Bước tiến quan trọng trong công cuộc chuyển đổi số của Thủ đô
Hà Nội vừa đưa vào vận hành Trung tâm Dữ liệu chính của Thành phố. Đây là một sự kiện quan trọng, đánh dấu bước tiến mới trong công cuộc chuyển đổi số và xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
- Khai trương Trung tâm Dữ liệu chính thành phố Hà Nội, công cụ chiến lược để thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện
- Bố trí nguồn lực để thực hiện hiệu quả Đề án “Tăng cường chuyển đổi số lĩnh vực công tác dân tộc đến năm 2030”
- Chuyển đổi số: Hành trình tái sinh của các hãng truyền thông quốc tế và bài học cho Việt Nam
Khai trương Trung tâm Dữ liệu chính TP. Hà Nội. Ảnh: VGP/Minh Anh
Tối ưu nguồn lực, chi phí
Chia sẻ về quá trình triển khai thực hiện Dự án này, ông Nguyễn Việt Hùng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cho biết, UBND Thành phố đã giao Sở Thông tin và Truyền thông, Trung tâm Dữ liệu nhà nước Hà Nội (đơn vị thuộc Sở Thông tin và Truyền thông) là đơn vị triển khai xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin cho phát triển Chính quyền điện tử hướng tới Chính quyền số TP Hà Nội.
Sau khi thực hiện các thủ tục đầu tư theo quy định, ngày 10/7/2024, Liên danh Nhà thầu Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Công ty CP Phát triển công nghệ viễn thông tin học Sun Việt (SVTECH) và Tổng Công ty Dịch vụ Viễn thông VinaPhone (gọi tắt là Liên danh Nhà thầu) đã ký kết hợp đồng cung cấp dịch vụ cho thuê hạ tầng Trung tâm Dữ liệu cho Hà Nội.
"Để tối ưu nguồn lực, chi phí, tăng hiệu quả trong quá trình vận hành, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội đã áp dụng mô hình thuê dịch vụ. Trung tâm Dữ liệu chính thành phố Hà Nội được đặt hạ tầng tại Trung tâm dữ liệu của VNPT khu công nghệ cao Hoà Lạc (VNPT IDC Hoà Lạc)", ông Nguyễn Việt Hùng nói.
Cũng theo Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, Nghị quyết số 15 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đặt mục tiêu xây dựng Hà Nội trở thành "Trung tâm khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo hàng đầu của cả nước và khu vực"; Nghị quyết số 18 của Thành ủy Hà Nội về chuyển đổi số và xây dựng đô thị thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 cũng đã xác định chuyển đổi số là một trụ cột chiến lược để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân, đồng thời khẳng định mục tiêu xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, đô thị thông minh hàng đầu cả nước và khu vực.
Ông Nguyễn Việt Hùng, Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội: Trung tâm Dữ liệu chính là cột mốc quan trọng trong hành trình chuyển đổi số và xây dựng đô thị thông minh của Thủ đô. Ảnh: VGP/Minh Anh
Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức Lễ khai trương Trung tâm Dữ liệu chính thành phố Hà Nội - một cột mốc quan trọng trong hành trình hiện đại hóa, chuyển đổi số và xây dựng đô thị thông minh của Thủ đô. Và chỉ sau hơn 4 tháng triển khai, Trung tâm Dữ liệu nhà nước Hà Nội cùng với Liên danh Nhà thầu đã thiết lập xong hạ tầng Trung tâm Dữ liệu chính và hoàn thành di trú hơn 300 hệ thống ứng dụng hiện có của Thành phố lên hạ tầng mới.
"Dự án mang tính đột phá, chuyển đổi từ mô hình tự đầu tư vận hành công nghệ thông tin sang mô hình thuê dịch vụ công nghệ thông tin vốn đã chứng minh được tính hiệu quả và mang lại nhiều lợi ích, đồng thời được Chính phủ khuyến nghị ưu tiên", ông Hùng nhấn mạnh.
Phục vụ tốt nhất cho công cuộc chuyển đổi số
Trung tâm Dữ liệu chính TP. Hà Nội đặt tại IDC Hòa Lạc. Ảnh: VGP
Trong kỷ nguyên cách mạng công nghiệp lần thứ tư, dữ liệu đã vượt qua giới hạn của một nguồn thông tin thông thường để trở thành "tài nguyên chiến lược", nền tảng định hình sức cạnh tranh và khả năng phát triển của mọi quốc gia, tổ chức. Không giống như tài nguyên hữu hạn, dữ liệu có tính tái sử dụng và khả năng tạo giá trị không ngừng, đặc biệt khi được kết hợp với các công nghệ đột phá như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data) và Internet vạn vật (IoT).
Dữ liệu không chỉ hỗ trợ dự đoán và ra quyết định chính xác, mà còn là chìa khóa để xây dựng chính quyền số minh bạch, thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong kinh tế và nâng cao chất lượng cuộc sống của cộng đồng.
Ông Tô Dũng Thái, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn VNPT: Tập đoàn VNPT cam kết sẽ tiếp tục đầu tư các công nghệ tiên tiến. Ảnh: VGP
Chia sẻ về niềm vinh dự của VNPT nói riêng cũng như các thành viên trong liên danh nói chung khi đồng hành cùng TP. Hà Nội trong một dự án lớn, quan trọng, có ý nghĩa chiến lược, ông Tô Dũng Thái, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn VNPT cho biết, ngay sau khi trúng thầu và ký kết hợp đồng, cùng với sự hỗ trợ của Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, liên danh nhà thầu do Tập đoàn VNPT đứng đầu đã tập trung nguồn lực thực hiện trong thời gian gần 5 tháng, rút ngắn 3 tháng so với kế hoạch, đưa vào vận hành khai thác chính thức, với các nội dung khối lượng công việc rất lớn: Tiến hành khảo sát hiện trạng thực tế để lên thiết kế hệ thống đảm bảo tối ưu nhất trong vận hành sử dụng, song song với nhập hàng hóa thiết bị; phối hợp với các cơ quan chuyên ngành của Thành phố thực hiện rà quét đảm bảo an ninh thiết bị trước khi tiến hành triển khai lắp đặt hệ thống theo đúng thiết kế; khai báo tổ chức vận hành thử không tải; thực hiện di trú 303 ứng dụng tại Trung tâm dữ liệu 185 Giảng Võ lên Trung tâm Dữ liệu chính; khởi tạo tài nguyên sẵn sàng cho việc di trú 7 hệ thống ứng dụng dùng chung của Thành phố đang triển khai trên hạ tầng của các đơn vị cung cấp dịch vụ bên ngoài sang Trung tâm Dữ liệu chính của Thành phố…
Việc khai trương Trung tâm Dữ liệu chính TP. Hà Nội cũng là sự khẳng định cho tính hiệu quả của VNPT IDC Hòa Lạc mới được VNPT đưa vào khai thác năm 2023. Nhờ áp dụng những công nghệ tiên tiến và được thiết kế, xây dựng theo tiêu chuẩn Uptime Tier III với các thiết bị cao cấp từ các nước G7, được lắp đặt đồng bộ đảm bảo an toàn và bảo mật ở cấp độ cao nhất, VNPT IDC Hòa Lạc được đánh giá là trung tâm dữ liệu đẳng cấp, hiện đại nhất Việt Nam đáp ứng hàng loạt các tiêu chuẩn quốc tế khắt khe.
"Tập đoàn VNPT cam kết sẽ tiếp tục đầu tư các công nghệ tiên tiến, đội ngũ chuyên gia an toàn thông tin và tham gia phối hợp, hỗ trợ thành phố trong quá trình vận hành, khai thác hệ thống Trung tâm Dữ liệu chính TP Hà Nội đáp ứng những tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn; góp phần mang lại hệ sinh thái hạ tầng số hoàn chỉnh, phục vụ tốt nhất cho công cuộc chuyển đổi số của Thủ đô", Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn VNPT nhấn mạnh.
Được biết, để phát huy vai trò là Tập đoàn Công nghệ, có hạ tầng số đi đầu, tiên phong cung cấp các nền tảng, sản phẩm CĐS tại Việt Nam, trong thời gian qua VNPT đã tập trung đầu tư hạ tầng, phát triển, ứng dụng công nghệ hiện đại; tiên phong trong phát triển đội ngũ kỹ sư, chuyên gia CNTT về công nghệ 4.0. VNPT đã triển khai thành công nhiều dự án lớn cấp quốc gia như Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; Cổng dịch vụ công quốc gia; Hệ thống Báo cáo quốc gia; Trục liên thông Văn bản quốc gia; Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức; Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường (Giai đoạn I). Đồng thời VNPT cũng hợp tác triển khai thành công hàng trăm dự án về chuyển đổi số ở các địa phương trên khắp cả nước…
Với những kinh nghiệm sẵn có, bằng tinh thần trách nhiệm cao nhất, VNPT và liên danh nhà thầu xác định việc triển khai Trung tâm dữ liệu chính TP Hà Nội đặt trong VNPT IDC Hòa Lạc phải là một điển hình về tiến độ, chất lượng để sớm đảm bảo hạ tầng cho việc vận hành hiệu quả các hệ thống phục vụ chính quyền số, thúc đẩy phát triển Thủ đô.
Giá trị cho cả chính quyền, người dân và doanh nghiệp
Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Hà Minh Hải: Việc vận hành Trung tâm Dữ liệu chính là khát vọng đổi mới, sáng tạo của toàn hệ thống chính trị. Ảnh: VGP/Minh Anh
Ghi nhận và đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ giữa Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội với các cơ quan, đơn vị và các đối tác trong việc xây dựng và Tập đoàn VNPT cam kết sẽ tiếp tục đầu tư các công nghệ tiên tiến của Thành phố, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Hà Minh Hải nhấn mạnh, sự kiện này không chỉ đánh dấu một bước tiến quan trọng trong hành trình chuyển đổi số của Thành phố Hà Nội, mà còn kể nên một câu chuyện đầy cảm hứng về sự đồng lòng, nỗ lực và khát vọng đổi mới, sáng tạo của toàn hệ thống chính trị.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Hà Minh Hải, với công nghệ điện toán đám mây hiện đại, bảo mật đa lớp và khả năng mở rộng linh hoạt, Trung tâm Dữ liệu chính không chỉ đảm bảo an toàn, hiệu quả trong lưu trữ và xử lý dữ liệu, mà còn là nơi tích hợp các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn và Internet vạn vật, từ đó tạo ra những giá trị to lớn, thiết thực cho cả chính quyền, người dân và doanh nghiệp.
Cụ thể, đối với chính quyền, Trung tâm cung cấp hạ tầng dữ liệu đồng bộ, an toàn, giúp các cơ quan quản lý phân tích, dự báo và ra quyết định dựa trên dữ liệu một cách khoa học, chính xác và nhanh chóng; tăng cường tính minh bạch việc tích hợp dữ liệu từ các hệ thống quản lý giúp chính quyền triển khai các dịch vụ công trực tuyến toàn trình, đảm bảo công khai, minh bạch và giám sát chặt chẽ các hoạt động hành chính. Trung tâm tạo nền tảng liên thông dữ liệu giữa các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền, giúp phối hợp xử lý công việc nhịp nhàng, hiệu quả hơn trong mọi lĩnh vực từ quản lý hành chính đến thực hiện chính sách.
Đối với người dân, Trung tâm hỗ trợ việc triển khai các dịch vụ công trực tuyến, giúp người dân thực hiện thủ tục hành chính nhanh chóng, tiện lợi, tiết kiệm thời gian và chi phí. Đáp ứng nhu cầu cá nhân hóa: Với việc khai thác dữ liệu hiệu quả, người dân được cung cấp các tiện ích phù hợp như hồ sơ sức khỏe điện tử, định danh điện tử qua ứng dụng VNeID hay các thông tin về giao thông, môi trường đô thị theo thời gian thực. Tăng cường bảo mật thông tin cá nhân: Hệ thống bảo mật đa lớp tại Trung tâm đảm bảo dữ liệu cá nhân của người dân được bảo vệ an toàn, giảm nguy cơ rò rỉ hoặc lạm dụng thông tin.
Trung tâm dữ liệu của VNPT khu công nghệ cao Hoà Lạc (VNPT IDC Hoà Lạc) là trung tâm dữ liệu quy mô lớn và công nghệ hiện đại hàng đầu Việt Nam. Ảnh: VGP/Minh Anh
Còn đối với doanh nghiệp, Trung tâm cung cấp môi trường hạ tầng công nghệ hiện đại, hỗ trợ các doanh nghiệp khai thác dữ liệu để phát triển sản phẩm, dịch vụ mới, nâng cao năng lực cạnh tranh. Với nguồn dữ liệu phong phú và hạ tầng an toàn, các doanh nghiệp khởi nghiệp có thể sử dụng làm nền tảng để thử nghiệm và triển khai các ý tưởng công nghệ, từ đó thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp tại Hà Nội. Trung tâm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chia sẻ dữ liệu và kết nối với các cơ quan quản lý, đối tác khác, từ đó mở rộng cơ hội kinh doanh và hợp tác trên quy mô lớn.
"Trung tâm Dữ liệu chính TP. Hà Nội là một trong những công cụ chiến lược quan trọng để tiếp tục thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện trong mọi mặt đời sống xã hội. Việc quản trị và khai thác dữ liệu hiệu quả không chỉ đặt nền móng cho sự phát triển bền vững với "tầm nhìn mới, tư duy mới toàn cầu, tư duy Thủ đô và hành động Hà Nội" mà còn khẳng định vai trò tiên phong của Thủ đô trong kỷ nguyên số hóa toàn cầu, góp phần đưa đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc", Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội chia sẻ.
Trung tâm dữ liệu chính TP. Hà Nội được đặt hạ tầng tại Trung tâm dữ liệu của VNPT khu công nghệ cao Hoà Lạc (VNPT IDC Hoà Lạc) là trung tâm dữ liệu quy mô lớn và công nghệ hiện đại hàng đầu Việt Nam. Hệ thống giám sát an ninh theo 6 lớp bảo mật từ ngoài vào trong Data Hall của Trung tâm đạt tiêu chuẩn quốc tế giúp đảm bảo an toàn dữ liệu của khách hàng ở mức cao nhất. Trung tâm được điều hành bởi đội ngũ kỹ sư, chuyên gia CNTT được đào tạo bài bản, giàu kinh nghiệm, hầu hết đã có chứng chỉ chuyên sâu về Data Center như: CDFOM, CDRP, CDMS, CTDC, CCNA, CCNP. Do đó, Hà Nội có thể hoàn toàn yên tâm với kết nối ổn định, độ tin cậy, bảo mật cao và được giám sát vận hành 24/7, luôn sẵn sàng mở rộng trong tương lai khi cần.