, bất chấp những đợt biến động của thị trường, vẫn có rất ít lo ngại về sự ổn định của hệ thống tài chính Hàn Quốc. Trong nỗ lực thu hút các quỹ nước ngoài và giành được chấp thuận vào các chỉ số hàng đầu, các cơ quan chức năng đã thực hiện các biện pháp vào năm 2024 để cải thiện khả năng tiếp cận thị trường, chẳng hạn như kéo dài giờ giao dịch đồng won cho đến 2 giờ sáng theo giờ địa phương.

Điều này đánh dấu sự thay đổi so với quá khứ, khi chính phủ giới hạn giao dịch ngoại hối chỉ trong vài giờ mỗi ngày vì lo ngại các nhà đầu tư toàn cầu có thể tung ra các cuộc tấn công đầu cơ vào đồng tiền hoặc bán tháo cổ phiếu của họ khi có dấu hiệu rắc rối nhỏ nhất.

Yi Ping Liao, trợ lý quản lý danh mục đầu tư của Franklin Templeton cho biết: "Biến động chính trị đã tạo ra sự gián đoạn ngắn hạn, nhưng không có tác động tiêu cực có ý nghĩa nào từ góc độ dài hạn…Bất chấp sự hỗn loạn này, các công ty Hàn Quốc, đặc biệt là một số công ty hàng đầu vẫn tiếp tục phát triển mạnh mẽ trên trường quốc tế".