Khám chữa bệnh từ xa song hành với sự phát triển của công nghệ thông tin

10:48, 04/12/2020

Khám chữa bệnh từ xa là nhu cầu tất yếu của xã hội, song hành với sự phát triển của công nghệ thông tin. Nền tảng công nghệ đã tạo điều kiện cho các chuyên gia được tiếp xúc với nhân viên y tế tại chỗ, nắm chắc tình hình bệnh nhân, tiếp cận với bệnh nhân nhanh hơn, an toàn hơn.

Dịch vụ chăm sóc sức khỏe tích hợp thân thiện với công nghệ thông tin 

Khám chữa bệnh từ xa (Telehealth, Telemedicine, VideoCare) là một xu hướng mới trên thế giới trong dịch vụ chăm sóc sức khỏe tích hợp thân thiện với công nghệ thông tin. Dịch vụ chăm sóc sức khỏe bao gồm chẩn đoán và điều trị, cung cấp thuốc men, tư vấn, giải đáp thắc mắc, xử trí tình huống khẩn cấp hay dự phòng về các loại dịch bệnh từ nhiều nơi trên khắp đất nước.

Telehealth được xây dựng với mô hình từ đội ngũ bác sĩ tuyến Trung ương sau khi thẩm định hồ sơ bệnh án của bệnh nhân các đơn vị tuyến tỉnh gửi về. Đưa ra cuộc họp hội chẩn ở nhiều chuyên khoa khác nhau. Từ việc đọc kết quả phim, siêu âm, nội khoa, tiền sử bệnh lý, theo dõi phác đồ điều trị của bệnh viện tuyến tỉnh, cơ sở để rút ra bài học và tư vấn tiếp tục cho các bệnh án. Telehealth không thay thế hoàn toàn được khám chữa bệnh trực tiếp, nhưng là công cụ bổ trợ ưu việt vì sự nhanh chóng, thuận tiện với chi phí thấp hơn rất nhiều.

Đề án Khám chữa bệnh từ xa - nhu cầu thiết yếu của người dân | BỆNH VIỆN  NHI ĐỒNG 1

Telehealth đem lại lợi ích cho cả ba đối tượng: Chuyên gia đầu ngành - bác sĩ, bệnh viện tuyến dưới - bệnh nhân. Những lợi ích có thể dễ thấy như người bệnh không phải đến bệnh viện, phòng khám, không phải xếp hàng, chờ đợi để được khám chữa bệnh. Dù ở bất cứ nơi nào, bạn đều có thể nhận được tư vấn về sức khỏe và y tế ngay lập tức khi cần thiết. Hơn thế, Telehealthcare rẻ hơn rất nhiều so với chi phí khám chữa bệnh thông thường do không mất chi phí đi lại, vận chuyển. Quan trọng nhất là người bệnh vẫn nhận được sự tư vấn của các giáo sư, bác sỹ đầu ngành đã và đang công tác tại các bệnh viện, phòng khám hàng đầu tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh thành trên toàn quốc. Điều này giúp tận dụng nguồn lực cơ sở vật chất ở tuyến dưới, tránh sự quá tải cho các bệnh viện trung ương, đồng thời đảm bảo người bệnh được điều trị tốt nhất.

Xu thế tất yếu của thời đại

Nhiều nước trên thế giới đã và đang nhận ra rằng tư vấn, khám, chữa bệnh từ xa là xu thế tất yếu của thời đại. Đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy sự chuyển dịch của mô hình khám chữa bệnh từ xa; phát huy ích lợi của công nghệ và dữ liệu kĩ thuật số. Mô hình này không chỉ là giải pháp cho đợt khủng hoảng này mà sẽ là một trong những kết quả còn tồn tại lâu dài của nó.

Ở Mỹ, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe từ xa (Telemedicine) đang là biện pháp hữu hiệu giúp hạn chế lây nhiễm chéo SARS-CoV-2. Dưới sự thông qua của Tổng thống Donald Trump, Mỹ sẽ có nhiều chính sách nới lỏng và hỗ trợ phát triển các dịch vụ Telemedicine trên toàn quốc. Hệ thống y tế công của Mỹ đang tao điều kiện cho dịch vụ khám chữa bệnh từ xa. Cụ thể, chương trình Medicare dành cho hơn 60 triệu người già của Mỹ cho biết họ sẽ tiến hành khám sức khoẻ trực tuyến. Các quy định liên bang được nới lỏng, cho phép các bác sĩ Mỹ hoạt động ngoài phạm vi bang, đây được coi là điều kiện thuận lợi cho tư vấn từ xa. 

Hồi tháng 4 vừa qua, khi số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 lên đến đỉnh điểm, Nhật Bản đã tạm thời nới lỏng các hạn chế đối với khám chữa bệnh từ xa, cho phép bác sĩ lần đầu tiên được khám bệnh trực tuyến hoặc qua điện thoại, đồng thời nối dài danh mục các bệnh được phép khám trực tuyến. Sự thay đổi này đánh dấu một cuộc cải cách đầy hứa hẹn tại một trong những thị trường chăm sóc sức khỏe lớn nhất thế giới này. Cuộc cải cách này cũng có thể giúp Nhật Bản giải quyết được nhiều vấn đề trong ngành y tế của nước này như chi phí y tế tăng vọt và tình trạng thiếu bác sỹ ở các khu vực nông thôn. Lâu nay, Nhật Bản vốn bị cho là chậm chân hơn các nước khác như Australia, Trung Quốc và Mỹ trong hoạt động khám chữa bệnh trực tuyến.

Khám chữa bệnh từ xa đã liên tục phát triển theo thời gian với sự tham gia của nhiều công ty trên khắp thế giới. Hiện nay, hình thức này chưa được xem là hình thức khám chữa bệnh chính và còn cần vượt qua nhiều trở ngại về pháp lý và thương mại, cũng như cần có nền tảng kỹ thuật số đảm bảo kết nối an toàn giữa bệnh nhân và bác sĩ.

Bước đi quan trọng trong tiến trình chuyển đổi số của ngành y tế Việt Nam

Ngày 25/9/2020, Bộ Y tế tổ chức khánh thành 1.000 điểm cầu khám, chữa bệnh từ xa. Đây là sự kiện là sự kiện đặc biệt quan trọng của ngành y tế trong năm 2020, góp phần thực hiện thành công Chương trình Chuyển đổi số quốc gia mà Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo toàn ngành thực hiện. Được triển khai tại thời điểm này, Telehealth không chỉ đáp ứng nhu cầu tức thời khi dịch Covid-19 bùng phát, mà còn là hình thức khám chữa bệnh tất yếu của xã hội, phát triển song hành với các tiến bộ của công nghệ thông tin.

Trung tâm tư vấn, khám chữa bệnh từ xa (Telehealth) do Tập đoàn Viettel phối hợp xây dựng tại Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội kết nối đến hơn 200 bệnh viện tuyến dưới ở 35 tỉnh, 500 bác sĩ tham dự trực tiếp. Không chỉ tiến hành hội chẩn từ xa, các bác sĩ còn trao đổi kinh nghiệm về ứng phó với các tình huống khẩn cấp của dịch Covid-19.

Hệ thống do Viettel phát triển đáp ứng đầy đủ 6 lĩnh vực theo tiêu chuẩn hệ thống khám chữa bệnh từ xa mà Bộ Y tế ban hành gồm: Tư vấn y tế từ xa; Hội chẩn tư vấn khám, chữa bệnh từ xa; Hội chẩn tư vấn chẩn đoán hình ảnh từ xa; Hội chẩn tư vấn giải phẫu bệnh từ xa; Hội chẩn tư vấn phẫu thuật từ xa; Đào tạo chuyển giao kỹ thuật khám bệnh, chữa bệnh từ xa. Hệ thống này sử dụng các công nghệ hiện đại nhưng phù hợp với điều kiện và thực trạng chung của ngành y tế, được tích hợp vào một nền tảng chung. Điều này giúp triển khai đồng loạt Hệ thống khám chữa bệnh từ xa tại hàng ngàn bệnh viện và cơ sở y tế mà không cần phải phát triển từ đầu.

Theo ước tính, khi triển khai Hệ thống khám, chữa bệnh từ xa, xã hội và ngành y tế có thể tiết kiệm được hàng chục ngàn tỷ đồng mỗi năm, trong đó, riêng chi phí đi lại, khám chữa bệnh là hàng chục nghìn tỷ đồng mỗi năm.

Với Hệ thống khám chữa bệnh từ xa, Bộ TT&TT và Bộ Y tế mong muốn thúc đẩy chuyển đổi số ngành y tế, giúp bệnh nhân tin tưởng hơn với tuyến điều trị tại địa phương khi có sự hỗ trợ từ các bệnh viện trung ương, nâng cao năng lực, hạn chế sự lãng phí cơ sở vật chất cho tuyến dưới khi được thực hành, hội chẩn cùng tuyến trên. Điều quan trọng hơn, hệ thống này sẽ giúp giảm đáng kể số lần đến bệnh viện của người dân. Trong giai đoạn tiếp theo, khi Viettel đầu tư phổ cập công nghệ 5G tại Việt Nam với khả năng kết nối vạn vật và xử lý thời gian thực, Hệ thống sẽ còn phát triển khả năng phẫu thuật từ xa. Bác sỹ giỏi nhất ở bất kỳ đâu trên thế giới đều có thể trực tiếp tham gia vào quá trình điều trị cho bệnh nhân ở tại Việt Nam.

Mặc dù vậy, công nghệ chỉ là phương tiện. Sự phát triển của công nghệ đã giúp các bác sĩ xóa mờ khoảng cách địa lý. Nhưng điểm cốt yếu để Telehealth có thể phát huy tác dụng, ứng dụng thường xuyên vào việc khám chữa bệnh, đó là xóa dần khoảng cách chuyên môn giữa các bác sĩ. Đó vừa là thách thức vừa là cơ hội để các bác sĩ, bệnh viện tiếp tục phát triển trong thời gian tới.

Phương Lê