Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị Giao ban quản lý nhà nước quý III/2023

09:15, 12/09/2023

Sáng ngày 11/9/2023 tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tổ chức Hội nghị Giao ban quản lý nhà nước quý III/2023. Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng chủ trì Hội nghị.

Dự Hội nghị có các Thứ trưởng Bộ TT&TT: Nguyễn Huy Dũng, Nguyễn Thanh Lâm; đại diện lãnh đạo các Cục, Vụ, doanh nghiệp thuộc Bộ TT&TT; Chủ tịch Công đoàn Thông tin và Truyền thông Việt Nam; Văn phòng Ban Cán sự Đảng; Văn phòng Đảng uỷ, Đoàn Thanh niên Bộ; đại diện lãnh đạo các cơ quan chuyên trách về CNTT của các Bộ, ngành; đại diện lãnh đạo các Sở TT&TT; đại diện Văn phòng Bộ tại TPHCM, Đà Nẵng. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Tài liệu Hội nghị giao ban quản lý nhà nước quý III/2023

20230911-ta1.jpg

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe Vụ Tổ chức cán bộ thông báo tình hình thay đổi nhân sự của các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, các Sở TT&TT trong Quý III/2023; Văn phòng Bộ TT&TT thông báo một số văn bản quan trọng trong lĩnh vực TT&TT mới được ban hành trong Quý III/2023, thông báo tóm tắt về công tác quản lý nhà nước Quý III/2023 và nhiệm vụ trọng tâm trong Quý IV/2023.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng và Lãnh đạo Bộ đã trực tiếp lắng nghe đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ, các Sở TT&TT trình bày các khó khăn, vướng mắc trong các lĩnh vực quản lý nhà nước. Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng trực tiếp phụ trách các lĩnh vực công nghệ số, chuyển đổi số, an toàn thông tin mạng, bưu chính đã nêu vấn đề, tại các Sở hiện chỉ có một đến hai người làm về chuyển đổi số, chính phủ số, kinh tế số… Đây là các lĩnh vực mới nên nhiều cán bộ chưa rõ nội hàm, còn lúng túng trong khâu thực thi. Theo Thứ trưởng, lời giải cho bài toán này là sử dụng các nền tảng số, công cụ số để giải quyết vấn đề thiếu người và nhiệm vụ mới.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chỉ ra rằng, hiện nay Bộ Nội vụ và các Sở Nội vụ rất khó khăn trong việc tuyển dụng thêm người. Trong khi đó, Bộ TT&TT lại được Chính phủ giao thêm nhiệm vụ mới, lĩnh vực mới. Bộ trưởng đặt vấn đề, liệu trí tuệ nhân tạo (AI) và nền tảng số có thay được 60% lao động hay không? AI sinh ra là để tăng năng suất lao động, giảm bớt những việc lặp đi lặp lại.

Đồng thời, Bộ trưởng cũng chia sẻ những kinh nghiệm của Australia và New Zealand trong việc dùng ngân sách thuê các chuyên gia giỏi để giải quyết các bài toán khó trong lĩnh vực quản lý nhà nước. Theo Bộ trưởng, đối với kinh nghiệm này của nước bạn, các doanh nghiệp Việt Nam có thể học hỏi theo được. Các tỉnh có thể làm theo được. Sở TT&TT có thể đề xuất Hội đồng nhân dân tỉnh về việc này.

Tuy nhiên, Bộ trưởng lưu ý, chỉ nên thuê chuyên gia giỏi, xuất sắc đối với những nhiệm vụ mang tính thời vụ như xây dựng chiến lược, đề án để có thể sử dụng tri thức xuất sắc của các chuyên gia đó vào hoạt động quản lý nhà nước. Còn đối với các công việc mang tính thường xuyên như vận hành hệ thống thông tin thì nên thuê ngoài (outsourcing) dịch vụ của các doanh nghiệp.

20230911-ta2.jpg

Toàn cảnh Hội nghị

Cũng tại Hội nghị, Bộ trưởng đã nghe đại diện lãnh đạo các Sở TT&TT nói về những khó khăn, tồn tại của Bưu chính tại các địa phương, như: Buôn lậu qua đường bưu chính, cạnh tranh không lành mạnh, núp danh doanh nghiệp bưu chính Việt Nam nhưng thực chất lại là doanh nghiệp nước ngoài, hình thức kinh doanh mới bị lạm dụng (nhượng quyền)… Bộ trưởng chỉ đạo Vụ Bưu chính khẩn trương tiến hành thanh tra sớm một số địa bàn trọng điểm trong tháng 10 để sớm có hướng xử lý, giải quyết các vấn đề nhằm lập lại trật tự trong thị trường bưu chính. Bộ trưởng yêu cầu Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng xây dựng công cụ để nắm được tình hình hoạt động bưu chính tại các địa phương.

Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, trong tháng 9/2023 Bộ TT&TT sẽ ban hành hướng dẫn triển khai chuyển đổi số, coi như là cách làm mẫu đầu tiên. Tiếp theo sẽ là các lĩnh vực khác.

Việc hướng dẫn làm gì, làm như thế nào, bao giờ xong… là những vấn đề chung cho toàn quốc thì Bộ phải làm bởi vì hành động chủ yếu xảy ra ở địa phương, Bộ phải hướng dẫn cho địa phương những việc này. Chỉ có như vậy công việc của Bộ mới chạy được. Nếu Bộ chỉ tuyên bố chủ trương, đường lối, không có hướng dẫn thì các chiến lược, chính sách sẽ không đi vào cuộc sống. Đối với những hướng dẫn triển khai nhiệm vụ này, Sở chỉ phải làm khoảng 30%, 70% còn lại do các đơn vị quản lý nhà nước của Bộ làm. Những việc thuộc thẩm quyền, thuộc tri thức của Bộ thì Bộ phải làm.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng nhấn mạnh, cần tháo gỡ dứt điểm các khó khăn của từng lĩnh vực, phải tháo gỡ khó khăn của các Sở, đặc biệt là những khó khăn mang tính nút thắt kéo dài. Cần làm đến cùng để giải quyết những khó khăn mang tính căn bản này.

Bộ trưởng yêu cầu các Cục trưởng, Vụ trưởng, Giám đốc Sở phải phát hiện, nhìn ra được các vấn đề trong lĩnh vực của mình. Phải coi đây là 1 nhiệm vụ quan trọng trong hoạt động quản lý nhà nước. Nhận biết đúng vấn đề, đặt đúng câu hỏi và không ngại hỏi, Bộ trưởng nhấn mạnh.

70-90% câu hỏi của Sở nêu ra Bộ TT&TT có thể trả lời được ngay. 30% câu hỏi còn lại nếu chưa có câu trả lời, lãnh đạo Bộ và lãnh đạo các đơn vị sẽ nghiên cứu, thảo luận, tìm hiểu kinh nghiệm trong nước và quốc tế tìm ra câu trả lời.

Các Sở nêu các vấn đề mới, việc mới để hỏi Bộ là cách giúp cho Bộ, cho ngành phát triển, giúp cho người của Bộ phát triển. Các đơn vị của Bộ nên tăng cường đi địa phương, đi để tìm hiểu và giải quyết các vấn đề nổi cộm, vướng mắc tại địa phương.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chỉ đạo Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng và Cục Chuyển đổi số Quốc gia hình thành một trung tâm chuyển đổi số mẫu ở một tỉnh, sau đó sẽ triển khai rộng rãi ở các tỉnh còn lại. Trung tâm chuyển đổi số sẽ là nơi giới thiệu những giải pháp chuyển đổi số của các doanh nghiệp, nơi thể hiện lời giải cho những vấn đề khó khăn của các tỉnh trong triển khai chuyển đổi số. Trung tâm không chỉ giới thiệu giải pháp chuyển đổi số của các doanh nghiệp hiện diện tại tỉnh mà cả các giải pháp xuất sắc của các doanh nghiệp công nghệ số trên toàn quốc. Nhiều Sở có vị trí rộng có thể phối hợp với các doanh nghiệp để làm ngay Trung tâm chuyển đổi số này, Bộ trưởng gợi ý.

Sự phát triển của các lĩnh vực TT&TT

Bưu chính:

- Trong tháng 8/2023, doanh thu dịch vụ bưu chính ước đạt 4.750 tỷ đồng, tương đương tháng 7/2023 và tăng trên 6% so với tháng 8/2022; Sản lượng bưu gửi ước đạt 186 triệu bưu gửi, tương đương tháng 7/2023 và tăng trên 15% so với tháng 8/2022.

- Sản lượng bưu chính KT1 tháng 8/2023: Tổng sản lượng tính đến hết ngày 20/8/2023 đạt 70.461 bưu gửi, giảm 2% so với cùng kỳ năm 2022 (71.895).

Viễn thông:

- Tỷ lệ hộ gia đình sử dụng cáp quang đạt 78,3% tăng 6,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Mục tiêu năm 2023 đạt 84% tỷ lệ hộ gia đình sử dụng cáp quang.

- Số thuê bao băng rộng cố định đạt 22,3 triệu thuê bao (tương ứng với tỷ lệ 22,4 thuê bao/100 dân), tăng 7,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Mục tiêu đến tháng 12/2023 đạt 25 thuê bao/100 dân.

- Số thuê bao băng rộng di động đạt 86,6 triệu thuê bao (tương ứng với tỷ lệ 87,07 thuê bao/100 dân), tăng 6,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Mục tiêu đạt đến tháng 12/2023 đạt 90 thuê bao/100 dân.

- Thuê bao điện thoại di động sử dụng SMP ước đạt 101,2 triệu thuê bao tăng 7,77% so với cùng kỳ năm ngoái, tăng 7,3 triệu thuê bao.

- Thuê bao Feature phone 23,1 triệu TB giảm 3 triệu thuê bao so với cùng kỳ năm ngoái.

- Tốc độ băng rộng cố định 93,66 Mbps (tăng 22,93% so với cùng kỳ năm 2022), xếp thứ 46 và cao hơn trung bình thế giới là 82,56 Mbps.

- Tốc độ truy nhập Internet BRDĐ 48,29 Mbps (tăng 26,28% so với cùng kỳ năm 2022), xếp thứ 45 và cao hơn trung bình thế giới là 42,35 Mbps).

Chuyển đổi số:

- Triển khai Tổ Công nghệ số cộng đồng (CNSCĐ) tính đến ngày 04/9/2023: Cả nước 63/63 tỉnh, thành phố đã thành lập 76.905 Tổ CNSCĐ và 356.914 thành viên tham gia Tổ CNSCĐ cấp xã, thôn, phố; 53/63 tỉnh, thành phố hoàn thành 100% đến cấp xã.

- Triển khai Nền tảng học kỹ năng trực tuyến mở đại trà: Nền tảng được khai trương từ đầu tháng 5/2022. Tính đến 04/9/2023 đã có 18,053 triệu lượt truy cập vào nền tảng học trực tuyến mở đại trà.

- 100% Bộ, ngành, địa phương đã ban hành kiến trúc CQĐT 2.0 (22/22 bộ, ngành và 63/63 tỉnh, thành phố xây dựng, cập nhật Kiến trúc 2.0).

- Số Bộ, ngành, địa phương đã ban hành NQ, CT về CĐS: 5/22 bộ, ngành; 63/63 địa phương.    

 - 100% bộ, ngành và địa phương đã kiện toàn, thành lập Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số.

- 100% bộ, ngành và địa phương đã ban hành Kế hoạch/Đề án về chuyển đổi số (22/22 bộ, ngành; 63/63 tỉnh, thành phố).

Chính phủ số:

Tháng 8/2023:

Tỷ lệ DVCTT toàn trình/tổng số DVC đủ điều kiện cung cấp toàn trình: 93,65%

Tỷ lệ DVCTT có phát sinh HSTT: 54,03%

Tỷ lệ hồ sơ DVCTT toàn trình: 52,49%

An toàn an ninh mạng:

Tháng 8/2023:

- Doanh thu đạt 410 tỷ đồng, tăng 20,2% so với tháng 8/2022 (341 tỷ đồng).

- Tỷ lệ doanh thu sản phẩm nội địa so với nước ngoài trong tháng 8/2023 đạt 45,4% (giảm 2,4% so với tháng 8/2022).

- Nộp ngân sách nhà nước: 28,7 tỷ đồng (tăng 19,6 % so với cùng kỳ năm 2022).

- Lợi nhuận: 41 tỷ đồng (tăng 20,2% so với cùng kỳ năm 2022).

- Số Doanh nghiệp: 104 Doanh nghiệp (tăng 5,1% so với cùng kì năm 2022).

- Số lao động ATTT: 3.072 người (tăng 11% so với cùng kì năm 2022).

- Tấn công mạng tháng 8/2023 là 1.402 cuộc, tăng 54,6% so với cùng kỳ tháng 8/2022 (907 cuộc).

- IP botnet tháng 8/2023 là 450.328 địa chỉ, giảm 27,3% so với cùng kỳ tháng 8/2022 (619.610 địa chỉ).

Lĩnh vực chứng thực chữ ký số công cộng:

- Tổng Số chứng thư số công cộng đã cấp tính đến hết tháng 8/2023: 5.385.932 chứng thư số tăng 17,67% so với cùng kỳ năm 2022 (là 5.426.914 chứng thư số).

- Tổng số chứng thư số công cộng đang hoạt động tháng 8/2023: 2.196.000 chứng thư số tăng 19% so với cùng kỳ năm 2022 (là 1.845.370 chứng thư số).

Kinh tế số, xã hội số:

- Tỷ trọng kinh tế số/GDP Quý 2 năm 2023 ước tính đạt 15,26%, tỷ trọng kinh tế số/GDP 6 tháng năm 2023 là 14,96%.

- Tổng số lượng tải mới ứng dụng di động tháng 7/2023 đạt 339 triệu lượt, tăng 3% so với cùng kỳ tháng trước. Việt Nam xếp thứ 9 thế giới về tổng số lượt tải mới, chiếm gần 2,5% tổng số lượt tải toàn cầu. Tổng thời lượng người dùng điện thoại thông minh dành để truy cập các ứng dụng Việt Nam đạt khoảng 7,65 giờ/tháng/thuê bao, tổng số tài khoản hoạt động trên các ứng dụng di động Việt Nam đạt gần 500 triệu tài khoản.

Công nghiệp ICT:

Doanh thu từ lĩnh vực công nghiệp phần cứng, điện tử trong 08 tháng đầu năm 2023 ước đạt gần 1,9 triệu tỷ đồng (~80,8 tỷ USD) giảm 4,7% so với cùng kỳ năm 2022. Giá trị xuất khẩu sản phẩm phần cứng, điện tử ước đạt gần 72,8 tỷ USD, giảm 4,7% so với cùng kỳ năm 2022, chiếm khoảng 30% giá trị xuất khẩu của cả nước.

Báo chí – Truyền thông:

- Tính đến tháng 8/2023, thuê bao ước đạt 18.6 triệu thuê bao (Tăng 12.2% so với cùng kỳ năm ngoái, số liệu thuê bao truyền hình trả tiền đạt 16.57 triệu thuê bao)

- Số lượng doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền: Tính đến tháng 8/2023 có 34 doanh nghiệp được cấp Giấy phép cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền.

Từ 1/7/2023 đến 31/8/2022:

+ Facebook đã chặn, gỡ bỏ hơn 674 bài viết đăng thông tin sai sự thật, tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước, các thương hiệu, cá nhân, tổ chức (tỷ lệ 90%). Ngoài ra, gỡ bỏ 25 tài khoản giả mạo các cá nhân, tổ chức; 01 group giả mạo; 01 group độc hại với trẻ em.

+ Google đã gỡ 2.343 videos vi phạm trên Youtube (tỷ lệ 93%). Ngoài ra, xóa 10 kênh có nội dung chống phá Đảng, Nhà nước (chứa khoảng 22.500 video).

+ TikTok đã chặn, gỡ bỏ 64 link vi phạm, đăng tải thông tin sai sự thật, nội dung tiêu cực (tỷ lệ 92%).

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông

(https://mic.gov.vn/mic_2020/Pages/TinTuc/159748/Bo-Thong-tin-va-Truyen-thong-to-chuc-Hoi-nghi-Giao-ban-quan-ly-nha-nuoc-quy-III-2023.html)