Bộ Nội vụ khai trương Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức
CSDL quốc gia về CBCCVC là một trong những CSDL được đánh giá đóng vai trò rất quan trọng trong việc cung cấp thông tin kịp thời, chính xác, đầy đủ, trung thực về đội ngũ CBCCVC trên cả nước, phục vụ công tác quản lý biên chế và công tác quản lý, sử dụng CBCCVC.
Ngày 29/12, Bộ Nội vụ đã chính thức khai trương và đưa Hệ thống cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) đi vào hoạt động. CSDL quốc gia về CBCCVC dự kiến quản lý xấp xỉ 2,5 triệu bộ hồ sơ điện tử về CBCCVC trên cả nước.
CSDL quốc gia về CBCCVC là một trong những CSDL được đánh giá đóng vai trò rất quan trọng trong việc cung cấp thông tin kịp thời, chính xác, đầy đủ, trung thực về đội ngũ CBCCVC trên cả nước, phục vụ công tác quản lý biên chế và công tác quản lý, sử dụng CBCCVC.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và lãnh đạo các bộ, ngành khai trương Cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức
Tháng 5/2022, Bộ Nội vụ đã ký kết chương trình hợp tác xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia với Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT). Trong quá trình thực hiện dự án, VNPT đã nhận được sự quan tâm của lãnh đạo Bộ Nội vụ và sự phối hợp thường xuyên, chặt chẽ, hiệu quả của các đơn vị trong Bộ Nội vụ để thiết kế, phát triển phần mềm và lắp đặt, vận hành thiết bị hạ tầng để cung cấp Hệ thống CSDL quốc gia về CBCCVC.
Bằng kinh nghiệm triển khai thành công CSDL quốc gia về dân cư, các dự án Trục liên thông văn bản quốc gia cũng như các dự án lớn khác của Chính phủ, VNPT đã triển khai các giải pháp kỹ thuật, giải pháp về an toàn thông tin phù hợp nhất cho dự án. Đặc biệt là việc xây dựng và triển khai dự án CSDL quốc gia về dân cư, việc tích hợp với CSDL quốc gia về dân cư để đồng bộ với dữ liệu CBCCVC đảm bảo tính chính xác của dữ liệu.
Đến thời điểm này, CSDL quốc gia về CBCCVC đã hoàn thành xong các giai đoạn thiết kế, xây dựng phần mềm, lắp đặt thiết bị hạ tầng, cài đặt hệ thống, đào tạo và triển khai trên phạm vi toàn quốc (96 Bộ, ngành, địa phương). Trong thời gian qua, Bộ Nội vụ đã phối hợp triển khai thí điểm tại thành phố Đà Nẵng, tỉnh Bến Tre để làm cơ sở hoàn thiện hệ thống, danh mục dữ liệu dùng chung và biểu mẫu.
Sau khi tiến hành đào tạo, tập huấn trên toàn quốc, hệ thống bắt đầu triển khai chính thức vào cuối tháng 11, đầu tháng 12/2022 và đến thời điểm này đã tích hợp, đồng bộ được dữ liệu của 35 Bộ, ngành, địa phương vào cơ sở dữ liệu quốc gia và CBCCVC trong các cơ quan nhà nước.
Cùng với đó, Bộ Nội vụ được sự phối hợp của Bộ Thông tin và Truyền thông, tiếp tục thực hiện kết nối, đồng bộ dữ liệu từ các Bộ, ngành, địa phương còn lại cũng như đồng bộ bổ sung, làm giàu dữ liệu để đảm bảo Cơ sở dữ liệu quốc gia được đầy đủ, cập nhật theo tiêu chí “đúng, đủ, sạch, sống”.
Việc triển khai thành công CSDL quốc gia về CBCCVC là chìa khóa để Bộ Nội vụ tham mưu thực hiện tốt công tác xây dựng thể chế, chính sách và quản lý biên chế, quản lý, sử dụng CBCCVC trên toàn quốc. Đây cũng là một trong những tiến trình đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, góp phần quan trọng trong tiến trình xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số hướng tới nền kinh tế số, xã hội số và đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế và khu vực.
Trong thời gian tới, CSDL quốc gia về CBCCVC sẽ được khai thác trên phạm vi toàn quốc, phuc vụ mục tiêu sử dụng sơ yếu lý lịch điện tử thay thế sơ yếu lý lịch giấy, từng bước số hóa thông tin dữ liệu để thay thế hồ sơ giấy truyền thống.
Để thực hiện được mục tiêu đó, CSDL quốc gia về CBCCVC cần sự đồng bộ và thống nhất trên toàn quốc, dữ liệu cần cập nhật thường xuyên, có sự kết nối mọi lúc, mọi nơi, giữa tất cả các cơ quan, ban ngành, địa phương và kết nối, liên thông với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và CSLD về Bảo hiểm xã hội Việt Nam để sử dụng có hiệu quả dữ liệu thông tin về CBCCVC. Vì vậy, cần sự tham gia triển khai tích cực của toàn ngành Nội vụ và sự chung tay góp sức của các Bộ, ban, ngành, địa phương.
Theo Bộ Nội vụ, trong thời gian tới, để CSDLQG về CBCCVC được khai thác và phát huy tính hiệu quả trên phạm vi toàn quốc, tất cả các bộ, ngành, địa phương cần cập nhật, chuẩn hóa và đồng bộ về CSDLQG với đầy đủ thông tin, dữ liệu biến động về cán bộ, công chức, viên chức của bộ, ngành, địa phương theo thời gian thực.
Hệ thống cũng cần hoàn thiện việc kết nối liên thông với CSDL về BHXH và CSDLQG về Dân cư nhằm bổ sung, xác nhận dữ liệu để đảm bảo CSDLQG về CBCCVC là cơ sở dữ liệu gốc của quốc gia liên quan đến công tác cán bộ công chức viên chức; phục vụ mục tiêu sử dụng sơ yếu lý lịch hợp nhất điện tử thay thế các mẫu sơ yếu lý lịch giấy đang cùng tồn tại; xây dựng cổng tuyển dụng công chức viên chức quốc gia nhằm minh bạch, nhanh chóng, đồng bộ trong công tác tuyển dụng, phân công, sử dụng hiệu quả nguồn lực cán bộ công chức viên chức để phát triển đất nước.
Khôi Nguyên (T/h)