Ứng dụng đọc sách dành cho trẻ em đoạt giải nhất Cuộc thi 'Ý tưởng Khởi nghiệp Startup Wheel' năm 2020

06:33, 16/11/2020

Giải Nhất Cuộc thi “Ý tưởng Khởi nghiệp Startup Wheel” thuộc về dự án “Umbalena - Ứng dụng đọc sách dành cho trẻ em Việt Nam từ 2 đến 6 tuổi” cho vợ chồng doanh nhân trẻ Lê Thị Cẩm Trinh và Nguyễn Việt Thắng.

Ngày 15/11, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam TP HCM cho biết, vừa phối hợp Hội Doanh nhân trẻ Thành phố phối hợp tổ chức và trao giải Cuộc thi “Ý tưởng Khởi nghiệp Startup Wheel” lần thứ 8 năm 2020.

Theo Ban tổ chức, Cuộc thi lần này có gần 1.800 dự án của các cá nhân/nhóm doanh nhân tại Việt Nam, hơn 100 dự án của các doanh nhân trẻ quốc tế đến từ 11 quốc gia thuộc 4 châu lục, gồm: Đức, Anh, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, Mỹ, Canada, Úc, Nepal, Malaysia và Campuchia.

Các dự án dự thi đến từ nhiều lĩnh vực khác nhau như bán lẻ, phân phối, nông nghiệp, giáo dục, du lịch vận tải, thương mại dịch vụ. 80% các doanh nhân khởi nghiệp dự thi có áp dụng yếu tố công nghệ 4.0 vào dự án như: FinTech, AgriTech, EduTech, TravelTech, Logistics, Ecommerce, AI, Robotics,…

Bà Trương Lý Hoàng Phi – Chủ tịch HĐQT kiêm nhà sáng lập CTCP Xúc tiến Đầu tư & Hỗ trợ doanh nghiệp IBP, nhà sáng lập BSSC, Phó CT Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM động viên tinh thần các startup trẻ trước khi công bố kết quả: “Khi một cơn bão đi qua, các startup hãy nhìn lại chính mình để gia cố lại giá trị cốt lõi, những giá trị cơ bản để chiến thắng không chỉ trong Startup Wheel 2020 mà ngoài thị trường vì chiến thắng ngoài thị trường mới là chiến thắng quan trọng nhất. Hãy để COVID-19 đi qua nhưng không bao giờ dập tắt được ước mơ của các startup”.

Kết quả chung cuộc, Ban tổ chức đã trao giải Nhất trị giá 400 triệu đồng cho dự án “Umbalena - Ứng dụng đọc sách dành cho trẻ em Việt Nam từ 2 đến 6 tuổi”.

Umbalena là mô hình đọc sách dành cho trẻ em ở độ tuổi mầm non - mẫu giáo đầu tiên ở Việt Nam có kho sách phong phú hơn 1.000 quyển, chia làm 9 cấp độ đọc, với các chủ đề, ngữ pháp, cấu trúc phù hợp cho trẻ theo từng nhóm tuổi khác nhau. Đây cũng là một trong số ít những dự án khởi nghiệp tham gia cuộc thi năm nay đã chính thức hoạt động trên thị trường.

Ra mắt từ đầu năm 2020, đến nay, Umbalena đã có gần 60.000 lượt tải trên kho ứng dụng cùng rất nhiều phản hồi tích cực từ phía độc giả. 10 trường mầm non trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã đưa ứng dụng vào Câu lạc bộ ngoại khóa đọc sách cho học sinh.

Giải Nhì được trao cho thí sinh Trần Ngọc Thái với Dự án “Voiz FM - Audio Platform và AI Voice”, là hệ sinh thái âm thanh gồm audiobook, podcast, khóa học kết nối giữa những nhà sáng tạo nội dung và người nghe. Giải Ba thuộc về thí sinh Châu Ngọc Dịu với sản phẩm Đường Thốt Nốt Palmania.

Ban tổ chức cũng trao giải Nhất bảng thí sinh quốc tế trị giá 2.000 USD cho sản phẩm “Saathi - Băng vệ sinh phụ nữ phân hủy sinh học từ sợi chuối thân thiện môi trường” đến từ Ấn Độ và dự án “Interbrid - Giải pháp sử dụng màn hình tinh thể lỏng để biến mặt kính cửa sổ thành bảng quảng cáo” đến từ Hàn Quốc.

Giải bình chọn “Dự án được yêu thích nhất” được trao cho dự án “Widdy - Mạng xã hội giao thông” của thí sinh Huỳnh Minh Bảo.

Giải nữ khởi nghiệp xuất sắc nhất thuộc về thí sinh Nguyễn Hoàng Kỳ với dự án “SmartDialog - Nền tảng hội thoại thông minh”.

Giải dự án sinh viên khởi nghiệp xuất sắc nhất thuộc về thí sinh Phạm Mạnh Đình với dự án “Pando - Vật liệu xây dựng làm từ rác thải nhựa”.

Giải dự án sáng tạo nhất được trao cho dự án “InfraSen - Cảm biến ảnh hồng ngoại nhiệt” của thí sinh Nguyễn Trần Thuật.

Mỗi giải trị giá 30 triệu đồng.

Ông Nguyễn Thanh Mỹ – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Mỹ Lan (Mylan Group) - người khởi nghiệp lại ở độ tuổi 60, nhiều người gọi chú là “Việt kiều té giếng” không ngại chia sẻ câu chuyện của mình. “Trong hành trình khởi nghiệp, có nhiều lúc tôi rất thất vọng muốn bỏ cuộc nhưng tôi xem đó là cảm xúc rất bình thường. Do đó, các startup nếu không vào được top 10 thì cũng đừng vội thất vọng, thành công đến từ sự kiên trì không dễ dàng bỏ cuộc”. Ông khẳng định, khởi nghiệp cần tư duy làm điều gì đó tốt hơn cho cộng đồng, cho quê hương, “người giàu có không được định nghĩa qua việc bạn có bao nhiêu tiền, người giàu có là người mang được bao nhiêu giá trị cho những người xung quanh”.

Ông Nguyễn Thanh Mỹ đại diện BGK chia sẻ

Bên cạnh đó, BTC công bố và trao thưởng online qua cầu truyền hình trực tiếp, kết nối tới 4 quốc gia của Top 5 Bảng quốc tế.

Giải Dự án tạo tác động: Saathi.

Saathi sản xuất băng vệ sinh phân hủy sinh học 100% đầu tiên trên thế giới làm từ sợi chuối đến từ Ấn Độ thuộc lĩnh vực Healthcare. Saathi được các tổ chức uy tín vinh danh: Top 100 sản phẩm sáng tạo xuất sắc nhất năm 2019 do The New Yorks Time bình chọn; Giải thưởng Not Impossible Award 2019 tại L.A, Mỹ; Top 3 Doanh nghiệp Đổi mới sáng tạo xuất sắc của Ấn Độ năm 2019.

Giải nhất Bảng quốc tế: Interbrid Inc.

Interbrid thuộc lĩnh vực AdTech đến từ Hàn Quốc, cung cấp nền tảng quảng cáo TUNE, DOOH dựa trên công nghệ AI, Big Data và Window Display. Interbrid gọi được vốn 1.5 triệu USD. Interbrid đã triển khai được 74 điểm quảng cáo tại Hàn Quốc và có 10 đối tác trên toàn thế giới: Mỹ, Canada, Myanmar, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines, Việt Nam…

Thanh Tùng