Bảo đảm an toàn thông tin cho công tác báo chí, truyền thông

10:25, 24/10/2024

Ngày 23/10, Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam phối hợp cùng Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT tổ chức Hội thảo tập huấn "Bảo đảm an toàn thông tin cho công tác báo chí, truyền thông".

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Thành Hưng, Chủ tịch Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam nhấn mạnh: Tại Việt Nam hiện nay, đa số cơ quan báo chí đều hoạt động trên môi trường mạng, thực hiện loại hình điện tử. Nhiều cơ quan báo chí với tài nguyên thông tin quan trọng, trong đó có những thông tin chủ lực của quốc gia đều có thể là mục tiêu của các cuộc tấn công mạng. Đối tượng bị tấn công có thể là hệ thống thông tin, người dùng cuối trong hệ thống như cán bộ lãnh đạo, quản lý, biên tập viên, phóng viên cơ quan báo chí, truyền thông.

Ông Nguyễn Thành Hưng, Chủ tịch Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam.

Vì vậy, hội thảo lần này nhằm giúp cán bộ các cơ quan báo chí truyền thông nhận thức được tầm quan trọng của bảo đảm an toàn thông tin và thêm kỹ năng cần thiết để phòng tránh các nguy cơ trên môi trường mạng.

Ông Trần Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT.

Tại Hội thảo, ông Trần Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT nhấn mạnh: Báo chí và truyền thông đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp thông tin, phản ánh đời sống xã hội và góp phần không nhỏ vào việc định hướng nhận thức của công chúng. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển không ngừng không gian mạng, những mối đe dọa về an toàn thông tin đối với cơ quan báo chí, truyền thông ngày càng trở nên phức tạp hơn.

Trong quãng thời gian dài 10 - 20 năm gần đây khi nói về các chiến dịch được tài trợ bởi chính phủ, tổ chức khủng bố nhắm vào các chính trị gia, người nổi tiếng thì đối tượng cũng được nhắm tới nhiều nhất trên thế giới là phóng viên báo chí. Tất cả các vụ việc tấn công mã độc vào người dùng để thu thập, đánh cắp thông tin hoặc các chiến dịch nghe lén thông tin đều nhắm tới phóng viên báo chí, truyền hình trên khắp thế giới. Điều này cho thấy vai trò của phóng viên báo chí rất quan trọng bởi họ nắm giữ các thông tin quan trọng, là người trung gian truyền tải thông tin đến với cộng đồng, xã hội...

Ông Nguyễn Đoàn Trọng Hiếu, Trưởng phòng Kỹ thuật - công nghệ, Báo điện tử Vietnamnet.

Theo Phó Cục trưởng Cục ATTT Trần Quang Hưng, hiện nay không gian mạng đang là ngôi nhà chung của khoảng 78 triệu người Việt Nam. Không gian mạng được xác định là tương lai thịnh vượng của Việt Nam với Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Đồng nghĩa với nó, bảo đảm an toàn an ninh mạng chính là xây đắp cho tương lai, để bảo vệ sự thịnh vượng của Việt Nam trên không gian mạng, tạo đà cho sự bứt phá của kinh tế số, xã hội số.

Giống như môi trường thực, ông Trần Quang Hưng cho biết không gian mạng cũng cần có bầu trời quang đãng và không khí trong lành, có hệ sinh thái tốt và một cơ sở hạ tầng chất lượng để phục vụ người dân, DN để phát triển kinh tế - xã hội.

Từ kinh nghiệm thực tiễn của đơn vị, ông Nguyễn Đoàn Trọng Hiếu, Trưởng phòng Kỹ thuật - công nghệ, Báo điện tử Vietnamnet cho rằng, bảo vệ hệ thống thông tin đối với các cơ quan báo chí, truyền thông nói chung và báo điện tử nói riêng luôn là công việc khó khăn, nhiều thách thức, chạy đua với công nghệ, tốn khá nhiều chi phí, nhân lực, vật lực và phải làm liên tục.

Toàn cảnh Hội thảo.

Theo đại diện báo Vietnamnet, các cơ quan báo điện tử cần nêu cao cảnh giác, kỹ năng thường xuyên rà soát, kiểm tra định kỳ để tránh việc bị khai thác các lỗi bảo mật. Cùng với đó, quan tâm đào tạo, nâng cao nhận thức, kỹ năng về an toàn thông tin cho cán bộ, phóng viên, biên tập viên, đảm bảo các trang thiết bị an toàn cho các hoạt động tác nghiệp; đầu tư kinh phí cho hệ thống an toàn thông tin, bản quyền phần mềm, quy trình, công nghệ, nâng cao trình độ nguồn nhân lực; sử dụng các dịch vụ an toàn thông tin của các đơn vị chuyên nghiệp, hoặc chủ động đầu tư hạ tầng riêng, làm chủ công nghệ...

Tại hội thảo, các chuyên gia nhấn mạnh, trong bối cảnh hiện nay, các cơ quan báo chí đang gánh vác hai nhiệm vụ quan trọng: Thứ nhất, bảo vệ chính mình khỏi các cuộc tấn công mạng và đảm bảo an toàn thông tin; Thứ hai, đóng vai trò truyền thông, nâng cao nhận thức xã hội về an toàn không gian mạng, góp phần xây dựng môi trường mạng an toàn, lành mạnh cho Việt Nam. Bên cạnh đó, mỗi cá nhân và tổ chức cần nhận thức rằng an toàn thông tin không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan chuyên trách hay doanh nghiệp trong lĩnh vực này, mà mọi người đều có trách nhiệm bảo vệ thông tin và hệ thống của mình, coi đó là tài sản vô giá cần được giữ gìn./.