Bộ Thông tin và Truyền thông giao ban quản lý nhà nước tháng 8/2023
Chiều ngày 28/8/2023, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã chủ trì Hội nghị giao ban quản lý nhà nước tháng 8/2023.
Dự Hội nghị có các Thứ trưởng: Phạm Đức Long, Nguyễn Thanh Lâm và lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ; đại diện Văn phòng Bộ tại TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng; các cán bộ của Bộ đang biệt phái tại các Bộ, ngành, địa phương; lãnh đạo Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện VTC; Văn phòng Đảng uỷ, Văn phòng Ban Cán sự Đảng, Công đoàn TT&TT Việt Nam, Bí thư Đoàn Thanh niên Bộ TT&TT. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Tổ chức nhiều sự kiện ý nghĩa vào Ngày hội của Ngành (28/8)
Nhân dịp Kỷ niệm Ngày truyền thống ngành TT&TT và Quốc khánh 2/9, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng gửi lời chúc tới tất cả các cán bộ, người lao động trong Ngành nghỉ lễ vui vẻ, mạnh khỏe, hạnh phúc.
Bộ trưởng cho biết, Ngày truyền thống ngành Bưu điện là 15/8 nhưng ngày 28/8 là Ngày chung của khối công nghệ số và báo chí, truyền thông. Hiện nay, những người công tác trong ngành TT&TT có hơn 1,5 triệu người và có tới 60 - 70 nghìn doanh nghiệp. Ngành TT&TT như là đôi cánh để đất nước phát triển. Báo chí, truyền thông, mạng xã hội do Bộ quản lý đã chạm đến 100% người dân. Công nghệ số cũng tương tự. Theo đó, Bộ trưởng đề nghị các trưởng đơn vị, lãnh đạo đơn vị quan tâm đến cán bộ đơn vị mình, động viên khích lệ, quan tâm, cảm ơn cả những đơn vị có liên quan đã giúp đỡ đơn vị mình, giúp đỡ Bộ trong thời gian vừa qua.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng chỉ đạo Thứ trưởng Phạm Đức Long cần nghiên cứu, cân nhắc khởi động tổ chức ngày 28/8 thành ngày Hội với nhiều hoạt động vui, ý nghĩa, biến đây thực sự là ngày hội của đất nước, ngày hội của ngành TT&TT.
Bộ TT&TT phải thường xuyên cung cấp dữ liệu về Ngành cho cho báo chí, các tổ chức
Nhấn mạnh về việc cung cấp thông tin, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Bộ TT&TT phải cung cấp dữ liệu về Ngành để cho các cơ sở nghiên cứu, báo chí và các tổ chức nước ngoài có số liệu về Ngành, về đất nước mình để họ nghiên cứu, viết bài, xếp hạng Việt Nam.
Bộ trưởng chỉ đạo, hàng quý, các Cục, đơn vị của Bộ phải cung cấp số liệu lên trang web của đơn vị mình và Bộ sẽ tổng hợp trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ. Bộ trưởng giao Trung tâm Thông tin chủ trì và xây dựng văn bản về quy định cung cấp thông tin, số liệu cho các cơ quan báo chí, các tổ chức nước ngoài.
Nhấn mạnh về hoạt động cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí, các tổ chức nước ngoài, Bộ trưởng cho biết, các bài viết định hướng, các bài phát biểu của Bộ trưởng đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ, Vietnamnet là để mọi người khi cần thì tìm được. Do vậy, các bài phát biểu trên Cổng thông tin điện tử của Bộ, Vietnamnet phải bổ sung nhiều từ khoá để có thể dễ dàng tìm kiếm, tra cứu.
Chia sẻ tại hội nghị về việc “thấy sai thì sửa”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, vừa qua, có văn bản của Bộ vừa ban hành, nhưng thấy không phù hợp và có sự phản ánh của người dân, doanh nghiệp thì văn bản đã được sửa kịp thời. Đồng thời, phải coi đây là việc tốt. Việc Bộ ra quyết định sửa một số nội dung trong Thông tư về 5G do Bộ ban hành là trên tinh thần này. Đây là việc đáng khen, cũng là cách nhìn, cách tiếp cận mới đáng học hỏi.
Toàn cảnh hội nghị giao ban quản lý nhà nước tháng 8/2023
AI cần được phổ cập và thâm nhập vào mọi lĩnh vực, mọi công việc hàng ngày của người dân, doanh nghiệp
Về ứng dụng AI trong các lĩnh vực, Bộ trưởng cho rằng, AI đã qua giai đoạn khám phá, nghiên cứu và đã bước vào giai đoạn ứng dụng. Vì vậy, AI cần được phổ cập và thâm nhập vào mọi lĩnh vực, mọi công việc hàng ngày của người dân, doanh nghiệp
AI đã bước vào giai đoạn giúp tăng năng suất lao động, giảm giá thành, tạo ra giá trị mới. AI giờ trở thành điện của CMCN lần 2, động cơ hơi nước của cuộc CMCN lần thứ 1. Bộ trưởng giao Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng chỉ đạo soạn thảo chương trình hành động quốc gia về ứng dụng AI trong chuyển đổi số, chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.
Gợi ý cho VNPost về việc ứng dụng AI trong sản xuất kinh doanh, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chỉ ra rằng, Bưu điện Việt Nam có thể áp dụng việc tìm đối tác AI cho tiếp cận số liệu, quá khứ mà VNPost đã thu thập nhiều năm nay để phân tích, tìm ra chi phí hiệu quả, không hiệu quả, tìm ra nguyên nhân chất lượng dịch vụ suy giảm của từng khâu, từng địa bàn. Nếu làm điều đó, chỉ 3 tháng sau Bưu điện Việt Nam sẽ có sự thay đổi đáng kể.
Việc thứ 2 mà Bưu điện Việt Nam cần làm đó là, đưa lên online một số khâu của quá trình sản xuất kinh doanh. Bưu điện Việt Nam chỉ cần đưa được thêm một khâu trong quá trình sản xuất kinh doanh lên online là toàn bộ quy trình này tăng tốc. Tương tự như thế, các đơn vị khác cũng vậy. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh thêm.
Sự phát triển lĩnh vực TT&TT trong tháng 8/2023: Bưu chính: - Doanh thu dịch vụ bưu chính ước đạt 4.750 tỷ đồng, tương đương tháng 7/2023 và tăng trên 6% so với tháng 8/2022; sản lượng bưu gửi ước đạt 186 triệu bưu gửi, tương đương tháng 7/2023 và tăng trên 15% so với tháng 8/2022. Sản lượng bưu chính KT1 tháng 8/2023: Tổng sản lượng tính đến hết ngày 20/8/2023 đạt 70.461 bưu gửi, giảm 2% so với cùng kỳ năm 2022 (71.895). Viễn thông: - Tỷ lệ hộ gia đình sử dụng cáp quang đạt 78,3% tăng 6,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Mục tiêu năm 2023 đạt 84% tỷ lệ hộ gia đình sử dụng cáp quang. - Số thuê bao băng rộng cố định đạt 22,3 triệu thuê bao (tương ứng với tỷ lệ 22,4 thuê bao/100 dân), tăng 7,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Mục tiêu đến tháng 12/2023 đạt 25 thuê bao/100 dân. - Số thuê bao băng rộng di động đạt 86,6 triệu thuê bao (tương ứng với tỷ lệ 87,07 thuê bao/100 dân), tăng 6,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Mục tiêu đạt đến tháng 12/2023 đạt 90 thuê bao/100 dân. - Thuê bao điện thoại di động sử dụng SMP ước đạt 101,2 triệu thuê bao tăng 7,77% so với cùng kỳ năm ngoái, tăng 7,3 triệu thuê bao. Chuyển đổi số: Triển khai Tổ Công nghệ số cộng đồng (CNSCĐ) tính đến ngày 22/8/2023: Cả nước 63/63 tỉnh, thành phố đã thành lập 74.818 Tổ CNSCĐ và 351.159 thành viên tham gia Tổ CNSCĐ cấp xã, thôn, phố; 52/63 tỉnh, thành phố hoàn thành 100% đến cấp xã. - Triển khai Nền tảng học kỹ năng trực tuyến mở đại trà: Nền tảng được khai trương từ đầu tháng 5/2022, đến 22/8/2023 đã có 18,053 triệu lượt truy cập vào nền tảng học trực tuyến mở đại trà. - 100% Bộ, ngành, địa phương đã ban hành kiến trúc CQĐT 2.0 (22/22 bộ, ngành và 63/63 tỉnh, thành phố xây dựng, cập nhật Kiến trúc 2.0). - Số Bộ, ngành, địa phương đã ban hành NQ, CT về CĐS: 4/22 bộ, ngành; 63/63 địa phương. - 100% Bộ, ngành và địa phương đã kiện toàn, thành lập Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số. - 100% Bộ, ngành và địa phương đã ban hành Kế hoạch/Đề án về chuyển đổi số (22/22 bộ, ngành; 63/63 tỉnh, thành phố). Chính phủ số: - Về kết nối, chia sẻ dữ liệu thông qua Nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP): - Số cơ quan kết nối: 98 Bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức ở Trung ương. - Tổng số CSDL/HTTT/Nền tảng số đã kết nối, chia sẻ dữ liệu trên NDXP: 23 - Tổng số giao dịch năm 2023 (tính đến ngày 23/8/2023): 364.762.969; hàng ngày có trung bình khoảng 1,57 triệu giao dịch. (Kế hoạch năm 2023: 860 triệu giao dịch). - Tổng số giao dịch kể từ khi đưa vào sử dụng: 1,386 tỷ giao dịch chính thức. An toàn thông tin: - Doanh thu đạt 410 tỷ đồng, tăng 20,2% so với tháng 8/2022. - Nộp ngân sách nhà nước: 28,7 tỷ đồng (tăng 19,6 % so với cùng kỳ năm 2022). - Lợi nhuận: 41 tỷ đồng (tăng 20,2% so với cùng kỳ năm 2022). Kinh tế số, xã hội số: - Tỷ trọng kinh tế số/GDP Quý 2 năm 2023 ước tính đạt 15,26%, tỷ trọng kinh tế số/GDP 6 tháng năm 2023 là 14,96%. - Tổng số lượng tải mới ứng dụng di động tháng 7/2023 đạt 339 triệu lượt, tăng 3% so với cùng kỳ tháng trước. Việt Nam xếp thứ 9 thế giới về tổng số lượt tải mới, chiếm gần 2,5% tổng số lượt tải toàn cầu. Tổng thời lượng người dùng điện thoại thông minh dành để truy cập các ứng dụng Việt Nam đạt khoảng 7,65 giờ/ tháng/ thuê bao, tổng số tài khoản hoạt động trên các ứng dụng di động Việt Nam đạt gần 500 triệu tài khoản. Báo chí – Truyền thông: - Tính đến tháng 8/2023, thuê bao truyền hình trả tiền ước đạt 18,6 triệu thuê bao (Tăng 12,2% so với cùng kỳ năm ngoái, số liệu thuê bao truyền hình trả tiền đạt 16,57 triệu thuê bao) - Số lượng doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền: Tính đến tháng 8/2023 có 34 doanh nghiệp được cấp Giấy phép cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền. - Từ 28/7/2023 đến 22/8/2023: + Facebook đã chặn, gỡ bỏ hơn 295 bài viết đăng thông tin sai sự thật, tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước (tỷ lệ 90%), gỡ 01 tài khoản giả mạo các cá nhân, tổ chức. + Google đã gỡ 764 videos vi phạm trên Youtube (tỷ lệ 95%). + TikTok đã gỡ bỏ 30 link vi phạm, đăng tải thông tin sai sự thật, nội dung tiêu cực (tỷ lệ 92%). Trong đó xóa 03 tài khoản livestream bình luận xuyên tạc về chủ quyền lãnh thổ Việt Nam, 12 tài khoản xuyên tạc, bôi nhọ lãnh tụ, 03 tài khoản thường xuyên đăng tải nội dung chống phá Đảng, Nhà nước./. |
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông