Cánh quạt của tuabin gió hết hạn sử chất đông thành bãi phế liệu khổng lồ
Đầu tư vào năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió, từ lâu đã là một xu hướng được nhiều nước trên thế giới quan tâm. Tuy nhiên, cánh quạt của tuabin gió đã hết hạn sử dụng hoặc hỏng hóc không thể bảo trì đang là mối lo ngại lớn của nhiều công ty điện gió.
Trên thực tế, mỗi cánh của tuabin gió có thể dài hơn cánh máy bay Boeing 747. Vì vậy khi không thể sử dụng được nữa, chúng khiến các nhà hoạt động môi trường phải đau đầu tìm cách xử lý.
Các cánh quạt được cắt ra và xếp chồng lên nhau để tiết kiệm diện tích.
Được chế tạo để chịu được gió bão, các cánh tuabin điện gió không thể dễ dàng bị nghiền nát, tái chế hoặc tái sử dụng. Và bởi có kết cấu đặc biệt với các sợi thủy tinh lissome, người ta phải dùng cưa công nghiệp với mũi nạm kim cương để xẻ nó ra thành ba mảnh nhỏ, đủ để buộc vào xe đầu kéo để đưa đến các bãi phế thải.
Hàng chục nghìn cánh quạt đang cần được thay thế trên khắp thế giới và hầu hết chúng không có nơi nào để đi ngoài bãi rác. Chỉ riêng ở Mỹ, khoảng 8.000 cánh quạt sẽ phải bỏ đi trong mỗi bốn năm tới. Tại Châu Âu có khoảng 3.800 cánh quạt sẽ phải thay thế hàng năm cho đến năm 2022.
Hầu hết bãi rác chứa cánh quạt đều là những hoang mạc khô cằn.
Theo Bob Cappadona - Giám đốc điều hành của công ty xử lý chất thải đa quốc gia Veolia Envirnement SA có trụ sở tại Paris cho biết: "Cánh tuabin gió sẽ ở đó, chất đống thành những bãi rác khổng lồ. Hầu hết bãi rác đều là những hoang mạc khô cằn. Điều chúng tôi mong muốn là xử lý chúng theo hướng ít ảnh hưởng tới môi trường hơn nữa. Công ty cũng đang tìm kiếm những cách tốt hơn để xử lý nguồn phế thải khổng lồ từ điện gió".
Trong một dự án thí điểm được thực hiện vào năm ngoái, Veolia đã thử nghiền cánh tuabin gió thành bụi, tìm kiếm hóa chất để chiết xuất. "Chúng tôi nghĩ ra một số ý tưởng điên rồ. Chúng tôi muốn biến cánh tuabin gió thành một ngành kinh doanh bền vững” Cappadona chia sẻ.
Một công ty khởi nghiệp mang tên Global Fiberglass Solutions cũng đã phát triển phương pháp để phá vỡ các cánh tuabin và ép chúng thành các viên và tấm, để sử dụng cho vật liệu sàn và tường. Công ty bắt đầu sản xuất các mẫu tại một nhà máy ở Sweetwater (Texas, Mỹ) gần nơi tập trung các trang trại điện gió lớn nhất châu Mỹ. Công ty này cũng có kế hoạch khai thác kinh doanh khác ở Iowa (Mỹ).
Tuy nhiên, cho đến lúc việc kinh doanh nói trên khả thi, các cánh tuabin gió sẽ vẫn là loại phế liệu khổng lồ.
Sản xuất điện gió không sản sinh carbon và 85% thành phần tuabin bao gồm: thép, dây đồng, thiết bị điện tử và thiết bị có thể được tái chế hoặc tái sử dụng. Nhưng các cánh quạt được làm bằng sợi thủy tinh và nhựa thì lại chưa có cách để xử lý. Trong Liên minh châu Âu, nơi quy định chặt chẽ vật liệu nào có thể đi vào bãi rác, một số cánh tuabin gió được đốt trong lò nung tạo ra xi măng hoặc trong các nhà máy điện. Nhưng hàm lượng năng lượng của chúng yếu, không đồng đều và sợi thủy tinh cháy phát ra các chất ô nhiễm. |
Phương Anh