Xác lập mô hình tăng trưởng mới để bứt phá trong giai đoạn tới

15:58, 15/07/2025

Hiện nay, mô hình tăng trưởng của Việt Nam vẫn chủ yếu dựa vào “thâm dụng” với những hạn chế cố hữu. Động lực tăng trưởng chính đến từ mở rộng đầu tư và lao động giá rẻ, còn năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) và đóng góp khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo vẫn rất hạn chế. Thực tiễn đó đặt ra yêu cầu phải đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng kinh tế để bứt phá trong giai đoạn tới.

Mô hình tăng trưởng còn nhiều hạn chế

Tại Diễn đàn Xác lập mô hình tăng trưởng mới cho Việt Nam giai đoạn 2026 - 2030, định hướng đến năm 2045 do Viện Kinh tế Việt Nam và thế giới (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) tổ chức sáng 15/7/2025 tại Hà Nội, các chuyên gia đánh giá, mô hình tăng trưởng kinh tế thời gian qua chủ yếu là tăng trưởng “thâm dụng” với những hạn chế cố hữu.

Động lực tăng trưởng chính đến từ mở rộng đầu tư và lao động giá rẻ, còn năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) và đóng góp khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo vẫn rất hạn chế. Tốc độ tăng năng suất lao động tuy cải thiện nhưng bình quân chỉ khoảng 5%/năm, thấp hơn nhiều so với các nước dẫn đầu trong khu vực. Mô hình tăng trưởng còn dựa nhiều vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài trong khi khu vực doanh nghiệp trong nước phát triển chưa tương xứng.

Tại Diễn đàn, các chuyên gia đánh giá: mô hình tăng trưởng kinh tế thời gian qua chủ yếu là tăng trưởng “thâm dụng” với những hạn chế cố hữu.

Kinh tế Việt Nam mang tính “nhị nguyên”, khu vực FDI chiếm 71% kim ngạch xuất khẩu nhưng liên kết với doanh nghiệp nội địa yếu, hiệu ứng lan tỏa công nghệ thấp. Khu vực tư nhân trong nước vẫn chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ, thiếu vắng các doanh nghiệp tầm cỡ và chỉ đóng góp khoảng 44% GDP. Đầu tư cho nghiên cứu, phát triển (R&D) còn rất thấp (khoảng 0,5% GDP, so với trung bình thế giới khoảng 2,2%), khiến khả năng đổi mới sáng tạo của nền kinh tế bị hạn chế. Mục tiêu công nghiệp hóa cơ bản vào 2020 đã không đạt được.

Bên cạnh đó, mô hình tăng trưởng hiện nay chưa gắn kết với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Tăng trưởng kinh tế giai đoạn vừa qua đi kèm với gia tăng ô nhiễm và cường độ phát thải cao. Việc khai thác tài nguyên thiếu bền vững và lỏng lẻo trong quản lý môi trường đã gây ra những hệ lụy như ô nhiễm không khí và nguồn nước ở các đô thị, suy giảm tài nguyên rừng và đa dạng sinh học.

Nhận xét tăng trưởng kinh tế Việt Nam “không trì trệ nhưng cũng không bứt phá, không còn đói nghèo nhưng chưa giàu mạnh”, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam - TS. Đặng Xuân Thanh cho biết, dù có những bước tiến, nhưng đây là dấu hiệu của bẫy thu nhập trung bình, tình trạng chung của hơn 100 quốc gia đang phát triển trên thế giới chưa thể vượt qua.

ThS. Phạm Thị Thanh - Viện Kinh tế Việt Nam và Thế giới cũng cho rằng, trong những năm qua, bên cạnh các thành tựu, mô hình tăng trưởng của Việt Nam vẫn tồn tại nhiều hạn chế về chất lượng, tính bền vững và khả năng đổi mới. Các đặc điểm nổi bật của mô hình tăng trưởng hiện nay cho thấy vẫn nghiêng về chiều rộng, phụ thuộc nhiều vào đầu tư vốn, khai thác tài nguyên và lao động giá rẻ.

Một số hạn chế trong tăng trưởng kinh tế Việt Nam được TS. Lê Xuân Sang, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam và Thế giới chỉ ra, đó là kinh tế Việt Nam đang chủ yếu tăng trưởng dựa vào tăng vốn đầu tư, giá rẻ nhân công và thuê mặt bằng kinh doanh; bước đầu chuyển sang tăng hiệu quả sử dụng vốn đầu tư.

“Tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn dựa chủ yếu vào bên ngoài (nhập khẩu chủ yếu từ đầu vào sản xuất công nghiệp đến nông nghiệp) dẫn đến công nghiệp phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu nước ngoài, nhất là Mỹ. Chính vì vậy, Việt Nam hiện nay đang có những cải tổ, cải cách nhằm thúc đẩy khoa học công nghệ, bộ máy nhà nước, phát triển kinh tế tư nhân,… những chính sách này góp phần thúc đẩy những lĩnh vực mà Việt Nam còn yếu kém, bị kìm hãm”, TS. Lê Xuân Sang nói.

Việt Nam cần thực hiện điều chỉnh chiến lược mô hình tăng trưởng theo hướng chuyển đổi mạnh mẽ sang dựa trên năng suất, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững.

Xác lập mô hình tăng trưởng hiệu quả và bền vững

Theo các chuyên gia, tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam những năm gần đây đang có xu hướng chậm lại, chất lượng tăng trưởng thấp. Phương thức phân bổ nguồn lực xã hội chưa có sự thay đổi rõ rệt; năng suất lao động và năng suất các nhân tố tổng hợp còn thấp. Kinh tế vĩ mô ổn định nhưng chưa vững chắc, bội chi ngân sách còn lớn, nợ công tăng nhanh.

Trong bối cảnh toàn cầu hiện nay, mô hình tăng trưởng của các nền kinh tế, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển như Việt Nam chịu tác động sâu sắc từ những thay đổi nhanh chóng trong trật tự địa chính trị, xu hướng chuyển đổi công nghệ, cũng như yêu cầu mới về phát triển bền vững. Những yếu tố này không chỉ đặt ra thách thức mà còn tạo ra cơ hội chiến lược để Việt Nam điều chỉnh mô hình tăng trưởng hướng tới hiệu quả và bền vững hơn.

Khẳng định chuyển đổi sang nền kinh tế xanh và kinh tế số là hai xu hướng không thể đảo ngược, được thúc đẩy bởi áp lực môi trường, nhu cầu tiêu dùng bền vững và sự phát triển công nghệ, GS. TS. Trần Thọ Đạt, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, thuận lợi đối với phát triển kinh tế số ở Việt Nam đang có, chính là sự ổn định chính trị với thế hệ dân số vàng có kỹ năng số, cùng đó là các DN công nghệ nội địa dẫn dắt Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo cũng như hợp tác quốc tế mở rộng.

Tuy nhiên, khó khăn đối với phát triển kinh tế số ở Việt Nam chính là các yếu tố như khoảng cách số, vướng mắc về thể chế, pháp lý chưa đồng bộ trong khi trình độ, kỹ năng số và nhận thức của các DN còn thấp dẫn đến quá trình đầu tư R&D thấp nên phụ thuộc nhiều vào các nền tảng nước ngoài.

Định hướng và giải pháp phát triển kinh tế số ở Việt Nam, GS. TS Trần Thọ Đạt đề nghị cần hoàn thiện thể chế và chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế số. Trong đó, chú trọng phát triển hạ tầng số hiện đại, đồng bộ và an toàn cũng như tập trung phát triển nguồn nhân lực số và kỹ năng số cho toàn dân. Đặc biệt, cần thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển hệ sinh thái công nghệ số nội địa, từ đó thu hẹp khoảng cách số giữa các vùng và đảm bảo tiếp cận bình đẳng kinh tế số.

Theo TS. Lê Xuân Sang - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam và Thế giới, trong khoảng 5 năm tới, Việt Nam cần thúc đẩy nhanh và tăng hiệu quả chuyển đầu tư từ lượng sang chất, nhất là cho DN nhỏ và vừa, xây dựng và ban hành, chỉnh sửa hệ thống động lực mới để bổ sung cho những khuyết điểm, đồng thời triển khai các giải pháp khác để tăng chất lượng thể chế. Trong đó tập trung phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ và các giải pháp liên quan khác, từng bước tiến dần vào ngưỡng thu nhập cao; tính đến những bất trắc mới, nhất là bất ổn vĩ mô.

Trong bối cảnh toàn cầu đang bước vào giai đoạn tái cấu trúc sâu rộng về chuỗi cung ứng, mô hình tăng trưởng và chuẩn phát triển bền vững, Việt Nam cần thực hiện điều chỉnh chiến lược mô hình tăng trưởng theo hướng chuyển đổi mạnh mẽ sang hướng dựa trên năng suất, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững.

Tuy vậy, các chuyên gia cho rằng, việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng không thể chỉ thông qua một vài biện pháp rời rạc, mà cần một hệ sinh thái chính sách đồng bộ, lấy đổi mới sáng tạo và năng suất làm trung tâm. Mỗi nhóm chính sách đều phải tích hợp tư duy dài hạn, sự phối hợp liên ngành – liên vùng và gắn chặt với bối cảnh quốc tế đang biến đổi nhanh chóng. Chuyển đổi mô hình tăng trưởng không chỉ là câu chuyện kinh tế mà còn là nền tảng cho công bằng xã hội, an ninh quốc gia và sự thịnh vượng của các thế hệ tương lai.