Những tăng trưởng ấn tượng của lĩnh vực KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số
Trong 6 tháng đầu năm 2025, các trụ cột chiến lược của Bộ KH&CN đều ghi nhận những bước tiến đột phá, đóng góp thiết thực vào phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao vị thế quốc gia trong kỷ nguyên số.
Trụ cột Khoa học: Vững vàng nền tảng tri thức
6 tháng đầu năm 2025, hoạt động nghiên cứu khoa học của Việt Nam tiếp tục ghi nhận nhiều kết quả nổi bật, khẳng định vai trò trụ cột trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo (ĐMST) quốc gia. Số lượng công bố quốc tế tăng gần 9% so với cùng kỳ năm trước - minh chứng cho chất lượng và tầm vóc ngày càng nâng cao của các nhóm nghiên cứu trong nước.
Đáng chú ý, 5 lĩnh vực có số lượng công bố dẫn đầu trên hệ thống Scopus gồm: Kỹ thuật, Khoa học máy tính, Toán học, Y học và Khoa học xã hội - những ngành mũi nhọn, có tính ứng dụng cao và ảnh hưởng rộng đến sự phát triển quốc gia.
Hoạt động quản lý và phát triển tiềm lực KH&CN được đẩy mạnh với 849 Giấy chứng nhận đăng ký kết quả nghiên cứu KH&CN đã được cấp. Bộ KH&CN phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai 42 chương trình KH&CN quốc gia, tạo sự gắn kết giữa nghiên cứu và thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội.
Trong đó, các chương trình nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học tự nhiên tiếp tục phát huy thế mạnh của Việt Nam, hướng đến tiệm cận trình độ khu vực và thế giới.
Các ngành khoa học cơ bản như toán học và vật lý duy trì thứ hạng cao trong khu vực ASEAN, đóng vai trò nòng cốt trong đào tạo nhân lực chất lượng cao và tạo nền tảng tri thức vững chắc cho ứng dụng công nghệ cao.
Đặc biệt, Bộ KH&CN đang tổ chức triển khai Chương trình KH&CN cấp quốc gia đến năm 2030 với trọng tâm là "Nghiên cứu KH&CN phục vụ mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng “0” tại Việt Nam". Đây là bước đi chiến lược thể hiện cam kết mạnh mẽ của ngành khoa học trong đồng hành cùng quốc gia ứng phó biến đổi khí hậu, thúc đẩy phát triển bền vững theo xu thế toàn cầu.
Những kết quả nêu trên không chỉ khẳng định tiềm năng và năng lực nội sinh của nền khoa học Việt Nam, mà còn đóng góp tích cực vào bản đồ tri thức toàn cầu, mở ra cơ hội hợp tác và hội nhập sâu rộng trong kỷ nguyên mới.
Trụ cột Công nghệ: Thúc đẩy chuyển giao, ứng dụng và phát triển
Hoạt động ứng dụng, chuyển giao và phát triển công nghệ được đẩy mạnh với nhiều kết quả tích cực. Trong 6 tháng đầu năm, Bộ KH&CN đã cấp 15 giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao công nghệ và 5 giấy chứng nhận gia hạn, sửa đổi nội dung chuyển giao.
Mạng lưới tư vấn viên gồm 95 tổ chức, cá nhân đã được hình thành để hỗ trợ doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa. Trên 40 DN được hỗ trợ nâng cao năng lực thông qua các chương trình đào tạo, phát triển nguồn nhân lực.
Ảnh: TTXVN
Lĩnh vực năng lượng nguyên tử tiếp tục được quan tâm thúc đẩy. Hơn 1.000 giấy phép và chứng chỉ đã được cấp, trong đó nhiều ứng dụng công nghệ bức xạ và đồng vị đã được triển khai hiệu quả trong y tế, công nghiệp và nông nghiệp, cho thấy bước tiến rõ nét trong ứng dụng công nghệ cao phục vụ đời sống.
Trong lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng, số lượng tiêu chuẩn quốc tế (ISO/IEC) được Việt Nam chấp nhận làm Tiêu chuẩn Việt Nam tăng hơn 25%, thể hiện cam kết hội nhập sâu rộng vào hệ thống tiêu chuẩn toàn cầu. Việc cấp mã số, mã vạch cho doanh nghiệp tăng gần 9%, góp phần cải thiện khả năng truy xuất nguồn gốc, nâng cao quản lý chất lượng và thúc đẩy xuất khẩu.
Lĩnh vực sở hữu trí tuệ (SHTT) ghi nhận sự phát triển ấn tượng với hơn 40.000 văn bằng bảo hộ được cấp tăng 58,3% so với cùng kỳ năm 2024. Nhiều sáng kiến đã được hỗ trợ đăng ký bảo hộ, khai thác thương mại, từng bước chuyển đổi thành tài sản trí tuệ có giá trị cao, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm Việt trên thị trường quốc tế.
Trụ cột ĐMST: Động lực tăng trưởng mới
Năm 2024, Việt Nam tiếp tục ghi dấu ấn trên bản đồ ĐMST toàn cầu khi Chỉ số ĐMST toàn cầu (GII) được xếp hạng 44/133 quốc gia, tăng 2 bậc so với năm 2023. Với kết quả này, Việt Nam tiếp tục duy trì vững chắc vị thế top 4 ASEAN và top 2 trong nhóm các quốc gia thu nhập trung bình khẳng định những nỗ lực bền bỉ và hiệu quả trong xây dựng quốc gia ĐMST.
Trường Đại học Quốc tế Miền Đông tập trung xây dựng Hệ sinh thái ĐMST phục vụ nhu cầu đào tạo nhân lực chất lượng cao (Ảnh: Báo Bình Dương).
Ngày 30/6/2025, Bộ KH&CN đã tổ chức Lễ ra mắt Sàn giao dịch KH&CN Việt Nam đánh dấu bước tiến quan trọng trong thúc đẩy thị trường công nghệ phát triển chuyên nghiệp, hiện đại. Tính đến nay, cả nước có 23 sàn giao dịch KH&CN đang hoạt động góp phần hình thành mạng lưới kết nối cung - cầu công nghệ.
Hệ sinh thái ĐMST quốc gia tiếp tục được củng cố và mở rộng, Việt Nam giữ vững vị trí thứ 5 Đông Nam Á về hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, đồng thời xếp hạng 55/100 toàn cầu phản ánh môi trường khởi nghiệp ngày càng năng động, đa dạng và kết nối quốc tế sâu rộng.
Hiện nay, cả nước có khoảng 940 DN KH&CN và ước tính 4.000 DN khởi nghiệp sáng tạo. Trong số đó, hai kỳ lân công nghệ của Việt Nam là MoMo và Sky Mavis nổi bật như những biểu tượng thành công, tạo cảm hứng cho thế hệ startup mới.
Toàn hệ sinh thái đang phát triển mạnh mẽ với sự tham gia của 208 quỹ đầu tư trong nước và quốc tế, 84 vườn ươm, 40 tổ chức thúc đẩy kinh doanh, và hơn 20 trung tâm khởi nghiệp sáng tạo tại các địa phương tạo nên mạng lưới hỗ trợ đa tầng, lan tỏa động lực đổi mới từ trung ương tới địa phương.
Trụ cột Chuyển đổi số: Bứt phá mạnh mẽ, lan tỏa toàn diện
CĐS quốc gia đạt nhiều kết quả nổi bật. Tổng số giao dịch thực hiện qua Nền tảng tích hợp và chia sẻ dữ liệu quốc gia ước đạt 630 triệu lượt, tương đương 73% kế hoạch năm 2025. Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình đạt gần 40%, góp phần nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính, cải thiện chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ số, số lượng DN công nghệ số vượt mốc 75.000, từng bước hình thành hệ sinh thái số vững mạnh, đủ sức cạnh tranh trong khu vực.
Ngành Bưu chính - Viễn thông duy trì tốc độ tăng trưởng ấn tượng. Doanh thu dịch vụ bưu chính tăng 12,8%, sản lượng bưu gửi ước đạt 1,8 tỷ đơn vị, lợi nhuận tăng 20%.
Trong khi đó, tốc độ mạng cố định và di động tiếp tục dẫn đầu khu vực, với hơn 176 Mbps và 136 Mbps. Tỷ lệ sử dụng IPv6 đạt 65%, đưa Việt Nam vươn lên top 10 toàn cầu.
Đặc biệt, ứng dụng i-Speed công cụ đo kiểm tốc độ mạng do Bộ KH&CN triển khai chính thức trở thành công cụ phục vụ Chính phủ trong minh bạch hóa chất lượng hạ tầng số.
Kinh tế số cũng ghi nhận bước tiến rõ rệt, đóng góp 18,72% GDP tăng 10% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, kinh tế số lõi chiếm 8,63% và kinh tế số lan tỏa đạt 10,09%, thể hiện vai trò ngày càng lớn của kinh tế số trong cấu trúc nền kinh tế quốc gia./.