TP HCM: Phát triển xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch
Sở Giao thông Vận tải TP HCM đề ra các giải pháp ưu tiên phương tiện sử dụng nhiên liệu sạch. Trong đó, đẩy mạnh phát triển xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch, hình thành hệ thống vận tải hành khách công cộng văn minh, hiện đại, góp phần giảm ô nhiễm môi trường, tiếng ồn.
Trạm xăng dầu Diesel.
So với xe chạy bằng nhiên liệu xăng hoặc dầu (diesel), khí nén thiên nhiên CNG được đánh giá mang lại hiệu quả cao hơn không chỉ ở khía cạnh kinh tế mà còn có tác dụng bảo vệ môi trường.
Thực tế cho thấy, chi phí cho xe sử dụng nhiên liệu khí thiên nhiên CNG thấp hơn khoảng gần 40% so với xe chạy xăng hoặc dầu.
Ngoài ra, xe chạy bằng khí thiên nhiên CNG được đánh giá êm hơn, không có bụi và khói đen, các khí thải gây hại đến sức khỏe con người so với xe thông thường cũng giảm một nửa... Bên cạnh đó, thành phố chỉ có 3 trạm nạp khí CNG cho xe buýt, với công suất phục vụ 180 lượt xe/ngày. Việc hệ thống trạm cung cấp nhiên liệu CNG không nhiều và không thuận tiện cho mỗi lần nạp (lâu gấp 4 lần so với bơm dầu), gây nhiều phiền toái cho nhân viên phục vụ loại xe này. Trong khi đó, việc đầu tư xây dựng thêm trạm nạp thường phải kéo dài, do phải thực hiện nhiều thủ tục hành chính liên quan đến khí đốt. Mặt khác, các loại xe buýt CNG thường có giá cao hơn so với loại xe tương tự sử dụng nhiên liệu truyền thống (diesel) từ 20 đến 50%. Đây cũng là một rào cản lớn khiến nhiều doanh nghiệp chưa sẵn sàng cho việc phát triển loại xe buýt này.
Ngành Giao thông - Vận tải thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để phát triển xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch trong thời gian tới. Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải thành phố Hồ Chí Minh Võ Khánh Hưng cho biết, Sở đã phối hợp với các bên liên quan khảo sát, xác định các vị trí có thể xây dựng trạm nạp khí CNG, hỗ trợ PVGas South đơn giản hóa thủ tục xây dựng để mở rộng hệ thống trạm. UBND thành phố Hồ Chí Minh cũng đã phê duyệt đề án hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn ưu đãi mua sắm xe buýt CNG thấp hơn xe buýt thường 3%.
Cùng với đó, ngành Giao thông - Vận tải thành phố Hồ Chí Minh còn có kế hoạch phát triển xe buýt chạy điện. Từ năm 2017 đến nay, thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai thí điểm vận hành 3 tuyến xe buýt không trợ giá, sử dụng 6 xe buýt 12 chỗ ngồi chạy điện phục vụ hơn 12.400 lượt hành khách. Thời gian tới, Sở Giao thông - Vận tải thành phố tiếp tục triển khai thí điểm loại xe điện này, phục vụ du lịch trên địa bàn huyện Cần Giờ. Qua những hoạt động thử nghiệm, các cơ quan quản lý sẽ có căn cứ xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật và đơn giá xe buýt điện, làm cơ sở chuẩn bị các bước tiếp theo để phát triển loại hình vận tải nhiều ưu điểm này.
“Vào dịp cuối tuần, gia đình tôi thường đến Công viên 23-9 lên tuyến xe buýt điện đi vòng quanh tham quan thành phố. Xe chạy êm, với tốc độ vừa phải, cảm giác rất thoải mái”, chị Hoàng Thị Nhã Mi ở đường Cô Giang, quận 1 cho biết.
Đáng chú ý, mới đây, Chính phủ đã đồng ý cho phép thành phố Hồ Chí Minh được tự quyết thí điểm xe buýt điện cỡ lớn, có sức chứa từ 65 đến 70 hành khách. Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải thành phố Hồ Chí Minh Trần Quang Lâm cho biết, Sở Giao thông - Vận tải thành phố Hồ Chí Minh đã đề xuất thí điểm đưa vào hoạt động 5 tuyến xe buýt điện với tổng số 77 xe trong 12 tháng. Bên cạnh đó, Sở tham mưu UBND thành phố kiến nghị Chính phủ ban hành chính sách và hướng dẫn địa phương quy hoạch hệ thống hạ tầng phục vụ phát triển xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch. Đồng thời kiến nghị thành phố có cơ chế, chính sách hỗ trợ kinh phí đầu tư, thuế đất… cho doanh nghiệp, nhà sản xuất phương tiện vận tải hành khách công cộng sử dụng nhiên liệu sạch để thu hút nhiều hơn nữa các nguồn lực xã hội chung tay phát triển loại hình phương tiện mới tham gia vận tải hành khách công cộng tại thành phố Hồ Chí Minh.
Trọng Lương (T/h)