Ra mắt Câu lạc bộ Phóng viên Công nghệ thông tin và Chuyển đổi số
Tọa đàm “Báo chí Chuyển đổi số để phát triển bền vững” do Hội nhà báo Thành phố Hồ Chí Minh, Sở Thông tin Truyền thông TP.HCM và Hội Tin học TP.HCM (HCA) phối hợp tổ chức vào sáng 23/12/2021 tại Trung tâm Báo chí TP.HCM với sự hỗ trợ và đồng hành của các đơn vị, doanh nghiệp về CNTT: Công ty FSI, Tâp đoàn Viettel, Tập đoàn FPT, Tập đoàn VNPT.
Quang cảnh buổi toạ đàm.
Tham dự tọa đàm có khoảng 80 đại biểu gồm: Lãnh đạo cơ quan đại diện Bộ TTTT phía Nam, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM, Hội nhà báo TPHCM, Hội Tin học TP.HCM, lãnh đạo các cơ quan báo chí TP.HCM và một số cơ quan báo chí Trung ương tại TP.HCM, cùng cộng đồng doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin – chuyển đổi số TP.HCM và các nhà báo/phóng viên hoạt động trong lĩnh vực CNTT&CĐS tại TP.HCM.
Đặc biệt, tọa đàm vinh dự được đón tiếp ông Dương Anh Đức, Thành ủy viên – Phó chủ tịch UBND TPHCM thay mặt lãnh đạo thành phố đến dự và có bài phát biểu quan trọng về những quan điểm chỉ đạo, định hướng cũng như gợi mở một số giải pháp, cơ chế, chính sách,… của TP nhằm hỗ trợ tiến trình chuyển đổi số báo chí TP.
Ngoài các đại biểu tham gia tọa đàm trực tiếp, lãnh đạo Hội nhà báo Việt Nam, lãnh đạo một số đơn vị chức năng thuộc Bộ TTTT (Cục báo chí, Cục An toàn Thông tin, Cục tin học học hóa), lãnh đạo Hội nhà báo các tỉnh miền Đông Nam Bộ (Tây Ninh, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Thuận) và một số doanh nghiệp công nghệ tham gia tọa đàm dưới hình thức trực tuyến.
Trong phát biểu đề dẫn, Ông Trần Trọng Dũng CT Hội nhà báo TP thay mặt Ban tổ chức đã nêu bật chuyển đổi số (CĐS) có tầm quan trọng đặc biệt và là xu thế tất yếu đối với các cơ quan báo chí VN nói chung và báo chí TPHCM nói riêng đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid – Covi19 đã và đang gây ảnh hưởng năng nề cho các lĩnh vực của kinh tế, xã hội trong đó có báo chí.
Chủ tịch Hội Nhà báo TP.HCM Trần Trọng Dũng phát biểu đề dẫn tọa đàm.
Chủ tịch Hội Nhà báo TPHCM cũng thẳng thắn nhìn nhận tiến trình chuyển đổi số của các cơ quan báo chí thành phố hiện đang gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, mà trước hết là về nhận thức và năng lực thực hiện. "Một bộ phận không nhỏ những người làm báo vẫn chưa ý thức về tầm quan trọng của việc chuyển đổi số, ngại thay đổi, muốn làm báo theo kinh nghiệm và phương cách truyền thống nên rất lúng túng và hạn chế khi áp dụng các phương cách làm báo hiện đại”, ông Dũng chia sẻ.
Ông Dũng nhìn nhận chuyển đổi số để phát triển bền vững là một quá trình lâu dài, đòi hỏi nỗ lực của nhiều phía, không thể nóng vội nhưng cũng không thể chần chừ, ngần ngại, thiếu quyết tâm.
Phát biểu chỉ đạo tọa đàm, ông Dương Anh Đức, Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, nhấn mạnh chuyển đổi số là xu thế không thể thay đổi, đặc biệt với lĩnh vực có tính chất đặc thù như báo chí.
"Chuyển đổi số làm thay đổi toàn diện, căn bản hoạt động của cơ quan báo chí, hoạt động và tầm ảnh hưởng của phóng viên. Tọa đàm được tổ chức đúng lúc khi thành phố vừa trải qua giai đoạn giãn cách kéo dài. Mặc dù gặp nhiều khó khăn song đây cũng là cơ hội để nắm bắt lợi thế của công nghệ. Nhiều tờ báo, phóng viên đã cảm nhận được vai trò, lợi ích, nhu cầu cấp thiết của chuyển đổi số" - Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức nói.
Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM, chuyển đổi số không đơn giản là ứng dụng công nghệ vào các hoạt động mà còn đòi hỏi thay đổi cả quy trình làm việc, tư duy, suy nghĩ.
"Với khối lượng thông tin khổng lồ, nếu làm báo theo cách cũ sẽ không chạy theo kịp, nảy sinh vấn đề trong vận hành cơ quan báo chí. Xây dựng được quy trình ứng dụng công nghệ số thì không những tăng tốc độ xuất bản thông tin mà còn tăng khả năng tổng hợp, kiểm soát được đầy đủ hơn các nội dung cơ quan báo chí đưa ra" - ông Dương Anh Đức lưu ý và nhấn mạnh "không thể thành người đi sau, đi chậm" trong tiến trình chuyển đổi số.
Phó chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức bày tỏ mong muốn các cơ quan báo chí chủ động chuyển đổi số.
Tọa đàm hướng đến mục tiêu tìm kiếm những giải pháp mang tính đột phá và khả thi về chuyển đổi số với các cơ quan báo chí trong bối cảnh mới, góp phần nhìn rõ thực trạng và thách thức chuyển đổi số trong các cơ quan báo chí của TPHCM. Đồng thời, tọa đàm tạo cơ hội để báo chí và cơ quan quản lý trong lĩnh vực thông tin truyền thông có cơ hội đối thoại trực tiếp với các chuyên gia, doanh nghiệp trong lĩnh vực CNTT và Chuyển đổi số trao đổi tìm kiến một số giải pháp chuyển đổi số phù hợp.
Kết quả từ tọa đàm sẽ đóng góp những ý kiến xác thực góp phần xây dựng Kế hoạch chuyển đổi số cơ quan báo chí tại TPHCM, phù hợp với mục tiêu Chương trình chuyển đổi số của TPHCM giai đoạn 2020-2025 và tầm nhìn đến năm 2030 được ban hành theo Quyết định số 2393/QĐ-UBNDngày 28/9/2020 của Chủ tịch UBND TPHCM theo đó mục tiêu đến năm 2030, Thành phố trở thành Đô thị thông minh với sự đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động của bộ máy chính quyền số, của các doanh nghiệp (DN) số và sự thịnh vượng, văn minh của một xã hội số.
Tại tọa đàm, lãnh đạo một số cơ quan báo chí đã trình bày các tham luận về nhiều vấn đề như: “Chuyển đổi để dẫn đầu” của ông Lê Quốc Minh -TBT báo Nhân Dân, CT Hội NBVN, “Chuyển đổi số- Cần ngay cú hích tư duy” ( báo SGGP), “Số hóa radio: Thay đổi tư duy và hành đông” (Đài TNND TP-VOH), “Về bảo vệ bản quyền” ( báo Pháp luật TPHCM), “ Chuyển đổi số tại báo Tuổi trẻ-Những thách thức” ( báo Tuổi trẻ), “Thách thức chuyển đổi số và những đề xuất từ thực tiễn” ( báo Người lao động), “Kinh nghiệm chuyển đổi số” (báo Thanh niên), …
Trong phần tham luận và thảo luận, đại diện một số doanh nghiệp lớn, có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực CĐS đã nêu những giải pháp về công nghệ cho việc CĐS các cơ quan báo chí hướng tới sự phát triển bền vững như Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel), Tập đoàn Bưu chính viễn thông VN (VNPT), Tập đoàn FPT, Công viên phần mềm Quang Trung(QTSC), Cty CP đầu tư thương mai và phát triển công nghệ (FSI)…
Thay mặt BTC, ông Lâm Đình Thắng – Thành ủy viên, Giám đốc Sở TTTT TP đã phát biểu kết luận buổi tọa đàm, tóm lược các nhóm ý kiến đề xuất, các giải pháp để CĐS các cơ quan báo chí nhằm xây dựng kế hoạch CĐS toàn diện cho các cơ quan báo chí từ nay tới 2025 và tầm nhìn 2030 trong tổng thể kế hoạch CĐS của Sở TTTT TPHCM.
Ngay sau buổi tọa đàm, Hội nhà báo TP.HCM đã chính thức công bố quyết định thành lập Câu lạc bộ Phóng viên Công nghệ thông tin và Chuyển đổi số (CNTT& CĐS), chỉ định Ban chủ nhiệm lâm thời do nhà báo Bùi Bửu Hà –Phó Trưởng VP đại diện báo Đầu tư tại TPHCM làm chủ nhiệm.
Đây là câu lạc bộ phóng viên chuyên ngành thứ 7 trực thuộc Hội Nhà báo TP.HCM. CLB gồm 30 thành viên là các phóng viên chuyên viết về lĩnh vực CNTT, CĐS thuộc các cơ quan báo chí TP và trung ương trên địa bàn TP được tổ chức hướng đến mục tiêu tạo không gian sinh hoạt chuyên môn nghiệp vụ về chuyển đổi số và đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển của lĩnh vực CNTT-Chuyển đổi số TP.HCM thông qua hoạt động báo chí.
Hội Nhà báo TP.HCM ra mắt Câu lạc bộ Phóng viên Công nghệ thông tin và Chuyển đổi số.
Cũng trong dịp này, Hội nhà báo TP và Sở TTTT cũng phát động và công bố Điều lệ Giải Báo chí viết về Công nghệ thông tin và Chuyển đổi số TP.HCM, lần thứ I – năm 2022, dự kiến tổng kết và trao giải vào dịp kỷ niệm ngày truyền thống ngành TTTT 28/8/2022.
Giải Báo chí viết về Công nghệ thông tin và Chuyển đổi số TP.HCM, lần thứ I năm 2022 ( do Sở TTTT và Hội nhà báo TP phối hợp tổ chức) sẽ quy tụ các tác phẩm báo chí có tính phát hiện, phản ánh chính xác, kịp thời, có hiệu ứng xã hội tốt với các nội dung chính:
– Tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các cơ chế, chính sách về CĐS;
– Thành tựu và những đóng góp của các tổ chức và cá nhân trong quá trình thực hiện CĐS trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc tại TPHCM trong thời kỳ đổi mới và hội nhập;
– Những phát hiện, góp ý về chủ trương, chính sách, giải pháp quản lý, sáng kiến khoa học giúp quá trình CĐS giúp ngành Thông tin Truyền thông TP.HCM thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực Công nghệ thông tin và CĐS;
– Những hoạt động tiêu biểu, những sự kiện nổi bật, những tấm gương điển hình tiên tiến trong lao động đã và đang cống hiến quên mình vì sự nghiệp phát triển ngành Công nghệ thông tin và CĐS TP.HCM; Công tác cải cách hành chính, thực hành tiết kiệm, đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí trong CĐS tại TP.HCM.
– Phát hiện, tôn vinh những cá nhân, đơn vị, nhóm nghiên cứu, doanh nghiệp điển hình tiên tiến trong việc nghiên cứu, sáng tạo, ứng dụng công nghệ mới trong lĩnh vực CNTT&CĐS vào đời sống, sản xuất, kinh doanh và quản lý mang lại hiệu quả kinh tế cao và làm công tác xã hội tốt tại TP.HCM.
Phương Mai (T/h)