Trường ĐH đầu tiên tại Việt Nam ứng dụng điện toán đám mây IBM PureSystems cho ngành giáo dục
Trường Đại học Công nghệ thông tin Thành phố Hồ Chí Minh (ĐH CNTT HCM) là trường đại học đầu tiên tại Việt Nam triển khai giải pháp điện toán đám mây nhằm thay thế cho cơ sở hạ tầng CNTT phức tạp của trường hiện nay. IBM PureSystems được sử dụng để xây dựng một nền tảng điện toán đám mây riêng, nhằm lưu trữ toàn bộ môi trường thư viện ảo của trường. Các khoá đào tạo, ứng dụng online và các hoạt động nghiên cứu khác của trường cũng sẽ được phát triển và kiểm thử trong môi trường điện toán đám mây này.
Sáng 27/04/2013, IBM Việt Nam đã tổ chức buổi hội thảo về hỗ trợ thúc đẩy ứng dụng điện toán đám mây trong ngành giáo dục tại Hà Nội. Tại buổi hội thảo, thầy Dương Anh Đức – Hiệu trưởng trường ĐH CNTT TP HCM đã chia sẻ kinh nghiệm triển khai thành công giải pháp điện toán đám mây của trường. Thông qua điện toán đám mây và ảo hoá, việc chia sẻ các dịch vụ quản lý sinh viên giữa các khoa, bộ môn một cách dễ dàng và hiệu quả hơn. Ví dụ, một sinh viên khoa Toán có thể ngồi tại ký túc xá kết nối Internet và truy cập điện toán đám mây để tìm một máy chủ vật lý hay máy chủ ảo với dung lượng lưu trữ cần thiết, cùng với một phần mềm toán học MATLAB để chạy một bài tập về nhà. Một giảng viên cũng có thể truy cập chính đám mây đó đề nghị một máy chủ ảo cho mỗi sinh viên thực hiện một dự án dựa trên phần mềm TinkerPlots. Sau khi sử dụng xong, tài nguyên này lại được trả lại về đám mây để phân bổ cho người dùng tiếp theo. Các nguồn lực này chỉ được sử dụng khi cần nên sẽ giúp tối thiểu hoá chi phí năng lượng và mua sắm hàng năm, đồng thời tối ưu hoá việc sử dụng phần cứng và giấy phép phần mềm. Hơn nữa, một ưu thế nổi trội mà điện toán đám mây mang lại là giúp cho các sinh viên, giáo viên có thể truy cập các tài nguyên này 24/7 và từ mọi nơi: lớp học, nhà riêng hay ký túc xá...
Tuy nhiên, sau hơn 5 tháng triển khai hệ thống mới của IBM với rất nhiều bỡ ngỡ và khó khăn khi là người tiên , bài học kinh nghiệm của trường ĐH CNTT TP HCM được thày Đức chia sẻ tại hội thảo đó là:
- Kinh phí đầu tư hạ tầng CNTT ban đầu khá cao nếu không muốn nói là rất cao so với mức đầu tư trung bình hiện nay. Cụ thể trong giai đoạn 1, trường ĐH CNTT TP HCM đã đầu tư chi phí khoảng 10 tỉ. Và dự kiến trong giai đoạn 2, số chi phí đầu tư sẽ gấp 4 lần chi phí đã đầu tư giai đoạn 1.
- Đội ngũ kỹ thuật vận hành hệ thống phải được đào tạo bài bản.
- Để khai thác hệ thống một cách hiệu quả và tối đa cần liên kết với các nhóm nghiên cứu trong và ngoài nước cho các nhóm nghiên cứu bên ngoài thuê/mướn hạ tầng dịch vụ. Trường ĐH CNTT TP HCM đã cung cấp cho thuê hạ tầng cho hơn 20 nhóm nghiên cứu thử nghiệm ứng dụng cho hoạt động của họ sử dụng nền tảng mới này và nhận được phản hồi tương đối tốt.
- Chủ yếu khai thác cloud mở dạng PaaS (Platform as a Service), ở cấp độ SaaS (Software as a Service) còn chưa có nhiều ứng dụng tương thức.
Qua buổi hội thảo, IBM Việt Nam đã giới thiệu các danh mục giải pháp điện toán đám mây của IBM cho ngành giáo dục bao gồm từ các giải pháp đám mây riêng, đám mây công cộng, đám mây lai đến các giải pháp IBM desktop cloud, giải pháp tự động cấp phát và quản lý tài nguyên IBM SmartCloud Provisioning, giải pháp hệ thống tích hợp IBM PureSystems hỗ trợ tăng tốc triển khai điện toán đám mây...
Ngoài ra, trong khuôn khổ các Sáng kiến học đường, IBM cũng sẽ hỗ trợ ĐH CNTT HCM tham gia vào các hoạt động nghiên cứu và cộng tác với các trường đại học hàng đầu trong khu vực, tham gia chương trình Học viện Điện toán đám mây của IBM (IBM’s Cloud Academy) cùng với các trường đại học và viện nghiên cứu hàng đầu khác trên thế giới, để đưa ra định hướng và triển khai điện toán đám mây trong quá trình đào tạo.
Mai Hương