Việt Nam đào tạo chuyên gia thiết kế chip bán dẫn
Sáng 17/02, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) đã tổ chức Lễ Khai giảng Chương trình đào tạo Thiết kế vi mạch số. Đây là bước khởi đầu cho chương trình đào tạo nhằm nâng cao năng lực nguồn nhân lực thiết kế vi mạch bán dẫn Việt Nam.
Chương trình đào tạo được thiết kế theo tiêu chuẩn Hoa Kỳ, sử dụng phần mềm chuyên dụng của Cadence, được giảng dạy song ngữ Việt - Anh bởi các chuyên gia cấp cao trong lĩnh vực thiết kế vi mạch từ Dolphin. Chương trình bao gồm 40 suất học bổng được trao cho các học viên với trị giá 30 triệu đồng/khóa.t
Theo đó, Dolphin sẽ cung cấp giảng viên, chuyên gia cấp cao trong lĩnh vực thiết kế vi mạch và chương trình đào tạo của tập đoàn, theo tiêu chuẩn Hoa Kỳ. Trong khi đó, Cadence hỗ trợ toàn bộ bản quyền phần mềm thiết kế vi mạch phục vụ chương trình đào tạo.
Các học viên tham gia học tập trung tại Đại học Bách khoa Hà Nội trong 3 tháng. Tham gia khóa học, học viên có cơ hội kết hợp giữa lý thuyết và thực hành, được đào tạo bài bản về công nghệ bán dẫn và thiết kế vi mạch số thông qua phần mềm tiêu chuẩn công nghiệp Cadence. Ngoài ra, khóa học giúp học viên nuôi dưỡng tư duy liên tục học hỏi sáng tạo và cập nhật các xu hướng của ngành thiết kế mạch số, đáp ứng nhu cầu của ngành công nghiệp điện tử và vi mạch bán dẫn trong nước và quốc tế. Các học viên hoàn thành khóa học sẽ được ưu tiên cơ hội thực tập, việc làm từ Dolphin và các doanh nghiệp đối tác hàng đầu của NIC trong lĩnh vực thiết kế vi mạch. Việc tuyển dụng này cũng đang phù hợp với xu thế mở rộng kinh doanh, tăng cường đầu tư tại Việt Nam của Dolphin cũng như các doanh nghiệp bán dẫn lớn trên thế giới trong thời gian qua.
Ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia phát biểu tại buổi lễ.
Phát biểu tại sự kiện, ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia cho biết, Việt Nam hiện là một trong những quốc gia có nền kinh tế số phát triển nhanh nhất Đông Nam Á, có vị trí địa chính trị chiến lược, có lực lượng lao động trẻ dồi dào, am hiểu công nghệ, cơ sở hạ tầng được đầu tư ngày càng hiện đại, thu hút ngày càng nhiều các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo.
Ông Huy chia sẻ thêm, NIC đã và đang phối hợp với các tập đoàn, doanh nghiệp công nghệ và khối viện trường để đẩy mạnh các chương trình kết nối, thúc đẩy đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Chương trình đào tạo thiết kế vi mạch là một giải pháp để phát huy khâu đột phá về giá trị con người Việt Nam trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Đây còn là bước tiến quan trọng trên hành trình từng bước làm chủ công nghệ của người Việt Nam trong ngành công nghiệp bán dẫn.
"Mục tiêu Việt Nam đặt ra là đào tạo 50.000 kỹ sư, cử nhân cho ngành công nghiệp bán dẫn, trong đó có 15.000 cho công đoạn thiết kế sẽ sớm đạt được. Các giảng viên, sinh viên xuất sắc tham gia chương trình chính là những những kiến trúc sư kiến tạo tương lai công nghệ của Việt Nam", ông nhấn mạnh.