Bán lẻ truyền thống và trực tuyến: Ai sẽ thắng?
Theo kịp nhu cầu của người tiêu dùng và cải thiện trải nghiệm mua sắm là chìa khóa thành công trong thế giới ngày nay. Cả trực tuyến và ngoại tuyến đều phải đi đến giải quyết tốt nhất vấn đề cốt lõi, đó là khách hàng. Ai đáp ứng tốt nhất yêu cầu của khách hàng, người đó sẽ giành chiến thắng?
Bối cảnh bán lẻ trục tuyến trỗi dậy mạnh mẽ khiến bán lẻ truyền thống có phần giảm sứt hút, trước tình hình này, nhiều người đặc câu hỏi rằng liệu các cửa hàng bán lẻ truyền thống có ngừng hoạt động không? Thậm chí là lo ngại cho sự thất thế của bán lẻ truyền thống.
Tuy nhiên, thực tế mọi thứ không hẳn như vậy, bán lẻ truyền thống vẫn tồn tại như nó vốn có. Có chăng chính là sự điều chỉnh để tạo điểm cân bằng hơn trong bối cảnh hình vi mua sắm của người tiêu dùng dần thay đổi. Các nhà phân tích, chuyên gia thương mại đều thừa nhận rằng “bán lẻ trực tuyến và truyền thống không tách rời”. Trong khi đối với người tiêu dùng, đó chỉ đơn giản là “thương mại” mua và bán. Vì vậy, bất kể là bán lẻ truyền thống hay trực tuyến cũng đều phải phục vụ khách hàng và vì khách hàng để phát triển.
Câu chuyện ai sẽ là người chiến thắng trong hoạt động thương mại bán lẻ có lẽ không còn nhiều ý nghĩa đối với các nhà bán lẻ, mà điều quan trọng cuối cùng là họ phục vụ nhu cầu và trải nghiệm khách hàng như thế nào mà thôi.
Trong thập kỷ qua, bán lẻ trực tuyến đã phát triển nhanh chóng ở Việt Nam với ngày càng nhiều người tiêu dùng ưa thích mua sắm trực tuyến. Từ Shopee, Sendo, Lazada, Tiki... đều đang cạnh tranh mạnh mẽ ở Việt Nam với sự hỗ trợ của nguồn tiền mặt khổng lồ mà các ông chủ của họ đổ vào. Từ thời trang đến đồ nội thất, người tiêu dùng đột nhiên thấy sự bùng nổ về các sản phẩm mà chúng ta chưa bao giờ hình dung ra cách đây ít năm... Giờ đây có thêm TikTok Shop nên nhiều tổ chức, cá nhân đã bắt đầu hình thành các mô hình kinh doanh trực tuyến.
Thống kê mới nhất từ nền tảng số liệu thương mại điện tử (Metric), tính chung 6 tháng đầu năm, tổng doanh thu trên 5 sàn là Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, Tiktok shop ước đạt 156.000 tỷ đồng, tăng 78% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, nền tảng Shopee tiếp tục dẫn đầu, đạt 67,9% thị phần.
Đáng chú ý, trong báo cáo về hành vi mua sắm của người tiêu dùng Việt Nam, NielsenIQ Việt Nam thông tin, người tiêu dùng đang có tần suất mua sắm online cao gấp đôi so với năm 2023. Cụ thể, trung bình mỗi người dân mua hàng trực tuyến gần 4 lượt mỗi tháng, và dành ra hơn 8 giờ mỗi tuần để mua sắm online. Con số này cao gần gấp đôi so với tần suất đi siêu thị hàng tháng của người Việt Nam.
Các hãng nghiên cứu thị trường, cho rằng thói quen mua sắm của người Việt đã được thay đổi, bởi trước đây người dùng chỉ sử dụng thương mại điện tử cho các mặt hàng không thiết yếu như đồ điện tử, gia dụng và thời trang. Hiện nay, người Việt đã đi chợ mạng thường xuyên hơn để mua sắm các nhu yếu phẩm hàng ngày.
Bối cảnh sự tăng trưởng mạnh mẽ của bán lẻ trực tuyến cũng đã làm giảm vận may của các nhà bán lẻ truyền thống ngoại tuyến, những người liên tục phàn nàn về việc các nhà bán lẻ trực tuyến giảm giá sâu đã phá hỏng thị trường cũng như làm biến dạng không gian bán lẻ truyền thống. Thậm chí nhiều người còn cho rằng, có chăng bán lẻ trực tuyến đang dùng các chiêu trò hoặc các hoạt động thương mại không công bằng. Trong khi đó, các doanh nhân ngày càng tin rằng cần phải trực tuyến và không muốn gặp các rắc rối với mô hình kinh doanh ngoại tuyến.
Bất chấp điều đó, không gian bán lẻ ngoại tuyến vẫn tồn tại do tính vật lý và khả năng tiếp cận tuyệt đối của thị trường.
Theo các chuyên gia, với bản lẻ truyền thống, các cửa hàng luôn mang lại trải nghiệm mua sắm hữu hình mà nhà bán lẻ trực tuyến không thể tái tạo được. Cửa hàng ngoại tuyến cung cấp khả năng nhìn, ngửi, chạm và thử các mặt hàng không có sẵn trực tuyến, bất kể công nghệ tiên tiến đến mức nào! Nó bổ sung thêm trải nghiệm con người mà người tiêu dùng tìm kiếm khi bước chân vào cửa hàng, nơi đội ngũ nhân viên được đào tạo bài bản có thể đưa ra các đề xuất hỗ trợ cá nhân hóa và trả lời các câu hỏi.
Trong khi đó, bán lẻ trực tuyến có ưu điểm là sự tiện lợi và giao dịch nhanh chóng. Khách hàng có thể duyệt và mua sản phẩm 24/7 thoải mái tại nhà, nghĩa là bán lẻ trực tuyến cho phép doanh nghiệp tiếp cận đối tượng toàn cầu. Với một trang web được thiết kế tốt và khả năng thương mại điện tử, các công ty có thể thâm nhập vào các thị trường vượt xa vị trí thực tế của họ.
Mỗi hình thức đều có ưu điểm riêng của mình, tuy nhiên, trước sự phát triển mạnh mẽ của bán lẻ trực tuyến, bán lẻ truyền thống thời gian qua có phần lép vế hơn. Điều đó dẫn đến các cuộc tranh luận giữa bán lẻ truyền thống và bán lẻ trực tuyến, thậm chí có những ý kiến cho rằng bán lẻ truyền thống có thể sẽ dần biến mất.
Có thể chúng ta có nhiều lo ngại về vấn đề này, song bản thân các thương hiệu thành công trên thị trường có lẽ cũng hiểu rằng vấn đề không phải là cái này tốt hơn cái kia. Thay vào đó, các nhà nghiên cứu thị trường, cho rằng điều cần hơn hết bây giờ là thích ứng với bối cảnh đang thay đổi và tận dụng thế mạnh của cả hai để đáp ứng nhu cầu và sở thích đa dạng của người tiêu dùng. Cho dù chọn theo đuổi đổi mới kỹ thuật số hay duy trì sự hiện diện của cửa hàng thực tế, điều quan trọng là duy trì sự linh hoạt và tập trung vào khách hàng, vì đó là điều cuối cùng giúp doanh nghiệp đạt được thành công trong bối cảnh thị trường vốn có nhiều thay đổi và liên tục phát triển này.
Theo kịp nhu cầu của người tiêu dùng và cải thiện trải nghiệm mua sắm là chìa khóa thành công trong thế giới ngày nay. Trải nghiệm mua sắm đôi khi phải nhanh chóng và hiệu quả, đôi khi phải phong phú và mang tính trải nghiệm, đồng thời luôn trực quan và dễ tiếp cận.
Điểm cân bằng giữa trực tuyến và ngoại tuyến
Chúng ta phải thừa nhận, rằng sự trỗi dậy của ngành bán lẻ trực tuyến chắc chắn đã thay đổi trải nghiệm và mong đợi của khách hàng. Xu hướng mua sắm trực tuyến đã giúp khách hàng giảm bớt thời gian ra ngoài trong nhịp sống bận rộn, đồng thời không cần gửi xe, không phải xếp hàng tại quầy thu ngân, không cần mang theo túi xách và không có áp lực bán hàng từ nhân viên bán hàng.
Tuy nhiên, cách mua sắm truyền thống hay trải nghiệm tại cửa hàng vẫn là lựa chọn ưa thích của nhiều người. Chế độ ngoại tuyến có những ưu điểm không thể bỏ qua như sản phẩm mong muốn có sẵn ngay lập tức, dịch vụ giá trị gia tăng tại cửa hàng, chạm và cảm nhận sản phẩm, dùng thử nhanh để quyết định nên mua gì và không mua gì,... Vì vậy, bán lẻ vẫn là một lĩnh vực bị thống trị bởi các cửa hàng truyền thống vì đại đa số người dân vẫn thích mua hàng ở các cửa hàng thông thường.
Các chuyên gia trong ngành nhấn mạnh, rằng thương mại điện tử và truyền thống không tách rời nhau. Đối với người tiêu dùng, đó chỉ đơn giản là “thương mại”, là mua và bán. Điều quan trọng là các nhà bán lẻ cũng như các thương hiệu phải sử dụng chiến lược bao gồm nhiều kênh để duy trì hoạt động và đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Thực tế chúng ta đã thấy, công nghệ và đa kênh đơn giản đang là một phần trong cuộc sống hàng ngày. Cũng giống như chúng ta khi bước vào cửa hàng, đó là một phần quan trọng của trải nghiệm mua sắm. Vì vậy, có lẽ không có người thắng hay người thua.
Vẫn biết doanh số bán hàng thương mại điện tử đang tăng nhanh hơn doanh số bán hàng truyền thống, song cả hai kênh sẽ tiếp tục cùng tồn tại và mang lại những lợi ích riêng cho người tiêu dùng. Thương mại điện tử thuận tiện và được cá nhân hóa, trong khi các cửa hàng truyền thống mang đến trải nghiệm mua sắm mang tính xúc giác và tính xã hội nhiều hơn.
Nếu nói người chiến thắng, có lẻ đó là người tìm được sự cân bằng cả trực tuyến và ngoại tuyến, hay chính xác hơn đó là những nhà bán lẻ có thể cung cấp trải nghiệm đa kênh liền mạch, tích hợp cả kênh trực tuyến và ngoại tuyến để đáp ứng nhu cầu và sở thích của khách hàng.
Theo Tạp chí Thương Trường
https://thuongtruong.com.vn/news/ban-le-truyen-thong-va-truc-tuyen-ai-se-thang-123808.html