Việt Nam nằm trong 30 nước xuất nhập khẩu lớn nhất thế giới
Việt Nam liên tục nằm trong nhóm 30 nước, vùng lãnh thổ có giá trị xuất nhập khẩu hàng hóa lớn nhất toàn cầu. Nhưng cán cân thương mại cho thấy nền kinh tế đang xuất nhiều, nhập nhiều và thặng dư thương mại không bao nhiêu.
Theo xếp hạng được công bố mới đây của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Việt Nam liên tục nằm trong nhóm 30 nước, vùng lãnh thổ có trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa lớn nhất trên phạm vi toàn cầu trong những năm gần đây. Và trong khi thứ hạng của các nước ASEAN không tăng thì thứ hạng của Việt Nam đã có những bước tăng trưởng vượt bậc trong vài năm gần đây.
Tổng giá trị xuất khẩu, nhập khẩu, thặng dư thương mại của Việt Nam từ năm 1995 - 2021. Việt Nam trong top 30 nước xuất nhập khẩu lớn toàn cầu - Ảnh: WTO
Cụ thể, trong năm 2021 Việt Nam có giá trị xuất khẩu hàng hóa xếp vị trí thứ 23 trên thế giới, giá trị nhập khẩu hàng hóa xếp vị trí thứ 20 trên thế giới.
Và kể từ năm 2019, Việt Nam xếp vị trí thứ 2 trong khối ASEAN về giá trị hàng hóa xuất nhập khẩu, vượt qua Thái Lan, Malaysia, chỉ xếp sau Singapore về tổng giá trị xuất nhập khẩu hàng hóa.
Số liệu thống kê cũng cho thấy từ năm 2012, cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam đạt thặng dư liên tục sau một thời gian dài nhập siêu.
Năm 2021 Việt Nam xuất siêu khoảng 8 tỉ USD, và trong năm 2022 giá trị xuất siêu dự báo tăng lên khoảng 10 tỉ USD.
Cũng theo WTO, kể từ năm cột mốc năm 1995, gần 30 năm qua nền kinh tế Việt Nam có những bước chuyển mạnh mẽ, từng bước thực hiện chính sách đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa, tranh thủ khả năng hợp tác thương mại, đầu tư, hội nhập, chuyển giao công nghệ, phát triển kinh tế đất nước.
Đặc biệt hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam có những bước tiến mạnh mẽ, liên tiếp đạt được các mốc kỷ lục.
Tổng giá trị xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt 100 tỉ USD vào năm 2007. Bốn năm sau, tổng giá trị xuất nhập khẩu tăng gấp đôi, đạt 200 tỉ USD vào năm 2011.
Đến năm 2015 tổng giá trị xuất nhập khẩu cán mốc 300 tỉ USD, và từ thời điểm này đến nay, cứ sau mỗi chu kỳ 2 năm tổng giá trị xuất nhập khẩu của Việt Nam tăng thêm 100 tỉ USD.
Theo đó, tổng giá trị xuất nhập khẩu năm 2017 đạt mức 400 tỉ USD, năm 2019 đạt 500 tỉ USD, đến hết tháng 11-2021 đạt mốc 600 tỉ USD.
Trong năm nay, tính đến tháng 12-2022, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt mốc 700 tỉ USD.
Có thể thấy sự gia tăng giá trị xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam những năm qua gắn liền với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Việt Nam đã tham gia hàng chục hiệp định thương mại tự do có quy mô toàn cầu.
Cùng thời gian này, dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam cũng gia tăng mạnh mẽ. Khu vực doanh nghiệp FDI liên tục chiếm trên 70% giá trị xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong những năm gần đây.
Thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam hiện nay là Mỹ và EU, trong khi thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc.
Trong thời gian tới, để tiếp tục tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, Chính phủ sẽ tiếp tục công tác cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa, trong đó chú trọng đẩy mạnh triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN với mục tiêu tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu,giảm thời gian thông quan, giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp. Bên canh đó,chú trọng đấu tranh chống gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp hàng hóa; đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại,xử lý nghiêm các vi phạm về sở hữu trí tuệ, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, minh bạch.
Bảo Trân (T/h)