3 năm nhìn lại chương trình phát triển công nghiệp nội dung số Việt Nam
19:10, 20/12/2012
Chương trình phát triển công nghiệp phần mềm và Chương trình phát triển công nghiệp nội dung số Việt Nam (Chương trình) là chương trình đầu tiên trong lĩnh vực công nghiệp CNTT có sự đầu tư của nhà nước. Qua 3 năm đi vào triển khai Chương trình, giờ là lúc các nhà quản lý, các doanh nghiệp cùng nhau ngồi lại để rút kinh nghiệm và định hình hướng phát triển mới cho ngành trong giai đoạn tới...
Sự đổi mới trong tư duy phát triển ngành
Chương trình được phê duyệt và triển khai vào thời điểm nền kinh tế thế giới và Việt Nam có nhiều diễn biến không thuận lợi. Năm 2008, cuộc khủng hoảng tài chính bùng phát tại Mỹ và lan rộng toàn cầu. Cuộc khủng hoảng này đã đẩy nền kinh tế toàn cầu rơi vào tình trạng suy thoái, làm thu hẹp đáng kể thị trường xuất khẩu, thị trường vốn, thị trường lao động và đã có tác động tiêu cực tới nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội khác của nước ta, trong đó có lĩnh vực công nghiệp CNTT. Ở trong nước, bên cạnh phải đối mặt với suy thoái kinh tế toàn cầu, chúng ta phải đối mặt với tình trạng lạm phát tăng cao. Chính phủ đã phải ban hành nhiều giải pháp thắt chặt tiền tệ và cắt giảm đầu tư công để ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Điều này dẫn đến các doanh nghiệp trong nước, trong đó có các doanh nghiệp CNTT gặp nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh như: thị trường bị thu hẹp đáng kể, lãi suất cao, chi phí thuê mặt bằng và chi phí nhân công tăng,...
Trong tình hình khó khăn đó, bài toán đặt ra là hỗ trợ doanh nghiệp sao cho hiệu quả trong phạm vi tài chính cho phép, đồng thời không vi phạm các cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO.
Thay vì đi theo lối mòn như các chương trình phát triển công nghiệp khác đó là hỗ trợ về thuế, về tín dụng, về đất đai, tạo ra các dự án ”khủng” hay đề xuất nhưng cơ chế chính sách mang tính bảo hộ, Chương trình chọn cách làm mới đó là hỗ trợ nâng cao năng lực của chính doanh nghiệp, để tạo sức cạnh tranh cho doanh nghiệp trên thị trường trong và ngoài nước. Cách làm này không tạo các cơ hội ăn xổi, nhưng bù lại tạo sự tăng trưởng bền vững cho doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp có đủ ”sức đề kháng” trước những biến đổi khắc nghiệt của thị trường. Với phương châm đó, Chương trình tập trung vào triển khai 2 nội dung dung hỗ trợ doanh nghiệp là ”Hỗ trợ xây dựng và áp dụng quy trình sản xuất CMMi” và ”Hỗ trợ tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn cho doanh nghiệp”. Hai dự án có quy mô đầu tư không lớn, nhưng đã đem lại những hiệu quả thiết thực cho doanh nghiệp.
Đồng hành cùng doanh nghiệp trong thời điểm khó khăn
Các Quyết định số 51/2007/QĐ-TTg, 56/2007/QĐ-TTg, 50/2009/QĐ-TTg đã xác định nội dung xây dựng thương hiệu, quảng bá rộng rãi các sản phẩm dịch vụ CNTT Việt Nam đến các thị trường trong nước và quốc tế là một hoạt động trọng tâm. Đặc biệt, trong giai đoạn doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, việc mở rộng thị trường là rất quan trọng. Trong khuôn khổ của Chương trình, Bộ TTTT đã triển khai nhiều hoạt động để từng bước xây dựng niềm tin người tiêu dùng về uy tín và chất lượng sản phẩm CNTT thương hiệu Việt. Thông qua các hoạt động quảng bá về sản phẩm CNTT thương hiệu Việt mà tiêu biểu là Chương trình phát triển sản phẩm CNTT thương hiệu Việt - Vibrand, đây là chương trình đã cung cấp một cái nhìn khách quan về sức phát triển của các doanh nghiệp, sản phẩm CNTT Việt Nam; giúp người tiêu dùng nhận thấy chất lượng, sự đa dạng và giá thành cạnh tranh của các sản phẩm, dịch vụ CNTT thương hiệu Việt. Đối với doanh nghiệp, Vibrand là cầu nối giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng cũng như với cơ quan quản lý, đồng thời là cơ hội để các doanh nghiệp chia sẻ kinh nghiệm phát triển, quảng bá hình ảnh, tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh.
Xác định và làm rõ vai trò của ngành công nghiệp CNTT
Đối với nhiều quốc gia, ngành công nghiệp CNTT có lịch sử vài chục năm, nhưng ở Việt Nam đây là ngành công nghiệp non trẻ. Ngay ở Việt Nam, so với lịch sử phát triển của các ngành công nghiệp khác, ngành CNTT có lịch sử phát triển ngắn hơn nhiều. Khái niệm công nghiệp phần mềm, mới chỉ xuất hiện ở Việt Nam từ đầu những năm 2000, còn nội dung số và dịch vụ CNTT thậm chí chỉ mới trở nên quen thuộc trong vài năm trở lại đây. Chính vì vậy, trước đây CNTT hầu như không có mặt, dù chỉ ”một gạch đầu dòng”, trong kế hoạch phát triển công nghiệp của các Bộ, ngành và địa phương.
Quá trình triển khai Chương trình, Bộ Thông tin và Truyền thông đã huy động được sự tham gia của 63 tỉnh, thành và một số Bộ, ngành trung ương. Kể từ khi triển khai Chương trình, các Bộ, ngành, địa phương xác định rõ hơn vai trò, và sự đóng góp của công nghiệp CNTT đối với kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, từ đó có những biện pháp cụ thể thúc đẩy sự phát triển của ngành.
Cần một tầm nhìn mới cho 2020
Đến thời điểm này ngành công nghiệp CNTT thế giới đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ. Đó là xu hướng phát triển các công nghệ mới như điện toán đám mây, phát triển các dịch vụ CNTT và dịch vụ trên nền CNTT, dịch vụ hóa các sản phẩm phần mềm, phát triển các sản phẩm nguồn mở hoặc dựa trên nền chuẩn mở. Ngoài ra, cùng với xu thế toàn cầu hóa và mở cửa mạnh mẽ hiện nay, Việt Nam cũng đang phải cạnh tranh với nhiều quốc gia khác có tiềm năng trong lĩnh vực này. Trong ngành công nghiệp phần cứng máy tính, điện tử, Trung Quốc từ lâu đã trở thành công xưởng của thế giới. Ấn Độ từ lâu đã được coi là một cường quốc về gia công xuất khẩu phần mềm, thế mạnh của Ấn Độ là các dịch vụ CNTT chuyên nghiệp mà các nước đang phát triển và đi sau như Việt Nam rất khó cạnh tranh về mặt chất lượng. Tại khu vực ASEAN, so với các nước lân cận, ngành công nghiệp CNTT Việt Nam tuy có tốc độ tăng trưởng cao nhưng quy mô của ngành công nghiệp CNTT còn nhỏ bé. Trong lĩnh vực công nghiệp phần mềm, Philippines đang nổi lên là một quốc gia có sức cạnh tranh mạnh mẽ và hiện nay đang thuộc nhóm 10 quốc gia hấp dẫn nhất về gia công phần mềm toàn cầu (Global Service, 2009). Philippines cũng rất thành công trong phát triển ngành công nghiệp chuyên cung cấp các dịch vụ quy trình nghiệp vụ (BPO). Trong năm 2010, ngành công nghiệp BPO dự kiến mang lại doanh thu ước đạt 9,6 tỷ USD cho quốc gia Đông Nam Á này.
Trong bối cảnh nói trên, vấn đề nâng cao sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp CNTT để đủ sức chiếm lĩnh thị trường nội địa và tăng nhanh giá trị xuất khẩu đang ngày càng trở nên cấp thiết. Để cạnh tranh trên thị trường quốc tế, thương hiệu quốc gia nói chung và thương hiệu doanh nghiệp nói riêng đóng vai trò hết sức quan trọng. Tuy nhiên, quy mô của doanh nghiệp CNTT Việt Nam chủ yếu là vừa và nhỏ, sức cạnh tranh yếu, thua ngay trên sân nhà trong một số lĩnh vực cụ thể. Các doanh nghiệp phần cứng máy tính, điện tử không cạnh tranh được với sản phẩm giá rẻ của Trung Quốc. Các thương hiệu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang lấn át doanh nghiệp nội địa và chiếm lĩnh hầu hết thị trường Việt Nam. Các doanh nghiệp phần mềm có quy mô nhỏ và rất nhỏ, nguồn nhân lực còn hạn chế dẫn đến sự phát triển còn dưới tiềm năng của ngành phần mềm Việt Nam.
Trong bối cảnh mới cùng những phân tích và nhận định ở trên có thể thấy cần một tầm nhìn mới cho sự phát triển của ngành đến năm 2020, để chúng ta không chỉ có một ngành công nghiệp CNTT, mà còn có một thương hiệu công nghiệp CNTT được biết đến ở khu vực và trên thế giới.
Hoàng Thanh