Tiết học “đặc biệt” về lập trình viên của STEAM for Vietnam
Để giải một bài tập lập trình cần bắt đầu từ đâu? Làm sao để học lập trình một cách dễ dàng và thực hành chúng một cách bài bản nhất? Một ngày của kỹ sư công nghệ là làm những gì? Tất cả sẽ được giải đáp trong tiết học "đặc biệt" của STEAM for Vietnam.
STEAM for Vietnam như một startup công nghệ, kỳ vọng xây giấc mơ lớn, đào tạo một thế hệ trẻ có khả năng đi xa hơn trong ngành công nghệ Việt Nam. Dự án được vận hành bởi đội ngũ tình nguyện viên là du học sinh và chuyên gia người Việt trên khắp thế giới.
Trong đó, mỗi lớp học sẽ được phân chia theo độ tuổi phù hợp và từng khoá học riêng. Bao gồm: Nhập môn tư duy máy tính và lập trình Scratch (dành cho độ tuổi từ 8-16); Nhập môn khoa học máy tính với Python (Dành cho độ tuổi từ 13-16); Nhập môn thiết kế và lập trình robotics với VEX IQ (dành cho độ tuổi từ 12-16).
CS 101 - Nhập môn khoa học máy tính với Python là khoá học nâng cao dành cho học sinh trong độ tuổi 13-16 và đã có những khái niệm cơ bản về lập trình như Scratch (CS 001).
Những kiến thức về khoa học máy tính như cấu trúc dữ liệu, giải thuật và sử dụng ngôn ngữ lập trình Python (một trong những ngôn ngữ lập trình phổ biến nhất thế giới) sẽ là nội dung trọng tâm của khóa học.
“Bộ tứ” giảng viên của khoá học CS101.
CS 101 được xây dựng phù hợp với học sinh Việt Nam dựa trên khóa học nhập môn khoa học máy tính CS50 nổi tiếng toàn thế giới của Đại học Harvard. Khóa học còn phù hợp với sinh viên có năng khiếu và đam mê về khoa học máy tính và có định hướng nghề nghiệp trong lĩnh vực công nghệ như kỳ sư phần mềm, quản lý sản phẩm...
Bên cạnh những bài học về lập trình các thầy cô giáo đã dành tặng cho học sinh của STEAM for Vietnam một khoá học đặc biệt cho các học sinh của lớp CS101: Nhập môn Khoa học Máy tính với Python một buổi học có tên Office Hour. Buổi học này nhằm chia sẻ bí kíp học lập trình cũng như những câu chuyện về cuộc sống và công việc của những kỹ sư máy tính với các bạn học sinh.
Khi lên ý tưởng khoá học, các thầy cô mong muốn giúp các em học sinh xây dựng được những kỹ năng nền tảng vững chắc để trở thành các kỹ sư phần mềm, nhà quản lý sản phẩm, hay các nhà nghiên cứu về các công nghệ tiên tiến trong tương lai.
Do đó, các giờ học được định hướng ưu tiên phát lối tư duy logic và kỹ năng giải quyết vấn đề bên cạnh việc sử dụng thành thạo ngôn ngữ Python.
Ngoài những tiết học liên quan đến lập trình, các giảng viên còn thường xuyên tổ chức các buổi học ngoại khoá để giải đáp những thắc mắc của học sinh.
Buổi học đặc biệt với những người điều hành "đặc biệt"
Office Hour không giống như những buổi học thông thường. “Người điều hành nội dung” chính của lớp học lại chính là các bạn học sinh. Những câu hỏi thắc mắc về bài tập về nhà hay “bí kíp” học lập trình sẽ được đem ra thảo luận cùng với cả lớp.
Tại đây, những câu hỏi đơn giản hay phức tạp như: Việc học lập trình bao nhiêu tiếng mỗi tuần? Bao lâu để trở thành một lập trình viên? Hay việc để bắt đầu giải một bài tập thì nên suy nghĩ từ đâu? Sẽ đều được các giáo viên trả lời tận tình.
Đối với câu hỏi khiếp nhiều người quan tâm và thắc mắc, ngay cả khi không theo đuổi hay đam mê về lập trình cũng tò mò như việc bắt đầu suy nghĩ từ đâu để giải một bài tập, thầy Harry trả lời: "Đầu tiên, hãy tìm cách suy nghĩ. Chúng mình chưa nên code vội mà tự mình làm bài tập bằng tay, lập luận xem mình sẽ giải quyết theo phương hướng nào. Sau đó, đưa ra các bước giải quyết vấn đề bằng phương pháp TTNV (Tách – Tìm – Nhìn – Viết). Nếu khó quá, các em có thể lên hệ thống LMS để đặt câu hỏi cho các thầy cô và trợ giảng. Các bạn có thể chia sẻ với nhau những khó khăn hoặc những phương pháp giải mới và cùng tiến bộ. Đừng ngại khi mình phải đặt câu hỏi để giải bài tập. Ngoài ra, hãy sử dụng chương trình Thonny (để luyện code Python) để viết và thử chạy code. Mình có thể viết nhiều code để hiểu hơn cách vận hành của chương trình, nó giúp mình có thêm ý tưởng để giải bài tập".
Tiếp đó, với câu hỏi khi nói đến lập trình ai cũng nghĩ nó là cái gì đó rất cao siêu, mặc định phải giỏi toán thì mới có thể làm được và nhiều người cũng cho rằng lập trình viên là những người chỉ cả ngày ôm máy tính? thực tế có phải như vậy?
Với câu hỏi này, thầy Đức cho rằng: "Lập trình cần một số kiến thức nhất định về toán: tư duy logic, và học lên chuyên sâu sẽ cần thêm các lĩnh vực khác. Các thầy cô của STEAM for Vietnam sẽ dạy cho bạn những kiến thức cần thiết để nắm được kiến thức lập trình. Những kiến thức về toán học cần thiết đều là rất cơ bản và có hàng triệu học sinh, sinh viên theo học được. Một ngày làm việc của kỹ sư lập trình chủ yếu là chia sẻ, làm việc chung với đồng nghiệp để tìm ra hướng giải quyết cho vấn đề, và lập trình chỉ là một phần trong số đó. Đối với công việc cụ thể của thầy Đức ở Google, thì môi trường làm việc ở Google rất tốt, làm việc ở đây hiệu quả nhưng cũng có rất nhiều thời gian dành cho gia đình và bạn bè".
Kỹ thuật viên chính là những “thợ xây” vì cần phải luyện tập nhuần nhuyễn
Bên cạnh các câu hỏi liên quan đến bài học, các bạn học viên rất hứng thú muốn tìm hiểu thêm công việc của một kỹ sư máy tính. Dường như đây sẽ là một ngành học mà nhiều bạn nhỏ hứng thú và có mong muốn theo đuổi.
Từ kinh nghiệm của một người đã gắn bó với lập trình được 20 năm, kỹ sư Vũ Viết Quỳnh Hương chia sẻ rằng quan niệm làm lập trình viên chỉ ngồi code ngày này qua ngày khác là chưa đầy đủ.
Mỗi lập trình viên như một người “thợ xây” phải luyện tập nhuần nhuyễn, từng đoạn code là từng viên gạch, phải làm nhiều thì mới thẳng hàng lối. Khi đã có nhiều kinh nghiệm, thì mỗi lập trình viên lại trở thành một “kiến trúc sư”.
Với một dự án đưa ra, lập trình viên chuyên nghiệp cần định hướng xem căn nhà sẽ xây như thế nào, đặt nền móng ra sao, từng phòng ốc và cách sử dụng các nguyên vật liệu thế nào. Hệ thống này ngày càng phức tạp hơn nên việc trao đổi, làm việc nhóm, viết báo cáo cũng ngày càng chiếm nhiều thời gian hơn và cũng không còn trực tiếp viết nhiều code nữa. Ngoài ra, các lập trình viên có kinh nghiệm cần đào tạo các lớp lập trình viên mới trong công ty và công việc này cũng sẽ chiếm một phần thời gian.
Bên cạnh đó, chị Hương còn chia sẻ thêm rằng nếu muốn đi theo lập trình thì mình xác định đây là quá trình học hỏi không ngừng nghỉ. Code của ngày hôm nay sẽ khác với code của ngày hôm qua, nên sẽ không lo là phải làm đi làm lại một cái quá lâu.
Nhắc đến những người lập trình, chúng ta thường nghĩ tới những lập trình viên là con trai, bởi nó quá khô khan. Ngay trong buổi học cũng có nhiều câu hỏi như vậy, rằng Công nghệ thông tin không dành cho con gái thậm chí có nhiều phụ huynh còn hướng con em mình nên theo đuổi ngành nghề khác, với những câu hỏi trên, chị Hương đã có những chia sẻ với các bạn học sinh từ chính bản thân mình: "Hồi mới học lập trình cách đây 20 năm, khi ấy quan niệm việc lập trình không dành cho con gái vẫn còn là quan niệm phổ biến ở Việt Nam nên cô cũng thường gặp phải sự nghi ngờ và không ủng hộ của những người xung quanh. Cô nghĩ là nếu bạn nữ nào muốn theo con đường này thì cũng phải chuẩn bị tinh thần và bản lĩnh để đương đầu với những sự nghi ngại như thế đấy.
Tuy nhiên, bên cạnh những thiệt thòi đó, chúng ta cũng có rất nhiều thuận lợi. Hiện tại việc đa dạng hóa nhân lực cho ngành lập trình đang được chú trọng, nên có nhiều cơ hội về học bổng, việc làm, giảng dạy dành cho nữ. Là số ít, chúng ta cũng dễ gây ấn tượng hơn với đồng nghiệp và người đối diện. Ngoài ra, các công việc của lập trình viên giàu kinh nghiệm bao gồm rất nhiều làm việc nhóm, trao đổi, giao tiếp mà phụ nữ cũng có nhiều lợi thế trong việc này".
Ngay trong lần thử nghiệm đầu tiên, ý tưởng về buổi Office Hour đã dành được nhiều sự ủng hộ. Rất nhiều học sinh đã sôi nổi đặt rất nhiều câu hỏi thú vị cho các thầy cô. Và chính những thắc mắc của các bạn lại khiến các thầy cô như được nhìn thấy chính mình cách đây nhiều năm, khi mới chập chững học lập trình.
STEAM for Vietnam Foundation là tổ chức phi lợi nhuận 501(c)(3) được thành lập tại Hoa Kỳ với sứ mệnh thúc đẩy các hoạt động liên quan tới giáo dục STEAM (Science — Khoa học, Technology — Công nghệ, Engineering — Kỹ thuật, Arts — Nghệ thuật, Mathematics — Toán học) tại Việt nam. STEAM for Vietnam được thành lập và vận hành bởi đội ngũ tình nguyện viên là du học sinh và chuyên gia người Việt trên khắp thế giới. Office Hour (giờ học ngoại khoá) là một buổi trao đổi để giúp học sinh có hội được giải đáp các thắc mắc liên quan đến bài tập lập trình và học hỏi các bạn cùng lớp. Tuy khá phổ biến trong các trường học phương Tây, hình thức học này vẫn còn khá mới lạ với các bạn học sinh Việt Nam. “Bộ tứ” giảng viên của khoá học CS101: Nhập môn Khoa học Máy tính bao gồm Đoàn Mạnh Hùng, Ngô Minh Đức, Nguyễn Quốc Khánh, và Vũ Viết Quỳnh Hương – kỹ sư phần mềm đến từ các tập đoàn công nghệ hàng đầu trên thế giới gồm có Amazon, Google, Twitter và Chan Zuckerberg Initiative (tổ chức phi lợi nhuận của vợ chồng nhà sáng lập Facebook). Các thầy cô đều từng là những sinh viên Việt Nam xuất sắc với thành tích học tập “khủng” và hiện có nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực lập trình. |
Thùy Dung