Kỳ 2: Tại sao chương trình môn Tin học cần thiết kế lại hoàn toàn?

14:17, 13/10/2020

Cho đến thời điểm trước khi CTGDPT mới áp dụng, môn Tin học trong nhà trường Việt Nam đã hình thành với toàn bộ chương trình và SGK phủ kín từ lớp 3 đến 12. Tuy nhiên chương trình cho cấp Tiểu học và THCS là tự chọn, điều đó có nghĩa là không phải tất cả HS đều được học môn học này liên tục từ lớp 3 đến lớp 12. 

Có thể điểm qua toàn bộ các module kiến thức chính của môn Tin học trong trường phổ thông của Việt Nam là:

Tiểu học

        THCS

        THPT

Cấu trúc máy tính.

Tập chuột, tập gõ bàn phím.

Học vẽ.

Học nhạc. 

Soạn thảo văn bản.

LOGO

Phần mềm học tập.

Máy tính, hệ điều hành.

Mạng Internet.

Soạn thảo văn bản.

Bảng tính.

Trình chiếu.

Lập trình Pascal.

Phần mềm học tập.

Máy tính, hệ điều hành.

Mạng máy tính. Mạng Internet.

Soạn thảo văn bản.

Lập trình Pascal.

CSDL Access

Trước khi phân tích sâu vào các vấn đề "lạc hậu" của chương trình này, cũng cần lưu ý các điểm sau:

- Vấn đề được đặt ra về sự bất cập hay lạc hậu không chỉ có ở Việt Nam, mà có ở trên toàn thế giới. Với các quốc gia khác, kể cả những nước khoa học phát triển như Anh, Mỹ các vấn đề tương tự cũng nảy sinh (xem phần sau).

- Trong hoàn cảnh thực tế máy tính PC mới chỉ xuất hiện vào thập kỷ 80 của thế kỷ trước, và CNTT thay đổi chóng mặt trong suốt 40 năm trở lại đây thì việc hình thành chương trình môn Tin học như là 1 tập hợp tương đối rời rạc của các module kiến thức như trên là 1 điều dễ hiểu. Việc ngành giáo dục thiết kế được một chương trình như trên đã là 1 cố gắng rất lớn, đáp ứng nhu cầu học tập, khai thác, sử dụng các ứng dụng của CNTT trong đời sống hàng ngày của học sinh.

- Thật ra ngành khoa học máy tính cũng chỉ mới hình thành và định hình khoảng 50 năm trở lại đây. Trong suốt thời gian đó, môn học này chỉ dành cho sinh viên bậc đại học. Chưa có 1 quốc gia nào dám nghĩ đến chuyện cần đưa các kiến thức lõi của khoa học máy tính xuống nhà trường phổ thông, ngoại trừ 1 số kiến thức xoay quanh thuật toán và lập trình để phục vụ cho các cuộc thi lập trình ở mức quốc gia và thế giới, ví dụ cuộc thi Olympic Tin học quốc tế IOI.

Bây giờ chúng ta sẽ phân tích sơ bộ về chương trình trên.

1. Chương trình môn Tin học không phải là 1 chương trình liền mạch, thống nhất và xuyên suốt.

Nhìn vào toàn bộ chương trình chúng ta thấy rõ chúng được tạo thành từ các module rời rạc. Có thể phân tích chi tiết hơn cũng sẽ thấy 1 số mạch kiến thức, mặc dù chưa hoàn chỉnh. Có thể chỉ ra ở đây 1 vài mạch kiến thức trong chương trình trên.

- Sử dụng và khai thác máy tính và các thiết bị CNTT đi kèm.

- Tìm hiểu và nhận dạng phần cứng, phần mềm máy tính.

- Tổ chức dữ liệu và khai thác thông tin.

- Học gõ bàn phím, soạn thảo văn bản, bảng tính điện tử, trình chiếu.

- Sử dụng các phần mềm hỗ trợ học tập.

- Lập trình máy tính.

Các mạch kiến thức này là có nhưng lại được thể hiện bằng các nhóm, module kiến thức độc lập, rời rạc, không có liên kết với nhau. Ngay chính các GV cũng không nhận ra và hiểu được có hay không các mạch kiến thức này.

2. Có rất nhiều module chương trình bị trùng lặp giữa các cấp học.

Chương trình môn Tin học hiện nay chỉ bắt buộc từ cấp THPT, còn từ các cấp khác đều là tự chọn. Do đó rất nhiều module kiến thức sẽ cần phải học lại từ đầu cho mỗi cấp học. Hiển nhiên điều đó kéo theo có rất nhiều module chương trình và kiến thức bị trùng lặp giữa các cấp học.

Với đặc điểm này mà môn Tin học trong chương trình giáo dục cũ (hiện nay) không thể là một chương trình môn học có tính logic và khoa học hoàn chỉnh.

3. Các module rời rạc và không có quan hệ logic, khoa học chặt chẽ.

Vì chương trình môn Tin học cũ (hiện tại) được thiết kế riêng rẽ cho từng cấp học, nên trong từng cấp học tính liên thông, logic sẽ có nhiều hơn. Còn xét tổng thể trên toàn bộ 3 cấp thì chương trình này là rời rạc và không có quan hệ logic chặt chẽ. Thật ra khi thiết kế các chương trình của từng cấp, nhóm các chuyên gia cũng đã biết và tính đến quan hệ liên thông giữa các cấp học. Tuy nhiên do bản chất của chương trình là những module rời rạc nên không thể có 1 chương trình tổng thể tối ưu được.

Chính vì đặc điểm này nên có thể nói môn Tin học là "đặc biệt" khác hẳn với tất cả các môn học khác trong chương trình giáo dục. Tất cả các môn học khoa học khác (Toán, Lý, Hóa, Sinh, Ngữ văn, Sử, Địa) đều là những môn học được hình thành từ rất lâu, đã được thiết kế gần như hoàn thiện.

Có lẽ cũng chính vì đặc điểm này nên mặc dù đã được áp dụng từ khá lâu trong hệ thống giáo dục thì môn Tin học chưa bao giờ được đưa vào danh sách môn thi khi kết thúc 1 cấp học, thi tốt nghiệp THPT hay thi tuyển sinh đại học, cao đẳng.

4. Vắng bóng hoặc hoàn toàn không có các kiến thức lõi của khoa học máy tính.

Đây là đặc biệt rõ nét nhất của chương trình môn Tin học cũ (hiện nay) và cũng là điểm khác biệt lớn nhất so với chương trình môn Tin học mới trong tương lai. Đặc điểm này xuất phát từ khung chương trình môn Tin học đã nêu ở trên. Vấn đề là vì sao lại như vậy? Trong các phần sau tôi sẽ phân tích kỹ hơn điều này nhưng ở đây chỉ phác họa một vài ý chính:

- Không phải chỉ ở Việt Nam, mà điều này đúng cho tất cả các quốc gia khác.

- Rất khó có thể đưa phần kiến thức lõi của khoa học máy tính xuống nhà trường phổ thông vì nhiều lý do. Một trong các lý do chính là không thể dạy kỹ thuật lập trình cho học sinh nhỏ tuổi. Trong chương trình hiện tại, 2 module học lập trình Pascal được dạy ở lớp 8 (THCS) và lớp 11 (THPT) và học sinh rất vất vả tiếp thu phần kiến thức này.

- Ý kiến chung của hầu hết các chuyên gia CNTT và sư phạm trên thế giới đều đồng ý với nhận định rằng chưa cần đưa các kiến thức lõi của khoa học máy tính xuống phổ thông, đặc biệt là cấp 1, 2.

5. Chỉ tập trung vào các ứng dụng cụ thể, phụ thuộc quá nhiều vào phần cứng, thiết bị, phần mềm.

Trong chương trình môn Tin học không thể vắng bóng việc ứng dụng các dịch vụ và phần mềm vào các công việc cụ thể. Tuy nhiên tất cả các ứng dụng kiểu này đều phải phụ thuộc vào phần cứng, phần mềm hay thiết bị cụ thể. Do vậy nếu 1 chương trình chỉ bao gồm (hay phần lớn bao gồm) các ứng dụng như vậy thì rất phụ thuộc vào công nghệ và dễ bị lạc hậu. Các chương trình như vậy sẽ có đời sống ngắn và bị lạc hậu nhanh.

Vậy có cách nào để xây dựng một chương trình mà ít phụ thuộc nhất vào công nghệ, dịch vụ cụ thể hay không? Đó cũng chính là bài toán đặt ra cho những người thiết kế chương trình môn Tin học trong CTGDPT mới.

Một số hệ lụy từ sự "lạc hậu" của chương trình môn Tin học như đã phân tích ở trên.

1. Phần kiến thức, công nghệ tin học dạy trong nhà trường luôn lạc hậu với thực tế.

2. Vì không là 1 môn, mạch kiến thức khoa học, chặt chẽ nên môn Tin học không gây được sự hấp dẫn của người dạy và người học.

3. Có một khoảng cách rất xa giữa HS, GV các vùng miền, giữa HS giỏi và đại đa số học sinh bình thường khác.

4. Rất khó và có cảm giác bế tắc khi muốn thay đổi và thoát ra khỏi tình trạng này.

5. Môn Tin học trong suốt thời gian qua là môn phụ, không thi ở bất cứ cấp học nào, vì vậy HS và GV càng không có động lực để học, dạy môn học này.

Nói thêm 1 chút về 1 tài liệu quan trọng của các chuyên gia giáo dục Anh quốc (cuốn [11] shutdown or restart), các tác giả đã phân tích sự tụt hậu của chương trình môn Tin học tại nước Anh như sau (tóm tắt):

- Rời rạc, không liên thông, không liền mạch.

- Không đủ cơ sở vật chất hỗ trợ giảng dạy.

- Không khoa học hoặc rất khó xác định tính khoa học chặt chẽ và mạch chính của kiến thức.

- GV dạy không hứng thú, không có động lực để học thêm, đào sâu thêm kiến thức.

- HS học nhàm chán vì kiến thức công nghệ bị lạc hậu với thực tế.

Chú thích thêm:

- Tại nước Anh tên môn học này gọi là ICT và được coi là 1 cái tên không hợp lý vì nó rất dễ nhầm lẫn với tên 1 hệ thống thông tin. 

Do vậy môn Tin học đứng trước thách thức rất lớn là cần thay đổi. Nhưng thay đổi như thế nào? Theo hướng nào? Thay đổi để làm sao khắc phục được các khuyết điểm trên? Tất cả những vấn đề đó đều rất rất khó giải quyết. Không phải các chuyên gia, các nhà giáo không biết những điều trên, họ biết hết nhưng lực bất tòng tâm. Vấn đề lớn nhất là công nghê liên quan đến CNTT, ICT phát triển quá nhanh, trong khi khoa học lõi của ngành này lại không thể hoặc chưa thể đưa xuống dạy cho HS từ nhỏ tuổi. 

Một trong những tài liệu đầu tiên đề cập tới vấn đề này là cuốn sách Shutdown or restart mà tôi nhắc đến ở trên. Cuốn này được viết năm 2012 và là tiền đề để nước Anh là quốc gia đầu tiên thực hiện cuộc cách mạng thay đổi hoàn toàn môn Tin học trong nhà trường. Trong cuốn sách đó, lần đầu tiên các chuyên gia đã phân loại chính xác 3 hướng nội dung chính của kiến thức Tin học trong trường học. Việc phân loại này sẽ giúp các nhà quản lý và chuyên gia GD hiểu rõ hơn và định hướng được tương lai của môn học này. Phân loại nội dung trong cuốn sách đó như sau:

Toàn bộ kiến thức cần học của Tin học sẽ được chia làm 3 nhóm chính:

1. CS (computer science): Khoa học máy tính.

2. IT (infomation technology): CNTT và ứng dụng.

3. DL (digital literacy): Học vấn số hóa phổ thông.

Tóm tắt như sau.

CS - Khoa học máy tính: Xử lý số, tư duy giải quyết vấn đề, thiết lập chương trình, thuật toán, tư duy máy tính.

IT - CNTT và ứng dụng: Sử dụng công nghệ xử lý số, phần mềm để ứng dụng và tạo ra các sản phẩm số. Ví dụ đồ họa, phim, ảnh, ứng dụng trong các công việc đời sống.

DL - Học vấn số hóa phổ thông: Các kỹ năng cơ bản, tối thiểu cần có trong thời đại số hóa, để có thể hòa nhập trong kỷ nguyên kỹ thuật số, ví dụ: Kỹ năng sử dụng chuột, gõ bàn phím; Soạn thảo văn bản, bảng tính, trình chiếu; Khai thác Internet. Sử dụng thư điện tử và mạng xã hội; luật sở hữu trí tuệ, bản quyền nội dung số, ….

Chú ý: Trong 3 hướng trên chỉ có CS là nội dung có tính khoa học chặt chẽ nhất, liên thông, liên tục, không bị lạc hậu nhanh với công nghê. Cũng theo sách trên, CS phải là hướng trọng tâm nhất, quan trọng nhất trong định hướng môn Tin học tương lai. 

Chúng ta cùng phân loại lại các nội dung đã có trong chương trình môn Tin học hiện nay:

1. Tiểu học

2. THCS

3. THPT

Cấu trúc máy tính (IT). Tập chuột, tập gõ bàn phím (DL). Học vẽ (IT). Học nhạc (IT). Soạn thảo văn bản (DL). LOGO (CS). Phần mềm học tập (IT)

Máy tính, hệ điều hành (CS). Mạng Internet (DL). Soạn thảo văn bản (DL). Bảng tính (DL). Trình chiếu (DL). Lập trình Pascal (CS). Phần mềm học tập (IT).

Máy tính, hệ điều hành (CS). Mạng máy tính. Mạng Internet (DL). Soạn thảo văn bản (DL). Lập trình Pascal (CS). CSDL Access (IT).  

Như vậy trong chương trình môn Tin học hiện nay, phần lớn kiến thức được dạy cho HS là mảng IT và DL, mảng kiến thức lõi nhất là CS hầu như không có. Điều này lý giải vì sao môn Tin học không trở thành môn học quan trọng và hấp dẫn HS và GV như thời gian qua. 

Kỳ 3: Nhưng liệu có thể thay đổi được điều đó trong tương lai không? Câu trả lời sẽ có trong các phần tiếp theo.

Bùi Việt Hà