Biểu dương Top Công nghiệp 4.0 Việt Nam 2024

19:53, 27/09/2024

Ngày 27/9, tại Hà Nội, 30 doanh nghiệp, địa phương đã được vinh danh tại Lễ biểu dương Top Công nghiệp 4.0 Việt Nam - I4.0 Awards năm 2024.

Trao chứng nhận Top Công nghiệp 4.0 Việt Nam cho các doanh nghiệp, địa phương tiêu biểu - Ảnh: VGP/Hoàng Giang.

Chương trình do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) chủ trì, giao cho Viện Sáng tạo và Chuyển đổi số phối hợp với Hội Tự động hóa Việt Nam tổ chức. 

Tại lễ biểu dương, TSKH. Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam nhấn mạnh Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm đến việc chủ động tích cực tham gia cuộc CMCN 4.0.

Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN lần thứ 4. Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, phấn đấu để Việt Nam trở thành quốc gia số, trong đó chuyển đổi số cho doanh nghiệp có vai trò vô cùng quan trọng.

Trong bối cảnh toàn cầu đang chuyển mình mạnh mẽ, Việt Nam không chỉ là một điểm đến hấp dẫn cho đầu tư mà còn là một trung tâm đổi mới sáng tạo, với nhiều doanh nghiệp tiên phong trong việc áp dụng công nghệ mới.

Theo TSKH. Phan Xuân Dũng, ngày 10/10 không chỉ đánh dấu sự kiện lịch sử trọng đại - Ngày Giải phóng Thủ đô, là biểu tượng cho tinh thần kiên cường, đoàn kết và khát vọng vươn lên của dân tộc mà còn là Ngày Chuyển đổi số tại Việt Nam, nhằm nâng cao nhận thức về vai trò của chuyển đổi số trong việc phát triển kinh tế - xã hội, cũng như khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân tham gia vào quá trình chuyển đổi số.

Việc biểu dương Top Công nghiệp 4.0 Việt Nam nhằm đánh giá hiệu quả thực hiện chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo trong các tổ chức, doanh nghiệp; biểu dương những thành công tiêu biểu, tiên phong trong công cuộc phát triển CMCN 4.0 và chuyển đổi số thuộc khối hành chính Nhà nước, doanh nghiệp.

Đồng thời thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo giúp nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, phát triển kinh tế số; tạo sân chơi cho các doanh nghiệp có cơ hội giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm trong việc xây dựng nhà máy thông minh, sản xuất thông minh, nghiên cứu KH&CN, đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, năng lực quản trị kinh doanh.

Chương trình cũng hướng đến sự liên kết, kết nối cơ quan quản lý nhà nước, cộng đồng các nhà khoa học, các viện nghiên cứu, trường đại học với các doanh nghiệp; hỗ trợ, tư vấn, đào tạo, chuyển giao công nghệ, phát triển kinh tế số.

Ban tổ chức đã lựa chọn ra được 30 hồ sơ đạt ở 4 hạng mục: Top doanh nghiệp Công nghiệp 4.0 Việt Nam; Top tổ chức, doanh nghiệp KH&CN và Đổi mới sáng tạo; Top doanh nghiệp có sản phẩm số thông minh và Giải pháp công nghệ Công nghiệp 4.0; Top tổ chức, địa phương tiêu biểu chủ động thực hiện CMCN 4.0 và chuyển đổi số.

Trong khuôn khổ chương trình cũng diễn ra Hội thảo khoa học "Chuyển đổi số và Chuyển đổi xanh trong CMCN 4.0". Các nhà quản lý, doanh nghiệp đã tập trung thảo luận về nhiều chủ đề như: Định hướng xây dựng quy chuẩn và tiêu chuẩn cho công nghệ của CMCN 4.0; chuyển đổi số và tự động hóa trong doanh nghiệp công nghiệp thúc đẩy tăng trưởng xanh; định hướng và phát triển công nghiệp văn hoá dựa trên công nghệ số và đổi mới sáng tạo; chiến lược AI cho phát triển doanh nghiệp số…

Đặc biệt, đối với AI, nhiều ý kiến đề xuất doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động trong chuyển đổi AI và có chiến lược rõ ràng, lộ trình phù hợp, dài hạn; đầu tư vào phát triển nguồn nhân lực AI; hợp tác với các đối tác công nghệ và viện nghiên cứu; tham gia vào hệ sinh thái AI quốc gia và khu vực...

Theo TS. Nguyễn Quân, Chủ tịch Hội Tự động hóa, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh đang trở thành xu hướng quan trọng không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới. Ở Việt Nam, việc thúc đẩy chuyển đổi số và chuyển đổi xanh không chỉ là nhu cầu mà còn là cơ hội để phát triển kinh tế một cách bền vững, bảo đảm sự phát triển dài hạn cho đất nước.