Việt Nam thu hút hơn 31 tỷ USD vốn FDI

09:41, 05/12/2024

Tổng vốn đăng ký đầu tư trực tiếp 31,4 tỷ USD; công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm hơn 64% tổng vốn cấp mới; Singapore là nhà đầu tư lớn nhất với gần 9,14 tỷ USD... là những điểm nhấn đáng chú ý trong tình hình thu hút vốn đầu tư FDI 11 tháng năm 2024.

Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhà đầu tư nước ngoài đã đăng ký đầu tư trực tiếp 31,4 tỷ USD trong 11 tháng năm nay, tăng 1% so với cũng kỳ năm 2023.

Trong số đó, có 3.035 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (tăng 1,6% so với cùng kỳ), với tổng vốn đăng ký đạt gần 17,39 tỷ USD (tăng 0,7%). Ngoài ra, nhà đầu tư đăng ký tăng thêm vốn 9,93 tỷ USD vào 1.350 lượt dự án, tăng tương ứng 40,7% và 12,9%.

Bên cạnh đó, có 3.029 giao dịch góp vốn, mua cổ phần (giảm 7% so với cùng kỳ), tổng giá trị vốn góp đạt gần 4,06 tỷ USD (giảm 39,7%).

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, riêng tháng 11 ghi nhận tổng lượng vốn đầu tư khá lớn so với các tháng trong năm với gần 4,12 tỷ USD, chỉ đứng sau tháng 9 với 4,26 tỷ USD.

Nhiều dự án lớn ở các lĩnh vực bán dẫn, năng lượng (sản xuất pin, tế bào quang điện, thanh silic), sản xuất linh kiện, sản phẩm điện tử, sản phẩm nhiều giá trị gia tăng được đầu tư mới và mở rộng vốn trong 11 tháng.

Xét theo ngành, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt gần 20,2 tỷ USD, chiếm gần 64,4% tổng vốn đầu tư đăng ký, giảm 8,7% so với cùng kỳ.

Kế tiếp là ngành kinh doanh bất động sản với tổng vốn đầu tư gần 5,63 tỷ USD, chiếm hơn 17,9% tổng vốn đầu tư đăng ký, tăng 89,1% so với cùng kỳ. Tiếp theo lần lượt là các ngành bán buôn bán lẻ; sản xuất, phân phối điện với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt gần 1,37 tỷ USD và hơn 1,12 tỷ USD.

Trong số 110 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đầu tư trong 11 tháng, Singapore tiếp tục là quán quân với tổng vốn đầu tư gần 9,14 tỷ USD, chiếm hơn 29,1% tổng vốn đầu tư, tăng 53,7% so với cùng kỳ 2023. Đầu tư của Singapore chủ yếu là đầu tư mới và điều chỉnh vốn, chiếm tương ứng 63,3% và 27,3% tổng vốn đầu tư của Singapore trong 11 tháng.

Ảnh minh họa. Nguồn: TH&PL

Hàn Quốc đứng thứ hai với hơn 3,89 tỷ USD, chiếm 12,4% tổng vốn đầu tư, giảm 9% so với cùng kỳ. Tiếp theo là Trung Quốc, Hồng Kông, Nhật Bản.

Đây đều là các đối tác truyền thống của Việt Nam và đến từ Châu Á. Riêng 5 nền kinh tế dẫn đầu đã chiếm tới gần 73% số dự án đầu tư mới và hơn 77% tổng vốn đầu tư đăng ký của cả nước.

Theo địa bàn đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 55 tỉnh, thành phố trên cả nước trong 11 tháng năm 2024. Bắc Ninh dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 5,04 tỷ USD, chiếm 16% tổng vốn đầu tư cả nước, gấp hơn 3 lần cùng kỳ. Điều này là nhờ một số dự án công nghệ cao với quy mô lớn.

Quảng Ninh đứng thứ hai với hơn 2,29 tỷ USD, chiếm 7,3% tổng vốn đầu tư đăng ký, giảm 26,3% so với cùng kỳ. Thành phố Hồ Chí Minh đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 2,28 tỷ USD. Tiếp theo lần lượt là Hải Phòng, Hà Nội, Bình Dương…