Cần một chiến lược tổng thể trong việc dạy và học Tin học phổ thông

09:54, 30/09/2020

Cuối cùng thì ngôn ngữ lập trình Pascal cũng được lược bỏ ở bậc phổ thông - một tín hiệu đáng mừng cho các bạn học sinh nói riêng và giáo dục Việt Nam nói chung.

Lựa chọn một ngôn ngữ để khởi đầu rất quan trọng, vừa rèn được khả năng tư duy CNTT vừa không quá phức tạp nhằm tránh gây tâm lý nhụt trí. Lựa chọn Python là một bước đi hợp lý bởi Python là một ngôn ngữ hướng đối tượng mã nguồn mở có cấu trúc tường minh, sáng sủa, rất dễ cho việc tiếp cận (không phức tạp như C++ và Java). Học sinh cấp 2 có thể tiếp cận được rồi.

Các bạn học sinh lớp 6 đang say sưa thực hành bài tập STEM

Bây giờ bàn đến cách tiếp cận ngôn ngữ lập trình nói chung cũng như Python nói riêng. Lâu nay, cách dạy và học của chúng ta quá nặng vào trình bày lý thuyết kiểu Ngôn ngữ A là gì, rồi tiếp cận mấy bài toán cơ bản như sắp xếp tăng, giảm, tìm số lớn nhất, nhỏ nhất, giải hệ phương trình ...khá khô khan và nhám chán. Bây giờ chúng ta thử áp dụng phương pháp mới với Python như thế này xem sao:

Bắt đầu bằng nhưng ứng dụng nhỏ nhưng trực quan và gần gũi với các bạn học sinh, nghĩa là đi giải quyết những bài toán thực tế hàng ngày vẫn va phải. Trước mắt để học sinh hình dung được, à thì ra lập trình để giúp ích cuộc sống như thế. Một ví dụ gần gũi nhất là bài toán quản lý điểm của lớp, tính điểm trung bình, lọc danh sách phổ điểm theo yêu cầu, tìm ra thủ khoa, tính tỉ lệ %...song song với đó dạy các bạn cả kỹ năng thao tác trên excel rồi xuất nhập file qua python, vẽ đồ thị, screenshot realtime...và sau đó up dữ liệu lên máy chủ, hiển thị lên website...

Tiếp cận theo cách này sẽ giúp học sinh thành thạo cả kỹ năng Excel văn phòng, vừa hiểu python vừa biết xử lý số liệu...toàn những kiến thức mà mặt bằng xã hội yêu cầu. Sau này, bạn nào đi chuyên sâu CNTT thì lúc đó nghiên cứu các thuật toán phức tạp cũng chưa muộn.

 Vẻ mặt tự tin rạng ngời trong tiết học STEM

Sau khi hoàn thành khóa Python các bạn có thể phát triển kỹ năng theo 2 hướng chính:

- Áp dụng tư duy hướng đối tượng đã học bên Python theo lập trình ứng dụng: web, app...hoặc học chuyên sâu Data Analyst.

- Có thể tự học và tìm hiểu các thư viện ML như Tensorflow, Pytorch và nghiên cứu chuyên sâu AI + Machine Learning. Đơn giản hơn, thạo Opencv cũng đã là hàng hiếm.

Sau khi đã nắm bắt được Python, lại có mấy hướng như thế này:

- Bạn nào có tư chất toán tốt, muốn đi sâu vào làm các hệ thống phần mềm phức tạp, nhiều cơ hội kiếm việc làm...thì học Java Core - nền tảng hướng đối tượng quốc dân. Học tốt java rồi thì học ngôn ngữ nào cũng được. Các Doanh nghiệp tầm trung trở lên với các hệ thống lớn sẽ là Java Spring và Spring MVC hoặc .Net Core.

- Bạn nào muốn theo back-end, front-end hoặc fullstack thì học tiếp React.js, Node.js, html, css...tiếp đó nghiên cứu về Docker, microservice... (đây là xu hướng của phần mềm hiện đại). Trong phần này có thêm mấy nhánh nhỏ:

+ Bạn nào theo front-end có thể học angular, từ ngày angular về tay Google thì cộng đồng phát triển rất mạnh.

+ Bạn nào theo hướng backend chuyên sâu có thể học mongodb , Aws của amazon và Hadoop, hay Restful Web Service, Graph QL, gRPC...toàn những thứ hay ho mà thị trường cần.

- Bạn nào muốn theo nghiệp làm app, về Androi thì học Java Androi, về iOS thì học kotlin và swift, XCode...khoảng 20 buổi là có thể làm tàm tạm rồi

- Bạn nào muốn theo tự động hóa, điều khiển tự động, nhúng...thì bắt tay ngay vào Arduino và C++ đi, sau đó lên Raspberry Pi rồi tự thiết kế mạch mà làm, thị trường này cũng hiếm nhân sự lắm.

 

Kiểm tra kết quả bài học

Xin mạn phép đề đạt một lộ trình học CNTT dài hơi cho học sinh các cấp:

- Cấp 1 nên bắt đầu từ lớp 3 hoặc sớm hơn nhưng mục tiêu hết tiểu học hoàn thiện lập trình Scratch.

- Cấp 2 bắt đầu với Python, Microbit, AppInventor của học viện MIT sau đó đến Arduino, và giới thiệu dần C++, hết cấp 2 thành thạo ở mức cơ bản.

- Cấp 3 đi sâu thêm về C++, Python nâng cao với opencv rồi học Raspbery Pi, máy in 3D...

Chỉ cần trích một phần từ 16 triệu USD làm sách giáo khoa, kết hợp với các quỹ phi chính phủ như Dariu và các nguồn  tài trợ từ các Mạnh Thường Quân để thực hiện việc này thì trong tương lai không xa, Việt Nam có thể bắt kịp xu thế công nghệ 4.0 của thế giới. Song song với việc đổi mới việc dạy ngoại ngữ, xây dựng mạng lưới thư viện và cổ vũ văn hóa đọc thì đất nước sẽ hóa rồng một ngày không xa.

Trần Hiếu