Bắc Giang đề nghị đồng bộ dữ liệu, hỗ trợ xem kết quả tiêm chủng trên Bluezone
Thông tin từ UBND tỉnh Bắc Giang, thực hiện yêu cầu của Bộ Y tế hồi cuối tháng 8, Chủ tịch UBND tỉnh này đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm việc cập nhật số liệu tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 trên nền tảng quản lý tiêm chủng quốc gia.
Để quản lý công khai, minh bạch dữ liệu tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 trên hệ thống phần mềm, đồng bộ với dữ liệu tiêm thực tế tại địa phương, tạo điều kiện thuận lợi trong việc tra cứu kết quả sau tiêm chủng của các đối tượng đã tiêm chủng trên ứng dụng Bluezone, UBND tỉnh Bắc Giang mới đây đã đề nghị Bộ Y tế, Bộ TT&TT thực hiện đồng bộ dữ liệu giữa 2 hệ thống Bluezone và nền tảng tiêm chủng quốc gia.
Giai đoạn đầu của đợt thứ 4 dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam, Bắc Giang từng là 1 điểm nóng về dịch với số lượng ca mắc tăng nhanh. Trong công cuộc phòng chống dịch của địa phương này, bên cạnh nỗ lực không mệt mỏi của các lực lượng tuyến đầu, công nghệ đã hỗ trợ đắc lực giúp Bắc Giang nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh.
Bắc Giang được đánh giá là 1 trong những tỉnh, thành phố đã và đang triển khai hiệu quả các nền tảng công nghệ hỗ trợ phòng chống dịch, trong đó có 3 nền tảng được Bộ TT&TT và Bộ Y tế chọn dùng chung thống nhất toàn quốc gồm: nền tảng khai báo y tế điện tử và quản lý thông tin người ra vào địa điểm công cộng bằng QR Code; nền tảng hỗ trợ lấy mẫu và trả kết quả xét nghiệm theo hình thức điện tử trực tuyến; nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19.
Cụ thể, giai đoạn các tháng 5 và 6, Bắc Giang đã đẩy mạnh ứng dụng khai báo y tế và quét mã QR để khoanh vùng dập dịch, phát hiện nhanh các ca nhiễm, nghi nhiễm trong cộng đồng.
Bắc Giang đề nghị đồng bộ dữ liệu, hỗ trợ xem kết quả tiêm chủng trên Bluezone.
Theo Phó Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Bắc Giang Nguyễn Gia Phong, để có dữ liệu phục vụ cho công tác khoanh vùng, phát hiện các ca nhiễm, ca nghi nhiễm bằng công nghệ, trong tháng 5, Bắc Giang đã có chỉ thị về triển khai việc khai báo y tế bắt buộc qua Bluezone. Theo đó, 100% công sở, khách sạn, nhà hàng, xe ô tô chở công nhân... phải tạo điểm khai báo y tế bằng quét mã QR.
Bên cạnh đó, tỉnh tận dụng cả tiệm tạp hoá, xe buýt… là nơi khai báo y tế của người dân. Trong vụ vải năm nay, các điểm cân vải cũng trở thành địa điểm khai báo y tế để qua đó nắm rõ thông tin về dịch tễ của người dân.
Tại những địa điểm nêu trên, sẽ có mã QR để người dân quét và khai báo y tế. Trường hợp không có smartphone, người dân có thể dùng mã thẻ bảo hiểm y tế hoặc mã QR cứng được in ra, trình tại các điểm khai báo để được quét mã.
Nhờ đó, số lượng người dân Bắc Giang cài đặt, sử dụng Bluezone đã tăng mạnh và hiện địa phương này xếp thứ 9 trên toàn quốc về tỷ lệ người cài ứng dụng này. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để Bắc Giang triển khai nhanh và hiệu quả nền tảng hỗ trợ lấy mẫu và trả kết quả xét nghiệm theo hình thức điện tử trực tuyến.
Tại hội thảo trực tuyến “Công nghệ số trong phòng, chống dịch Covid-19” hồi trung tuần tháng 8, đại diện Sở TT&TT Bắc Giang đã chia sẻ: Thời gian đầu chống dịch, việc lấy mẫu xét nghiệm rất khó khăn, nguy cơ lây nhiễm do tiếp xúc gần đối tượng F0 rất cao. Đăng ký triển khai nền tảng hỗ trợ lấy mẫu và trả kết quả xét nghiệm theo hình thức điện tử trực tuyến, Bắc Giang trước tiên đã thử nghiệm với 3.000 công nhân trên địa bàn. Sau khi thấy được hiệu quả tích cực của phương pháp này, lãnh đạo tỉnh đã quyết định triển khai trên địa bàn toàn tỉnh.
Nhờ ứng dụng nền tảng này, việc xét nghiệm Covid-19 đã nhanh chóng hơn, tiết kiệm thời gian so quy trình truyền thống, đặc biệt là giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm chéo. Hiện nay, người dân Bắc Giang có dùng Bluezone đều đã có thể xem được kết quả xét nghiệm trên ứng dụng.
Đề xuất liên thông cả dữ liệu tiêm chủng trên hệ thống Bluezone, đại diện Sở TT&TT Giang cho rằng việc này sẽ tạo thuận tiện cho địa phương trong quản lý dữ liệu phục vụ chống dịch, đồng thời cũng tiện cho người dân có thể tra cứu kết quả tiêm chủng của mình ngay trên ứng dụng di động.
Khôi Nguyên (T/h)