80 dự án tham giam cuộc thi Chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
Cuộc thi “Chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao năm 2022” do Sở Khoa học và Công nghệ TP. HCM phối hợp với Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao tổ chức nhằm tìm kiếm, tuyển chọn và ươm tạo các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Ngày 8/10, Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Nông nghiệp Công nghệ cao (Khu Nông nghiệp Công nghệ cao TP. HCM) phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ TP. HCM tổ chức cuộc thi chung kết “Chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao năm 2022”.
Sau 5 hơn tháng phát động, cuộc thi đã nhận được 80 dự án khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Từ 25 dự án lọt vào vòng bán kết, ban giám khảo đã chọn ra 10 dự án xuất sắc nhất tham gia vòng chung kết và vinh danh trao giải vào ngày 8/10. Trong đó, dự án Bambi - Giải pháp đổi màu và bảo quản hoa công nghệ xanh cho ngành hoa tươi, đạt giải nhất.
Dự án Ứng dụng công nghệ sấy đông khô vào chế biến các sản phẩm từ nông sản, đạt giải nhì. Đồng giải ba gồm 2 dự án: Hoàn thiện hệ cảm biến thông minh giám sát, phát hiện bất thường và cảnh báo sớm ứng dụng trong mô hình nuôi tôm ba giai đoạn dùng ao bạt nổi; dự án Mantra Kombucha - Thức uống lành cho người Việt sống xanh.
Ngoài ra, ban tổ chức cũng trao thêm 6 giải khuyến khích cho các dự án nằm trong Top 10.
Các dự án đạt giải sẽ được ưu tiên xem xét, lựa chọn tham gia chương trình ươm tạo doanh nghiệp tại Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao và có cơ hội tham gia chương trình hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo do Sở KH-CN TPHCM tổ chức, với số tiền hỗ trợ lên đến 2 tỷ đồng/dự án.
Cuộc thi Chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2017, do Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao khởi xướng, để tìm kiếm, tuyển chọn và ươm tạo các dự án khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao.
Năm 2022, các dự án sẽ tập trung phát triển các doanh nghiệp chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong bảo quản và chế biến sau thu hoạch, chuyển đổi số trong sản xuất, hoạt động thương mại…
Trải qua 5 năm, có hơn 400 dự án khởi nghiệp đăng ký tham gia, ban tổ chức đã hỗ trợ ươm tạo và thương mại sản phẩm cho hơn 30 doanh nghiệp với hơn 120 sản phẩm lưu hành trên thị trường.
Năm 2021, cuộc thi tìm ra 7 ý tưởng xuất sắc và tiến hành ươm tạo, hiện đã có 3 doanh nghiệp được thành lập với hơn 10 sản phẩm đang được thương mại trên thị trường.
Theo đại diện ban tổ chức, cuộc thi còn góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng TPHCM - thành phố khởi nghiệp cho giới trẻ; khuyến khích và khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, sáng tạo trong cộng đồng trí thức trẻ; hỗ trợ phát triển ý tưởng thành sản phẩm có tiềm năng thương mại hóa; hình thành các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao; tăng cường kết nối các nguồn lực, hỗ trợ khởi nghiệp.
Uyên Thư (T/h)