Việt Nam xây dựng thị trường carbon: Từ cam kết Net Zero đến "tiền tệ xanh" của tương lai
Net Zero là một trong những cam kết lớn nhất mà nhân loại từng thực hiện. Điều này cho thấy tính cấp bách của cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang là quốc gia có tốc độ tăng phát thải khí nhà kính nhanh nhất thế giới. Để hiện thực hóa mục tiêu Net Zero 2050, việc xây dựng thị trường carbon không chỉ là nhiệm vụ cấp bách mà còn mở ra cơ hội biến tín chỉ carbon thành “tiền tệ xanh”, tạo ra lợi thế cạnh tranh mới cho quốc gia…
Chia sẻ tại Diễn đàn Net Zero 2025, TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Tư vấn phát triển (CODE), cho biết cường độ và tần suất của các thảm họa thiên nhiên và đại dịch đang gia tăng chóng mặt. Nếu trước đây phải mất 200 năm mới có một đại dịch, thì nay con số này đã rút xuống chỉ còn 16 năm. Đáng lo ngại là hàm lượng carbon trong không khí, vốn ổn định hàng nghìn năm, đã tăng gấp đôi trong 200 năm qua và vẫn đang tăng với tốc độ chưa từng thấy.
Trong bối cảnh đó, giảm phát thải không chỉ là trách nhiệm mà còn là “điều kiện sống còn – là giấy phép xuất khẩu” đối với các doanh nghiệp.
“Ngay cả khi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump phản đối Net Zero, 100% doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam vẫn phải thực hiện báo cáo phát thải khí nhà kính và báo cáo phát triển bền vững (ESG). Vì sao? Vì đó là thương hiệu của doanh nghiệp. Nếu không có hai báo cáo này, doanh nghiệp không thể bán hàng ra thị trường quốc tế và càng không thể bán cho người tiêu dùng Mỹ có ý thức”, ông Nghĩa chia sẽ kết quả tham vấn Hiệp hội các doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam.
Điều này cho thấy cuộc chiến chống biến đổi khí hậu là một xu thế không thể đảo ngược, được thúc đẩy bởi chính yêu cầu của thị trường toàn cầu.
Ảnh minh họa.
Cơ hội từ thị trường tỷ đô
Từ năm 2007 tới nay, thị trường carbon toàn cầu đã huy động được 373 tỷ USD. Riêng năm 2024, con số này là 70 tỷ USD, cho thấy vai trò ngày càng lớn của tài chính carbon trong việc hỗ trợ các mục tiêu khí hậu toàn cầu. Điều này cũng cho thấy một sân chơi kinh tế hoàn toàn mới đang dần được định hình.
Bà Betty Palard, CEO của ESG Climate Consulting, nhận định tín chỉ carbon đang dần trở thành một loại tiền tệ, một sản phẩm tài chính phái sinh đặc biệt. Theo bà, đây chính là “cuộc chơi của Việt Nam” bởi những lợi thế riêng như người Việt giỏi toán học – yếu tố then chốt để đo lường, xác minh tín chỉ carbon, và là quốc gia nông nghiệp với 92% nền tảng kinh tế đến từ các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Nhận thức được tiềm năng này, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển thị trường carbon tại Việt Nam vào ngày 24/1/2025, với lộ trình vận hành thử nghiệm từ nay đến năm 2028 và vận hành chính thức từ năm 2029, đồng thời kết nối với thị trường carbon thế giới.
Trên thực tế, theo TS. Nguyễn Tuấn Quang, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Việt Nam đã có kinh nghiệm tham gia các cơ chế tín chỉ carbon quốc tế từ những năm 2000, với khoảng 150 dự án đã được cấp 40,2 triệu tín chỉ và đưa vào giao dịch quốc tế. Hiện nay, hành lang pháp lý đang được khẩn trương hoàn thiện, với các văn bản cốt lõi như Nghị định 06/2022/NĐ-CP quy định về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone và Nghị định 119/2025 sửa đổi một số điều của Nghị định 06. Bộ Tài chính cũng đã trình Thủ tướng phê duyệt Nghị định về Sàn giao dịch carbon, nhằm quản lý tập trung và minh bạch tất cả các loại tín chỉ.
Các diễn giả thảo luận tại Diễn đàn Net Zero Việt Nam 2025.
Đáng chú ý, theo ông Lê Quang Linh, Chuyên gia dự án Giảm phát thải, Tài chính xanh, Công ty CP Khoa học và Môi trường Giant Barb, tiềm năng tạo tín chỉ carbon tại Việt Nam là rất lớn và đa dạng, không chỉ giới hạn ở lĩnh vực lâm nghiệp (trồng rừng) hay nông nghiệp (biochar từ phế phẩm nông nghiệp, thu hồi biogas phát điện từ chăn nuôi heo) mà còn có cơ hội từ các dự án như thu hồi khí bãi rác phát điện và đốt rác phát điện.
Giải quyết thách thức lớn về giá trị
Tuy nhiên, để tạo ra tín chỉ carbon là không hề đơn giản. Trong đó, khái niệm “tính bổ sung” (additionality) được chuyên gia ESG Climate Consulting đặc biệt nhấn mạnh. “Chúng ta chỉ có thể nhận được tín chỉ cho 2 tấn carbon tăng thêm thông qua việc chứng minh được hiệu quả giảm phát thải vượt trội so với kịch bản phát triển thông thường, chứ không phải cứ có rừng là sẽ có tín chỉ carbon”, bà Betty nhấn mạnh và đặt câu hỏi: “Tại sao tín chỉ carbon của một cây thông ở Pháp lại có giá 90 USD trong khi ở Việt Nam chỉ là 5 đô USD”.
Câu trả lời, theo bà, nằm ở dữ liệu và sự minh bạch. Để tín chỉ carbon Việt Nam được định giá cao, Việt Nam cần xây dựng được một thương hiệu mạnh mẽ, dựa trên hệ thống đo lường, báo cáo, thẩm định (MRV) tin cậy và minh bạch.
Nói về cơ chế hoạt động của thị trường carbon, theo ông PGS Nguyễn Đình Thọ, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Nông nghiệp và Môi trường, nguyên tắc rất đơn giản, đó là doanh nghiệp nào đầu tư chuyển đổi công nghệ, giảm được phát thải thì có thể bán phần tín chỉ carbon đó cho doanh nghiệp khác chưa hoặc không thể chuyển đổi.
Theo Ts Thọ, quyết định có nên chuyển đổi công nghệ hay không phụ thuộc vào giá carbon trên thị trường. Nếu giá bán tín chỉ carbon cao hơn chi phí chuyển đổi công nghệ, doanh nghiệp nên đầu tư chuyển đổi. Ngược lại, nếu giá tín chỉ thấp, doanh nghiệp có thể chọn mua tín chỉ để đáp ứng yêu cầu ngắn hạn và chờ thời điểm thích hợp để đầu tư sau.
“Đây chính là logic vận hành của thị trường carbon – nơi tín hiệu giá đóng vai trò điều phối hành vi của các bên tham gia. Khi nền tảng được hoàn thiện, doanh nghiệp Việt hoàn toàn có thể làm quen và chủ động tham gia giao dịch trên thị trường này, giống như họ từng làm với thị trường chứng khoán”, ông Thọ nhấn mạnh.