40% ca F0 ở Hà Nội là được phát hiện qua sàng lọc, Bluezone và trang web tokhaiyte.vn
Liên quan tới công tác phòng, chống dịch COVID-19, ông Nguyễn Tử Quảng - CEO BKAV và là kiến trúc sư trưởng các ứng dụng phòng, chống COVID-19 của Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch COVID-19 Quốc gia (gọi tắt là Trung tâm) vừa chia sẻ thông tin: 40% số ca nhiễm COVID-19 (F0) ở Hà Nội là được phát hiện qua sàng lọc người nghi nhiễm, được cung cấp từ ứng dụng Bluezone và trang web tokhaiyte.vn.
Theo ông Quảng, điều đó là "quá tuyệt vời!". "Kể từ ngày đi vào hoạt động hơn 2 tháng trước, đây là những tín hiệu ban đầu đáng khích lệ", ông nhận định.
Bluezone đang là một trong những ứng dụng phòng, chống dịch COVID-19 của Việt Nam.
Cụ thể, CEO BKAV Nguyễn Tử Quảng cho biết, với vai trò kiến trúc sư trưởng, ông có nhiệm vụ tích hợp các hệ thống hỗ trợ phòng, chống dịch có cùng nhiệm vụ. Ví dụ như dữ liệu khai báo y tế từ Bluezone và tokhaiyte.
Kết quả, với sự tư vấn của Trung tâm và cung cấp dữ liệu từ hệ thống Bluzone và tokhaiyte, TP. Hà Nội đã giám sát, xét nghiệm gần 14.000 trường hợp ho, sốt. Qua đó ghi nhận ít nhất 95 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 rải rác khắp các quận, huyện.
Qua truy vết tiếp xúc, tiếp tục xét nghiệm các trường hợp liên quan, có thêm gần 700 ca mắc tại cộng đồng được phát hiện, chiếm gần 40% số F0 được ghi nhận của toàn TP. Hà Nội.
Ông nhắc lại đây cũng là chiến lược mở rộng của "Chốt chặn ho, sốt tại bệnh viện" mà ông đã đề cập từ những ngày đầu của dịch COVID-19. Ở đây là mở rộng cho mọi trường hợp ho, sốt.
"Không gì vui hơn khi Công nghệ đã từng bước đóng góp sâu rộng vào công cuộc chống dịch. Chúng tôi tin rằng, với công thức "5K vắc-xin công nghệ", Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung sẽ lại một lần nữa chiến thắng đại dịch", ông Nguyễn Tử Quảng chia sẻ.
Trước đó, tháng 6/2021, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã thành lập Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch COVID-19 Quốc gia. Đây là đầu mối điều phối, phối hợp với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tham gia hỗ trợ, hợp tác phòng, chống dịch COVID-19 liên quan đến kỹ thuật, công nghệ. Ngoài ra, trung tâm này cũng được giao những nhiệm vụ rất cụ thể trong quyết định 769/QĐ-BTTTT.
Ngoài các thành viên nòng cốt là lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ TT&TT như Cục Tin học hóa, Cục Viễn thông, Cục An toàn thông tin và Trung tâm Chứng thực điện tử Quốc gia thì Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch COVID-19 Quốc gia còn có sự tham gia của đại diện Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế) cùng với ông Trần Đắc Phu - cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam.
Đặc biệt, có hai đại diện của hai doanh nghiệp lớn tại Việt Nam cũng tham gia với vai trò là những thành viên nòng cốt, gồm: Ông Ngô Vĩnh Quý - Phó Tổng Giám đốc, Tổng Công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel (Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội); và ông Nguyễn Tử Quảng - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn BKAV.
Trong đó, ông Nguyễn Tử Quảng phụ trách thiết kế tổng thể các nền tảng, cơ sở dữ liệu dùng chung, đảm nhiệm vai trò kiến trúc sư trưởng, trực tiếp chỉ đạo phát triển ứng dụng truy vết tiếp xúc gần và các nền tảng, hệ thống khác theo phân công.
Đến ngày 11/8/2021, Trung tâm này được bổ sung thêm 10 thành viên. Trong đó, có 3 thành viên đến từ Tổng Cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải), gồm: Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ, Môi trường và Hợp tác quốc tế Tô Nam Toàn; Vụ trưởng Vụ Vận tải Trần Quang Bình và Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải Đỗ Công Thủy.
7 thành viên còn lại đến từ các doanh nghiệp công nghệ gồm: Ông Phan Bá Mạnh - Giám đốc Công ty Công nghệ An Vui; ông Trần Việt Hùng - Tổng Giám đốc GotIt! Việt Nam; bà Nguyễn Giáng Ngọc - Phó Tổng Giám đốc STEAM for Vietnam; ông Vòng Thanh Cường - Tổng Giám đốc Kompa Group; ông Nguyễn Hoàng Hiệp - Kỹ sư trưởng Công ty Filum; ông Phùng Đức Anh - Giám đốc dự án, Công ty Ginnovations Việt Nam, tập đoàn công nghệ G-Group; và ông Hoàng Mạnh Toàn - Giám đốc công ty L.C.S.
Thanh Tùng (T/h)