AI và dữ liệu lơn đóng vai trò quan trọng trong công cuộc chống hàng giả
Chuyển đổi số đã mở ra cơ hội mới trong cuộc chiến chống gian lận thương mại, đặc biệt trên các nền tảng thương mại điện tử. Trong đó, AI và dữ liệu lớn giữ vai trò then chốt nên cần sớm có chính sách phù hợp cùng sự phối hợp giữa Nhà nước, doanh nghiệp, truyền thông nhằm phát huy tối đa hiệu quả.
Công nghệ hóa quản lý thị trường: Không còn là lựa chọn
Trong kỷ nguyên số, ứng dụng công nghệ cao đã trở thành điều kiện tiên quyết trong quản lý thị trường. Tại Việt Nam, quá trình này thể hiện rõ qua việc triển khai phần mềm tích hợp dữ liệu vi phạm, lắp đặt camera giám sát tại cửa khẩu, và sử dụng dữ liệu lớn (Big Data) để phân tích, dự báo rủi ro.
Ở tầm khu vực, các nước ASEAN đang tận dụng AI và blockchain như “vũ khí chiến lược” trong cuộc chiến chống hàng giả - đặc biệt với các nhóm sản phẩm dễ bị làm nhái như mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, điện tử. Một trong những đề xuất nổi bật là xây dựng kho dữ liệu vi phạm thương mại dùng chung, tích hợp AI để phát hiện sớm hành vi gian lận. Mô hình “định vị sản phẩm bằng blockchain” cũng được khuyến nghị để truy xuất nguồn gốc minh bạch.
Tuy nhiên, để vận hành hiệu quả, hệ thống hạ tầng công nghệ cần được đầu tư đồng bộ và lực lượng cán bộ phải được đào tạo để làm chủ các công cụ số mới.
Dữ liệu lớn: Vũ khí chống hàng giả toàn cầu
Thực tế quốc tế cho thấy dữ liệu lớn và công nghệ AI đã tạo nên bước tiến lớn trong kiểm soát gian lận thương mại. Nhờ áp dụng công nghệ AI và hệ thống Brand Registry, Amazon đã giảm mạnh số lượng gian hàng giả và ngăn chặn phần lớn hành vi vi phạm từ sớm. Tại Trung Quốc, Alibaba cùng 20 thương hiệu đã thành lập liên minh chống hàng giả bằng "Big Data". Chỉ trong năm 2017, Alibaba đã gỡ bỏ hơn 380 triệu danh sách sản phẩm vi phạm và đóng cửa 240.000 gian hàng của bên thứ ba.
AI và hệ thống Brand Registry giúp Amazon giảm số lượng hàng giả. (Ảnh minh họa)
Tại Việt Nam, một số nền tảng như Sendo đã áp dụng kiểm duyệt nhiều lớp bằng AI, từ quét từ khóa, nhận diện logo đến yêu cầu giấy tờ và ký quỹ khi mở gian hàng chính hãng. Đây là tín hiệu tích cực, nhưng vẫn cần được nhân rộng và đồng bộ hóa trên toàn thị trường.
Chống hàng giả: Không ai được đứng ngoài cuộc
Mặc dù công nghệ đóng vai trò quan trọng, khung pháp lý vẫn cần được cập nhật kịp thời. Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định mức phạt lên đến 200 triệu đồng đối với tổ chức vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, cùng các biện pháp như tịch thu, tiêu hủy hàng hóa và đình chỉ hoạt động. Nghị định 24/2025/NĐ-CP mở rộng phạm vi xử lý gian lận trên nền tảng số, với mức phạt lên tới 70 triệu đồng đối với hành vi cung cấp thông tin giả về nguồn gốc hàng hóa. Tuy nhiên, vẫn cần có thêm quy định chi tiết về trách nhiệm của sàn thương mại điện tử và xử lý hành vi phát tán hàng giả trên các nền tảng số.
Doanh nghiệp cần chủ động hơn trong việc phòng vệ, từ đầu tư công nghệ truy xuất nguồn gốc, tham gia nền tảng chia sẻ dữ liệu, đến cung cấp thông tin bất thường cho cơ quan chức năng. Truyền thông cũng đóng vai trò không thể thiếu - từ điều tra, phản ánh đến hướng dẫn người tiêu dùng nhận diện hàng giả.
Về dài hạn, cần xây dựng bản đồ số thị trường - hệ thống giúp giám sát luồng hàng hóa theo thời gian thực. Đồng thời, đào tạo đội ngũ cán bộ có khả năng sử dụng AI, xử lý dữ liệu và nắm vững an ninh mạng sẽ là chìa khóa để chuyển đổi số không chỉ là lý thuyết, mà là thực tiễn vận hành hiệu quả.
Chống hàng giả trong kỷ nguyên số không chỉ là cuộc đua công nghệ, mà còn là bài toán phối hợp giữa luật pháp, thị trường và nhận thức xã hội. Khi dữ liệu lớn và AI được khai thác đúng cách, chúng không chỉ giúp phát hiện vi phạm nhanh hơn, mà còn góp phần xây dựng một hệ sinh thái thương mại minh bạch, an toàn và đáng tin cậy. Cuộc chiến này cần sự vào cuộc đồng bộ từ Nhà nước, doanh nghiệp và truyền thông, bởi công nghệ chỉ thực sự phát huy hiệu quả khi được dẫn dắt bởi tư duy quản lý tiến bộ và trách nhiệm chung.