Chủ động tham gia Cách mạng công nghiệp 4.0 Cơ hội để bứt phá

Hữu Ích 11:15, 09/01/2020

Ngày 27/9, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thay mặt Bộ Chính trị đã ký Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Dưới đây là những phát biểu nhận định của lãnh đạo các ban ngành về việc chủ đông tham gia Cách mạng công nghiệp 4.0: Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) là một xu thế lớn đang diễn ra trên toàn thế giới với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ mà nòng cốt là công nghệ số, làm thay đổi nhanh chóng, mạnh mẽ hầu hết các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, đời sống văn hóa - xã hội, quốc phòng, an ninh; tạo ra nhiều cơ hội và thách thức đối với tất cả các quốc gia. Cuộc cách mạng này đang mở ra nhiều cơ hội, đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức đối với mỗi quốc gia, tổ chức và cá nhân.

Ông Nguyễn Văn Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương 

Về cuộc cách mạng 4.0, ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, cho biết, đã có những tư tưởng, suy nghĩ rất bàng quan, thụ động, thậm chí là tự ti cho rằng cuộc cách mạng này là của ai đó chứ không phải là cuộc cách mạng của chúng ta, rồi lại cho rằng Việt Nam cứ làm tốt 0.4 đi đã cớ gì phải nhanh chóng, vội vàng làm 4.0. Ngoài ra cũng có những tư tưởng, suy nghĩ chủ quan, nóng vội, duy ý trí, cho rằng cái gì cũng nói đến 4.0, coi 4.0 là xử lý tất cả mọi việc, không tính đến những mặt trái, hệ lụy, những tác động tiêu cực mà cuộc cách mạng này có thể mang đến, có thể ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội, an ninh quốc gia, đến công bằng xã hội cũng như phát triển bền vững của nền kinh tế.

Nhưng Nghị quyết 52 (Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hay còn gọi là Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 của Bộ Chính trị) ra đời được đánh giá hết sức đúng lúc, thể hiện rõ trí tuệ, tầm nhìn, bản lĩnh và thể hiện khát vọng, quyết tâm của toàn Đảng, toàn hệ thống chính trị và toàn xã hội trong việc tích cực, chủ động tham gia cuộc cách mạng lần thứ 4.

Tại Nghị quyết 52, một số ý lớn, chủ trương quan trọng của Đảng đối với cuộc cách mạng 4.0 xác định việc chủ động, tích cực tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là một yêu cầu tất yếu, khách quan, là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng, vừa cấp bách vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, gắn với quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu sắc của đất nước. Xây dựng và ban hành Nghị quyết của Bộ Chính trị là quan trọng nhưng đưa Nghị quyết nhanh chóng vào cuộc sống để Việt Nam có thể bắt kịp, tiến cùng và vượt lên ở một số lĩnh vực so với khu vực và thế giới trong cuộc CMCN này có tầm quan trọng không kém.

Bản chất của cuộc CMCN 4.0 là cuộc cách mạng thể chế. Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số tạo ra mô hình mới, lực lượng lao động mới, nhanh chóng, bùng nổ… khiến khuôn khổ thể chế truyền thống không còn phù hợp, mà nếu duy trì sẽ kìm hãm phát triển. Từ những lí do trên, đặt ra yêu cầu phải thay đổi thể chế, cần thay đổi tư duy quản lý theo lối mòn là cái gì không quản được ta cấm, cần có nhận thức rõ ràng cũng như bản lĩnh để thích ứng, đồng thời, lường đón được những tác động của cuộc cách mạng.

Ông Vũ Đức Đam - Phó thủ tướng Chính phủ

Mặc dù Bộ Chính trị mới ban hành Nghị quyết 52 về "Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0" nhưng nhận thức cũng như hành động để tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng này đã được triển khai. Tại Diễn đàn Công nghiệp 4.0 năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh yêu cầu tập trung đồng bộ nhiều giải pháp từ thể chế, hạ tầng đến nhân lực, khoa học, công nghệ để phát triển nền kinh tế số, nền sản xuất thông minh với tầm nhìn chiến lược, hành động cụ thể và khẩn trương. Trong cuộc CMCN 4.0, vai trò chủ đạo

 

và tiên phong là của doanh nghiệp. Chúng ta cần chủ động ứng phó với những mặt tiêu cực của cuộc CMCN 4.0, trong đó lưu ý cơ chế quản lý rủi ro.

Một đặc trưng của cuộc CMCN 4.0 là kết nối, hợp tác. Vì vậy phải tăng cường hợp tác giữa các cơ quan Chính phủ với nhau; giữa Chính phủ với doanh nghiệp, người dân; giữa người dân với nhau; giữa trong nước với ngoài nước. Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc cách mạng này. Chúng ta không chỉ giải quyết những "bài toán" của riêng mình mà còn có trách nhiệm trước những vấn đề chung của thế giới. Tới đây, Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt, ngoài những đề án, dự án cụ thể, Chính phủ cũng sẽ có chương trình hành động thực hiện Nghị quyết này.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông 

Trong bài phát biểu tại diễn đàn về Công nghiệp 4.0, ông Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá vấn đề lớn được đặt ra là làm sao Việt Nam có thể tận dụng cơ hội này. Cuộc cách mạng số, Cách mạng công nghiệp 4.0 tạo cơ hội cho các đổi mới sáng tạo, các nước như Việt Nam chúng ta có cơ hội bứt phá. Nhưng phải là một tư duy mới, không truyền thống, không tuần tự. Cả quản lý nhà nước, doanh nghiệp, đều cần một sự đột phá trong tư duy, trong chính sách, trong cách tiếp cận. Nếu có chính sách phù hợp thì Việt Nam sẽ tận dụng được cơ hội này để vượt lên thành nước phát triển.

Chuyển đổi số là một cuộc cách mạng về chính sách và thể chế nhiều hơn là một cuộc cách mạng về công nghệ. Và đây lại càng là lợi thế của Việt Nam khi có Đảng lãnh đạo, có thể ra được những quyết sách lớn một cách nhanh và tập trung. Trên cơ sở Nghị quyết 52, Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành, các địa phương sẽ cụ thể hóa thành các chương trình hành động, kế hoạch triển khai cụ thể.

Chuyển đổi số mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam. Nhưng đây là một sự thay đổi mang tính toàn diện, đến từng doanh nghiệp, từng tổ chức, đến từng người dân, đến mọi lĩnh vực. Việt Nam muốn thay đổi thứ hạng trên thế giới thì phải đi nhanh và đi đầu để có lợi thế cạnh tranh. Muốn đi nhanh thì Chính phủ phải đi đầu, Nghị quyết 52 đã yêu cầu Chính phủ phải đi tiên phong trong chuyển đổi số, chuyển đổi số quốc gia bao gồm chuyển đổi số chính phủ, chuyển đổi số doanh nghiệp và chuyển đổi số xã hội.

Chúng ta có thể làm được vì văn hoá người Việt Nam là thích ứng nhanh với cái mới, ham học hỏi cái mới, sáng tạo trong ứng dụng cái mới. Việt Nam luôn là nước mạnh nhất thế giới trong các cuộc cách mạng toàn dân. Vậy ai sẽ là hạt nhân của quá trình chuyển đổi này? Đó chính là các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, là các doanh nghiệp ICT Việt Nam. Chúng ta phải cần đến hàng trăm ngàn doanh nghiệp ICT tại khắp các tỉnh thành để đẩy nhanh chuyển đổi số Việt Nam. Chính chuyển đổi số cũng sẽ thúc đẩy Make In Vietnam và hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, và từ đây đi ra toàn cầu.

PV