AI - Động lực biến đổi mạnh mẽ cho doanh nghiệp Việt Nam trong kỷ nguyên số

10:47, 03/07/2024

Giám đốc nghiên cứu AI, ManageEngine, Ông Ramprakash Ramamoorthy, chia sẻ về tiềm năng của AI trong việc cách mạng hóa quản lý CNTT và vận hành doanh nghiệp. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đầu tư sớm vào AI, đồng thời đưa ra lời khuyên cho các doanh nghiệp Việt Nam trong việc áp dụng công nghệ này để nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh chuyển đổi số toàn cầu.

Trong bối cảnh công nghệ phát triển nhanh chóng, trí tuệ nhân tạo (AI) đang nổi lên như một xu hướng không thể bỏ qua đối với các doanh nghiệp muốn duy trì khả năng cạnh tranh trên thị trường toàn cầu. Để hiểu rõ hơn về tiềm năng của AI trong việc cách mạng hóa quản lý CNTT và vận hành doanh nghiệp, Tạp chí Điện tử và Ứng dụng đã có bài phỏng vấn ông Ramprakash Ramamoorthy, Giám đốc nghiên cứu AI, ManageEngine.

GenAI, ManageEngine, ManageEngine AD360, AI trong kỷ nguyên số, AI trong vận hành doanh nghiệp, GenAI, trí tuệ nhân tạo

Ảnh minh họa: Aithority

PV: AI đang là một chủ đề nóng ở khắp mọi nơi. Theo quan điểm của ManageEngine, ông đánh giá xu hướng này như thế nào? Liệu AI đã thực sự là AI hay chưa, hay vẫn đang ở một giai đoạn phát triển nhất định?

Mr Ramprakash Ramamoorthy: Trí tuệ Nhân tạo (AI) được đánh giá là một động lực quan trọng và mang tính biến đổi mạnh mẽ trong bối cảnh kỹ thuật số hiện nay. Việc triển khai AI trong kinh doanh và nền kinh tế toàn cầu là một vấn đề cấp bách. AI hứa hẹn sẽ mang tính cách mạng như điện hoặc động cơ hơi nước. Khoảng 70% các công ty được dự báo sẽ áp dụng ít nhất một loại công nghệ AI vào năm 2023, nhưng chưa đến một nửa dự kiến sẽ áp dụng cả năm loại chính của AI: thị giác máy tính, ngôn ngữ tự nhiên, trợ lý ảo, tự động hóa quy trình bằng robot và máy học tiên tiến.

AI sẽ mang đến cách mạng hóa nhiều khía cạnh của doanh nghiệp, bao gồm cả quản lý CNTT. AI có thể thực hiện điều này thông qua việc tự động hóa các tác vụ, cải thiện việc ra quyết định, nâng cao trải nghiệm của khách hàng và tăng cường hiệu quả hoạt động. Ngoài ra, AI còn có khả năng xử lý một lượng lớn dữ liệu để dự báo các xu hướng và vấn đề của tương lai.

Các doanh nghiệp đang ngày càng tin tưởng vào AI để tinh gọn hoạt động, tự động hóa các quy trình thủ công và cải thiện hiệu quả. Các công nghệ AI như công cụ dự báo, trợ lý đàm thoại, phát hiện bất thường và phân tích hành vi đang được tận dụng để nâng cao hiệu suất kinh doanh.

Tuy nhiên, AI vẫn đang ở một giai đoạn nhất định trong quá trình phát triển của nó. Do đó, các tổ chức cần cập nhật liên tục và tiếp cận việc triển khai AI một cách khoa học, chiến lược để đảm bảo quá trình chuyển đổi diễn ra suôn sẻ.

PV: Theo ông, AI sẽ mang lại lợi ích cụ thể nào cho doanh nghiệp? Hay nói cách khác, những doanh nghiệp đầu tư sớm vào AI sẽ có lợi thế như thế nào so với các doanh nghiệp chưa đầu tư? 

Mr Ramprakash Ramamoorthy: Đầu tư sớm vào AI sẽ mang lại cho doanh nghiệp nhiều lợi thế vượt trội.

Đầu tiên là trong lĩnh vực quản lý CNTT. AI có thể nâng cao khả năng quản lý CNTT bằng cách tự động hóa các tác vụ và quy trình, giúp giảm thời gian và công sức cần thiết cho các công việc đơn giản và lặp đi lặp lại. Điều này cho phép tổ chức tận dụng tối đa tài năng của nhân sự và tập trung vào các hoạt động chiến lược và phức tạp hơn.

Hơn nữa, nhờ khả năng tự động hóa nhiều quy trình kinh doanh, AI giúp giảm thiểu nhu cầu can thiệp thủ công và giảm thiểu lỗi, từ đó tiết kiệm chi phí.

Tiếp theo là tính khả dụng cao. Hệ thống AI có thể hoạt động 24/7, đảm bảo tính khả dụng và phản hồi liên tục. Điều này có thể cải thiện năng suất và dịch vụ khách hàng bằng cách cung cấp hỗ trợ và trợ giúp suốt ngày đêm.

Các doanh nghiệp đi đầu trong việc áp dụng AI có thể đạt được lợi thế cạnh tranh bằng cách tận dụng các giải pháp do AI cung cấp để cải thiện sản phẩm, dịch vụ và trải nghiệm khách hàng. AI có thể giúp doanh nghiệp đưa ra các khuyến nghị được cá nhân hóa, tối ưu hóa chiến lược định giá và cung cấp dịch vụ hỗ trợ khách hàng tốt hơn.

Việc tích hợp AI vào chiến lược kinh doanh và CNTT có thể tạo điều kiện phát triển các mô hình kinh doanh mới và tạo ra lợi thế cạnh tranh. AI có thể thúc đẩy đổi mới bằng cách cho phép các trường hợp sử dụng sáng tạo và mang tính đột phá, dẫn đến các giải pháp và phương pháp mới mẻ.

Ramprakash Ramamoorthy, Giám đốc nghiên cứu AI, ManageEngine.

PV: Xét theo đặc thù khu vực, các doanh nghiệp tại Châu Á - Thái Bình Dương nên bắt đầu từ đâu để "bắt kịp" xu hướng toàn cầu về AI thưa ông?

Mr Ramprakash Ramamoorthy: Các doanh nghiệp ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương nên tập trung vào một số lĩnh vực chính:

  • Đầu tư vào Kỹ năng và Nhân tài về AI: Doanh nghiệp cần ưu tiên xây dựng lực lượng lao động có kỹ năng, có khả năng phát triển và triển khai các giải pháp AI. Điều này bao gồm tuyển dụng các nhà khoa học dữ liệu, kỹ sư AI và các chuyên gia khác có chuyên môn về công nghệ AI. Bên cạnh đó, việc đào tạo nâng cao kỹ năng cho nhân viên hiện tại thông qua các chương trình đào tạo cũng có thể mang lại lợi ích.

  • Hợp tác và Liên kết: Doanh nghiệp cần chủ động tìm kiếm sự hợp tác và liên kết với các nhà cung cấp giải pháp AI, các viện nghiên cứu và các công ty công nghệ. Các nỗ lực hợp tác có thể giúp doanh nghiệp tiếp cận các công nghệ AI tiên tiến, chia sẻ kiến thức và đẩy nhanh quá trình áp dụng AI.

  • Quản trị và Kiểm soát Dữ liệu: Quản trị và kiểm soát dữ liệu hiệu quả là yếu tố thiết yếu để triển khai AI thành công. Doanh nghiệp cần tập trung vào việc thu thập, tổ chức và bảo mật dữ liệu chất lượng cao có thể được sử dụng để huấn luyện các mô hình AI. Việc triển khai các quy tắc quản trị dữ liệu mạnh mẽ đảm bảo tuân thủ các quy định và duy trì quyền riêng tư của dữ liệu.

  • Hỗ trợ và Chính sách của Chính phủ: Doanh nghiệp nên tích cực tham gia vào các sáng kiến và chính sách của chính phủ liên quan đến AI. Điều quan trọng là doanh nghiệp cần cập nhật thông tin về các chương trình của chính phủ, các cơ hội tài trợ và khuôn khổ pháp lý liên quan đến AI.

PV: Một trong những vấn đề mà hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt là rủi ro về quản lý (vấn đề về nhân sự, chi phí, xu hướng thay đổi nhanh chóng...). Vậy doanh nghiệp nên làm gì và bắt đầu từ đâu là đủ và kịp thời?

Mr Ramprakash Ramamoorthy: Các vấn đề mà doanh nghiệp Việt Nam gặp phải cũng rất dễ hiểu. Khi quy mô tổ chức mở rộng, hoạt động kinh doanh trở nên phức tạp hơn, lượng thông tin xử lý tăng lên về cả số lượng lẫn mức độ nhạy cảm. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải tuân thủ các quy định của nhiều cơ quan quản lý khác nhau và vẫn phải đạt được mục tiêu kinh doanh, đặc biệt là trong bối cảnh biến đổi nhanh chóng như việc áp dụng AI. Để giải quyết những thách thức này, các tổ chức cần có một cách tiếp cận có hệ thống. Khung quản trị, rủi ro và tuân thủ (GRC) chính là phương pháp tích hợp tính toàn vẹn của doanh nghiệp, tuân thủ theo quy định và khả năng phục hồi rủi ro.

AD360 của ManageEngine là giải pháp Quản lý Truy cập và Nhận dạng (IAM) tích hợp, giúp đáp ứng các nhu cầu về Quản trị, Rủi ro và Tuân thủ (GRC) cho doanh nghiệp. Giải pháp này cung cấp các tính năng như cung cấp quyền người dùng, kiểm toán Windows, đặt lại mật khẩu tự phục vụ, báo cáo Exchange và nhiều hơn nữa. AD360 giúp đơn giản hóa việc quản trị AD, cho phép quản lý tập trung và hỗ trợ các tổ chức tuân thủ các quy định như GDPR, HIPAA, PCI-DSS và ISO. Ngoài ra, AD360 còn hỗ trợ quản trị và nhận dạng người dùng (IGA), giúp tinh gọn quy trình, tự động hóa tác vụ và nâng cao tính bảo mật. AD360 là giải pháp giá trị cho các doanh nghiệp Việt Nam trong việc quản lý nhân sự, kiểm soát chi phí và thích ứng với các xu hướng mới.

PV: Nhiều doanh nghiệp Việt Nam lo ngại rằng việc đầu tư vào CNTT, AI và chuyển đổi số dường như là một hành trình không có hồi kết vì công nghệ liên tục vận hành và thay đổi mỗi ngày. Là đại diện của ManageEngine, ông có thể giải quyết những lo ngại này như thế nào?

Mr Ramprakash Ramamoorthy: Cải tiến liên tục là nền tảng cốt lõi của GenAI, đại diện cho một nguyên tắc cơ bản của chính AI. Do đó, các doanh nghiệp cần phải chấp nhận khái niệm cải tiến liên tục. Các tổ chức phải theo kịp những tiến bộ của AI, trong khi đó chính phủ cũng cần phải nắm bắt được cách thức phát triển và sử dụng những cải tiến này.

Doanh nghiệp Việt Nam nên áp dụng chiến lược từng bước để triển khai AI và chuyển đổi số nhằm đạt được lợi ích. Thay vì cố gắng chuyển đổi hoàn toàn cùng một lúc, các doanh nghiệp có thể bắt đầu với các dự án nhỏ hơn, dễ quản lý hơn và dần dần mở rộng các sáng kiến của mình. Cách tiếp cận này cho phép học hỏi, thích nghi và tự điều chỉnh trong quá trình thực hiện.

Thay vì coi AI là sự thay thế cho khả năng của con người, các doanh nghiệp nên tập trung vào việc tăng cường năng lực con người. Bằng cách tận dụng AI để hỗ trợ và bổ sung cho nỗ lực của con người, doanh nghiệp có thể đạt được những kết quả tốt hơn.

Cuối cùng, doanh nghiệp cần tiến hành nghiên cứu thị trường và hiểu rõ giá trị tiềm năng mà AI có thể mang lại cho hoạt động hàng ngày. Điều này bao gồm xác định các tình huống sử dụng (use cases) của AI, nghiên cứu các câu chuyện thành công và hiểu tác động của AI lên hoạt động kinh doanh.

PV: Sau khi hoàn thành quá trình chuyển đổi số, các vấn đề nào doanh nghiệp cần tiếp tục duy trì để giảm thiểu rủi ro và tránh "bị tụt hậu" so với thời đại?

Mr Ramprakash Ramamoorthy: Sau khi hoàn thành quá trình chuyển đổi số, doanh nghiệp cần tiếp tục duy trì việc học hỏi và thích nghi. Công nghệ không ngừng phát triển và các doanh nghiệp cần cập nhật các xu hướng và tiến bộ mới nhất.

Với sự phụ thuộc ngày càng tăng vào các công nghệ số, doanh nghiệp cần ưu tiên an ninh mạng và bảo vệ dữ liệu. Điều này bao gồm triển khai các biện pháp bảo mật mạnh mẽ, tiến hành kiểm tra bảo mật thường xuyên và luôn cảnh giác trước các mối đe dọa an ninh mạng. Cập nhật thường xuyên các giao thức bảo mật và đào tạo nhân viên về các biện pháp thực hành tốt nhất có thể giúp giảm thiểu rủi ro. Một trong những ví dụ có thể kể đến về việc bảo mật hệ thống lỏng lẻo chính là các cuộc tấn công ransomware (mã hóa tống tiền) thời gian qua nhắm vào các doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian ngắn với quy mô lớn, không chỉ ảnh hưởng đến quy mô mà còn tác động đến cả hoạt động, kinh doanh và uy tín của doanh nghiệp.

Xin cảm ơn ông và ManageEngine!

Theo Tạp chí Điện tử và Ứng dụng

https://dientuungdung.vn/ai-dong-luc-bien-doi-manh-me-cho-doanh-nghiep-viet-nam-trong-ky-nguyen-so