Kinh doanh trách nhiệm

15:19, 09/11/2020

Năm ngoái, ngân hàng tôi từng làm việc thông báo rút khỏi hai dự án nhiệt điện lớn ở Việt Nam.

Đây là động thái rất cụ thể tiếp theo cam kết ngừng cấp vốn cho các dự án mới trong lĩnh vực điện than được ngân hàng tuyên bố năm 2018. Với tôi, đó là một trong những ví dụ mạnh mẽ nhất về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.

Kể từ khi Hiệp định Paris của Hội nghị Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu năm 2015 hiệu lực, các tổ chức tài chính toàn cầu đứng trước sức ép rất lớn của khối dân sự và các tổ chức phi chính phủ trong việc "nói không" với ngành khai thác than và điện than nhằm thực hiện mục tiêu giữ nhiệt độ toàn cầu không tăng quá 2 độ C. Tới nay, hơn 100 tổ chức tài chính toàn cầu đã thoái vốn khỏi các dự án điện than, bao gồm một số ngân hàng và hàng chục công ty bảo hiểm lớn.

Thời gian làm việc tại ngân hàng giúp tôi hiểu biết tương đối về phát triển bền vững thông qua cho vay có trách nhiệm. Hàng năm, ngân hàng công bố các hạng mục cụ thể họ sẽ từ chối cấp vốn trong các ngành dầu khí, năng lượng nhiên liệu hóa thạch, khai thác mỏ, nông nghiệp, thủy sản. Bản thân tổ chức cũng đặt mục tiêu đầy tham vọng là đạt mức phát thải bằng "0" trong các hoạt động của mình vào năm 2030, thông qua việc sử dụng năng lượng tái tạo.

Bên cạnh việc đảm bảo cấp tín dụng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế một cách bền vững, ngân hàng còn có một chương trình Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR) rất sâu rộng. Tôi tham gia khám mắt cho học sinh ở Củ Chi, Hội An, gây quỹ mổ đục thủy tinh thể cho người già ở Vũng Tàu, xây cầu ở Bến Tre, đào tạo quản lý tài chính cho học sinh nữ vùng núi phía Bắc... CSR không chỉ gắn liền với giá trị thương hiệu của doanh nghiệp mà còn trở thành niềm cảm hứng lớn của tôi và cộng sự.

Khi là phóng viên theo dõi về tiến trình Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), tôi lần đầu tiếp xúc với khái niệm "thương mại công bằng", "trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp" vào năm 2005. Thuật ngữ CSR thực ra đã được các kinh tế gia đề cập tới từ đầu những năm 1950 và trở nên rất phổ biến ở Mỹ từ những năm 1970. Khi lan tới Việt Nam, nó ban đầu được gửi gắm dưới dạng các quy định về chế độ lao động tốt hoặc các tiêu chuẩn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đặc biệt đối với các đơn hàng xuất khẩu. Với sự bùng nổ của hoạt động thương mại hậu gia nhập WTO, các doanh nghiệp trong nước bắt đầu quen với hàng rào kỹ thuật tại các thị trường châu Âu, Mỹ, Nhật. Trong các hiệp định thương mại tự do mẫu mực mà Việt Nam ký kết gần đây như EU-VN FTA hoặc CPTPP, các quy định về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đã trở thành một chương riêng biệt. Việc được hưởng ưu đãi về mở cửa thị trường hoặc thuế quan đi kèm với nhiều điều kiện cụ thể về pháp luật lao động, pháp luật bảo vệ môi trường, quy định về minh bạch và quản trị tốt.

Tuy nhiên, theo quan sát của riêng tôi, cho tới nay, rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam còn mơ hồ về CSR. Điều này cũng dễ hiểu vì doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ hiện chiếm khoảng 97% tổng số doanh nghiệp toàn quốc. Họ đa phần còn chật vật tồn tại, thiếu nguồn lực và cơ hội để học hỏi và quan tâm tới trách nhiệm xã hội. Ở thái cực khác, một số doanh nghiệp ăn nên làm ra hiểu nhầm trách nhiệm xã hội là "lộc bất tận hưởng" hoặc "phú quý sinh lễ nghĩa". Vậy nên nhiều chủ doanh nghiệp sẵn sàng chi tiền cho các hoạt động tâm linh như xây nhà thờ họ, xây chùa chiền, cúng lễ nhưng bỏ lơ các vấn đề của cộng đồng.

CSR có ý nghĩa hơn rất nhiều. Cả chính phủ và doanh nghiệp đều cần đảm bảo tăng trưởng kinh tế trên cơ sở sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên để có thể đáp ứng nhu cầu của thế hệ hôm nay nhưng không gây hại cho thế hệ sau. CSR không chỉ là đạo đức kinh doanh mà còn là cam kết của mỗi cá nhân, mỗi tổ chức nhằm góp phần cải thiện cộng đồng nơi họ sinh sống, hoạt động. Lãnh đạo doanh nghiệp, cổ đông, nhân viên, khách hàng, nhà thầu..., tất cả đều có thể góp phần thực thi trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.

Chúng ta đã trải qua nhiều vụ việc mang tính thảm họa khi trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp bị coi nhẹ, từ việc công ty Vedan đầu độc sông Thị Vải (2008), Formosa xả thải xuống biển (2016) và gần nhất là sự việc thương tâm ở thủy điện Rào Trăng 3. Khả năng quản lý rủi ro thiên tai là một phần trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.

Mỗi mùa mưa bão, mỗi cơn hoạn nạn, chúng ta lại được chứng kiến vô vàn những nghĩa cử cao đẹp của người dân khắp nơi. Mọi hoạt động cứu trợ luôn đáng được cổ vũ, nhưng chưa đủ. Để phát triển bền vững, việc giám sát trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đóng vai trò then chốt, trong đó các cơ quan quản lý nhà nước chủ động tạo ra kênh đối thoại mở, có cơ chế khuyến khích cũng như các chế tài mạnh để các doanh nghiệp trở thành tổ chức có trách nhiệm và tốt hơn nữa là kinh doanh tử tế. Song song đó, các tổ chức dân sự, cơ quan phi chính phủ, báo chí, các chuyên gia và những công dân năng động mong muốn được tạo điều kiện để có thể gây áp lực mạnh mẽ hơn đối với các hành vi hủy hoại môi trường hoặc thiếu trách nhiệm với người lao động và cộng đồng.

Doanh nghiệp mang lại việc làm và tạo ra của cải vật chất. Nhưng kiếm lợi mù quáng bằng việc phá hủy hệ sinh thái, coi nhẹ sức khỏe và an toàn của người khác sẽ là sự hủy diệt nhanh nhất đối với mọi thành quả. Sống và hoạt động hài hòa với thiên nhiên, với cộng đồng không còn là lời kêu gọi mà là lựa chọn duy nhất của mỗi chúng ta, trước khi quá muộn.

Cẩm Hà (Chuyên viên truyền thông)

Theo https://vnexpress.net/kinh-doanh-trach-nhiem-4182539.html