Bộ GD-ĐT nói gì về việc liên tục thay đổi quy định tuyển sinh đại học?
Đại diện Bộ GD&ĐT lên tiếng trước phản ánh các quy định tuyển sinh đại học ngày càng phức tạp, điều chỉnh, thay đổi liên tục qua hàng năm.
Theo đại diện Bộ GD&ĐT, công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng được cụ thể hóa bằng quy chế tuyển sinh và cơ bản giữ ổn định qua các năm, Bộ chỉ điều chỉnh về mặt kỹ thuật, cập nhật các quy định của văn bản quy phạm cấp trên, quy định của Chính phủ.
Công tác tuyển sinh đại học 2022 giữ ổn định như 2021 và các năm gần đây. Bộ GD&ĐT chỉ điều chỉnh kỹ thuật, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin nhằm tạo thuận lợi, bảo đảm quyền lợi, sự công bằng cho thí sinh và các cơ sở đào tạo.
Toàn bộ quy trình đăng ký dự tuyển, thanh toán lệ phí, tổ chức xét tuyển và xử lý nguyện vọng, xác nhận nhập học được thực hiện trực tuyến trên hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung. Hệ thống này kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đây cũng là một phần nhiệm vụ được Thủ tướng giao.
Thí sinh được đăng ký nguyện vọng vào nhiều ngành, nhiều trường khác nhau, sau khi đã biết kết quả thi tốt nghiệp THPT và điểm sàn. Tất cả nguyện vọng của thí sinh trong đợt xét tuyển chính (đợt 1) được xử lý tập trung trên hệ thống để xác định ngành và trường mà thí sinh trúng tuyển theo nguyện vọng ưu tiên cao nhất.
Đại diện Bộ GD&ĐT lên tiếng trước phản ánh các quy định tuyển sinh đại học ngày càng phức tạp, điều chỉnh, thay đổi liên tục qua hàng năm.
Bộ GD&ĐT nhấn mạnh, những điều chỉnh trong quy chế tuyển sinh 2022 và hệ thống công nghệ mang lại nhiều kết quả tích cực. Thí sinh được hưởng lợi nhiều nhất trong việc thực hiện thuận tiện các thủ tục trên hệ thống trực tuyến, đồng thời được bảo đảm cơ hội trúng tuyển cao nhất vào ngành, trường theo nguyện vọng và năng lực.
Các trường cạnh tranh bình đẳng và minh bạch để lựa chọn thí sinh phù hợp nhất. Tỷ lệ thí sinh ảo giảm mạnh, các trường tuyển được số lượng sát hơn với chỉ tiêu đã công bố.
Kết thúc tuyển sinh đợt 1 (ngày 30/9/2022), số lượng thí sinh trúng tuyển là 567.000 (đạt trên 91% trong số hơn 620.000 thí sinh đăng ký xét tuyển). Số thí sinh xác nhận nhập học 464.000, đạt xấp xỉ 82% (tính trên số thí sinh trúng tuyển). Đây đều là những con số cao hơn hẳn so với các năm gần đây.
Trong quá trình triển khai phát sinh một vài vấn đề kỹ thuật nhỏ, như việc thí sinh chọn nhầm phương thức xét tuyển, khó khăn trong truy nhập hệ thống thanh toán lệ phí trực tuyến), Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo khắc phục kịp thời, không để ảnh hưởng tới quy trình và kết quả xét tuyển. Nhìn tổng thể, có thể coi hệ thống tuyển sinh năm 2022 là một ví dụ tiêu biểu, đột phá cho chuyển đổi số trong ngành giáo dục.
Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục lắng nghe các ý kiến, rà soát, đánh giá lại toàn bộ quy trình và chính sách tuyển sinh, trên cơ sở đó sẽ có những điều chỉnh, cải tiến và hoàn thiện cho năm 2023 và các năm tiếp theo.
Thiên Thanh (T/h)