Review 4 giải Vàng “Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam” 2021

14:00, 17/12/2021

Nền tảng thương mại điện tử Vỏ Sò, bộ thiết bị Mesh Wi-Fi 5/6 Access Point và hệ thống quản lý ONE Mesh, công cụ tìm kiếm Cốc Cốc, sản phẩm Azota - Nền tảng tạo đề thi, bài tập online là 4 giải pháp giành giải Vàng “Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam” 2021.

Chiều ngày 11/12, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức lễ công bố và trao giải thưởng “Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam” năm 2021 trong khuôn khổ Diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ III - năm 2021 chủ đề “Chuyển đổi số - Động lực phục hồi và phát triển kinh tế”.

Năm 2021 là năm thứ 2 giải thưởng “Sản phẩm Công nghệ số Make in Viet Nam” được tổ chức với mục đích tôn vinh các sản phẩm công nghệ số xuất sắc được thiết kế, sáng tạo và sản xuất tại Việt Nam và có giá trị thực tế lớn được ghi nhận trong phát triển kinh tế số, chính phủ số và xã hội số. Giải thưởng cũng nhằm hỗ trợ quảng bá cho các sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam tới đông đảo doanh nghiệp và người dân Việt Nam.

Tại sự kiện này, danh sách 48 sản phẩm lọt vào Top 10 các hạng mục: Nền tảng số xuất sắc, sản phẩm số xuất sắc, giải pháp số xuất sắc, thu hẹp khoảng cách số, sản phẩm số tiềm năng của giải thưởng “Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam” năm 2021 đã được chính thức công bố.

1.    Nền tảng thương mại điện tử Vỏ Sò của Viettel Post

Giành giải Vàng ở hạng mục nền tảng số xuất sắc, Vỏ Sò ra đời từ năm 2019, sau 2 năm Vỏ Sò đã có 18 triệu khách hàng sử dụng. Bên cạnh những sàn TMĐT quen thuộc như Shopee, Lazada, Tiki... các tín đồ mua sắm online bắt đầu tiếp cận đến Vỏ Sò của Viettel Post. Trong thời gian nhiều thành phố trên cả nước thực hiện giãn cách, Vỏ Sò cũng cho ra mắt nhiều tính năng hữu ích như đặc sản vùng miền, bách hoá online... Việc này giúp người dân dễ dàng mua được nhu yếu phẩm mà không cần phải ra khỏi nhà. Một trong những mục được Vỏ Sò nhấn mạnh chính là đặc sản vùng miền. Vỏ Sò cung cấp nhiều loại đặc sản đến từ khắp các vùng miền trên đất nước: từ trái cây, bánh kẹo hay trà đều có, trong đó có nhiều loại hoa quả đặc sản tươi ngon đang được giảm giá. Trong thời gian này, Vỏ Sò còn dành riêng không gian cho những vật dụng thiết yếu để chống dịch như khẩu trang, kính chống giọt bắn, nước rửa tay, máy đo thân nhiệt... "Điểm mạnh của voso.vn chính là sự hỗ trợ mạnh mẽ trong việc giao hàng và thanh toán. Với việc sở hữu mạng lưới chuyển phát nhanh rộng khắp cả nước, giúp các doanh nghiệp, các hộ kinh doanh hoặc cá nhân muốn tìm kiếm thêm một nguồn thu nhập thụ động, tạo doanh thu đột phá với mạng lưới giao hàng COD (thu hộ) trên toàn quốc. Đặc sản vùng miền cũng là một lợi thế cạnh tranh của Vỏ Sò so với các sàn TMĐT khác" - đại diện Viettel Post cho biết.

Năm 2020 Vỏ sò đã đoạt giải Nhì trong hạng mục thu hẹp khoảng cách số. Tuy nhiên cơ hội cạnh tranh vị trí tốp đầu Sàn thương mại điện tử ưa thích tại Việt Nam của Vỏ sò là một chặng đường gian nan tuy có Viettel chống lưng. Theo công bố hàng Quý trên trang iprice&insights về Bản đồ thương mại điện tử Việt Nam xếp hạng top 50 doanh nghiệp thương mại điện tử tại Việt Nam dựa trên lượt truy cập trung bình theo quý, xếp hạng ứng dụng di động và số người theo dõi trên mạng xã hội thì Vỏ sò đang có rank 33 với truy cập web tháng khoảng 300 ngàn lượt so với tốp đầu thương hiệu nổi tiếng Shopee, Thế giới di động, Điện máy xanh, Tiki, Lazada với trên 15 tới 50 triệu truy cập/tháng. Theo đánh giá các sàn thương mại điện tử với mặt hàng tổng hợp có xuất xứ Việt Nam (không là xu thế) thì Vỏ Sò có hạng 5 sau Tiki, Sendo, Vatgia, Fado với các chỉ số truy cập chênh lệch cao.

2.    Bộ thiết bị Mesh Wifi và hệ thống ONE Mesh của  VNPT Technology

Hạng mục sản phẩm số xuất sắc, bộ thiết bị Mesh Wifi 5/6 Access Point và hệ thống quản lý ONE Mesh đã giành giải Vàng. Sản phẩm Mesh Wifi ra mắt thị trường Việt Nam từ tháng 8/2019. Khi sử dụng thiết bị này, vùng phủ sóng và chất lượng sóng của mạng sẽ được cải thiện đáng kể. Một bộ 3 thiết bị Easy Mesh Access Point iGate EW12S hoạt động trên cả 2 băng tần 2.4GHz và 5GHz, có thể tạo lập vùng phủ sóng lên đến 600m2 và không có góc chết, cung cấp tốc độ truy nhập tối đa 867Mbps. Đối với khách hàng doanh nghiệp, VNPT Technology cung cấp hệ thống quản lý Cloud Mesh Controller (ONE Mesh). Đây là giải pháp quản lý và điều khiển thiết bị tập trung từ xa được sử dụng để quản lý tất cả các thiết bị mesh trong mạng, quy mô tới hàng chục triệu thiết bị. One Mesh cung cấp các tính năng chính như quản lý, hỗ trợ cấu hình thiết bị, cập nhật firmware từ xa, vá lỗ hổng bảo mật…, giúp nhà cung cấp hỗ trợ kỹ thuật khách hàng nhanh chóng. ONE Mesh hoạt động trên nền tảng điện toán đám mây, cho phép quản lý thiết bị và kiểm soát truy nhập người dùng theo từng khu vực địa lý, áp dụng các chính sách khác nhau cho từng người dùng. Hệ thống bao gồm ứng dụng web ONE Mesh, dịch vụ One Platform và các dịch vụ phụ trợ khác.

Ông Nguyễn Việt Bằng, Phó Tổng Giám đốc VNPT Technology cho biết, bộ sản phẩm Mesh wifi là giải pháp công nghệ tổng thể, kết hợp giữa nghiên cứu phát triển phần cứng, phần mềm trên thiết bị (firmware). Phần mềm viễn thông chạy trên nền tảng điện toán đám mây và sản xuất thiết bị điện tử công nghệ cao. Đã có trên 50.000 sản phẩm Mesh wifi đang được lưu hành và số lượng đơn hàng vẫn đang tiếp tục tăng. Cũng theo ông Nguyễn Việt Bằng, thiết bị Mesh wifi là một thành phần trong hệ sinh thái hơn 7 triệu thiết bị truy nhập internet băng rộng của VNPT Technology. VNPT Technology cũng đang chạy thử nghiệm thành công thiết bị FWA 5G, sẵn sàng cung cấp ra thị trường ngay khi mạng 5G được chính thức triển khai.

3.    Công cụ tìm kiếm Cốc Cốc của Công ty TNHH Cốc Cốc

Ở hạng mục giải pháp số xuất sắc, công cụ tìm kiếm Cốc Cốc của Công ty TNHH Cốc Cốc giành giải Vàng. Cốc Cốc được ra mắt vào năm 2013 bởi một nhóm các kỹ sư người Việt và người Nga. Người đứng đầu nhóm này, và về sau trở thành CEO của Cốc Cốc, là doanh nhân người Nga Victor Lavrenko. Tháng 3/2015, Cốc Cốc đã công bố nhận được khoản đầu tư trị giá 14 triệu USD từ Tập đoàn truyền thông Đức Hubert Burda Media. Tổng đầu tư là 14 triệu đô la và được chuyển toàn bộ cho Cốc Cốc trong 18 tháng. Hơn nửa năm sau khi nhận đầu tư từ Burda, đến tháng 10/2015, trang Deal Street Asia đã đưa ra nghi vấn các sáng lập viên đang lần lượt rời khỏi Cốc Cốc và bán lại cổ phần cho các nhà đầu tư khác.

Hiện nay, công cụ tìm kiếm này thu hút hơn 574 triệu lượt truy cập mỗi tháng. Theo thống kê mới nhất vào tháng 11/2021 của Statcounter, tại Việt Nam chiếm lĩnh thị trường công cụ tìm kiếm vẫn là Chrome chiếm 95% tiếp đó Cốc cốc nhiều năm giữ ở vị trí thứ 2 với 5,8% ngoài ra không nhiều công cụ tìm kiến khác hiện diện đáng kể tại thị trường Việt Nam.

Ở mảng chính Trình duyệt, chiếm lĩnh thị trường vẫn là Chrome chiếm 75% tiếp đó là Safary 15.48%, Cốc cốc tuy liên tục nhiều năm giữ ở vị trí thứ 3 với khoảng 6-8% nhưng không hiểu tháng 11/2021 tụt xuống mức 1-2% dưới các trình duyệt khác như FiFox, Opera ...

Điểm sáng giá, Cốc Cốc vẫn kiên trì với thị trường Việt Nam trong bối cảnh các trình duyệt và công cụ tìm kiếm khác đều giải quyết bằng công nghệ cho các vấn đề địa phương hoá nhằm xoá nhòa khoảng cách địa lý và ngôn ngữ.

4.    Azota - Nền tảng tạo đề thi, bài tập online của Công ty TNHH Công nghệ giáo dục AZOTA

Hạng mục thu hẹp khoảng cách số, sản phẩm Azota - Nền tảng tạo đề thi, bài tập online của Công ty TNHH Công nghệ giáo dục AZOTA đã xuất sắc đoạt giải Vàng. Azota là ứng dụng giao và chấm bài tập online mới, được sáng tạo ra để làm nhiệm vụ hỗ trợ các thầy cô giáo khi muốn kiểm tra hiệu quả học tập của học sinh. Nhìn chung, giáo viên sẽ giao bài trực tiếp trên Azota. Học sinh sẽ nhận và thực hiện bài kiểm tra của mình. Sau đó, bài sẽ được gửi lại đến giáo viên để chấm điểm ngay trên ứng dụng. Azota có chức năng giám sát khi thực hiện thi tự động trên ứng dụng. Việc này sẽ giúp đem đến tính công bằng cao trong mỗi cuộc thi. Khi chức năng giám sát được bật lên, hệ thống sẽ có cảnh báo khi có học sinh thoát ra khỏi màn hình hoặc mở tab mới. Khi kết thúc bài thi, hệ thống cũng sẽ gửi thông báo về số lần gian lận của học sinh. Từ đó, giáo viên sẽ nắm được chính xác nhất về số lần mở tab mới hay đóng màn hình của từng học sinh.

Năm 2020 nền tảng VNPT.edu đoạt giải Nhất, với ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhiều nền tảng dạy và học ra đời và chia sẻ thị trường mùa học và dạy online, với đột phá trong việc tạo đề thi, bài tập và chấm bài tự động cùng giám sát thi ứng dụng Azota đã được cộng đồng đón nhận với số lượng download sử dụng lớn, lượng đánh giá và bình luận về Azota cũng tăng mạnh. Tuy nhiên với thế mạnh giám sát và chức năng giúp thầy cô số hóa đề thi, giao bài tập, chấm điểm tự động đòi hỏi cần có các giải pháp và công nghệ khó nên Azota gặp nhiều khó khăn. Chức năng giám sát thi tự động thông báo cảnh báo nếu học sinh có hành động thoát khỏi màn hình hoặc chuyển tab, hiện số lần học sinh thoát/chuyển màn hình khá đơn giản nên việc hack đáp án hay hướng dẫn cách vượt giám sát cũng không khó khăn tìm được trên mạng. Chức năng tự động số hoá đề thi cũng chưa chắc đã là tốt nhất dễ dẫn đến việc chưa khuyến khích làm mới, sáng tạo của giáo viên mà sẽ dễ tạo điều kiện cho giáo viên tìm kiếm, sao chép, cóp nhặt học liệu trên mạng.

Trên một fanpage đông đảo thành viên là những bà mẹ, bên cạnh số đông comment khen Azota dễ sử dụng, có không ít phụ huynh “kêu trời” khi sử dụng ứng dụng/phần mềm mới này. Nickname Nguyen Thu Hang than thở: “Lúc mình nộp bài cho con đã ấn nút nộp và hệ thống báo “Bạn đã nộp bài”. Nhưng cô giáo lại báo về là con chưa nộp. Mình gọi điện đến số Hotline của Azota thì không ai nghe máy. Theo mình, phần mềm tốt không chỉ ở việc hỗ trợ đa số cho mọi người mà còn ở chỗ có thể giải quyết triệt để vấn đề người dùng gặp phải”. Một số phụ huynh khác cũng phàn nàn chuyện dù đã hoàn tất việc nộp bài cho con và được thông báo rõ đã nộp thành công. Sau đó, họ kiểm tra lại mấy lần vẫn là... đã nộp. Song cô giáo lại gọi điện bảo không có bài trên app. Ðiều này khiến họ rất bực bội bởi vừa mất thời gian vừa rơi vào hoàn cảnh "tình ngay lý gian".

Nguyễn Long