Bệnh viện Bạch Mai chính thức đưa Trung tâm Đột quỵ vào hoạt động
Sáng 9/11, Bệnh viện Bạch Mai đã tổ chức khai trương Trung tâm Đột quỵ. Trung tâm sẽ là nơi chuyên tiếp nhận, chăm sóc, điều trị và quản lý các bệnh nhân đột quỵ.
Sự ra đời của Trung tâm Đột quỵ là một bước phát triển quan trọng trong công tác nâng cao chất lượng chăm sóc và điều trị bệnh nhân đột quỵ não, phù hợp với thực tiễn nhu cầu cũng như quy định của Bộ Y tế.
Trung tâm sẽ được phát triển trở thành một trung tâm đột quỵ hoàn chỉnh, hiện đại hàng đầu Việt Nam, ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực, áp dụng công nghệ cao trong chẩn đoán, điều trị và quản lý bệnh nhân đột quỵ.
Trong đó ngoài việc đẩy mạnh công tác chuyên môn trong tiếp đón, cấp cứu, phân loại, xử trí bệnh nhân đột quỵ nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc và điều trị bệnh nhân đột quỵ não, mà còn đẩy mạnh việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống cấp cứu và điều trị đột quỵ. Cùng với đó là việc đẩy mạnh công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế và chỉ đạo tuyến trong lĩnh vực đột quỵ cho các bệnh viện trong cả nước.
Các đại biểu cắt băng khánh thành Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai.
Phát biểu tại lễ khai trương, PGS, TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế, cho biết, hằng năm, Việt Nam có khoảng 200.000 người bệnh đột quỵ. Do đó, việc xây dựng các đơn vị đột quỵ chuyên sâu sẽ làm cải thiện tỷ lệ tử vong, tăng cơ hội hồi phục tốt cho người bệnh đột quỵ não.
Bệnh viện Bạch Mai là bệnh viện đa khoa hạng đặc biệt, hằng năm cấp cứu và điều trị cho khoảng 6.000 - 8.000 người bệnh đột quỵ. Tuy nhiên, hiện nay người bệnh đột quỵ chưa được điều trị tập trung, nằm rải rác tại nhiều khoa, phòng trong bệnh viện như khoa Cấp cứu, khoa Thần kinh, Viện Tim mạch, khoa Hồi sức tích cực… do đó không tập trung được nguồn lực và chưa thống nhất chung được quy trình điều trị nên chưa đạt được hiệu quả điều trị tối ưu cho bệnh nhân đột quỵ.
Lãnh đạo Bộ Y tế tham quan phòng điều trị tại Trung tâm Đột quỵ
PGS, TS Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ chia sẻ, việc thực hiện điều trị cho bệnh nhân bị đột quỵ cần tiến hành nhanh chóng bao gồm chẩn đoán và xử trí cấp cứu, đặc biệt tiến hành tiêu huyết khối trong 4 - 5 giờ đầu.
Đồng thời, người bệnh cần được phối hợp các chuyên khoa Chẩn đoán hình ảnh để can thiệp nội mạch lấy huyết khối cấp cứu, phối hợp chuyên khoa Phẫu thuật thần kinh để phẫu thuật cấp cứu cho người bệnh. Bên cạnh đó, bệnh nhân đột quỵ nặng cũng cần phải được hồi sức thần kinh, thực hiện các thủ thuật cấp cứu tại giường. Người bệnh đột quỵ cũng cần được tập phục hồi chức năng sớm ngay giai đoạn cấp. Các chiến lược giáo dục, dự phòng tái phát đối với người bệnh cũng rất quan trọng.
Minh Thùy