Hoàn thiện khung pháp lý cho thị trường carbon rừng

17:28, 15/07/2025

Dự thảo Nghị định quy định về dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng đang được soạn thảo. Khi được ban hành, nghị định sẽ "cởi trói" cho các chủ tín chỉ carbon, cho phép họ chủ động hơn trong việc trao đổi, chuyển nhượng hoặc bù trừ tín chỉ không chỉ trong nước mà cả với đối tác quốc tế…

Ngày 15/7/2025, Hội Chủ rừng Việt Nam và Tổ chức Forest Trends tổ chức Tọa đàm góp ý cho dự thảo Nghị định quy định về dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng. Phát biểu khai mạc tọa đàm, ông Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm, cho biết Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang thực hiện hoạt động tham vấn góp ý cho dự thảo của Nghị định quy định về dịch vụ hấp thụ và lưu trữ carbon của rừng. Nghị định có mục tiêu huy động nguồn tài chính mới cho công tác bảo vệ rừng thông qua sự vận hành của thị trường carbon rừng trong thời gian tới.

Quang cảnh tọa đàm.

Cơ chế vận hành linh hoạt, minh bạch 

Theo ông Bảo, Dự thảo nghị định được xây dựng với mục tiêu hỗ trợ tối đa cho các chủ rừng, đặc biệt là trong việc đơn giản hóa thủ tục và tạo thuận lợi cho việc tham gia thị trường carbon. Khi được ban hành, nghị định sẽ "cởi trói" cho các chủ tín chỉ carbon, cho phép họ chủ động hơn trong việc trao đổi, chuyển nhượng hoặc bù trừ tín chỉ không chỉ trong nước mà cả với đối tác quốc tế.

Ông Trần Quang Bảo: dự thảo cũng hướng tới việc thu hút mạnh mẽ sự tham gia của khối tư nhân và doanh nghiệp.

“Điểm đáng chú ý là dự thảo cũng hướng tới việc thu hút mạnh mẽ sự tham gia của khối tư nhân và doanh nghiệp - những chủ thể có tiềm lực tài chính và công nghệ - nhằm gia tăng trữ lượng rừng, qua đó đóng góp thiết thực vào mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững và thực hiện cam kết về ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam”, ông Trần Quang Bảo nhấn mạnh.

Theo bà Nghiêm Phương Thúy, đại diện Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm, đây là lần đầu tiên Việt Nam xây dựng bộ tiêu chuẩn carbon rừng trong nước, đồng thời tích hợp với cơ chế ghi nhận tín chỉ carbon theo các chuẩn mực quốc tế. Một điểm mới nổi bật trong dự thảo nghị định là quy định rõ về chủ thể cung ứng và sử dụng dịch vụ carbon rừng. Bên cung ứng dịch vụ có thể là chủ rừng nhà nước như UBND xã, các tổ chức công lập, hoặc tư nhân như hộ gia đình, cộng đồng dân cư, doanh nghiệp. Trong khi đó, bên sử dụng là các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước có nhu cầu bù đắp phát thải carbon.

Hoạt động trao đổi và chuyển nhượng kết quả giảm phát thải hoặc tín chỉ carbon được thực hiện thông qua hợp đồng hoặc sàn giao dịch carbon trong nước, với nguyên tắc công khai, minh bạch, có trách nhiệm, và gắn với nghĩa vụ tài chính rõ ràng của các bên tham gia.

"Dự thảo Nghị định gồm 4 chương, 18 điều. Trong đó: Chương 1 quy định chung về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng và giải thích thuật ngữ. Chương 2 hướng dẫn cách xác định lượng khí carbon được hấp thụ hoặc giảm phát thải và số tín chỉ carbon có thể cung ứng. Chương 3 quy định việc quản lý, sử dụng nguồn thu từ dịch vụ này. Chương 4 nêu rõ trách nhiệm tổ chức thực hiện".

Bà Nghiêm Phương Thúy, đại diện Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm.

Góp ý cho dự thảo, ông Nguyễn Bá Ngãi, nguyên Phó Tổng cục trưởng Cục Lâm nghiệp, nhấn mạnh cần làm rõ hai cơ chế tồn tại song song: Cơ chế cung ứng dịch vụ: tín chỉ carbon rừng được chuyển nhượng hoặc chi trả giữa bên cung ứng và bên sử dụng thông qua hợp đồng. Đây là quan hệ có sự điều tiết giá từ phía Nhà nước, tương tự như cơ chế chi trả dịch vụ môi trường rừng hiện hành.

Cơ chế thị trường: tín chỉ carbon được trao đổi, bù trừ trên sàn giao dịch trong nước theo các nghị định hiện hành như Nghị định 06/2022/NĐ-CP và Nghị định 119/2025/NĐ-CP. Ở cơ chế này, Nhà nước không can thiệp vào mức giá; giá tín chỉ được xác lập theo cung cầu hoặc đấu giá.

Dù là cơ chế nào, ông Ngãi cũng lưu ý rằng hệ thống quản lý cần đảm bảo tính đồng bộ, liên thông và thống nhất với các quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020, Luật Lâm nghiệp 2017 và các văn bản liên quan.

Công cụ thúc đẩy phát triển bền vững 

Ông Tô Xuân Phúc, chuyên gia thuộc Tổ chức Forest Trends, nhận định việc xây dựng nghị định về thị trường carbon tại Việt Nam được kỳ vọng sẽ mở ra thêm các nguồn tài chính mới. Nguồn lực này không chỉ đến từ các tổ chức quốc tế mà còn có thể huy động từ khu vực tư nhân trong nước, thông qua các cơ chế giao dịch minh bạch và công khai.

Ông Phúc cho rằng, một trong những nguồn lực lớn cần được chú ý là diện tích rừng trồng của các hộ gia đình. Đây là loại rừng do Nhà nước giao đất, người dân bỏ vốn trồng và chăm sóc. Vì vậy, cần coi đây là tài sản tư nhân, và các nghị định liên quan nên được thiết kế theo hướng cho phép người dân toàn quyền liên doanh, liên kết và tham gia thị trường carbon như các chủ thể độc lập.

Trong khi đó, đối với rừng thuộc sở hữu toàn dân hoặc nhà nước quản lý, các cơ quan chức năng cần tính toán chính xác mức độ đóng góp của Chính phủ vào mục tiêu giảm phát thải quốc gia. Trên cơ sở đó, nghị định nên có các điều khoản mở để kêu gọi doanh nghiệp, tổ chức, dự án cùng tham gia hợp tác đầu tư, tạo ra tín chỉ carbon và giao dịch trên cả thị trường trong nước và quốc tế.

Các đồng chủ tọa Tọa đàm.

Đề cập về quyền carbon, TS. Tô Xuân Phúc cho biết quyền carbon được hiểu là yêu cầu hợp lý về lợi ích từ việc giảm phát thải khí nhà kính hoặc tăng khả năng hấp thụ carbon. Quyền carbon có thể bao gồm nhiều loại: Quyền được tiếp cận tài nguyên; quyền sử dụng cho mục đích kinh tế; quyền chuyển nhượng cho bên thứ ba; quyền ngăn cản người khác sử dụng; quyền sở hữu.

Có hai cách tiếp cận chính trong việc quản lý quyền carbon. Một là, coi carbon như một tài sản, liên quan trực tiếp đến đất đai và sinh khối. Trong trường hợp này, người kiểm soát tài sản – như chủ rừng – sẽ có quyền định đoạt các quyền liên quan và phân chia lợi ích. Hai là, coi carbon như một dịch vụ, tập trung vào các hoạt động giúp tăng khả năng lưu trữ và hấp thụ carbon. Khi đó, người kiểm soát hoạt động sẽ giữ quyền quyết định và hưởng lợi từ việc tạo ra tín chỉ carbon.

Tuy nhiên, theo TS. Tô Xuân Phúc, quá trình quản lý và thực thi quyền carbon vẫn đối mặt với nhiều thách thức. Việc chuyển nhượng quyền carbon từ người nắm quyền kiểm soát sang người thụ hưởng thứ cấp hiện nay còn thiếu cơ chế rõ ràng, gây khó khăn trong việc phát triển các dự án liên kết. Từ góc nhìn nghiên cứu và thực tiễn, ông Phúc đề xuất rằng các chính sách và nghị định về thị trường carbon cần được thiết kế theo hướng linh hoạt, phù hợp với từng loại hình sở hữu rừng.

Ông Vũ Tấn Phương, Giám đốc Văn phòng Chứng chỉ Quản lý Rừng Bền vững (VFCO), cho rằng việc xây dựng tiêu chuẩn quốc gia về tín chỉ carbon rừng là một bước đi thiết yếu, không chỉ nhằm giảm phát thải khí nhà kính mà còn góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường. Tiêu chuẩn quốc gia về tín chỉ carbon rừng tại Việt Nam được xây dựng trên cơ sở pháp lý vững chắc, bao gồm Luật Bảo vệ Môi trường 2020, Nghị định 06/2022/NĐ-CP và các quyết định liên quan đến thực hiện cam kết quốc tế về giảm phát thải.

Theo ông Phương, tiêu chuẩn quốc gia về tín chỉ carbon rừng bao gồm một loạt các yêu cầu và điều kiện chặt chẽ để đảm bảo tính minh bạch, hiệu quả và công bằng trong thực hiện. Hoạt động đo đạc và báo cáo: Tuân thủ hướng dẫn của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) trong tính toán lượng carbon hấp thụ, xác lập mức tham chiếu và đánh giá độ không chắc chắn. Quá trình giám sát và lưu trữ hồ sơ phải bảo đảm quá trình theo dõi diễn ra minh bạch, khách quan, có đầy đủ bằng chứng và được lưu trữ lâu dài để phục vụ kiểm tra, đánh giá.

"Điều quan trọng là đảm bảo hệ thống tiêu chuẩn được áp dụng thống nhất, có tính khả thi cao, và được giám sát chặt chẽ để duy trì lòng tin của cả nhà đầu tư trong nước lẫn quốc tế. Đồng thời, các cơ chế hỗ trợ về kỹ thuật, tài chính và chính sách cũng cần được thiết kế đồng bộ nhằm khuyến khích các chủ thể tham gia thị trường carbon”.

Ông Vũ Tấn Phương – Giám đốc Văn phòng Chứng chỉ Quản lý Rừng Bền vững (VFCO).