Windows và Linux dưới con mắt người dùng cá nhân

09:37, 03/10/2020

Bạn đang đắn đo nên lựa chọn hệ điều hành nào? Windows hay Linux, hay MacOS. Nếu bạn cần một lời tư vấn thì bài viết này dành cho bạn.

Windows hay Linux ?

Trong thế giới máy tính có đa dạng các chủng loại máy tính, kích cỡ, hình dáng, dung lượng, tốc độ... Hệ điều hành cũng vậy, cũng rất phong phú. Chính vì vậy, dường như việc chọn một hệ điều hành thích hợp để dùng lâu dài đôi khi lại là một lựa chọn khó khăn.

Windows

Windows là hệ điều hành có lượng người dùng lớn. Đặc điểm của Windows là dễ dùng, phù hợp với hầu hết người dùng cá nhân, thậm chí cả những người chuyên sâu trong lĩnh vực máy tính. Bạn có thể gặp Windows trong rất nhiều tài liệu trên Internet. Windows là một hệ điều hành có tính phí.

Phiên bản Windows lần đầu tiên mà tôi sử dụng là Windows 98 (“Windows năm 1998”, tôi sử dụng hệ điều hành này năm 2000). Đến nay đã là năm 2020. Như vậy, bạn có thể đo được tốc độ tiến hóa của Windows như thế nào.

Linux

Nói là Linux không thì có lẽ với một số người vẫn chưa định hình trong đầu được nó là thứ gì. Thật vậy, Linux chỉ là nhân (bộ lõi) của các hệ điều hành dòng Linux. Các hệ điều hành sử dụng bộ nhân Linux này điển hình như: Ubuntu, Debian, Linux Mint...

Linux chiếm lượng thị phần cũng khá lớn. Đặc điểm của Linux là mã nguồn mở và miễn phí. Đối với người dùng Việt Nam, lượng thị phần người dùng Linux chắc hẳn không thể bằng Windows. Dưới con mắt của người dùng cá nhân thì họ cũng không quan tâm đến khái niệm thế nào là “mã nguồn mở” lắm. Đa số họ đến với Linux bởi nguyên nhân chủ yếu là “miễn phí” mà thôi. Thật vậy, gần như tất cả các phần mềm chạy trên Linux là cho không. Điều duy nhất mà bạn trả tiền là cho một số tài liệu hướng dẫn chi tiết hoặc xây dựng những tính năng đặc thù, không phổ biến (nhưng hầu hết mọi người thường không cần đến nó bởi đã có hàng loạt diễn đàn hỗ trợ, giải đáp thắc mắc cho Ubuntu, Debian, Linux Mint...)

Khi làm việc với Linux, đôi khi bạn phải làm việc với terminal (giống dòng lệnh Command Prompt của Windows) nhiều hơn một chút xíu cho với Windows (thực ra không phải lúc nào cũng làm việc với terminal). Đặc điểm này khiến một số người lầm tưởng rằng: Linux chỉ dành cho những người chuyên sâu về máy tính (vì cũng thực sự khó dùng hơn chút ít).

Nếu trước đây Linux ở Việt Nam rất ít người dùng thì hiện nay con số này tăng lên rất nhiều. Nguyên nhân được giải thích là: do sự phát triển của Internet, các diễn đàn về Linux mọc lên khắp nơi để hỗ trợ người dùng. Chính nó đã thúc đẩy sự phát triển của Linux tại Việt Nam cũng như trên thế giới.

Như vậy, có thể nói một cách ngắn gọn: Nếu không có Internet, thì Linux chỉ là một thứ vất đi. Nhưng có Internet rồi thì nó quý hơn vàng.

Vậy nguyên nhân vì đâu Windows vẫn chiếm thị phần lớn tại Việt Nam nếu như Linux miễn phí

- Vì từ khi sinh ra, người dùng Việt Nam đã sử dụng Windows rồi. Nó trở thành một thói quen khó bỏ. Windows đã là một ngọn “núi ở trong lòng” của người dùng.

- Rất nhiều phần mềm chạy trên Windows, nhưng không chạy trên Linux.

- Tính dễ dùng của Windows (dù chỉ hơn Linux một chút) có lẽ là nguyên nhân chính khiến người ta từ bỏ một hệ điều hành miễn phí như Linux.

Vậy Windows hay Linux ?

Mọi việc bắt đầu từ thói quen. Nếu như một người tiếp cận với hệ điều hành Linux lần đầu tiên (chứ không phải là Windows) thì có lẽ họ khó mà chấp nhận Windows, một phần mềm có tính phí.

Thường thì phần mềm miễn phí nào chạy trên Windows thì cũng có phiên bản chạy trên Linux, MacOS. Lượng phần mềm miễn phí trên Internet là rất lớn. Nếu Linux dễ dùng được như Windows, chạy ổn định như Windows (với máy tính cá nhân) thì Windows đã bị tiêu diệt từ lâu rồi (nhưng Windows vẫn tồn tại và phát triển).

Người dùng Linux có thể tranh luận rằng: Windows có virus, hay bị tấn công, còn Linux thì không? Câu trả lời là: Nếu Linux có thị phần người dùng lớn như Windows thì sẽ bị tấn công như Windows thôi. Linux xuất phát từ Unix. Trong lịch sử hệ điều hành, Unix cũng đã bị tấn công rất nhiều1, vậy chả lẽ Linux lại không?

Windows hay Linux chuyên nghiệp hơn ?

Mọi người thường nghĩ những người dùng Linux chuyên nghiệp hơn người dùng Windows. Họ giải thích là: Linux thường dùng cho người chuyên sâu về máy tính. Theo mình là thì không phải: Windows hay Linux không làm cho bạn chuyên nghiệp hơn mà bạn chuyên nghiệp hơn theo cái  cách mà bạn sử dụng.

Câu hỏi này cũng lặp lại với hai hệ soạn thảo văn bản nổi tiếng: Microsoft Word và LaTeX. Và câu trả lời cũng tương tự. Mỗi phần mềm có đặc trưng riêng. Chính vì vậy cả hai đều chiếm thị phần lớn. LaTeX thường dùng cho việc viết bài báo khoa học. Nếu bạn có nhu cầu trình chiếu bạn có thể dùng Microsoft PowerPoint thay vì LaTeX (nó nhanh hơn và dễ dùng hơn). Nếu bạn biết tới ngôn ngữ HTML thì có lẽ LaTeX giống như HTML vậy.

Windows tại Việt Nam

Hãng Microsoft hiện nay đã cung cấp nhiều phần mềm miễn phí, thậm chí cả hệ điều hành dành cho sinh viên. Tuy nhiên, khi đó các sinh viên sẽ lệ thuộc rất lớn vào các nền tảng của Microsoft (Windows).

Tương lai của hệ điều hành

Cả Windows và Linux cùng đồng hành phát triển. Có lẽ không hệ điều hành nào bị triệt tiêu cả.

Kết luận

Hiện tại thì tôi dùng cả hai hệ điều hành cho mục đích sử dụng và nghiên cứu. Tôi khuyến khích các bạn nên dùng Linux. Nếu bạn có chọn Windows thì cũng chẳng sao cả.

Nguyễn Tô Sơn