Kỳ 3: Sự khác biệt lớn nhất giữa CT môn Tin học cũ (hiện nay) so với CT môn Tin học trong CTGDPT mới?

08:15, 19/10/2020

Sự khác biệt nằm ở cách đặt vấn đề, phương pháp thiết kế chương trình tiếp thu những thay đổi mới nhất của môn học này trên thế giới.

Muốn tìm hiểu, nhận biết sự khác biệt cơ bản và lớn nhất giữa CT môn tin học hiện tại (cũ) với CTGDPT mới cần có cái nhìn tổng thể, không sa đà vào chi tiết. Sự khác biệt nằm ở cách đặt vấn đề, phương pháp thiết kế chương trình tiếp thu những thay đổi mới nhất của môn học này trên thế giới. Có thể trả lời câu hỏi trên như sau: có 3 sự khác biệt lớn nhất giữa CT môn tin học cũ và CT mới, được mô tả nhanh trong bảng sau:

Các yếu tố khác biệt

Chương trình hiện thời (cũ)

Chương trình mới (CTGDPT 2018).

1. Chương trình dựa trên năng lực.

Không có. Chương trình cũ được thiết kế chỉ dựa trên nội dung thông qua các mạch kiến thức.

Chương trình mới được thiết kế dựa trên 5 thành tố yêu cầu năng lực chính.

2. Phân biệt 3 định hướng cơ bản: CS, IT, DL.

Không có. Không có sự phân biệt nội dung theo các định hướng này.

Chương trình được thiết kế dựa trên sự phân biệt rõ 3 định hướng cơ bản: CS, IT, DL.

3. Các mạch kiến thức xuyên suốt.

Có. Chương trình cũ được thiết kế dựa trên các mạch kiến thức, nhưng rời rạc.

Có. Chương trình mới được thiết kế dựa trên các mạch kiến thức xuyên suốt từ lớp 3 đến lớp 12.

Trong 3 yếu tố trên, theo tôi, yếu tố thứ 2 mang tính quyết định nhất cho sự thay đổi lần này. Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu nhanh cả 3 yếu tố khác biệt trên. Trong các phần sau của bài viết tôi sẽ đi sâu hơn từng yếu tố.

1. Thiết kế chương trình môn Tin học dựa trên các yêu cầu năng lực.

Điểm khác biệt quan trọng đầu tiên của CTGDPT mới là cách tiếp cận thiết kế chương trình. Đó là cách tiếp cận Chương trình dựa trên yêu cầu năng lực. Nói một cách dễ hiểu là khi thiết kế chương trình sẽ không bắt đầu từ các nội dung cụ thể cần học, cần dạy, mà bắt đầu từ yêu cầu năng lực đầu ra của học sinh ở mỗi cấp học. Các yêu cầu này căn cứ vào nhu cầu thực tế của xã hội. Dựa trên các yêu cầu năng lực này, những người thiết kế chương trình sẽ đưa ra các nội dung, mạch kiến thức cần học để đạt được các yêu cầu đó. Điểm đặc biệt này không chỉ áp dụng của môn Tin học, mà áp dụng cho tất cả các môn học của CTGDPT mới lần này.

Quay lại môn Tin học, chương trình GDPT mới môn Tin học đã đưa ra 5 thành tố năng lực sau, ký hiệu chúng là (a), (b), (c), (d) và (e).

(NLa) Năng lực sử dụng và quản lí các phương tiện, công cụ và các hệ thống tự động hoá của công nghệ thông tin và truyền thông;

(NLb) Năng lực hiểu biết và ứng xử phù hợp chuẩn mực đạo đức, văn hoá và pháp luật trong xã hội thông tin và nền kinh tế tri thức;

(NLc) Năng lực phát hiện và giải quyết vấn đề với sự hỗ trợ của công nghệ kĩ thuật số;

(NLd) Năng lực học tập, tự học với sự hỗ trợ của các hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông;

(NLe) Năng lực giao tiếp, hoà nhập, hợp tác phù hợp với thời đại thông tin và nền kinh tế tri thức.

Có 2 chú ý quan trọng sau:

1. Trong các năng lực trên, chúng ta dễ thấy không phải năng lực nào cũng mang tính "Tin học", nghĩa là năng lực đó bắt buộc phải đạt được thông qua việc học và dạy nội dung Tin học. Có một số thành tố năng lực, ví dụ (b)(e) có thể đạt được thông qua các môn học khác, hay nói chính xác hơn có thể nhận được từ việc tích hợp hoặc liên môn. Tính tích hợp và liên môn trong CTGDPT mới được nhấn mạnh khác nhiều, tôi sẽ không nói nhiều về đặc điểm này tại đây, hy vọng sẽ quay lại vấn đề này ở một chỗ khác.

2. Về lý thuyết toàn bộ CTGDPT mới sẽ chỉ bao gồm các yêu cầu chi tiết của năng lực đã nêu trên cho từng cấp học. Bảng liệt kê các yêu cầu năng lực chính được phân bổ cho từng cấp học (Tiểu học, THCS, THPT) trong CTGDPT mới môn Tin học sẽ được mô tả trong các bảng dưới đây. Các giáo viên cần nắm vững tinh thần của các yêu cầu này cho từng cấp học để định hướng việc học và dạy theo đúng các yêu cầu đầu ra này.

1. Yêu cầu năng lực cấp Tiểu học.

Năng lực

Yêu cầu với cấp Tiểu học

NLa

Nhận diện, phân biệt được hình dạng và chức năng của các thiết bị kĩ thuật số thông dụng; thực hiện được một số thao tác cơ bản trên một số thiết bị kĩ thuật số quen thuộc với phần mềm hỗ trợ học tập, vui chơi, giải trí.

NLb

Biết bảo vệ thông tin cá nhân, nêu được sơ lược lí do cần bảo vệ thông tin số hoá cá nhân, biết và thực hiện được quyền sở hữu trí tuệ ở mức đơn giản, ví dụ, biết sản phẩm (bài làm, tranh vẽ, bài thơ, video, chương trình máy tính,...) của mỗi người thuộc quyền sở hữu của người đó, không được sao chép khi không được phép; bảo vệ được sức khoẻ trong sử dụng thiết bị kĩ thuật số, ví dụ thao tác đúng cách, bố trí thời gian vận động và nghỉ xen kẽ,...

NLc

Nhận biết và nêu được nhu cầu tìm kiếm thông tin từ nguồn dữ liệu số hoá khi giải quyết công việc, theo hướng dẫn tìm được thông tin trong máy tính và trên Internet; biết sử dụng tài nguyên thông tin và kĩ thuật của ICT để giải quyết một số vấn đề phù hợp với lứa tuổi, ví dụ tạo một album ảnh đẹp giới thiệu một danh lam thắng cảnh, tìm nghĩa và tra cứu cách đọc một từ tiếng Anh,...; nêu và sử dụng được các bước giải quyết vấn đề theo kiểu thuật toán (quy trình gồm các bước có thứ tự để giải quyết được vấn đề).

NLd

Sử dụng được một số phần mềm trò chơi hỗ trợ học tập, phần mềm học tập; tạo được các sản phẩm đơn giản vừa là kết quả học tập vừa là để phục vụ học tập, đồng thời gây được hứng thú học tập, ví dụ, một văn bản đơn giản, một bài trình chiếu đơn giản, một bưu thiếp hay một bức vẽ bằng phần mềm, một chương trình trò chơi đơn giản tự viết,..

NLe

Sử dụng được các công cụ kĩ thuật số thông dụng theo hướng dẫn của người lớn để chia sẻ và trao đổi thông tin với đối tượng phù hợp như các bạn trong lớp, người thân trong gia đình.

2. Yêu cầu năng lực cấp THCS.

Năng lực

Yêu cầu với cấp Tiểu học

NLa

Sử dụng đúng cách các thiết bị, các phần mềm thông dụng và mạng máy tính phục vụ cuộc sống và học tập, có ý thức và biết cách khai thác các môi trường số hoá, biết tổ chức và lưu trữ dữ liệu; bước đầu tạo ra được sản phẩm phục vụ cuộc sống nhờ khai thác phần mềm ứng dụng, ví dụ, bức ảnh đẹp, bản quảng cáo, bản thiết kế thời trang, đoạn video phục vụ một chủ đề nào đó,...

NLb

Biết và nêu được một số quy định cơ bản liên quan đến quyền sở hữu và sử dụng tài nguyên số, tôn trọng bản quyền và quyền an toàn thông tin của người khác; hiểu và ứng xử có văn hoá trong thế giới ảo; sử dụng được cách thông dụng bảo vệ an toàn thông tin cá nhân và cộng đồng, tránh tác động tiêu cực tới bản thân và cộng đồng; có ý thức tự bảo vệ sức khoẻ trong khai thác và ứng dụng ICT.

NLc

Hiểu được tầm quan trọng của thông tin và xử lí thông tin trong xã hội hiện đại; thực hiện được việc tìm kiếm thông tin từ nhiều nguồn với các chức năng tìm kiếm đơn giản, đánh giá được sự phù hợp của dữ liệu và thông tin đã tìm thấy với nhiệm vụ đặt ra; thao tác được với phần mềm và môi trường lập trình trực quan để bước đầu có tư duy thiết kế và điều khiển hệ thống.

NLd

Sử dụng được một số phần mềm học tập; sử dụng được môi trường mạng máy tính để tìm kiếm, thu thập, cập nhật và lưu trữ thông tin phù hợp với mục tiêu học tập, chủ động khai thác các tài nguyên hỗ trợ tự học.

NLe

Biết lựa chọn và sử dụng được các công cụ, các dịch vụ ICT thông dụng để chia sẻ, trao đổi thông tin và hợp tác một cách an toàn; giao lưu được trong xã hội số hoá một cách lịch sự, có văn hoá; có khả năng làm việc nhóm, hợp tác được trong việc tạo ra, trình bày và giới thiệu được sản phẩm số hoá.

3. Yêu cầu năng lực cấp THPT.

Năng lực

Yêu cầu với cấp Tiểu học

NLa

Phối hợp, sử dụng được đúng cách các hệ thống kĩ thuật số thông dụng bao gồm phần mềm và các thiết bị như PC, thiết bị ngoại vi và thiết bị cầm tay; mô tả được chức năng các bộ phận chính bên trong máy tính, những thông số cơ bản của các thiết bị số ngoài PC; bước đầu tuỳ chỉnh được chế độ hoạt động cho máy tính; trình bày được khái quát mối liên hệ giữa phần cứng, hệ điều hành và chương trình ứng dụng; so sánh và chỉ ra được đặc trưng riêng của mạng LAN, Internet và IoT; giới thiệu được chức năng cơ bản của một số thiết bị mạng thông dụng và giao thức TCP/IP; nhận biết được vai trò quan trọng của các hệ thống tự động hoá xử lí thông tin và truyền thông trong xã hội tri thức.

NLb

Trình bày và nêu được ví dụ minh hoạ những quy định về quyền thông tin và bản quyền, tránh được những vi phạm khi sử dụng thông tin, tài nguyên số; hiểu khái niệm, cơ chế phá hoại và lây lan của phần mềm độc hại và cách phòng chống; biết cách tự bảo vệ thông tin, dữ liệu và tài khoản cá nhân; hiểu được rõ ràng hơn những mặt trái của Internet, nhận diện được những hành vi lừa đảo, thông tin mang nội dung xấu và biết cách xử lí phù hợp; giữ gìn tính nhân văn khi tham gia thế giới ảo; có hiểu biết tổng quan về nhu cầu nhân lực, tính chất công việc của các ngành nghề trong lĩnh vực tin học cũng như các ngành nghề khác trong xã hội có sử dụng ICT.

NLc

Biết cách chuyển giao nhiệm vụ cho máy tính thực hiện: Biết được các cấu trúc dữ liệu chủ yếu và các thuật toán sắp xếp tìm kiếm cơ bản, viết được chương trình, tạo được trang web đơn giản; biết khái niệm hệ cơ sở dữ liệu, biết kiến trúc hệ cơ sở dữ liệu tập trung và phân tán; sử dụng được máy tìm kiếm để khai thác thông tin một cách hiệu quả, an toàn và hợp pháp, tìm kiếm, lựa chọn được thông tin phù hợp và tin cậy; sử dụng được các công cụ tin học để tổ chức, chia sẻ dữ liệu và thông tin trong quá trình nhận biết và giải quyết vấn đề; có những hiểu biết và hình dung ban đầu về trí tuệ nhân tạo và nêu được một số ứng dụng điển hình của trí tuệ nhân tạo.

NLd

Khai thác được các dịch vụ tra cứu và trao đổi thông tin, các nguồn học liệu mở để cập nhật kiến thức, hỗ trợ học tập và tự học; sử dụng được một số phần mềm hỗ trợ học tập, tự tin, sẵn sàng tìm hiểu những phần mềm tương tự, qua đó có ý thức và khả năng tìm kiếm tri thức mới, tìm hiểu về nghề mình quan tâm.

NLe

Biết cách hợp tác trong công việc; sử dụng được phần mềm để lập kế hoạch, phân chia và quản lí công việc; lựa chọn và sử dụng được những kênh truyền thông phù hợp để trao đổi thông tin, thảo luận, hợp tác và mở mang tri thức; giao tiếp, hoà nhập được một cách an toàn trong môi trường số hoá, biết tránh các tác động xấu thông qua một số biện pháp phòng tránh cơ bản.

2. Phân biệt rõ 3 định hướng cơ bản: CS (khoa học máy tính), IT (ứng dụng CNTT) và DL (học vấn số hóa phổ thông).

Sự khác biệt thứ 2 của CTGDPT mới môn Tin học, theo tôi là quan trọng nhất, chính là sự định hướng rõ ràng thành 3 mạch (hướng) kiến thức chính: CS (khoa học máy tính), IT (ứng dụng CNTT) và DL (học vấn số hóa phổ thông).

Thông tin này được viết ngay trong phần đầu tiên của chương trình, phần Mục tiêu môn Tin học, như sau:

Mục tiêu môn Tin học:

Khoa học máy tính nhằm giúp học sinh hiểu biết các nguyên tắc cơ bản và thực tiễn của tư duy tính toán; tạo cơ sở cho việc thiết kế và phát triển các hệ thống máy tính.

Công nghệ thông tin và truyền thông nhằm giúp học sinh có khả năng sử dụng và áp dụng hệ thống máy tính giải quyết vấn đề thực tế một cách hiệu quả và sáng tạo.

Học vấn số hoá phổ thông nhằm giúp học sinh có khả năng hoà nhập với xã hội hiện đại, sử dụng được các thiết bị số và phần mềm cơ bản thông dụng một cách có đạo đức, văn hoá và tôn trọng pháp luật.

Các Mục tiêu này sau đó được viết rất rõ khi phân bổ xuống từng cấp học. Mọi người có thể tham khảo bản dự thảo CTGDPT môn Tin học để hiểu rõ hơn các mục tiêu này.

Với việc phân tách rõ ràng thành 3 mạch kiến thức chính, trong đó nêu rõ, hướng CS - khoa học máy tính là trọng tâm của Chương trình mới, là một sự phát triển mang tính đột phá lớn nhất, cách mạng nhất của Chương trình môn Tin học mới lần này.

Để có thể hình dung được 3 định hướng này của môn Tin học tôi sẽ vẽ một mô hình tương tự cho 2 môn học Toán và Ngữ văn mà mỗi chúng ta đều đã hiểu rất rõ. Trong sơ đồ dưới đây có thể hình dung được một phần ý nghĩa của các mạch kiến thức CS, IT, DL đóng vai trò gì trong môn Tin học.

Hãy tưởng tượng toàn bộ môn Toán trong trường phổ thông bây giờ, nếu học sinh chỉ học bảng cửu chương và đo lường các đại lượng thì môn Toán sẽ như thế nào.

Hay với môn Ngữ văn, nếu học sinh chỉ học bảng chữ cái, học viết, đánh vần và đọc hiểu và hoàn toàn không có phần cảm thụ văn học thì môn này sẽ như thế nào.

Với Tin học cũng vậy.

Một thời gian quá dài, không chỉ chúng ta, mà toàn thế giới đều nghĩ và thực hiện việc dạy Tin học chỉ có 2 phần là DL và IT, hoàn toàn vắng bóng CS. Mà CS mới là cái lõi quan trọng nhất của Tin học, của tư duy máy tính. Điều đó giải thích vì sao trong suốt thời gian dài 20-30 năm qua, môn Tin học trở thành một học phụ và chán như thế nào.

Chúng ta cùng phân tích nhanh vì sao sự thay đổi này lại mang tính đột phá nhất của CTGDPT mới môn Tin học.

(1) Với sự phân tách các nội dung kiến thức của môn Tin học trong nhà trường thành 3 hướng chính: CS, IT và DL sẽ giúp cho không chỉ những người vạch định chương trình, mà toàn thế giáo viên có thể hình dung rõ ràng hơn toàn bộ khung chương trình môn Tin học mới này.

(2) Việc tách và phân biệt rõ 3 định hướng CS, IT, DL sẽ làm cho môn Tin học mới bây giờ dễ dàng có thể thiết kế chi tiết để trở thành một môn khoa học logic chặt chẽ, tương tự như các môn có tính khoa học khác như Toán, Vật lý, Hóa học, …

(3) Với việc đưa nội dung kiến thức CS xuống chương trình phổ thông, ngay từ bậc Tiểu học thực sự là đột phá lớn mà trước đó không ai có thể nghĩ làm được. Đây là một bước tiến lớn, không chỉ ở Việt Nam, mà đang là xu thế của tất cả các quốc gia trên thế giới. Đã đến lúc và thời cơ để đưa các khoa học lõi của môn Tin học xuống dạy cho học sinh phổ thông, kể cả từ cấp Tiểu học.

3. Chương trình sẽ bao gồm các mạch kiến thức xuyên suốt, phát triển xoáy trôn ốc theo từng lớp và cấp học.

Các mạch kiến thức lõi, xuyên suốt tồn tại trong tất cả các chương trình môn Tin học trước đây, nhưng trong CTGDPT mới, các mạch kiến thức này được thiết kế một cách hoàn chỉnh nhất, đồng bộ nhất.

Có thể có người sẽ thắc mắc ngay là nếu một chương trình đã được xây dựng dựa trên năng lực cần đạt thì sẽ không cần chỉ ra chi tiết các mạch kiến thức cụ thể nữa. Thắc mắc này là đúng, tuy nhiên trong bất cứ chương trình nào, một Ma trận các mạch kiến thức lõi, cơ bản nhất bao giờ cũng cần thiết. Các mạch kiến thức lõi này có thể hiểu đơn giản là những kiến thức khoa học đặc thù, tối thiểu nhất của môn học này mà không thể lược bỏ đi được nữa. Nếu lược bỏ đi, tính chất của môn học này sẽ bị thay đổi. Vậy ma trận các mạch kiến thức lõi có thể hiểu là những mạch kiến thức tối thiểu nhất, là bộ xương sống tạo nên cái khung chính của môn học này.

Trong CTGDPT mới đã đưa ra 7 mạch kiến thức lõi chính, xuyên suốt và phát triển xoáy trôn ốc theo các cấp từ thấp đến cao và thậm chí theo từng lớp học.

7 mạch kiến thức lõi của CTGDPT mới môn Tin học được mô tả trong bảng sau. Tôi viết thêm cột Mô tả nhanh để các GV có thể hình dung chính xác các mạch kiến thức này.

Stt

Chủ đề lõi

Mô tả nhanh

Phân loại mạch tri thức và năng lực

1

Máy tính và xã hội tri thức

Tìm hiểu máy tính, lịch sử máy tính, cách sử dụng và ý nghĩa của máy tính trong xã hội hiện đại. Cơ hội làm việc nhóm và kết nối xã hội thông qua máy tính.

- IT và DL. - NL (a), (e).

2

Mạng máy tính và Internet

Thông tin và kiến thức liên quan đến mạng máy tính, các cấu thành kết nối mạng máy tính. Mạng Internet sẽ đóng vai trò chính trong mạch kiến thức này. Cấu trúc, tìm hiểu ý nghĩa và khai thác mạng Intenet.

- CS và IT. - NL (a), (c), (e).

3

Tổ chức, khai thác và xử lý thông tin

Các kiến thức quay xung quanh thông tin và dữ liệu. Phân loại dữ liệu trong máy tính. Cách biểu diễn số và thông tin trong máy tính. Khai thác, tìm kiếm và xử lý thông tin trên máy tính cũng nhưng trong 1 hệ thống chia sẻ mạng. Dữ liệu có cấu trúc, cơ sở dữ liệu.

- CS và IT. - NL (c), (e).

4

Giải quyết vấn đề với sự trợ giúp của máy tính

Đây chính là các kiến thức lõi của phân môn Khoa học máy tính (CS - Computer Science) trong CT môn Tin học. Có thể liệt kê một số chủ đề kiến thức chính của mạch này như sau: - Dữ liệu và biểu diễn dữ liệu số. - Tìm kiếm, phân loại, tổ chức và khai thác dữ liệu và thông tin. - Tư duy lập trình, tư duy máy tính. - Thuật toán. - Trừu tượng hóa các các kỹ thuật lập trình.

- CS. - NL (c), (e).

5

Ứng dụng Tin học

Sử dụng các công cụ, công nghệ, sản phẩm của CNTT để phục vụ công việc học tập, nghiên cứu, sáng tạo của người sử dụng.

- IT và DL. - NL (d), (e).

6

Đạo đức, pháp luật và văn hóa trong môi trường số hóa

Các kiến thức liên quan đến đạo đức, pháp luật, văn hóa trong môi trường số. Ví dụ: - Phân biệt thông tin xấu và tốt. Tác hại của thông tin xấu. - Bản quyền thông tin số. - Pháp luật liên quan đến sở hữu trí tuệ số. Bảo vệ bản quyền dữ liệu số. - Văn hóa và đa văn hóa trong không gian số.

- DL. - NL (b), (e).

7

Nghề Tin học

Kiến thức liên quan đến tên gọi, đặc điểm và nhận biết một số ngành nghề tương lai của Tin học.

- DL và IT. - NL (a), (e). 

Mô hình 7 Mạch kiến thức lõi và quan hệ của chúng với các định hướng CS, IT, DL là 5 thành tố năng lực được mô tả nhanh trong sơ đồ sau. Sơ đồ này do tôi tự vẽ, không phải lấy từ văn bản chương trình gốc.

 Kỳ 4: Học vấn số hóa phổ thông là gì?

Bùi Việt Hà