Xếp hạng Chính phủ điện tử 2024: Việt Nam tăng vọt 15 bậc, lần đầu tiên thoát khỏi “Bẫy xếp hạng trung bình”
Theo Báo cáo Chính phủ điện tử của Liên hợp quốc năm 2024 (E-Government Survey 2024), Việt Nam đã tăng vọt 15 bậc từ vị trí 86 (năm 2022) lên vị trí 71 trong số 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc và vị trí thứ 5 Đông Nam Á (ASEAN). Với kết quả này, Việt Nam thuộc nhóm nước có chỉ số phát triển Chính phủ điện tử rất cao.
- Bộ TT&TT ban hành Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam, phiên bản 3.0, hướng tới Chính phủ số
- Vai trò then chốt của mạng 5G trong phát triển chính phủ điện tử
- Thủ tướng: Nâng cao xếp hạng của Việt Nam về Chính phủ điện tử, Đổi mới sáng tạo và Năng lực cạnh tranh toàn cầu theo tiêu chí của các tổ chức quốc tế
Về giá trị, chỉ số phát triển Chính phủ điện tử EGDI (E-Government Development Index) của Việt Nam năm 2024 đạt 0.7709 điểm, được xếp vào nhóm các nước phát triển Chính phủ điện tử có EGDI ở mức rất cao (Very High EGDI) và cao hơn so với chỉ số EGDI trung bình của thế giới (0.6382), của khu vực châu Á (0.6990), cũng như của khu vực ASEAN (0.7218).
Việt Nam có vị trí thứ 71 trong 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc về EGDI (Nguồn: E-Government Survey 2024)
Trong khu vực ASEAN, Việt Nam giữ vị trí thứ 5 sau các nước Singapore, Thái Lan, Malaysia và Indonesia; tăng 1 bậc so với năm 2022. Trong khối ASEAN, Singapore xếp ở vị trí thứ 3 trên thế giới, tăng 9 bậc so với năm 2022 và giữ vững vị trí đầu bảng ASEAN. Thái Lan tăng 3 bậc giữ vị trí thứ 52 thế giới; tăng 1 bậc lên vị trí thứ 2 ASEAN. Malaysia tăng 15 bậc lên vị trí 57 thế giới nhưng lại giảm 1 bậc xuống vị trí thứ 3 ASEAN (do Thái Lan tiến nhanh hơn). Indonesia giữ vị trí 64 thế giới, tăng 13 bậc và giữ vị trí thứ 4 ASEAN, tăng 1 bậc.
Mặc dù Việt Nam rất nỗ lực trong công cuộc Chuyển đổi số mạnh mẽ trong 3, 4 năm gần đây, tác động vào mức tăng hạng chỉ số xếp hạng Chính phủ điện tử 2024, tuy nhiên nhìn các nước gần ta trong vùng cho thấy ta tiến họ cũng tiến rất nhanh và xếp hạng của Việt Nam trong ASEAN cũng chưa được cải thiện nhiều với vị trí thứ 5, trở lại vị trí của năm 2014.
Việt Nam có vị trí thứ 5 trong các nước ASEAN.
Xếp ngay sau Việt Nam trong khu vực ASEAN là Philippines, giữ vị trí 73 thế giới, tăng 16 bậc so với năm 2022. Brunei giảm 7 bậc xuống vị trí 75 thế giới và giảm 3 bậc xuống vị trí thứ 7 ASEAN. Cam-pu-chia tăng 7 bậc lên vị trí 120 thế giới và giữ nguyên vị trí thứ 8 tại ASEAN. Myanmar tăng 6 bậc lên vị trí 138 thế giới và giữ nguyên vị trí thứ 9 tại ASEAN. Lào tăng 7 bậc lên vị trí 152 thế giới và giữ nguyên vị trí cuối trong ASEAN.
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn khoảng cách rất xa so với các quốc gia thuộc nhóm đầu, với chỉ số EGDI cao gấp khoảng 1,3 lần so với Việt Nam, gồm: đứng đầu là Đan Mạch với 0,9847 điểm, tiếp đó là Estonia với 0,9727 điểm, Singapore với 0,9133 điểm, Hàn Quốc với 0,9679 điểm và Iceland với 0,9671 điểm.
Sau đây là biểu đồ xếp hạng chính phủ điện tử của Việt Nam trong giai đoạn 2004-2024:
Biểu đồ trên cho thấy dường như Việt Nam đã bắt đầu thoát được ra khỏi cái “Bẫy xếp hạng trung bình” về chính phủ điện tử của Liên hợp quốc. Hy vọng là chúng ta không bị rơi trở lại cái bẫy này nữa!
Liên hợp quốc đánh giá chỉ số EGDI của các quốc gia dựa trên giá trị trung bình của 3 chỉ số, đó là: chỉ số Dịch vụ trực tuyến (Online Service Index – OSI); chỉ số Hạ tầng viễn thông (Telecommunication Infrastructure Index – TII) và chỉ số Nguồn nhân lực (Human Capital Index – HCI) của 193 quốc gia trên thế giới. Năm 2024, tất cả các chỉ số OSI, TII và HCI của Việt Nam đều tăng so với năm 2022.
Bảng chi tiết xếp hạng Chính phủ điện tử của Việt Nam qua các năm.
Kể từ năm 2004 khi xếp thứ 112/178 quốc gia được xếp hạng, qua nhiều năm lên/xuống thứ hạng, năm nay Việt Nam đã bứt phá lên vị trí 71/193 quốc gia, thuộc nhóm nước có chỉ số Chính phủ điện tử rất cao. Nguyên nhân của sự cải thiện xếp hạng đến từ việc tất cả các chỉ số thành phần đều tăng, trong đó đóng góp nhiều nhất là chỉ số TII (hạ tầng viễn thông) tăng 26%, tiếp theo là chỉ số OSI (dịch vụ trực tuyến) tăng 14%. Chỉ số HCI (nguồn nhân lực) tăng ít nhất chỉ 5%, đây cũng là điều dễ hiểu vì đến giờ này Việt Nam vẫn chưa công bố các số liệu để tính được 2/4 chỉ tiêu của HCI, đó là các chỉ tiêu: Expected Years of Schooling – Số năm đi học kỳ vọng của người trong độ tuổi đi học và Mean Years of Schooling – Số năm đi học trung bình của người đến tuổi trưởng thành.
Theo Nghị quyết 02/2024 của Chính phủ về “Những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024” thì nước ta phấn đấu đến năm 2025 chỉ số phát triển Chính phủ điện tử tăng ít nhất 5 bậc. Như vậy, Việt Nam đã hoàn thành và vượt kế hoạch đề ra trước thời hạn 1 năm.
Trước đó, ngày 15/6/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 942/2021/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Mục tiêu đến năm 2025, xếp hạng quốc gia của Việt Nam về phát triển Chính phủ điện tử, chính phủ số theo đánh giá của Liên hợp quốc có sự thay đổi đột phá.
Một số chỉ tiêu cơ bản bao gồm: Việt Nam thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về chỉ số tổng thể (EGDI); Việt Nam thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về chỉ số tham gia điện tử (EPI); Việt Nam thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về chỉ số dữ liệu mở… Theo mục tiêu này thì Việt Nam vẫn còn khá khiêm tốn ở vị trí thứ 71 và còn phải phấn đấu nhiều, nhiều hơn nữa!