Sau scratch thì nên học gì?

07:10, 25/09/2020

Nhiều phụ huynh hay nhắn cho nhà trường tìm hiểu về khả năng tiếp cận CNTT của các bạn nhỏ từ cấp 2, hầu hết mọi người không biết nên đầu từ đâu, học ngôn ngữ nào là tốt nhất?...Vậy để tìm ra hướng đi tốt nhất cho các bạn nhỏ, Tin học và Đời sống có một vài gợi ý như sau.

Ảnh minh họa

Hầu hết các bạn ở các thành phố lớn, được bố mẹ quan tâm từ sớm đã được tham gia vài khóa lắp ráp robot, lập trình scratch... nên khi lên cấp 2 không còn thích mấy thứ đó nữa thì biết học gì đây?

Nếu đã từng lắp ráp robot, kéo thả scratch làm game... mà vẫn đam mê muốn tìm hiểu tiếp thì có mấy hướng như sau:

1. Nếu các bạn nhỏ ưa mày mò, tháo lắp, sửa chữa...và có tính kiên trì thì có thể học lập trình điều khiển Arduino sau đó lên Raspberry Pi, những thứ này sẽ giúp các bạn nhỏ lập trình điều khiển thực sự, hiểu bản chất cách thức vận hành, nguyên lý của các thiết bị tự động ngoài cuộc sống: Đèn giao thông, xe tự lái, cửa đóng mở tự động, vòi nước tự chảy hay quen thuộc nhất là máy khử khuẩn, xịt cồn tự động đang được lắp đặt xung quanh mình... xa hơn nữa có thể tự chế được những chiếc xe tự hành, xe điều khiển từ xa.

2. Bạn nào vẫn còn vương vấn với scratch có thể nâng cao học Microbit. Đây là một bộ kit nổi tiếng được ra đời bởi sự hợp tác của rất nhiều ông lớn trên thế giới: Microsoft, Samsung, ARM... được các trường phổ thông ở Anh, Mỹ và nhiều nước trên thế giới đưa vào dạy stem và mang lại hiệu ứng tích cực. Bo mạch nhỏ bé nhưng lại có sức mạnh thần kỳ:).

Xa hơn, nếu muốn tiếp cận app mobile có thể nghiên cứu app inventor của viện công nghệ Massachusetts. Sau lớn lên mới học kolin và swift.

3. Nếu không đam mê máy móc, điều khiển... các bạn nhỏ có thể bắt tay vào học Python, một ngôn ngữ hướng đối tượng mã nguồn mở có cấu trúc tường minh, sáng sủa, rất dễ cho việc tiếp cận (không phức tạp như c++ và Java).

Ảnh minh họa

Sau khi hoàn thành khóa Python các bạn có thể phát triển kỹ năng theo 2 hướng chính:

     1. Áp dụng tư duy hướng đối tượng đã học bên Python theo lập trình ứng dụng: web, app...hoặc học chuyên sâu Data Analyst.

     2. Có thể tự học và tìm hiểu các thư viện ML như Tensorflow, Pytorch và nghiên cứu chuyên sâu AI + Machine Learning.

Nếu vượt qua được giai đoạn này, coi như đã tạm xóa mù về coding và có thể tự do tìm hiểu đại dương bao la của ngành CNTT. Học tập là một quá trình, không thể ngày một ngày hai là có thể ra được sản phẩm, cứ kiên trì rồi sẽ đến.

 Trần Hiếu