110 tác phẩm được trao Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại năm 2023
Tối ngày 12/10, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại, Thông tấn xã Việt Nam và các cơ quan liên quan phối hợp tổ chức Lễ trao Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ IX.
Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và phát biểu chỉ đạo tại Lễ trao Giải
Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và phát biểu chỉ đạo. Cùng dự có Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Công tác thông tin đối ngoại Nguyễn Trọng Nghĩa; lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương; đại diện các đại sứ quán, tổ chức quốc tế tại Việt Nam; lãnh đạo các cơ quan truyền thông, báo chí, xuất bản; và các tác giả, nhóm tác giả đoạt giải.
Nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nói chung và trong giai đoạn từ tháng 7/2022 đến tháng 7/2023 nói riêng, Việt Nam đã cơ bản thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ vừa tập trung phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh; vừa thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Hàng loạt hoạt động đối ngoại quan trọng diễn ra sôi nổi, nhận được sự quan tâm cao của dư luận, truyền thông quốc tế. Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng giữa nhiệm kỳ khóa XIII đánh giá, Đảng ta, Đất nước ta vững vàng vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện và đáng mừng trên nhiều lĩnh vực. Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII vừa qua cũng tiếp tục khẳng định những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực của Đảng và Đất nước trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước có nhiều khó khăn, thách thức bất thường, phức tạp hơn nhiều so với dự báo; Việt Nam trở thành “điểm sáng trong bức tranh không mấy sáng sủa của kinh tế toàn cầu”. Đóng góp vào những kết quả nêu trên, có một phần không nhỏ của công tác thông tin đối ngoại.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các đại biểu tham quan khu trưng bày các tác phẩm tiêu biểu
Tại kỳ Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ IX, sau hơn 4 tháng phát động (29/3/2023 – 31/7/2023), Ban Tổ chức Giải thưởng đã nhận được 1.456 tác phẩm/sản phẩm gửi tham gia, tăng 30% so với kỳ Giải thưởng trước. Số lượng các tác phẩm tăng thêm tập trung chủ yếu tại các hạng mục sáng kiến, sản phẩm có giá trị thông tin đối ngoại; báo in, báo điện tử, trang thông tin điện tử tiếng nước ngoài; truyền hình; ảnh; video clip. Hạng mục báo in, báo điện tử, trang thông tin điện tử tiếng Việt và tiếng nước ngoài vẫn dẫn đầu về số lượng các tác phẩm/sản phẩm tham gia Giải thưởng năm nay.
Chủ đề của các tác phẩm/ sản phẩm năm nay bao quát đầy đủ các sự kiện chính trị, đối ngoại, văn hóa… quan trọng của đất nước, thu hút sự quan tâm của dư luận trong nước và quốc tế; thông tin về chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, những thành tựu của đất nước trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, đối ngoại, quyền con người; vẻ đẹp đất nước, con người, giá trị văn hóa Việt Nam… Hình thức thể hiện đa dạng, độc đáo, hiện đại, đáp ứng nhu cầu, thói quen tiếp cận thông tin của các đối tượng khác nhau, nhất là giới trẻ. Nhiều tác phẩm/ sản phẩm thể hiện được tư duy đổi mới, sáng tạo về phương thức; ứng dụng hiệu quả các phương tiện truyền thông mới. Các tác phẩm/ sản phẩm của người nước ngoài chủ yếu tập trung phân tích về chính sách ngoại giao của Việt Nam; vai trò, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế, tình hình phát triển kinh tế - xã hội; hoạt động giao lưu nhân dân…, thể hiện được sự hiểu biết, tình cảm sâu sắc dành cho đất nước, con người Việt Nam, góp phần tạo luồng thông tin tích cực của dư luận quốc tế về Việt Nam.
Lực lượng báo chí, truyền thông vẫn chiếm tỷ lệ lớn trong số các tác giả/ nhóm tác giả, phản ánh qua số lượng các tác phẩm/ sản phẩm thuộc thể loại báo chí, truyền hình, phát thanh, ảnh. Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ IX tiếp tục thu hút sự tham gia tích cực của các tác giả/ nhóm tác giả là người nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài với 78 tác phẩm/ sản phẩm; đồng thời cũng ghi nhận sự tham gia rất tích cực, có trách nhiệm của các cơ quan báo chí địa phương, cơ quan nghiên cứu, tổ chức, cá nhân, giới nghệ sỹ, chuyên gia học giả… Nhiều tác phẩm/ sản phẩm được đầu tư công phu, có chất lượng; hồ sơ tham gia Giải thưởng nghiêm túc, chỉn chu.
Phát biểu chỉ đạo tại Lễ trao Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ IX, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước chúc mừng, cảm ơn các cá nhân, tập thể trong và ngoài nước đã tham gia và đoạt Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ IX. Nhân dịp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính chúc mừng và biểu dương Ban Tuyên giáo Trung ương và các cơ quan, đơn vị liên quan, nhất là Thông tấn xã Việt Nam, cơ quan thường trực Giải năm nay, đã chuẩn bị chu đáo, tổ chức rất thành công Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần này.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Công tác Thông tin đối ngoại Nguyễn Trọng Nghĩa trao giải cho các tác giả, nhóm tác giả đoạt Giải Nhất.
Thời gian qua, bối cảnh tình hình có nhiều thách thức bất thường, chưa từng có tiền lệ. Nhờ có sự đoàn kết và quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, cùng với sự hỗ trợ của bạn bè quốc tế, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực: kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định; lạm phát được kiểm soát; tăng trưởng được thúc đẩy; các cân đối lớn của nền kinh tế và an sinh xã hội được bảo đảm; đời sống tinh thần, vật chất của Nhân dân không ngừng được cải thiện; chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng - an ninh được giữ vững; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên ngày càng được nâng lên.
Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, đóng góp vào những thành tựu đó có vai trò rất quan trọng của công tác chính trị, tư tưởng, đối ngoại nói chung; thông tin đối ngoại nói riêng. Công tác thông tin đối ngoại đã có những bước phát triển ấn tượng; thông tin ngày càng nhanh chóng, toàn diện, có bản sắc, là cầu nối để cộng đồng quốc tế hiểu rõ, hiểu đúng chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta. Đồng thời, các quốc gia và nhân dân thế giới chia sẻ, ủng hộ quan điểm của Việt Nam đối với những vấn đề quốc tế; quảng bá hình ảnh đất nước, con người, lịch sử, văn hóa của dân tộc và những thành tựu phát triển của đất nước ta. Ở chiều ngược lại, thông tin đối ngoại là cầu nối truyền tải các vấn đề quốc tế đến các tầng lớp nhân dân; góp phần khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc và khát vọng vươn lên; kết nối Việt Nam với quốc tế; đồng thời góp phần huy động nguồn lực để xây dựng và phát triển đất nước; đấu tranh, phản bác các thông tin, quan điểm sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, các tổ chức phản động.
Thời gian tới, tình hình quốc tế và trong nước tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường với nhiều khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn là thuận lợi và thời cơ. Trong bối cảnh đó, Đảng ta xác định phương châm triển khai công tác thông tin đối ngoại trong giai đoạn mới là: "Chủ động, đồng bộ, kịp thời, sáng tạo, hiệu quả". Để làm tốt hơn nữa công tác truyền thông nói chung, công tác thông tin đối ngoại nói riêng, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các cơ quan liên quan, các chiến sĩ trên mặt trận thông tin đối ngoại cần tập trung: (1) Nâng cao nhận thức về vai trò của công tác đối ngoại và thông tin đối ngoại gắn với việc triển khai hiệu quả đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, phát huy sức mạnh của Nhân dân để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. (2) Đẩy mạnh truyền thông, quảng bá về đất nước, con người Việt Nam, nhất là những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử đã đạt được; về tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, nền văn hóa phong phú, đa dạng, đậm đà bản sắc dân tộc; về con người Việt Nam anh hùng, thủy chung, thân thiện, nghĩa tình và yêu chuộng hòa bình. Qua đó, phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực, kết hợp sức mạnh bên trong và bên ngoài, sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại. (3) Không ngừng đổi mới, sáng tạo về phương thức, nội dung, nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức thuyết phục của công tác đối ngoại và thông tin đối ngoại. Chúng ta phải viết nên những câu chuyện sinh động, cuốn hút, giàu bản sắc, mang đậm tính dân tộc, để thế giới biết, hiểu, đồng hành, tin tưởng, yêu mến, ủng hộ Việt Nam; đưa các thông điệp của Việt Nam mà bạn bè quốc tế quan tâm. Đồng thời, kêu gọi sự hỗ trợ, ủng hộ của các nước để góp phần làm nên một Việt Nam tỏa sáng trong lòng bạn bè quốc tế; cùng nhau vượt qua những thách thức chung của các dân tộc và của toàn cầu, của nhân loại. (4) Tăng cường đầu tư cho công tác thông tin đối ngoại; quan tâm đảm bảo điều kiện vật chất và tinh thần cho đội ngũ những người làm công tác thông tin đối ngoại phù hợp với điều kiện của đất nước; hoạt động ngày càng chuyên nghiệp và nhân văn; nhạy cảm về chính trị, nhạy bén về kinh tế, sâu sắc về khoa học và công nghệ. Đồng thời, huy động được sức mạnh của người dân, nhất là các bạn trẻ, để "Mỗi một người dân là một vị đại sứ trong công tác thông tin đối ngoại; mỗi một người bạn trên khắp 5 châu phải trở thành nhịp cầu gắn kết chặt chẽ thế giới với Việt Nam". (5) Kết hợp hài hòa giữa "xây" và "chống", trong đó lấy "xây" là chủ đạo. Đấu tranh, phản bác kịp thời, hiệu quả thông tin xấu, độc, phản cảm, chống phá Đảng và Nhà nước, chống phá Nhân dân. Chú trọng công tác dự báo, kịp thời nắm bắt các luồng thông tin dư luận trong và ngoài nước để phục vụ công tác đối ngoại và thông tin đối ngoại.
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, kể từ khi ra đời đến nay, Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại đã thực sự khẳng định được "thương hiệu" của mình, không chỉ là ngày hội của những người làm công tác thông tin đối ngoại mà còn là sự kiện hấp dẫn, tạo được tiếng vang lớn trong dư luận xã hội, thu hút sự quan tâm, theo dõi của đồng bào, khán giả trong và ngoài nước. Trước yêu cầu và nhiệm vụ của giai đoạn phát triển mới, Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn và tin tưởng công tác đối ngoại và thông tin đối ngoại sẽ phát huy những thành tựu đã đạt được; tiếp tục có những bước phát triển mới để góp phần thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước, góp phần nhiều hơn nữa vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Căn cứ thể lệ Giải thưởng, qua hai vòng chấm Sơ khảo và Chung khảo, Hội đồng Giải thưởng chọn ra 110 tác phẩm/ sản phẩm xuất sắc nhất để trao giải với 8 giải Nhất, 22 giải Nhì, 30 giải Ba, 50 giải Khuyến khích.
Trong đó, 8 giải Nhất được trao cho các tác phẩm ở các hạng mục: Hạng mục Báo in tiếng Việt: Chuyên đề “Bản sắc văn hóa ngoại giao Việt Nam” của nhóm tác giả: Vũ Khoan, Lại Nguyên Thắng, Phạm Văn Tuấn, Tống Thị Hải Lý, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hà (Báo Quân đội nhân dân); Hạng mục Báo điện tử tiếng Việt: “Làm chủ "sức mạnh mềm nhân quyền": Việt Nam tự tin tiến vào "sân chơi lớn"" của nhóm tác giả Võ Mạnh Hùng và Phạm Thanh Trà (Báo điện tử VietnamPlus-Thông tấn xã Việt Nam); Hạng mục Báo in tiếng nước ngoài: “Hiệp định Paris 1973: Bản lĩnh ngoại giao thời đại Hồ Chí Minh” của nhóm tác giả Lương Thị Hoàng Giang, Nguyễn Thanh Nga và Cao Thị Hoàng Hoa (Báo Le Courrier du Vietnam, Thông tấn xã Việt Nam); Hạng mục Báo điện tử tiếng nước ngoài: “Ngoại giao cây tre đồng hành cùng dân tộc vượt qua thử thách” của nhóm tác giả Trịnh Linh Hà và Phan Hồng Nhung (Ban Biên tập tin Đối ngoại, Thông tấn xã Việt Nam); Hạng mục Phát thanh: "Tết Nguyên đán mang thông điệp đặc biệt về giá trị văn hóa Việt Nam", ngôn ngữ: Tiếng Anh của nhóm tác giả: Thu Hoa, Hồng Vân, Ánh Huyền, Ngọc Anh, Nhật Quỳnh, Phương Khanh (Ban Đối ngoại (VOV5), Đài Tiếng nói Việt Nam); Hạng mục Truyền hình: "Gala “Tiếng Việt ơi”", Ngôn ngữ: Tiếng Việt của nhóm tác giả: Trần Thị Thu Hà, Vương Ngọc Bích, Lưu Hoài An, Nguyễn Minh Hiếu, Phan Đình Việt Anh, Phạm Trung Thành, Cao Quang Toàn, Nguyễn Tiến Vũ, Phạm Tuấn Anh, Chu Văn Chỉnh, Nguyễn Văn Việt, Chu Mạnh Thắng, Nguyễn Ngọc Tuấn, Khổng Minh Diệu, Lê Đăng Dũng, Nguyễn Hoàng Hiền (Ban Truyền hình Đối ngoại - VTV4, Đài Truyền hình Việt Nam); Hạng mục Ảnh: “Chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng” của tác giả Lê Trí Dũng (Ban Biên tập Ảnh - Thông tấn xã Việt Nam). Hạng mục Sáng kiến, sản phẩm có giá trị thông tin đối ngoại: Chương trình “Đêm thiêng liêng - Lửa Thanh xuân” và trưng bày chuyên đề “Khoảng lặng” - trân trọng giá trị hòa bình của nhóm tác giả: Nguyễn Thi ̣Bích Thủy, Đào Thị Huệ, Nguyễn Thi ̣Sâm, Lã Bích Thủy, Nguyễn Minh Tuấn, Hoàng Vân Anh, Chu Hà Linh, Lại Thi ̣Minh Thu (Ban Quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò)./.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông