Thuốc điều trị HIV được vinh danh 'Đột phá của năm' 2024
Tạp chí khoa học Science của Mỹ tháng 12/2024 đã vinh danh lenacapavir - một loại thuốc tiêm thế hệ mới được dùng để điều trị cho bệnh nhân nhiễm HIV là “Đột phá của năm”. Một nghiên cứu quy mô lớn cho thấy thuốc có hiệu quả phòng ngừa căn bệnh thế kỷ lên tới 100%.
Thuốc lenacapavir, được bán dưới tên thương hiệu Sunlenca, do công ty dược sinh học Gilead Sciences phát triển. Đây là một loại thuốc kháng virus thế hệ mới, nhắm tới việc ngăn chặn sự hình thành của capsid - vỏ protein bao quanh vật liệu di truyền của virus HIV và có nhiệm vụ chính là bảo vệ bộ gene của virus.
Từ năm 2022, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã phê duyệt lenacapavir để điều trị cho bệnh nhân nhiễm HIV đa kháng thuốc. Một nghiên cứu quy mô lớn mà Gilead Sciences thực hiện đối với phụ nữ trẻ và trẻ em gái vị thành niên ở châu Phi vào tháng 6 vừa qua cho thấy thuốc có hiệu quả phòng ngừa căn bệnh thế kỷ lên tới 100%.
Kết quả thử nghiệm lâm sàng trên quy mô lớn cho thấy lenacapavir có hiệu quả gần như tuyệt đối trong việc ngăn ngừa lây nhiễm HIV. Một nghiên cứu trên hơn 5.000 phụ nữ trẻ ở châu Phi cho thấy không có trường hợp nào nhiễm HIV sau khi tiêm lenacapavir, đạt hiệu quả 100%. Một thử nghiệm khác trên hơn 2.000 người thuộc nhiều giới tính khác nhau cũng ghi nhận hiệu quả phòng ngừa lên đến 99,9%.
Khác với các loại thuốc kháng virus hiện nay thường nhắm vào enzyme của virus, lenacapavir ức chế protein vỏ bọc (capsid) của HIV. Protein này tạo thành một lớp vỏ bảo vệ vật liệu di truyền của virus, giúp nó xâm nhập vào tế bào người. Lenacapavir liên kết với capsid, làm cứng lớp vỏ này, ngăn chặn virus xâm nhập vào tế bào và nhân lên.
Cơ chế hoạt động mới này không chỉ mang lại hiệu quả phòng ngừa cao mà còn mở ra triển vọng phát triển các loại thuốc tương tự để điều trị các bệnh do virus khác gây ra.
Nhiều nhà nghiên cứu về HIV/AIDS hy vọng rằng loại thuốc do công ty dược phẩm sinh học Gilead Sciences của Mỹ phát triển sẽ có tác dụng giảm mạnh tỷ lệ lây nhiễm trên toàn cầu khi được sử dụng là thuốc điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP).
Bà Hui Yang, Giám đốc Vận hành Cung ứng tại Quỹ Toàn cầu Phòng chống AIDS, Lao và Sốt rét, cho biết, mục tiêu là bắt đầu phân phối thuốc lenacapavir trong khoảng thời gian cuối năm 2025 hoặc đầu năm 2026. Tuy nhiên, theo bà Yang, vẫn cần hoàn thành nhiều bước trước, bao gồm việc loại thuốc tiêm này được các cơ quan quản lý như Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phê duyệt.
Bà Yang nhấn mạnh: "Chúng tôi không muốn các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình phải chờ đợi, bị xếp sau". Đồng thời, bà cũng đề cập đến sự bất bình đẳng đã kéo dài trong cuộc chiến chống HIV suốt nhiều thập kỷ qua.