"Biến nguy thành cơ", tự cường, tự chủ trong lĩnh vực công nghiệp

17:40, 04/02/2023

Sáng 3/2 tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu năm 2023 do Bộ Công Thương tổ chức. Phát biểu tại Hội nghị, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao và biểu dương sự nỗ lực và những kết quả quan trọng mà ngành công thương đạt được trong năm 2022 và tháng 1/2023, đóng góp tích cực vào thành tựu chung của đất nước.

Nhấn mạnh vai trò quan trọng của Bộ Công Thương quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, Thủ tướng nhấn mạnh bên cạnh những kết quả cơ bản đã đạt được, ngành công thương còn có nhiều khó khăn, thách thức, băn khoăn, trăn trở, lo âu.

Nền kinh tế đang gặp khó khăn cả về tổng cung và tổng cầu. Sản xuất và xuất khẩu đang có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại. Thị trường xuất khẩu bị thu hẹp. Xuất khẩu còn phụ thuộc nhiều vào khu vực FDI; đa dạng hoá thị trường ở một số sản phẩm và việc chuyển từ hoạt động xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch còn chậm. Sức mua trong nước hồi phục chậm. Tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, đầu cơ, găm hàng chờ tăng giá, vi phạm cạnh tranh… còn diễn biến phức tạp. Việc bảo đảm năng lượng có nhiều thách thức, như biến động lớn của thị trường dầu mỏ, các vướng mắc của ngành điện.

Thủ tướng: Thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu; tự cường, tự chủ trong lĩnh vực công nghiệp - Ảnh 6.

 Thủ tướng phát biểu chỉ đạo Hội nghị - Ảnh: VGP.

Các ý kiến tại Hội nghị cho thấy ngành công thương đã tự nhìn nhận một cách thẳng thắn các vấn đề này để có các giải pháp nhằm khắc phục kịp thời, tạo sự chuyển biến thực chất và mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

Thủ tướng nêu rõ năm 2023, năm bản lề thực hiện thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, trong bối cảnh khó khăn, thách thức nhiều hơn cơ hội và thuận lợi, công việc thường xuyên ngày càng nặng nề, trong khi phải xử lý nhiều vấn đề phát sinh và bất cập, tồn đọng tích tụ kéo dài. Điều này đòi hỏi sự nỗ lực, cố gắng, quyết tâm hơn nữa, đoàn kết, chung sức, đồng lòng, phát huy kết quả đạt được, tranh thủ cơ hội và thuận lợi, vượt qua khó khăn, thách thức để thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã đề ra.

Cơ bản thống nhất với các phương hướng và nhiệm vụ Bộ Công Thương đã xác định, Thủ tướng yêu cầu trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, Bộ Công Thương cần quán triệt một số quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, điều hành.

Đó là tinh thần "biến nguy thành cơ", càng áp lực càng phải nỗ lực; lấy nguồn lực bên trong là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, ngoại lực là quan trọng và đột phá, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, phát huy sức mạnh của toàn xã hội; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả; "Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả" theo chủ đề điều hành năm 2023 đã được Chính phủ xác định.

Thủ tướng đề nghị ngành công thương trên tinh thần vì lợi ích quốc gia, dân tộc, tập trung cho 3 đột phá chiến lược (thể chế, hạ tầng, nhân lực) và 3 động lực tăng trưởng là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng; đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, ứng phó biến đổi khí hậu; xây dựng nền kinh tế tự cường, tự chủ trong lĩnh vực công nghiệp.

Thành Nam (T/h)