Ứng dụng tin học trong giảng dạy và học tập
Trong thời đại công nghệ số, sức ảnh hưởng của máy tính - CNTT đã tác động mạnh mẽ đến sự phát triển kinh tế xã hội của mỗi quốc gia.
Đảng và Nhà nước ta đã nhận thấy và xác định rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của Tin học cũng như yêu cầu đẩy mạnh của ứng dụng CNTT, đào tạo nguồn nhân lực thế hệ mới của Việt Nam đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, mở cửa và hội nhập kinh tế quốc tế.
Đặc biệt trong Chương trình giáo dục phổ thông mới, vị trí, vai trò của môn Tin học có nhiều thay đổi: Từ lớp 3 đến lớp 9 Tin học là môn bắt buộc có phân hóa (trong chương trình hiện hành là môn tự chọn); Ở cấp trung học phổ thông, Tin học là môn học được lựa chọn theo nguyện vọng và định hướng nghề nghiệp của học sinh, phân hóa theo 2 định hướng “Tin học ứng dụng“ và “Khoa học máy tính” (trong chương trình hiện hành không phân hóa).
Trong mấy năm gần đây, các trường học đã đầu tư vào phòng máy tính, để tạo điều kiện cho học sinh được tiếp xúc, làm quen với máy tính để có những hiểu biết ban đầu về máy tính, biết được lợi ích của máy tính trong đời sống và học tập. Giúp học sinh có khả năng sử dụng máy tính trong việc học tập, tra cứu thông tin và tham gia học tập online như giải toán, tiếng Anh trên mạng internet..., trong sinh hoạt cũng như trong vui chơi giải trí nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và tạo điều kiện để học sinh thích ứng với đời sống xã hội hiện đại.
Đặc biệt hơn trong năm học 2019-2020 vừa qua nhờ Công nghệ thông tin mà nó đã trở thành một công cụ đắc lực giúp giáo viên giảng dạy và cũng như học sinh được học tập trực tuyến khá hiệu quả trong giai đoạn học sinh nghỉ học vì dịch Covid 19.
Khi nói đến ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học có nghĩa là: Từ cơ sở vật chất, trang thiết bị Công nghệ thông tin được đầu tư, đáp ứng nhu cầu sử dụng của cán bộ, giáo viên và học sinh; Sử dụng các thiết bị công nghệ thông tin, các phần mềm làm công cụ hỗ trợ việc dạy và học các môn học trong nhà trường, khai thác tốt các phần mềm thiết kế bài dạy như phần mềm powerpoint, word, các phần mềm hỗ trợ soạn bài giảng elearning,…; Tăng cường sử dụng mạng internet để khai thác thông tin, tham khảo và xây dựng giáo án điện tử có chất lượng; Thường xuyên sinh hoạt chuyên đề đổi mới công nghệ thông tin.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các nhà trường hiện nay được chia thành 4 mức độ sau:
- Ứng dụng công nghệ thông tin để hỗ trợ giáo viên trong việc soạn giáo án, sưu tầm và in ấn tài liệu…
- Sử dụng công nghệ thông tin để hỗ trợ một hoạt động, một công việc nào đó trong toàn bộ quá trình dạy học.
- Sử dụng phần mềm dạy học để tổ chức lên lớp một tiết học, một chủ đề hoặc một chương trình học tập.
- Tích hợp công nghệ thông tin vào toàn bộ quá trình dạy học.
Thực tế qua việc giảng dạy cho thấy rằng các bài giảng khi sử dụng công nghệ thông tin sẽ sinh động và hấp dẫn hơn rất nhiều so với bài giảng không sử dụng công nghệ thông tin. Mỗi một giờ học được áp dụng công nghệ thông tin như vậy sẽ tích cực hóa được hoạt động nhận thức của học sinh, thu hút được sự chú ý xây dựng bài, dễ dàng lĩnh hội tri thức mới.
GV Phan Thị Phương Thúy
Trường Tiểu học Nam Hồng, Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh