AI phát hiện 50 hành tinh mới từ dữ liệu cũ của NASA
Các nhà khoa học Anh đánh dấu bước đột phá về công nghệ trong thiên văn học khi xác định được 50 hành tinh mới bằng trí tuệ nhân tạo (AI).
Theo CNN, các nhà nghiên cứu tại Anh vừa phát hiện 50 hành tinh mới bên ngoài hệ mặt trời nhờ sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI), đánh dấu bước đột phá về ứng dụng công nghệ trong thiên văn.
Các nhà thiên văn học và chuyên gia máy tính tại Đại học Warwick đã chế tạo cỗ máy học các thuật toán để xem xét các dữ liệu cũ của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) vốn tiềm ẩn dấu hiệu của hàng ngàn hành tinh chưa được khám phá.
Giới khoa học luôn đau đầu vì không thể xác định rõ những dấu hiệu này có phải là của các hành tinh hay không. Khi tìm kiếm các hành tinh ngoài hệ mặt trời, họ thường tìm các dấu hiệu ánh sáng bị mờ theo chu kỳ, dấu hiệu cho thấy một hành tinh lúc di chuyển che ánh sáng của ngôi sao chủ.
Tuy nhiên, những điểm sáng thoáng mờ này có thể gây ra bởi các yếu tố khác như ảnh hưởng từ phía sau ngôi sao chủ, hay thậm chí lỗi của camera.
|
Giờ đây, trí tuệ thông minh có thể giúp xác định sự khác biệt đó. Nhóm nghiên cứu tạo thuật toán bằng cách cho nó quét qua dữ liệu do viễn vọng kính không gian Kepler của NASA trước đây thu thập. Kepler đã ở trong không gian hơn 9 năm để khám phá vũ trụ trước khi ngừng hoạt động vào năm 2018.
Sau khi thuật toán học được cách phân biệt giữa các hành tinh thật và các dấu hiệu giả, nó được vận dụng để phân tích các dữ liệu cũ chưa xác định được và tìm thấy đến 50 hành tinh.
Những hành tinh này quay theo quỹ đạo quanh ngôi sao chủ của chúng, với kích thước nhỏ hơn trái đất cho đến to hơn sao Hải vương. Một số có chu kỳ quỹ đạo dài đến 200 ngày, trong khi có hành tinh chỉ mất 1 ngày để xoay quanh ngôi sao chủ.
Một khi biết được đó là những hành tinh thực sự, giới thiên văn học có thể ưu tiên quan sát chúng nhiều hơn. Bên cạnh đó, công nghệ AI có thể được vận dụng để phân tích những dữ liệu khác, hứa hẹn đem lại càng nhiều khám phá mới về vũ trụ cho nhân loại.
Thiên Thanh (T/h)