Ấn Độ tiếp tục "cấm cửa" 43 ứng dụng Trung Quốc
Mới đây, Ấn Độ đã liệt 43 ứng dụng di động nổi tiếng đến từ Trung Quốc như AliExpress, Lalamove vào trong danh sách cấm, hiện, danh sách này đã có hơn 200 phần mềm xấu số.
Bộ Điện tử và Công nghệ Thông tin Ấn Độ hôm 24/11 ban hành lệnh cấm với 43 ứng dụng có xuất xứ từ Trung Quốc. Theo Bộ Điện tử và Công nghệ Thông tin Ấn Độ, các ứng dụng đã "tham gia vào các hoạt động gây hại đến chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, quốc phòng, an ninh và trật tự công cộng của Ấn Độ".
Trong số các ứng dụng bị cấm hoạt động tại Ấn Độ, đáng chú ý có các sản phẩm của Alibaba, như AliSuppliers, Alibaba Workbench, AliExpress, Alipay Cashier, Taobao Live. Bên cạnh đó còn có ứng dụng mạng xã hội và hẹn hò, như Chinese Social, Date in Asia, WeDate…
Với quyết định này, Ấn Độ đã cấm hơn 200 ứng dụng từ Trung Quốc. Đây là lần thứ 3 nước này đưa ra lệnh cấm như vậy.
Trước đó, Ấn Độ từng cấm 59 ứng dụng Trung Quốc - bao gồm cả Tiktok - vài tuần sau khi cuộc giao tranh với Trung Quốc ở khu vực tranh chấp chủ quyền tại Ladakh leo thang căng thẳng hồi tháng 6 với đỉnh điểm là vụ đụng độ đẫm máu khiến hàng chục người thiệt mạng.
Vào tháng 9, Ấn Độ tiếp tục đưa 118 ứng dụng Trung Quốc vào “danh sách đen”.
Trong lệnh cấm gần nhất, Ấn Độ cấm các ứng dụng nổi tiếng như AliExpress hay phần mềm dịch vụ vận chuyển hàng hóa Lalamove và các ứng dụng hẹn hò và phát sóng trực tiếp.
Ấn Độ cấm thêm 43 ứng dụng Trung Quốc với cáo buộc đe dọa chủ quyền. (Ảnh: Bloomberg)
TechCrunch cho hay, trong top 500 ứng dụng được dùng nhiều tại Ấn Độ, hiện không còn bất cứ ứng dụng nào nguồn gốc Trung Quốc.
Các động thái mà Bộ Điện tử và Công nghệ Thông tin Ấn Độ gọi là "cuộc tấn công kỹ thuật số" được bắt đầu sau khi 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng trong một cuộc giao tranh với quân đội Trung Quốc tại một khu vực biên giới trên dãy Himalaya vào tháng 6.
Lệnh cấm của Ấn Độ ảnh hưởng đến tốc độ phát triển của nhiều công ty công nghệ Trung Quốc. Ấn Độ là một trong những thị trường lớn nhất để phát triển của các công ty như Alibaba, Bytedance và Tencent. Thế nhưng, trước động thái của Ấn Độ, nhiều trong số này đã phải tạm dừng kế hoạch phát triển.
Một số ứng dụng nằm trong đợt cấm đầu tiên cũng đang rục rịch lên kế hoạch trở lại. Chẳng hạn, PUBG được cho là đang muốn đầu tư 100 triệu USD, hợp tác với Microsoft để giải quyết bài toán về nhu cầu máy tính tại Ấn Độ. Ngược lại, UC Web - công ty con thuộc Alibaba - lại tỏ ra cứng rắn khi sa thải toàn bộ nhân viên tại Ấn Độ sau khi nước này cấm trình duyệt UC Browser.
Từ giữa năm 2020, tâm lý tẩy chay sản phẩm Trung Quốc lan rộng tại đây. Không chỉ với các ứng dụng, nhiều sản phẩm như đồ điện tử, điện thoại, TV của thương hiệu Trung Quốc cũng bị tẩy chay. Xiaomi, một trong những thương hiệu Trung Quốc phổ biến tại Ấn Độ, phải ''xóa vết'' bằng cách dán chữ "Made in India" lên các hộp smartphone của mình.
Thiên Thanh (T/h)