Hội thảo AI4Edu 2024: Trí tuệ nhân tạo và tương lai giáo dục đại học
Ngày 11/12/2024, tại Tòa nhà Đổi mới sáng tạo Đại học Quốc gia Hà Nội (144 Xuân Thuỷ - Cầu Giấy - Hà Nội) đã diễn ra Hội thảo Trí tuệ nhân tạo và tương lai giáo dục đại học (AI4Edu 2024).
Lấy giáo dục làm nền tảng, tạo thế mạnh cho trí tuệ nhân tạo Việt Nam
Hội thảo AI4Edu 2024 được tổ chức bởi CLB các Khoa - Trường - Viện CNTT-TT Việt Nam (FISU Việt Nam) kết hợp cùng trường Đại học Công nghệ (ĐHQGHN) và trường Đại học CMC mang lại một bức tranh tổng quan về cơ hội và cả những thách thức của việc ứng dụng, giảng dạy trí tuệ nhân tạo (AI) bậc ĐH. Hội thảo được bảo trợ bởi Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT), Bộ Giáo dục đào tạo (Bộ GD&ĐT), Bộ Khoa học và Công nghệ (Bộ KH&CN); Hội Tin học Việt Nam và nhà tài trợ là Tập đoàn VNPT.
Khung cảnh Hội thảo AI4Edu 2024.
Hội thảo có sự hiện diện của các đại biểu: PGS.TS. Bùi Thế Duy, Thứ trưởng Bộ KH&CN; PGS.TS. Phạm Bảo Sơn, PGĐ ĐHQG Hà Nội; PGS.TS. Lê Huy Hoàng, PVT Vụ Giáo dục đào tạo, Ban Tuyên giáo Trung ương; TS. Đặng Văn Huấn, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT; TS. Nguyễn Thanh Tuyên, Phó Cục trưởng, Cục Công nghiệp CNTT&TT, Bộ TT&TT; TS. Trần Anh Tú, Phó Vụ Trưởng, Vụ Công nghệ cao, Bộ KH&CN; Ông Ngô Diên Hy, Phó Tổng giám đốc tập đoàn VNPT; ông Lê Hồng Việt, Tổng giám đốc FPT Smart Cloud... và các thầy cô, lãnh đạo các đơn vị thành viên của FISU Việt Nam.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS.TS. Nguyễn Thanh Thủy, Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam, Chủ tịch FISU Việt Nam bày tỏ: AI4Edu 2024 vinh dự nhận được sự bảo trợ của Bộ KH&CN, Bộ GD&ĐT và Bộ TT&TT, Hội Tin học Việt Nam (VAIP).
GS.TS. Nguyễn Thanh Thủy phát biểu tại Hội thảo.
Với hơn 150 đơn vị thành viên trải dài trên cả nước, từ khi thành lập năm 2018 cho đến nay, FISU Việt Nam luôn hướng tới mục tiêu xây dựng cộng đồng CNTT- TT năng động và sáng tạo. "Chúng tôi tự hào luôn được sự đồng hành của Bộ KH&CN, Bộ GD&ĐT và Bộ TT&TT và các tổ chức quốc tế, đã tổ chức thành công những sự kiện quan trọng như: AI4VN từ năm 2018 đến nay, Hội nghị AI4Life 2018, cùng các hội thảo tại các khu vực nhằm thúc đẩy sự phát triển của khoa học công nghệ và giáo dục đại học", GS.TS. Nguyễn Thanh Thủy bày tỏ.
Chủ tịch FISU nhấn mạnh, AI4Edu 2024 là một sự kiện quan trọng, đánh dấu những nỗ lực không ngừng của cộng đồng CNTT- TT trong cả nước, của các trường đại học trong việc ứng dụng và ảnh hưởng của AI đối với giáo dục đại học của Việt Nam trong tương lai.
"Chúng tôi hy vọng rằng, AI4Edu 2024 là cơ hội để các chuyên gia thảo luận, chia sẻ những kết quả nghiên cứu, triển khai và những kinh nghiệm ứng dụng AI trong giáo dục đại học. Hội thảo mong đợi các chuyên gia đầu ngành trao đổi những định hướng quan trọng về sự hỗ trợ của các công nghệ AI tiên tiến, phát triển nâng cao chất lượng giáo dục đại học trong tương lai. Việc xây dựng chương trình đào tạo về AI, khoa học dữ liệu cho đến ứng dụng AI trong quản trị đại học hướng tới một tầm nhìn xa hơn để giáo dục thành một nền tảng có đổi mới sáng tạo", GS.TS. Nguyễn Thanh Thủy nhấn mạnh.
Hội thảo có những nội dung chính như: Thảo luận về những tiến bộ mới nhất trong AI và các cơ hội ứng dụng vào giảng dạy và nghiên cứu; Đưa ra những mô hình hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp nhằm đào tạo nguồn nhân lực AI chất lượng cao; Phân tích các thách thức trong việc tích hợp AI vào hệ thống giáo dục, từ giảng dạy cá nhân hóa đến quản lý thông minh; Xây dựng các chiến lược phát triển dài hạn để đảm bảo rằng Việt Nam không chỉ là người sử dụng mà còn là người sáng tạo công nghệ AI trên bản đồ thế giới.
Thay mặt FISU Việt Nam, GS.TS. Nguyễn Thanh Thủy xin gửi lời cảm ơn chân thành đến nhà tài trợ VNPT, các diễn giả và tất cả quý vị đã tham dự hội thảo. Đặc biệt, trân trọng cảm ơn Bộ KH&CN, Bộ GD&ĐT, Bộ TT&TT và các đơn vị đồng tổ chức đã luôn đồng hành và ủng hộ các hoạt động của FISU Việt Nam trong suốt thời gian qua.
Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS. Bùi Thế Duy - Thứ trưởng Bộ KH&CN cho biết, Bộ KH&CN rất ủng hộ ý tưởng của FISU Việt Nam tổ chức hội thảo mà kết nối các đơn vị đào tạo và nghiên cứu, doanh nghiệp về vấn đề nhân tạo. Vào thời điểm này, việc đặt vấn đề AI trong giáo dục là rất phù hợp. Bởi vì đây là câu chuyện sẽ còn nhiều tranh cãi, còn nhiều khó khăn hơn, và sẽ chậm hơn so với các lĩnh vực khác do định kiến của chúng ta. Trên thực tế, AI đã sử dụng trong ngân hàng, dịch vụ, doanh nghiệp và đã bùng nổ trong 2 năm vừa qua. Đây sẽ là không gian tiềm năng để tạo ra lợi thế riêng của chúng ta, với 100 triệu dân, 20 triệu sinh viên, với rất nhiều tình huống trong giáo dục khác nhau, tạo ra các nguồn dữ liệu quý giá, có chủ quyền của Việt Nam để chúng ta phát triển AI.
Thứ trưởng Bộ KH&CN cũng đánh giá cao về việc Ban tổ chức chuẩn bị chương trình rất phong phú và đa dạng, đầy đủ các khía cạnh. Thứ trưởng tin tưởng các chuyên gia trình bày đều có nghiên cứu sâu sắc sẽ tạo ra Hội thảo AI4Edu có nhiều điều bổ ích.
PGS.TS. Bùi Thế Duy - Thứ trưởng Bộ KH&CN phát biểu tại Hội thảo AI4Edu 2024.
Về cơ quan quản lý nhà nước, chúng ta cần quan tâm thảo luận để đưa sản phẩm AI vào đào tạo. Giai đoạn hiện nay sẽ không cần đầu tư quá nhiều vì các sản phẩm đã định hình. Tuy nhiên, các doanh nghiệp không chỉ phát triển sản phẩm của công ty mà còn hợp tác với các tập đoàn lớn trên thế giới. Việt Nam là điểm đến của các tập đoàn lớn như Nvidia hay Samsung, LG cũng đã mở trung tâm nghiên cứu phát triển tại Việt Nam.
Về việc thúc đẩy nghiên cứu giảng dạy AI, Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho rằng, chúng ta vẫn đang tách rời việc nghiên cứu giảng dạy về AI giữa trường, viện và doanh nghiệp. Nếu có kết nối vẫn chỉ kết nối đoạn gần cuối là tuyển sinh và đào tạo.
Thứ trưởng nhấn mạnh về việc lấy giáo dục để làm nền tảng, tạo thế mạnh đặc thù cho AI Việt Nam. Với thế mạnh của mình, Việt Nam có thể đi đầu về AI trên thế giới nhưng hiện nay rất khó tiến thẳng vào nghiên cứu công nghệ mới để cạnh tranh ngay từ đầu. Tuy nhiên, chúng ta có thể tin tưởng vào thế mạnh về dữ liệu có bản quyền. Do đó, các viện nghiên cứu, trường đại học cần nghiên cứu hình thành dữ liệu có chủ quyền để phát triển ứng dụng AI.
Việc đưa AI vào giảng dạy, nghiên cứu và học tập trong các trường đại học là rất cần thiết. Nếu suy nghĩ theo hướng AI có thể làm cho học sinh lười đi, thói hư tật xấu... sẽ cản trở AI phát triển. Quan trọng là biết tận dụng AI để thúc đẩy được việc học tập và cần có công cụ hành lang pháp lý kiểm soát. Ví dụ Trường ĐH Công nghệ đã sử dụng rất sớm những công vụ phát hiện đạo văn, sao chép...
Theo Thứ trưởng Bùi Thế Duy, không có bất cứ một lý do gì để trì hoãn việc sử dụng AI trong học, nghiên cứu. Vấn đề quan trọng nhất là cách sử dụng công cụ một cách khoa học, có tư duy. Theo đó, các trường đại học sẽ phải đào tạo sinh viên chuyển sang nhóm kỹ năng dùng AI.
"Bên cạnh việc thúc đẩy phát triển AI cũng cần có công cụ kiểm soát và nghiên cứu khía cạnh đạo đức trong AI", Thứ trưởng Bộ KH&CN nhấn mạnh.
Phát biểu tại Hội thảo AI4Edu 2024, PGS.TS. Phạm Bảo Sơn, Phó Giám đốc ĐHQG Hà Nội đánh giá cao sáng kiến của FISU Việt Nam đã tổ chức Hội thảo ý nghĩa này. Cách đây 6 năm, chúng ta tổ chức Hội thảo AI4Life, bây giờ đã trở thành sự kiện thường niên. Lúc đó, chúng ta cũng muốn làm sao để nâng cao nhận thức cũng như đưa AI vào cuộc sống. Trong vòng 2 năm qua, với sự phát triển của Generative AI (AI tạo sinh) thì nhận thức của toàn xã hội trong việc đưa AI vào cuộc sống đã được đẩy nhanh hơn rất nhiều.
PGS.TS. Phạm Bảo Sơn - Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội phát biểu tại Hội thảo AI4Edu 2024.
Do đó, Hội thảo AI4Edu 2024 có ý nghĩa vô cùng quan trọng. "AI4Edu" có nghĩa là "Trí tuệ nhân tạo và tương lai giáo dục đại học". Vai trò của giáo dục đại học gồm 3 khía cạnh là đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ phục vụ cộng đồng.
Do đó, để AI phát triển cần 3 trụ cột: Thứ nhất là nguồn nhân lực, thứ hai dữ liệu và thứ ba là hạ tầng tính toán. Đối với đào tạo nguồn nhân lực, đó chính là vai trò của các cơ sở giáo dục đại học, đặc biệt là các Khoa - Trường - Viện CNTT.
Vị lãnh đạo ĐHQG Hà Nội cho rằng, đối với đào tạo nguồn nhân lực cần có 2 yếu tố. Đầu tiên phải ứng dụng AI và thay đổi cách thức đào tạo CNTT. Thứ hai là AI trong các lĩnh vực khác. Hiện nay, ĐHQG Hà Nội đang đẩy mạnh việc ứng dụng AI trong tất cả các lĩnh vực khác. ĐHQG Hà Nội có thế mạnh gồm tổ hợp các trường ĐH, các viện nghiên cứu. Vừa qua, các giải Nobel về Vật lý, Hóa học đã làm thay đổi nhận thức ở các lĩnh vực và bây giờ lĩnh vực nào cũng muốn đưa AI vào. Đây là vai trò của những người hoạt động trong lĩnh vực CNTT. Bên cạnh đó, chúng ta cần chủ động tiếp cận với các lĩnh vực khác.
Một trong những từ khóa rất quan trọng của Hội thảo AI4Edu 2024 là được tổ chức bởi FISU Việt Nam. Điểm đặc thù của tất cả các trường ĐH chuyên ngành đều có Khoa CNTT. Nếu các khoa này ở các trường đại học chuyên ngành gắn kết với chuyên ngành đó thì tự nhiên đã có ứng dụng của AI trong từng lĩnh vực. Muốn đưa được AI vào đào tạo, trước hết phải ứng dụng để thay đổi cách thức đào tạo trong lĩnh vực CNTT, tiên tới là trong các lĩnh vực khác.
Về dữ liệu, PGS.TS. Phạm Bảo Sơn mong muốn sẽ có bộ dữ liệu của Việt Nam. Ban đầu sẽ hợp tác cùng doanh nghiệp. PGS.TS. Phạm Bảo Sơn mong muốn các doanh nghiệp có mặt hôm nay như VNPT, FPT, CMC... sẽ chia sẻ cùng với các Trường - Viện trong hạ tầng tính toán. Đây là thời điểm chúng ta đang đề xuất đầu tư công ở tất cả các trường đại học công lập nên phải quan tâm đến hạ tầng tính toán, sau đó tiến tới các mô hình để giữa các trường có sự chia sẻ, cùng khai thác hạ tầng. Qua đó, đẩy mạnh hợp tác giữa trường ĐH và doanh nghiệp.
"Về phía ĐHQG Hà Nội, chúng tôi cũng cam kết sẽ đồng hành cùng triển khai với các thầy cô những sáng kiến. Trước hết là trong hệ thống của ĐHQG Hà Nội, sau đó mới lan tỏa rộng hơn với sự chỉ đạo của Bộ KH&CN, Bộ GD&ĐT, Ban Tuyên giáo Trung ương", PGS.TS. Phạm Bảo Sơn nhấn mạnh.
Nhiều bài tham luận sâu sắc và hữu ích
Mở đầu phần tham luận, PGS.TS Bùi Thu Lâm - Phó Chủ tịch, Tổng thư ký FISU Việt Nam đã báo cáo đề dẫn về nhu cầu ứng dụng cũng như giảng dạy AI tại các trường ĐH ở Việt Nam với các thách thức và cơ hội mới.
PGS.TS Bùi Thu Lâm hiện là Phó Giáo sư chuyên ngành Khoa học Máy tính tại Học viện Kỹ thuật Mật mã/ Ban Cơ yếu Chính phủ. Ông từng trải qua nhiều vai trò trong cộng đồng khoa học, như Phó Chủ tịch/Tổng thư ký Câu lạc bộ Khoa Viện Trường CNTT Việt Nam FISU, thành viên tổ công tác về Chiến lược quốc gia về AI của Bộ KH-CN, Ủy viên HĐKH ngành Khoa học máy tính của Quỹ KHCN Quốc gia NAFOSTED.
PGS.TS Bùi Thu Lâm - Phó Chủ tịch, Tổng thư ký FISU Việt Nam trình bày tại Hội thảo.
Theo PGS.TS Bùi Thu Lâm, AI đã trở thành một trong những công nghệ quan trọng nhất của thời đại và hiện đang đóng vai trò then chốt trong nhiều lĩnh vực, từ y tế, tài chính, công nghiệp đến giáo dục. Thị trường AI trong giáo dục toàn cầu năm 2024 đạt khoảng 10 tỷ USD và được dự báo sẽ đạt mức trên 40 tỷ USD vào năm 2029, tăng trưởng với tốc độ trung bình hàng năm (CAGR) hơn 33%.
PGS.TS Bùi Thu Lâm cho rằng, nhu cầu ứng dụng AI trong giáo dục đại học ngày càng gia tăng, đặc biệt sau sự bùng nổ của giáo dục trực tuyến trong đại dịch COVID-19. AI trong giáo dục hiện đang tập trung vào một số ứng dụng chính:
Cá nhân hóa học tập: Các hệ thống AI giúp điều chỉnh nội dung học tập theo nhu cầu cá nhân, giúp sinh viên tiếp cận bài học theo năng lực của riêng mình. Các nền tảng như DreamBox hay Knewton đã tạo ra các hệ thống tự động đánh giá khả năng học tập của sinh viên và điều chỉnh nội dung giảng dạy theo năng lực của mỗi người.
Hỗ trợ quản lý hành chính: Nhiều trường đại học lớn trên thế giới đã triển khai trợ lý AI để hỗ trợ quản lý hành chính, tư vấn sinh viên và tối ưu hóa quy trình đăng ký học tập. Ví dụ, tại Đại học Georgia, hệ thống trợ lý AI mang tên "Pounce" đã giúp giảm thiểu khoảng 20% tỷ lệ học sinh bỏ học ĐH thông qua việc tư vấn sinh viên một cách tự động.
Tự động hóa đánh giá và phản hồi: AI hỗ trợ giảng viên trong việc chấm điểm, phản hồi bài tập và đánh giá tiến độ của sinh viên, đặc biệt trong các khóa học trực tuyến (MOOCs). Điển hình, Coursera và edX là những nền tảng đã sử dụng công nghệ này để tự động chấm bài tập và bài thi.
Về đào tạo AI, báo cáo UNESCO năm 2023 thể hiện: Hiện có hơn 220 triệu sinh viên đang theo học tại các trường ĐH trên toàn thế giới, trong đó một tỷ lệ đáng kể đã tiếp cận hoặc sẽ tiếp cận các chương trình đào tạo có tích hợp AI. Theo khảo sát của Digital Education Council trên phạm vi 16 quốc gia, thì hiện nay có khoảng 86% sinh viên các trường đại học trên thế giới đã sử dụng AI trong học tập (trong đó phần lớn là sử dụng ChatGPT, Grammarly và CoPilot. Khảo sát khác của HAI/Stanford từ trên 3750 trường ĐH của khoảng 110 quốc gia, thì số lượng chương trình đào tạo (bằng tiếng Anh) liên quan tới AI đã tăng gần 3 lần từ năm 2017 đến 2023 và hiện có 2520 chương trình (ĐH: 40%, Ths: 55% và NCS: 5%).
Tình hình triển khai AI trong các trường ĐH tại Việt Nam có nhiều tích cực. Tại Việt Nam, mặc dù AI chưa được ứng dụng rộng rãi ở tất cả các trường ĐH, nhưng nhiều cơ sở giáo dục lớn đã bắt đầu tích hợp công nghệ này vào chương trình giảng dạy và quản lý. Chính phủ đã có nhiều định hướng trong việc đẩy mạnh ứng dụng AI trong giáo dục thông qua việc triển khai Chiến lược quốc gia về nghiên cứu phát triển và ứng dụng AI đến năm 2030. Hình thành một số bộ môn, khoa, viện nghiên cứu đào tạo về AI tại các trường đại học: Viện AI: HUST, UET; Trung tâm AI: IOIT, ITI, PTIT, HUST, VNU-HCM; Khoa AI: PTIT, BD; Bộ môn AI: UIT; hơn 20 Lab AI; 3.000 sinh viên theo học.
Số lượng các khóa học liên quan đến AI đã tăng nhanh trong thời gian gần đây. Với các trường ĐH lớn như ĐHQG Hà Nội, ĐHQG TP HCM và ĐH Bách khoa Hà Nội, đóng vai trò tiên phong (đã có tới 50 trường đào tạo chuyên ngành liên quan tới AI, trong đó có khoảng 26 trường có ngành/chuyên ngành AI, mã 7480107).
Về nghiên cứu cơ bản về AI trong cộng đồng đào tạo và nghiên cứu, Việt Nam đã có tiến bộ rõ rệt. Năm 2023, đã đạt vị trí 29 trong bảng sắp hạng của SCOPUS về AI. Nhiều Hội thảo liên quan tới AI: AI4VN, AI4LIFE… Hơn 40 đề tài KHCN cấp quốc gia liên quan tới AI trong 5 năm gần đây được tiến hành bởi các đơn vị thành viên FISU Việt Nam. Nhiều đối tác quốc tế về AI đã có những hoạt động hợp tác với các trường của Việt Nam.
Tình hình triển khai AI trong các trường ĐH cũng ghi nhận nhiều dấu hiệu tích cực. Một số hệ thống ứng dụng AI trong giảng dạy và quản lý đã bắt đầu được triển khai: Ứng dụng ChatGPT trong dạy và học rất phổ biến đối với các nhà trường ở Việt Nam; Nhiều ứng dụng kiểm tra phát hiện đạo văn được triển khai. Bên cạnh đó, một số thử nghiệm/khảo sát sử dụng các hệ thống LMS tích hợp AI để phân tích hành vi học tập của sinh viên và đưa ra các khuyến nghị học tập, cũng như triển khai hệ thống trợ lý ảo để tư vấn sinh viên và quản lý các quy trình hành chính như đăng ký môn học. Ngoài ra, nhiều tọa đàm về ứng dụng AI trong hỗ trợ dạy và học và quản lý đào tạo đã được triển khai trên phạm vi toàn quốc.
PGS.TS Bùi Thu Lâm cũng chia sẻ những thách thức trong việc ứng dụng AI tại Việt Nam. Đó là vấn đề khung pháp lý về ứng dụng AI. AI là công nghệ có tính đột phá, và có nhiều ảnh hưởng lớn đến người dạy và học. Do đó, việc ứng dụng AI trong đào tạo cũng gặp một số băn khoăn về tác động, trong đó có vấn đề trách nhiệm, đạo đức học thuật và vấn đề an toàn. Tuy nhiên, các hướng dẫn ứng dụng AI an toàn trong các nhà trường vẫn chưa được đề cập thấu đáo.
Thách thức nữa là hạ tầng công nghệ và nguồn tài chính hạn chế. Một trong những rào cản lớn nhất đối với việc triển khai AI trong giáo dục ĐH tại Việt Nam là sự hạn chế về cơ sở hạ tầng công nghệ và nguồn lực tài chính. Nhất là ứng dụng AI đòi hỏi một hạn tầng công nghệ mạnh và nhanh thay đổi. Nhiều trường ĐH, đặc biệt là các trường ngoài công lập và ở vùng hạn chế, chưa đủ điều kiện để đầu tư vào các hệ thống học tập thông minh dựa trên AI.
Chưa hết, việc thiếu hụt giảng viên và chuyên gia có chuyên môn cao về AI là một thách thức lớn. Giảng viên có trình độ chủ yếu tập trung ở các đơn vị đào tạo lớn. Hơn nữa, nhiều giảng viên hiện tại vẫn chưa được đào tạo đủ sâu về AI để có thể giảng dạy và hướng dẫn nghiên cứu ở trình độ cao.
Ngoài ra, đào tạo AI có sự phân hóa cao, trong khi chương trình đào tạo chưa cập nhật kịp thời. Nhiều chương trình đào tạo AI tại các trường đại học Việt Nam vẫn dựa vào các giáo trình nhập khẩu và chưa có sự điều chỉnh phù hợp với bối cảnh địa phương. Các khung kiến thức về chương trình đào tạo hiện đã có đề cập nhưng chưa được trao đổi rộng dãi. Nhiều khóa học chủ yếu tập trung vào lý thuyết, thiếu các ứng dụng thực tiễn và không có sự hợp tác chặt chẽ với doanh nghiệp công nghệ, chưa phản ánh hết được thực tế phân hóa theo nhu cầu về chuyên sâu, kỹ thuật và sáng tạo nội dung.
PGS.TS Bùi Thu Lâm cho rằng, việc ứng dụng Al trong giáo dục ĐH là một xu hướng tất yếu, mang lại cơ hội lớn cho Việt Nam trong việc nâng cao chất lượng đào tạo và quản lý đào tạo. Tuy nhiên, để đạt được những lợi ích này, Việt Nam cần đối mặt với các thách thức về khung pháp lý, cơ sở hạ tầng, nhân lực và chương trình đào tạo. Chỉ khi có sự hợp tác chặt chẽ giữa các trường ĐH, Chính phủ và doanh nghiệp, Việt Nam mới có thể tận dụng tối đa tiềm năng của Al trong giáo dục và trở thành một trong những quốc gia mạnh trong lĩnh vực này.
Tiếp nối là các tham luận về chương trình đào tạo AI tại các trường Đại học ở Việt Nam, cũng như ảnh hưởng của AI trong giảng dạy và quản trị đại học của các diễn giả GS.TS. Lê Sỹ Vinh, PGS.TS Phạm Văn Cường, và TS. Lương Ngọc Hoàng với các kinh nghiệm đến từ các cơ sở lớn như Trường Đại học Công nghệ/ĐH Quốc gia HN, Trường ĐH CNTT/ĐHQG TPHCM và Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông.
Tiếp theo chương trình là phần tham luận của TS. Lê Đức Trọng/ Chủ nhiệm bộ môn KHMT/Trường ĐHCN/ĐHQGHN về Ảnh hưởng của AI tới hoạt động giảng dạy Lập trình.
TS. Lê Đức Trọng tình bày tại Hội thảo.
TS. Lê Đức Trọng nhấn mạnh, AI là xu hướng của tương lai. Việc sinh viên sử dụng các công cụ AI hỗ trợ trong các hoạt động học tập, đặc biệt là lập trình đang là xu hướng của thời đại. Do đó, mọi hoạt động giảng dạy, đảm bảo chất lượng nên lấy chuẩn đầu ra CTĐT/HP làm cơ sở định hướng triển khai. "Dựa trên kinh nghiệm tại trường ĐHCN, TS Trọng đề xuất. Rà soát, điều chỉnh các chuẩn đầu ra, bổ sung các hoạt động đánh giá theo 3 nhóm chuẩn đầu ra". Nhóm chuẩn đầu ra phải sử dụng AI, nhóm chuẩn đầu ra cấm sử dụng AI, nhóm chuẩn đầu ra tự do sử dụng AI.
Nối tiếp chương trình Hội thảo, PGS.TS. Phạm Văn Cường trình bày tham luận Giảng dạy AI tại các trường đại học ở Việt Nam.
PGS.TS. Phạm Văn Cường đang là Trưởng khoa Trí tuệ nhân tạo, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (Khoa TTNT đầu tiên của đất nước) và ông cũng là chuyên gia nghiên cứu (Research Scientist) tại VinAI Research. Ông thường xuyên công bố nghiên cứu khoa học tại các hội nghị và tạp chí hàng đầu (top-tier) về AI như: CVPR, NeurIPS, ECCV, AAAI, UAI.
PGS.TS. Phạm Văn Cường trình bày tham luận Giảng dạy AI tại các trường đại học ở Việt Nam.
Theo PGS.TS Phạm Văn Cường, một số nước đã có các trường đào tạo ngành AI như: Ở Mỹ có CMU (3 Chuyên ngành: cognition & action, machine learning, perception & language); Anh: Eidinburgh; Hàn quốc: KAIST AI, Yonsei, Sejong, Seoul tech, Korea"; Trung Quốc: National Yang Ming Chiao Tung, Tamkang, Chang Gung.
Vị chuyên gia này cho rằng, chương trình đào tạo ngành AI nên có các khối kiến thức chính như sau: Cơ sở (đại số tuyến tính, xác suất thống kê, cơ sở Toán cho Khoa học máy tính etc); Lập trình và thuật toán (Python, C/C+, Java, Assembly, cấu trúc dữ liệu và giải thuật, thiết kế thuật toán, toán rời rạc, ngôn ngữ lập trình, theory of computation); Hệ thống & dữ liệu (hệ điều hành, kiến trúc máy tính, tính toán phân tán, tính toán song song, các nền tảng DevOps, MLOps.-Tensorflow, Pytorch, Docker etc, cơ sở dữ liệu, nhập môn khoa học dữ liệu, phân tích dữ liệu lớn etc); Học máy và học sâu (nhập môn AI, học máy cơ bản, mô hình tạo sinh; Học sâu, xử lý ngôn ngữ tự nhiên, thị giác máy tính, mô hình học sâu tạo sinh); Khác (đạo đức và trách nhiệm AI, machine unlearning, Safety AI etc).
Việc đào tạo AI cần có kỹ năng làm việc liên ngành. Trong khi đó, kiến thức biến đổi nhanh, người dạy và người học cần thích nghi nhanh chóng. Theo đó, lực lượng giảng viên thường khó thu hút được chuyên gia giỏi. Các thầy, cô có thể vừa đóng vai trò giảng dạy tại trường đại học, vừa thực hiện các dự án nghiên cứu AI tại các công ty. Do đó, việc mời các chuyên gia thỉnh giảng có kinh nghiệm giảng dạy là điều cần thiết.
Cũng theo vị chuyên gia này, học liệu cần bám sát với xu thế và cần được cập nhật thường xuyên. Hệ thống trang thiết bị thực hành cần xây dựng các bài thí nghiệm thực hành chuyên sâu và hệ thống quản lý hỗ trợ thực hành trực tuyến...
Về nghiên cứu AI, việc đánh giá chất lượng nghiên cứu cần khách quan và phù hợp với thế giới. Chúng ta cần có chính sách hỗ trợ đối với các nhà khoa học và nhóm nghiên cứu AI theo mức độ đóng góp và thành tích nghiên cứu. Việc đầu tư hạ tầng tính toán (GPU, CPU, Clouds...), định hướng nghiên cứu phù hợp (GenAI, xử lý tiếng Việt, AI cho nông nghiệp, y tế v.v...) cũng là vấn đề cấp thiết. Ngoài ra, cần khuyến khích nghiên cứu kết hợp giữa ĐH và doanh nghiệp, đồng thời khuyên khích các nghiên cứu liên ngành, đa ngành.
Cũng tại Hội thảo, TS. Lương Ngọc Hoàng đã trình bày tham luận Ứng dụng AI trong quản trị đại học (Case study: Trong quản trị và quản lý sinh viên).
TS. Lương Ngọc Hoàng hiện là Trưởng bộ môn Trí tuệ nhân tạo, Khoa Khoa học máy tính, Trường ĐH CNTT, ĐHQG TP. HCM. Ông đã thực hiện luận án Tiến sĩ với nhóm nghiên cứu Các hệ thống thông minh, và nghiên cứu sau Tiến sĩ với nhóm nghiên cứu Khoa học sự sống và Sức khỏe tại Viện nghiên cứu về Toán và Khoa học máy tính, Amsterdam, Hà Lan.
TS. Lương Ngọc Hoàng trình bày tham luận "Ứng dụng AI trong quản trị đại học" tại AI4Edu 2024.
TS. Lương Ngọc Hoàng cho rằng, AI giúp quản trị chiến lược và ra quyết định. AI giúp phân tích dữ liệu lớn (Big Data Analytics). Theo đó, AI giúp xử lý và phân tích dữ liệu từ nhiều nguồn (học tập, tài chính, nhân sự) để hỗ trợ lãnh đạo đưa ra các quyết định chiến lược. Bên cạnh đó, AI còn có thể dự báo xu hướng. Với các mô hình học máy (Machine Learning) có thể dự đoán xu hướng tuyển sinh, nhu cầu ngành học, hoặc thay đổi trong môi trường giáo dục. Với khả năng đo lường hiệu suất, Al cung cấp báo cáo tự động, đánh giá hiệu quả hoạt động của trường theo thời gian thực.
Bên cạnh đó, AI giúp truyền thông và xây dựng thương hiệu nhờ phân tích hành vi. AI phân tích dữ liệu mạng xã hội và tối ưu hóa chiến lược truyền thông. Đặc biệt, việc tương tác tự động giúp các chatbot Al tương tác với thí sinh, phụ huynh, giúp tăng cường trải nghiệm người dùng và nâng cao hình ảnh thương hiệu.
Ngoài ra, AI còn có thể hỗ trợ sinh viên rất hiệu quả, Chatbot AI hỗ trợ sinh viên các vấn đề từ thực tập, tài chính đến tâm lý. AI cũng có thể phát hiện rủi ro như sinh viên có nguy cơ bỏ học thông qua phân tích hành vi và hiệu suất học tập, từ đó đề xuất các biện pháp hỗ trợ.
Về quản lý hạ tầng, AI hỗ trợ quản lý cơ sở vật chất, điều phối sử dụng phòng học, phòng thí nghiệm hiệu quả. AI có thể cá nhân hóa trải nghiệm học tập trên các nền tảng LMS, cung cấp tài liệu và bài giảng phù hợp với từng sinh viên. AI giúp phát hiện và phòng ngừa các mối đe dọa bảo mật trong hệ thống dữ liệu nhà trường. Al giúp giám sát an ninh, kiểm tra vào/ra các phòng làm việc. Phát hiện bất thường trong khuôn viên nhà trường.
TS. Lương Ngọc Hoàng nhấn mạnh rằng, ứng dụng AI trong quản trị ĐH có nhiều thuận lợi khi chuyển đổi số, nghiên cứu và ứng dụng AI trong giáo dục nằm trong các định hướng phát triển khoa học và công nghệ chính của Trường ĐH CNTT, ĐHQG-HCM. Hiện nay, nhiều đề án, đề tài về chuyển đổi số, khóa học trực tuyến đại chúng mở (MOOC) được nghiên cứu triển khai. Sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp và công nghệ đang phát triển mạnh mẽ, giúp các trường ĐH dễ dàng tiếp cận các giải pháp AI. Hơn nữa, nhận thức về vai trò của công nghệ trong giáo dục tại Việt Nam ngày càng cao. Các trường ĐH đã bắt đầu nhận ra hiệu quả của ứng dụng Al vào quản trị và giảng dạy. Đặc biệt, Việt Nam đã có sự đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng CNTT, với tỷ lệ người sử dụng Internet cao và sự phát triển nhanh chóng của hạ tầng công nghệ, nâng cao khả năng kết nối với các nền tảng công nghệ hiện đại trên thế giới.
Tuy nhiên, việc ứng dụng AI trong quản trị ĐH cũng gặp một số khó khăn. Cụ thể, còn thiếu hạ tầng công nghệ hiện đại, gây khó khăn trong việc triển khai các giải pháp AI. Điều này đòi hỏi các trường phải đầu tư lớn vào hệ thống công nghệ, hạ tầng tính toán để đáp ứng yêu cầu sử dụng Al hiệu quả. Khó khăn nữa là thiếu nhân lực chuyên môn. Nguồn nhân lực về Al trong quản trị giáo dục còn hạn chế, ảnh hưởng đến việc phát triển và vận hành các hệ thống Al. Vẫn còn một số giảng viên và cán bộ quản lý thiếu kiến thức và kinh nghiệm với AI, gây khó khăn trong việc áp dụng công nghệ này vào thực tế. Sự chậm trễ trong việc thay đổi tư duy và văn hóa làm giảm hiệu quả ứng dụng Al. Trở ngại tiếp theo là về quy định pháp lý và bảo mật dữ liệu, khi các vấn đề về bảo mật dữ liệu và quy định pháp lý chưa rõ ràng, làm tăng rủi ro khi triển khai AI. Do đó, việc đảm bảo bảo mật thông tin cá nhân của sinh viên và nhân viên là một thách thức lớn đối với các trường.
Tiếp theo chương trình là tham luận Đào tạo trí tuệ nhân tạo gắn với doanh nghiệp của ông Lê Hồng Việt, Tổng Giám đốc FPT Smart Cloud.
Ông Lê Hồng Việt là một trong những người đặt nền móng cho việc ứng dụng và phát triển công nghệ mới cũng như giúp Tập đoàn FPT chinh phục thị trường quốc tế ở nhiều lĩnh vực công nghệ khác nhau. Hiện nay, ông Lê Hồng Việt trực tiếp chịu trách nhiệm xây dựng, phát triển và nâng cao năng lực AI cũng như Điện toán Đám mây tại FPT.
Ông Lê Hồng Việt, Tổng Giám đốc FPT Smart Cloud.
Ông Lê Hồng Việt cho rằng, những điểm chung và khác biệt giữa nghiên cứu Al trong học thuật và phát triển ứng dụng AI trong doanh nghiệp sẽ tạo tiền đề cho việc kết hợp hiệu quả giữa hai môi trường học thuật và doanh nghiệp, tối ưu năng lực nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI.
Trong khuôn khổ học thuật, sinh viên chủ yếu tham gia các hoạt động nghiên cứu, làm theo dạng dự án. Thông thường, các dự án được triển khai với mục tiêu giúp sinh viên thử nghiệm, dụng các kiến thức được học và không chú trọng vào việc xây dựng sản phẩm hoàn thiện. Trên thực tế, nhân sự tham gia dự án AI cần phải có kiến thức chuyên môn đa dạng cũng như khả năng hiểu nghiệp vụ để có thể xây dựng sản phẩm hoàn thiện. Do đó, sinh viên cần tham gia thực tập tại các doanh nghiệp làm sản phẩm Al để trau dồi kĩ năng, tham dự các sự kiện, hội thảo để lắng nghe trao đổi với các chuyên gia về bài học và kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Al. Bên cạnh đó, nhà trường cần đa dạng hóa chương trình và hoạt động đào tạo.
Vẫn theo Tổng giám đốc FPT Smart Cloud, đối với kỹ sư Al, bên cạnh các kiến thức chuyên môn cũng cần trang bị kỹ năng mềm để thể làm việc hiệu quả và khai phá tiềm năng phát triển trong lĩnh vực AI. Đó là các kiến thức về kỹ thuật: Lập trình (Python, C++, Java, JavaScript); Data modeling & engineering; Al/Machine Learning DevOps Network/Cloud Bảo mật Al; Kiến thức & kỹ năng bổ trợc Khải niệm và kiến thức nghiệp vụ cơ bản, vận hành và quản lý doanh nghiệp; Kỹ năng giao tiếp; Làm việc nhóm.
Tham gia Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Hữu Quỳnh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH CMC với tham luận Ứng dụng AI hỗ trợ giải đáp cho giảng viên và sinh viên về công tác đào tạo.
PGS.TS Nguyễn Hữu Quỳnh hiện là Phó Hiệu trưởng trường ĐH CMC. Ông từng đảm nhiệm các vai trò như Trưởng Khoa CNTT tại Trường ĐH Thủy lợi và Trưởng Khoa CNTT Trường ĐH Điện lực. Ông đã công bố trên 50 bài báo ở các tạp chí và hội thảo quốc tế, trong đó có hàng chục công bố trên các tạp chí với chỉ số SCIE và hội thảo rank A. Bên cạnh đó, ông đã chủ trì và tham gia hàng chục dự án và đề tài đã và đang được áp dụng vào thực tiễn.
PGS.TS Nguyễn Hữu Quỳnh trình bày tham luận Ứng dụng AI hỗ trợ giải đáp cho giảng viên và sinh viên về công tác đào tạo
Đề cập đến ứng dụng AI hỗ trợ giải đáp cho giáo viên, sinh viên về công tác đào tạo, đại diện Trường ĐH CMC chia sẻ việc phát triển và triển khai trợ lý đào tạo sử dụng AI, được thiết kế riêng cho mô hình ĐH số của nhà trường.
Trợ lý này sử dụng mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) làm nền tảng để tự động hóa và nâng cao quy trình hỏi - đáp cho giảng viên, sinh viên và cán bộ nhân viên; được thiết kế nhằm giải quyết các thách thức trong hệ thống hỗ trợ truyền thống, hướng tới cải thiện chất lượng dịch vụ và trải nghiệm người dùng bằng cách xử lý tới 80 – 90% các câu hỏi thường xuyên.
Các tính năng bao gồm truy vấn thông tin dựa trên tài liệu, tích hợp phản hồi từ người dùng, lọc các câu hỏi không phù hợp và thiết lập hệ thống phân cấp quyền truy cập theo nhóm. Các cơ chế đảm bảo chất lượng, như sự tham gia của con người trong quy trình và tích hợp câu hỏi thường gặp đảm bảo các phản hồi đáng tin cậy và chính xác.
Mặc dù còn một số hạn chế về thời gian phản hồi do xử lý đa bước, hệ thống mang lại khả năng truy cập 24/7, giảm đáng kể khối lượng công việc thủ công.
Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường đại học”
Cũng tại chương trình, các chuyên gia đến từ các đơn vị khác nhau như ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐHQG Hà Nội, ĐHQG TP HCM, Tập đoàn VNPT,… đã có buổi toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường đại học”. Các diễn giả tham gia tọa đàm gồm: TS. Đặng Văn Huấn, Phó Vụ trưởng vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT; GS.TS. Nguyễn Thanh Thủy, Chủ tịch VAIP, Chủ tịch FISU Việt Nam; TS. Nguyễn Thanh Hùng, Trưởng Ban đào tạo/ĐH Bách Khoa Hà Nội; Ông Ngô Diên Hy, Phó Tổng giám đốc tập đoàn VNPT; GS.TS. Chử Đức Trình, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ, ĐHQGHN; PGS.TS. Nguyễn Hoàng Tú Anh, Hiệu trưởng Trường ĐH CNTT, ĐHQG TP. HCM; PGS. TS. Nguyễn Thanh Tùng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH CMC.
Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường đại học”.
Qua buổi tọa đàm, các chuyên gia đã đưa ra những phương hướng, chiến lược liên quan tới nghiên cứu phát triển và ứng dụng AI để cải thiện chất lượng giáo dục đại học, tập trung vào việc xây dựng năng lực AI cho sinh viên và giảng viên, đồng thời triển khai các ứng dụng AI nhằm tối ưu hóa quy trình giảng dạy, học tập và quản lý giáo dục.
Trong khuôn khổ của buổi Hội thảo AI4Edu 2024, lãnh đạo của Hội Tin học Việt Nam (VAIP) và FISU Việt Nam đã trao tặng Bằng khen của VAIP cho 9 cá nhân hội viên Câu lạc bộ Khoa - Trường - Viện Công nghệ thông tin - truyền thông đã có nhiều đóng góp xuất sắc trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học góp phần nâng cao uy tín và chất lượng đào tạo của các đơn vị năm 2024.
9 cá nhân hội viên FISU nhận Bằng khen của Hội Tin học Việt Nam.
Danh sách các cá nhân nhận Bằng khen của Hội Tin học Việt Nam gồm: GS.TS. Lê Sỹ Vinh, Chủ nhiệm Khoa Công nghệ Thông tin, Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội; PGS.TS. Phạm Hoàng Anh, Giảng viên Khoa Khoa học và Kỹ thuật Máy tính, Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh; PGS.TS. Phạm Văn Cảnh, Giảng viên Khoa Công nghệ Thông tin, Trường Đại học Phenikaa; PGS.TS. Nguyễn Thanh Hải, Giảng viên Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Đại học Cần Thơ; PGS.TS. Nguyễn Văn Hậu, Chủ nhiệm Khoa Công nghệ Thông tin, Trường Đại học - Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên; PGS.TS. Võ Đình Hiếu, Phó Chủ nhiệm Khoa Công nghệ Thông tin, Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội; PGS.TS. Lê Văn Hùng, Trưởng Bộ môn Tin học, Trường Đại học Tân Trào; PGS.TS. Dương Thăng Long, Phó hiệu trưởng, Trường Đại học Mở Hà Nội; PGS.TS. Trần Giang Sơn, Chủ nhiệm Khoa CNTT&TT, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
Các vị đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo AI4Edu 2024.